Hàng cây Sao đen và vương quốc cò lả


Tác giả: Hồ Viết Thịnh
25/03/2012 08:26 (GMT+7)
Số lượt xem: 67327
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cây Sao đen đã tồn tại qua bao nhiêu năm tháng chiến tranh khốc liệt, thế nhưng trước trước ý thức của một bộ phận người đô thị, số phận của cây trở nên chênh vênh hơn bao giờ hết.


Hàng chục cây sao đeo đều tăm tắp kéo dài suốt con phố Lò Đúc (Hà Nội) đã lưu dấu kỷ niệm với rất nhiều người sinh ra và lớn lên hoặc có dịp qua đây. Thủa ấy, trên những vòm cây xanh ngợp màu lá, những cánh cò vẫn dập dìu bay về làm tổ.

Giờ đây, hàng sao đen vẫn còn đó, nhưng hình ảnh những đàn cò thả cánh rợp phố đã trở thành kỷ niệm, hàng cây cũng trơ hanh như mất đi một phần hồn cốt.

Phố  xưa cò lả

Đã thành thói quen, mỗi buổi chiều muộn ông Lê Đình Ước lại thả bước trên vỉa hè để tìm lại ký ức tuổi thơ của mình khi phố vẫn còn hình bóng những cánh cò. Nhìn lên căn nhà số 48, ông nói: "Khi còn nhỏ, chúng tôi vẫn trèo lên ban công nhà ấy để xem cò. Cò đậu nhiều lắm, lấp hết màu xanh của lá cây". Chỉ xuống lề đường, nơi đang nhộn nhịp những dòng người qua lại, ông Ước nói thêm: "Ngày trước, cũng vào khoảng mùa là rụng, lá cây sao đen trải một lớp thảm dài đến mấy phân trên đường".

Thủa xưa, con phố này vẫn nằm ngoài thành Hà Nội cũ dẫn ra cửa ô Đông Mác nên cũng vắng người lại qua. Bởi thế nên, đây chính là chốn đất lành của những đàn cò từ các đầm lầy lân cận Hà Nội mỗi chiều bay về trú ngụ. Có những lúc đàn cò lên đến cả hàng vạn con, bay dập dìu trắng xóa cả vùng trời, tiếng kêu vang rộn khắp khu phố nhỏ. Cò đậu nhiều đến nỗi, oằn hết các cành cây, phân cò rắc xuống cũng nhuộm trắng cả đường. "Hà Nội khi đó phương tiện giao thông vẫn chủ yếu là xe đạp, rất nhiều người đi bộ..thế nên cứ mỗi lần đi ngang qua phố này, thể nào cũng dính phân cò...phố Lò Đúc, cũng được gọi là phố cò ỉa hay vương quốc cò lả từ đó" - ông Ước nói.

Tác động của con người và tự nhiên đã khiến cho hàng sao đen trở nên tiêu điều. Ảnh: VT

Nhẩn nha trên phố Lò Đúc, hình ảnh về con phố của những ngày rất xưa ấy dường như vẫn còn vương vất lại. Những hàng sao đen đều típ tắp, nhìn từ xa như những hàng binh sừng sững bao bọc lấy lề phố. Những ngày hè, cây ưỡn mình ra che lấy cái oi nồng của nắng nóng, thu sang lớp vỏ cây màu đen tự dưng nứt toác để lộ ra lớp vỏ lụa bên trong trắng mướt như ngà, góp thêm chút sắc màu của phố phường mỗi độ thu sang.

Hàng cây sao đen ở phố Lò Đúc kéo dài từ số nhà 1 đến nhà số 77, hiện còn 59 cây. Những cây sao cổ thụ, đường kính khoảng 1m, số còn lại thường 70-80 cm, cao15 đến 20 mét. Theo Cty Công viên cây xanh Hà Nội, nội thành thủ đô có trên 30.000 cây xanh do công ty quản lý; trong đó có ngót 100 loài cây được trồng trên các tuyến phố.

Gắn bó với con phố này gần hết một đời người, bà Nguyễn Thị Vân, nguyên là công nhân của nhà máy rượu Hà Nội, vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa giải thích về lịch sử của con phố và hàng cây. Theo bà Vân, những cây sao đen này có nguồn gốc xuất xứ từ phương Nam, đến những năm đầu của thế kỷ XX, cây sao đen mới chính thức "nhập tịch" vào Hà Nội, và nơi đầu tiên trồng cây sao đen chính là phố Lò Đúc. "Như thế, cây đã có lịch sử hơn trăm năm, hơn cả một đời người đấy nhé" - bà Vân nói. Cũng như rất nhiều người dân nơi đây, tuổi thơ của bà Vân đã chứng kiến sự đổi thay của con phố, của những hàng cây sao đen này. Đàn cò trắng trên phố đem lại một không khí thiên nhiên, gần gũi cho người dân, nhưng cũng để lại không ít phiền toái. Thủa ấy, ai có dịp đi ngang đều phải che chắn thân mình thật kỹ bằng những chiếc áo mưa, hoặc áo sơ mi dài mặc ngoài. Có người lần đầu đi ngang, cứ thấy bên bết trên đầu, sờ tay lên mới biết đã bị phân cò rắc đầy một mảng.

Người lớn bực bội vì trở thành nạn nhân của đàn cò bao nhiêu, thì đám trẻ nhỏ lại thích thú bấy nhiêu, ông Nguyễn Văn Lâm, thế hệ thứ ba sinh ra và lớn lên ở phố Lò Đúc nhớ lại, lúc còn là một đứa trẻ mười một tuổi, cứ mỗi buổi sáng sớm ông lại cùng đám bạn đứng dưới hàng sao đen đợi cò về, có khi chỉ để được nghe âm thanh rộn rã của chúng, có khi lại cầm rổ, cầm rá chạy theo đợi hứng những con cá, con tôm mà cò mẹ kiếm được đem về cho con đánh rơi.

Cùng với hàng chục cây sao đen, phố Lò Đúc còn gắn với cây đa nhà bò, cạnh nhà hộ sinh. Hầu hết những người cư ngụ ở phố này những năm trước đều chào đời ở nơi đây. "Chỗ đó vốn có một cái chuồng bò của người Ấn Độ, sau đó nhà nước ta mới cải tạo xây dựng thành nhà hộ sinh" - Ông Lê Đình Ước giải thích về nguồn gốc của tên gọi. Cũng theo ông Ước, nhà ông có mấy người con thì tất cả đều chào đời ở cây đa nhà bò. Rồi không biết ai bảo ai, người dân mỗi khi đến đây sinh nợ đều có thói quen thắp hương dưới cây đa ấy. Năm 1946 khi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến phát ra, thanh niên tự vệ Hà Nội đã họp và quyết: "Sẵn sàng đợi lệnh, thề sống chết với thủ đô. Lúc này Tổ quốc là trên hết, dân tộc là trên hết" ngay dưới gốc cây đa nhà bò này.

Tiếc nuối phố xưa

Hàng cây sao đen và những đàn cò trắng tưởng như là hai hình ảnh không thể tách rời của phố Lò Đúc. Thế nhưng, hình ảnh ấy chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian ngắn ngủi, để rồi mỗi ngày người dân thức dậy lại thấy vắng đi những bóng cò, thưa đi những tiếng kêu khi cò về trú ngụ.

Hàng sao đen như những tiêu binh bao bọc lấy lề phố. Ảnh VT

Nguyên nhân về sự biến mất của đàn cò trên những hàng cây đen được giải thích theo nhiều cách khác nhau. Có người bảo, trong thời kỳ kháng chiến chống pháp, chống Mỹ tiếng súng đạn của giặc thù, rồi tiếng loa báo động trên nhà hát lớn đã làm cho cò hoảng sợ mà bay đi. Còn ông Nguyễn Đình Ước lại khăng khăng với chúng tôi, cây sao đen chỉ vắng bóng cò khi có chủ trương của thành phố phải xua đuổi cò để khỏi làm ảnh hưởng đến văn minh đô thị, vì cò phóng uế quá nhiều xuống người đi đường. Vậy là, trẻ con thì dùng súng nạng, người lớn dùng những khẩu súng săn xua đuổi cò đi. Lại có người quả quyết, cò bỏ phố chỉ vì nhịp sống đô thị dần đậm đặc, người qua lại đông hơn, cò không còn cảm thấy an toàn nữa nên mới phải tìm nơi cư ngụ khác. Giải thích theo cách nào đi nữa, đàn cò cũng chỉ còn trong ký ức của nhiều người. Hàng sao đen vẫn đó, khẳng khiu và thay lá mỗi độ thu sang, nhưng vắng đi đàn cò tự nhiêu hàng cây cũng đượm buồn. Người dân nơi đây chỉ còn biết trân trọng những gì còn lại, chăm bẵm những cây sao đen, coi đó như những nhân chứng của lịch sử và hiện thân của thời gian. Bởi đã lâu, với họ bóng cây đã hóa hồn người, trở thành một phần không thể thiếu của phố phường.

Hàng cây sao đen không chỉ còn trong tiềm thức mà còn đi vào thơ ca, đọng lại trong những trang viết đã hoen ố màu thời gian. Hình ảnh cây sao đen khẳng khiu phảng phất trong ký sự "cây và tuổi thơ tôi" của nhà văn Đào Vũ, còn nhà thơ Thế Hùng lại lấy cảm hứng từ hàng cây ấy mà cảm tác viết nên "Mưa lá" với những câu thơ dập dìu kỷ niệm:

Thu vàng trên tay

Mùa đông về nhanh quá

Phố Lò Ðúc

Cò vẫn bay về....

Thế nhưng, hàng cây sao đen từng được ví như những thân hình lực sĩ ấy giờ đã mang trên thân mình bao nhiêu vết thương do chính con người gây ra. Dẫn tôi đến cây sao đen ở gần số nhà 58, ông Nguyễn Đình Cừ, Tổ trưởng tổ dân phố số 6, phường Đồng Nhân xót xa nói: "Những thế hệ lớn lên sau đã coi thân cây thành nơi đóng đinh treo biển, họ bức tử cây, hủy diệt cây từng ngày". Cây sao đen đã tồn tại qua bao nhiêu năm tháng chiến tranh khốc liệt, thế nhưng trước trước ý thức của một bộ phận người đô thị, số phận của cây trở nên chênh vênh hơn bao giờ hết.

http://tuanvietnam.net/2012-03-23-hang-cay-sao-den-va-vuong-quoc-co-la


Âm lịch

Ảnh đẹp