Đã đi đã đến cuối trời
Đã về như vẫn muôn đời đã đi
Thi sĩ Bùi Giáng đã nói như thế. Dường như muốn nói với Trần Đới,
một nhà thơ lãng tử lang thang, suốt một đời như mây trắng nghìn phương.
Bước đi từ Tảo Mộ Lênh Đênh (1973) đến Trăm Năm Đèo Biển Lăng Cô (2006)
là một cuộc hành trình sinh tử, trải qua vô số đoạn trường, ngược nẻo
xuôi dòng, rong rêu lữ thứ, ngút ngàn cát bụi hoang lương giữa nhân gian
trường mộng.
Phong trần cuộc lữ mênh mang, kéo dài hơn 30 năm
trời đằng đẵng, với một túi thơ bầu rượu và thường lấy hiên chùa, góc
chợ, vỉa hè làm quán trọ qua đêm.
Đêm rồi ngày, tháng rồi năm, thi nhân vẫn miệt mài mải miết làm thơ, trên những bến bờ khói sương lãng đãng:
Bụi đời lấm tấm lên trang
Bài thơ viết giữa hai hàng tỉnh say
Say
hay tỉnh, thực hay mộng, sống hay chết, đến hay đi… cũng chỉ là hai mặt
của một thực tại trọn đầy viên dung vô quái ngại. Với phong thái phiêu
bồng, hoát nhiên vô sự, nhà thơ nghiêng vai quảy túi càn khôn vũ trụ, đi
giữa mười phương vô sở trú với một tấm lòng không biên giới, vượt ngoài
không gian và thời gian để rong chơi giữa phù vân nhân thế:
Nơi nào cũng một hương quê
Một tâm vũ trụ bốn bề thời không
Mười phương chung một tấm lòng
Ba đời một cõi vô cùng trước sau
Ba
đời là quá khứ, hiện tại, vị lai đều gặp nhau giữa cái đang là, ngay
bây giờ và ở đây, ngay trong trái tim nhịp thở, với trời mây nhật nguyệt
cùng ru điệu du dương, thư thả hòa hài:
Trái trời trái đất ru nhau
Trái tim chung thủy qua cầu sắc không
“Sắc
tức thị không, không tức thị sắc” là cốt tủy của Tâm Kinh Bát Nhã đã
tiêu dung vào hồn thơ một cách diệu kỳ. Đó là lý Bất Nhị, bình đẳng đến
chỗ Nhất Như. Chẳng còn phân biệt nào giữa không và có, khổ và vui, luân
hồi và Niết-bàn, chợ búa và đạo trường, phiền não và Bồ Đề, vô minh và
Phật tánh. “Tánh thực vô minh tức Phật tánh”, thiền sư Huyền Giác đã
phát biểu như vậy trong Chứng Đạo Ca.
Cảm nhận, thấy ra và trực
ngộ được điều đó, nên nhà thơ Trần Đới tha hồ cất bước tiêu dao, dạo gót
thênh thang, ngoạn mục giữa muôn trùng cuộc lữ phiêu linh, thấu thị:
Đi cho nát sọ tan người
Về cho lủng đất chìm trời mới yên
Viễn
phương hành, dấu chân biển núi không để lại vết tích như cánh nhạn bay
qua sông nước, không lưu hình bóng dưới dòng trôi. Chim vẫn bay, nước
vẫn chảy trong sự luân lưu đầy mới mẻ mới lạ:
Kiếp cây kiếp lá không nhà
Kiếp anh lang bạt tình ta hóa gần
Đất người từng hạt bảo trân
Tình anh yêu lá có phần cao hơn
Yêu
thương tất cả là tình yêu vô điều kiện, khởi từ ánh huy hoàng sáng chói
rực ngời giữa lòng thơ hoằng viễn đại bi tâm, âm thầm lặng lẽ mà thâm
thúy vi diệu:
Ngày ngày mở mắt mà yêu
Lá chờ thêm nắng chim kêu thêm đàn
Bụi đời lấp lánh hào quang
Sớm xanh phố trắng chiều vàng chợ đông
Thõng
tay vào chợ làm hài nhi nghêu ngao hát khúc Phóng Cuồng Ca của Tuệ
Trung Thượng Sĩ, vi vu vi vút trên cung bậc tự do tự tại, như thị như
nhiên:
Hài nhi từ thuở qua miền
Sóng treo đầu ngọn gậy thiền phong ba
Chân tình đất rót vào da
Hương người vẳng một bài ca muôn trùng
Lời
thơ tiếng nhạc vang lên chuếnh choáng từ cõi tịch mịch vô ngôn, nơi
chốn miền không có đâu mà vẫn thường nghe đồng vọng trong lai láng bồi
hồi:
Lối xưa về chợt bây giờ
Hư không rộng trải giữa bờ cõi tâm
Cõi Tâm hay Cõi Lòng chính là cố quận, quê nhà, nên thi sĩ quy hồi trên cách điệu thong dong giữa trời mộng đất thơ:
Trở về cùng gặp lối đi
Xưa sau mỗi bước hồi quy đang là
Quê mình tĩnh tại bao la
Tâm dừng tánh lặng gặp ta nằm cười
Đó là điệu cười niêm hoa vi tiếu phiêu nhiên, rất mực phóng khoáng như gió như mây:
Gặp nhau mỉm nụ cười đầy
Đêm Linh Sơn tự kể ngày Lãnh Nam
Làm
thơ và sống trọn vẹn như thơ, thi sĩ Trần Đới đã đi tận chân trời góc
bể của tâm thức, đã về giáp mặt tuyệt cùng với tâm linh, với bản lai
diện mục của chính mình, cho nên cảm hứng dạt dào, hào phóng trao tặng
cho cỏ cây hoa lá và vạn vật muôn loài khắp đó cùng đây:
Vài hàng lục bát hôm nay
Gởi về đâu có tháng ngày ngây thơ
Tặng hoa và lá cõi bờ
Trao em một giọt vàng tơ tiếng lòng
Phải chăng, đó là tiếng lòng gởi thiên cổ xưa sau:
Trái tim có nhịp nhiệm mầu
Băng qua giới hạn cây cầu vô biên.
Nguồn Tập San Pháp Luân77