17/01/2011 21:00 (GMT+7)
Số lượt xem: 3115
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tết của tôi ở thủ đô châu ÂuĐã bao nhiêu cái Tết ta rồi nhỉ? Tôi tự hỏi, chắc là lâu lắm rồi, mà tôi làm gì có được cái diễm phúc thấy lại được cái Tết Sài Gòn, đó là một giấc mơ.

 Giao thừa với tiếng pháo giao thừa và pháo hoa cảng Nhà Rồng nghe thì gần mà sao xa quá đối với tôi. (Thy Nguyen, Bỉ)

Hàng ngày, tôi vẫn đi làm như mọi người, phải đi học sau giờ làm và ngày cuối tuần, cái rét mùa đông phủ đầy tuyết, làm ai cũng chạnh lòng nhớ những ngày Tết đến. Nơi tôi ở, nằm trong lòng thủ đô châu Âu, những ngày Tết Tây, đường treo đèn hoa rực rỡ nhưng sau tuần đầu tháng một thì lại bị kéo xuống.

Những ngày giáp Tết ở Sài Gòn, đường phố đầy đèn màu ở trung tâm, chợ hoa Nguyễn Huệ sặc sỡ, người đi xe trên đường phố tấp nập đông đúc,thời tiết mát mẻ vào ban đêm mặc dù cái nóng bức ban ngày, những ngày này cha mẹ và chị tôi tất cả đều ra chợ hoa mua những cây mai, cây hạnh, hoa cúc, hướng dương mang về nhà trang trí, treo thiệp lì xì lủng lẳng trên cây mai, treo đèn chớp tắt, tôi vẫn nhớ mãi những ngày ấy.

Xứ người, lúc nào nhà tôi, cũng trang trí cây thông ngày Noël, tôi trang trí và giữ rất lâu, cho con gái của tôi ngắm mỗi ngày cho đến giữa tháng hai tôi mới cất vào, mà Tết ta lúc nào cũng rơi vào cuối tháng một hay đầu tháng hai dương lịch ,nên cái không khí đèn hoa Tết ta cho người Việt nơi tôi sống không có cảm giác rạo rực như những ngày giáp Tết tại Sài Gòn.

Nghe tiếng là trung tâm thủ đô châu Âu, mà thực sự người Việt nơi tôi sống chẳng là bao, nghe thống kê gần ba ngàn người Việt. Ngoài gia đình chồng tôi Việt lẫn Tây, chủ tiệm bán đồ ăn Việt Nam thì tôi chẳng còn quen ai khác là người Việt. Nó hiếm hoi đến thế, sao vậy? Vì nơi tôi làm và học đâu có ai là người Việt! Làm gì có được sự giao tiếp với người Việt mà nhớ tới Tết ta, tôi hình như cũng quên dần và với thói quen Tết Tây.

Năm ngoái ngày mười ba tháng hai, hôm đó là cuối tuần, tôi vào lớp học, vào giờ nghĩ giải lao, tôi ăn trưa, một bạn cùng lớp hỏi tôi?

"Khi nào thì Tết của mày? Mà người Tây hay gọi là Nouvel An Chinois?"

"Chắc là sắp tới rồi", tôi giật mình và liền suy nghĩ.

"Nhưng người Việt tụi này gọi là Nouvel An Vietnamien", tôi nói tiếp.

Sau giờ học tôi về nhà, lên Internet xem lại ngày âm lịch và dương lịch, trời ơi đó là ngày mồng một Tết ta. Vào chiều tối, khi chồng tôi về đến nhà tôi nói:

"Anh à, hôm nay là mồng một Tết ta".

"Vậy hả?", chồng tôi trả lời, vẻ hơi chút suy tư.

"Ngày mai mình đi chùa hén anh?", tôi đề nghị

"Ừ", chồng tôi đáp.

Ăn cơm tôi xong, chị chồng tôi gọi điện thoại thăm hỏi và mời gia đình nhỏ chúng tôi ngày mai sang nhà chị ăn Tết ta, như thường lệ hàng năm. Nhưng tôi chưa bao giờ tham dự, đây là lần đầu tiên tôi quyết định sang nhà gia đình chồng tôi dự Tết Nguyên Đán.

Sau cuộc thảo luận với chồng, chúng tôi quyết định sau khi đi chùa, tối đến thì sang nhà chị dự Tết. Tìm ra địa chỉ của chùa Việt Nam trên Internet, tôi vội vàng ghi vào máy GPS hướng dẫn chỉ đường. Sáng Chúa Nhật, lần đầu tiên đi lễ chùa Việt Nam tại xứ người với chồng và con gái, trong cái giá lạnh mùa đông, nhưng may thay không phủ tuyết ngày đó. Đến cổng chùa, tôi bắt đầu thấy lác đác vài ngừơi Việt Nam, Tây cũng có bước vào. Người Việt nữ hay vài bé gái Việt Nam thì mặc áo dài truyền thống không kiểu cách, đơn giản, đàn ông thì ăn mặc bình thường như những ngày công sở.

Cổng chùa, chỉ là cửa một ngôi nhà bình thường, bên trên có lát gạch tráng men hình mái nhà Việt Nam màu xanh lá cây đậm dài khoảng một mét, nếu không chú ý chắc chẳng ai biết đó là ngôi chùa Việt Nam. Chạnh lòng, nghĩ đến cái Tết quê nhà, ôi sao vui quá cỡ, tôi đứng lại trước cổng chùa vài phút suy gẫm và nghĩ: "Sao không có mùi thơm của nhang, của hoa, tiếng gõ mõ của chùa, tấp nập người ra vào, người xem bói quẻ đầu năm".

Cha tôi thường nói vào tối đêm giao thừa và vào mùng một Tết, khi chúng tôi ngồi ăn quây quần:

"Năm cũ đi qua, năm mới đến Tết. Năm mới phát tài"

"Mùng một Tết cha, mùng ba Tết thầy".

Tất cả hiện trong tôi một khoảng khắc thật ngắn ngũi, lòng tôi se lại. Rồi bỗng giật mình nghĩ ra mình đang ở giữa lòng thủ đô châu Âu.

Thế rồi, lòng tôi như ấm lại không khí Tết ta ở quê nhà khi tôi bước vào chùa, nhìn xung quanh, thấy có bày một cái bàn vài người Phật tử đứng bán đồ ăn chay, nào là chả giò, bì cuốn, sườn dim xả, sườn rang ngọt, mì ăn kho xả, kho thập cẩm, cá kho tộ, farci bắp cải, farci ớt, farci đậu, xá xíu bánh mì, mắm thái, chả lụa, xào thập cẩm, xào mì, canh chua, canh khổ qua, cary, bún bò huế, v.v... các thứ bánh: bánh chưng, bánh chuối, bánh cam, bánh ít, bánh bao, bánh gìo, bánh gai, bánh cúc, bánh xu xê, bánh bột lọc, bánh cuốn, xôi vò, chè, v.v...ôi thôi vui quá, tôi đếm không xuể vì lâu lắm rồi tôi đâu có thấy mấy thứ này đâu!

Tôi nghĩ thầm, lên lầu cúng vái xong, tôi lại mua một mớ mang về. Sau khi khấn lại cúng dường, tôi ra mua ngay nhiều thứ, tay xách nách mang, hì hục chạy ra xe cất, báo với chồng tôi nên ăn ngay cho ngon, nhưng chồng tôi nói: hình như bên trong có đồ ăn chay đãi Phật tử viếng chùa, chồng tôi vô ngay và nếm một vài món trên bàn xếp sẵn cho khách, anh ăn trông ngon miệng.

Tôi ngồi chờ, và đi dạo xung quanh, thấy có một tấm bảng treo thông báo nội dung chương trình Tết Nguyên Đán của chùa, trong đó có phần múa lân, phần này là tôi thích nhất. Tôi nén lại xem múa lân, vì lâu lắm tôi không nhìn thấy nơi xứ người. Chờ khoảng hơn một giờ đồng hồ, thế là đoàn múa lân đến, nhưng trông thật vui vì Tây mặc đồ múa lân, chứ không phải ta. Chỉ có một trưởng đoàn múa lân là ngưởi Hoa, nói đoàn múa lân cho oai chứ thật ra là chỉ có một con lân nhỏ và hai người múa cùng ba người đánh trống mà thôi. Làm sao mà tôi không nhớ đến đoàn lân ở Sài Gòn Chợ Lớn, ôi thôi nào người là người tiếng trống rộn ràng vui khôn kể.

Thấy đoàn lân con gái tôi hỏi ?

"Con gì vậy mẹ?".

"Con lân", tôi trả lời

"Tại sao nó đến múa", con tôi hỏi

"Để chào mừng ngày Tết Nguyên Đán và sư thầy, cùng mọi người, rước mai mắn vào nhà", tôi giải thích .

"Khi nào nó múa nữa?", con tôi hỏi tiếp

"Năm sau nhe con", tôi nói .

Sau khi sư thầy làm lễ cúng xong và cho lộc, sư thầy xuống dự múa lân và sư cô tặng tiền lì xì cho đoàn múa lân. Sau tràn pháo nổ giòn, tiếng trống bắt đầu, người đánh trống gõ vào điều nhịp, xe chạy phải ngừng cho đoàn múa lân được diễn ra trong hơn mười lăm phút. Tất cả phong tục này hình như là thường lệ của chùa nơi này hàng năm, nên họ cũng chẳng than phiền , chứ ở đây chỉ dừng lại vài phút là họ nổi cáu và nhấn còi in ỏi, sau màn trình diễn giữa đường, đoàn lân được nhiều người cho lì xì, chắc cũng bộn. Trước khi kết thúc, đoàn lân lạy tạ sư thầy và các Phật tử. Tiệc tan, chúng tôi lên xe về nhà, trên đường về ghé sang chợ trong trung tâm, tôi liền mua mấy bao lì xì, rồi chờ đến tối đi dự tiệc.

Về đến cửa nhà, cô hàng xóm tôi thấy chúng tôi về, ăn mặc không như thường lệ, cô ta hỏi:

"Khi nào Nouvel An Chinois?"

"Hôm nay", tôi trả lời

"Nhưng là Nouvel An Vietnamien", tôi nói tiếp

"Chúng tôi có ngày Tết Nguyên Đán trùng với Tết Trung Hoa chứ không phải Tết này là Tết riêng của Trung Hoa", tôi giải thích.

"Ngày Tết chúng tôi có chợ hoa nào là cây mai, cây đào, các loại hoa", tôi tiếp.

Tôi mời cô hàng xóm sang chụp hình cây thông Noël cho cô và con gái, mà tôi vẫn còn giữ đó, hình kỷ niệm Tết Nguyên Đán nơi xứ lạnh quê người, tôi kể về cái Tết và cho họ xem chương trình Tết trênVTV4 mà nhà tôi có hệ thống vệ tinh thu được. Thường khi tôi hay đi học vào ban đêm và cuối tuần nên chồng tôi theo dõi chương trình truyền hình nhiều hơn tôi.

Sau khi chụp hình xong, chia tay ra về, tôi chuẩn bị bao lì xì cho mấy đứa cháu bên chồng. Chúng tôi chuẩn bị sang nhà chị chồng để dự lễ. Bước vào nhà chị tôi, hai cháu gái lai Tây mặc áo dài trông xinh xắn, tôi nghĩ chị chồng tôi cũng giữ được cái phong tục này. Sau vài phút chờ đợi, tất cả mọi người cùng đến, chúng tôi bắt đầu đốt nhang khấn vái tổ tiên, trên bàn thờ vỏn vẹn đĩa trái cây nào bơm nho, hồng, cam vàng và một cái bánh chưng to một lọ thấp hương,hai cây đèn cầy.

Chẳng bù cho cái Tết quê nhà, mẹ tôi trưng bày đủ kiểu, tấm liễn mà mẹ tôi nhờ người ta viết ,đặt vào bàn thờ cùng chân cặp đèn cầy đánh bóng,và thêm mấy tấm đỏ đỏ có chữ vàng dán vào dưa hấu trông rất vui vẻ, nào là dừa, đu đủ, xoài các Xuân Lộc, gà luộc vàng tươi cháo huyết, đĩa gỏi, thịt kho hột vịt, thấy mà đói cả bụng.

Chúng tôi nhập tiệc, bàn tiệc chỉ có đĩa chả giò cùng salad, cơm chiên, gà nướng cùng với bánh kem. Sau màn này, chúng tôi chuẩn bị cho lì xì mấy đứa cháu, rồi chúng tôi trò chuyện, trên bàn có đĩa mứt nhỏ đủ loại như mứt bí, mứt dừa, mứt củ năng, vài hạt dưa và bình trà cũng được đặt với mấy cái tách nho nhỏ, kể chuyện năm qua, chuyện những ngày xuân vui vẻ ở Việt Nam.

Ngày Tết quê nhà sao mà vui đến thế, đi đến đâu cũng thức ăn, bánh mứt, nhận bao lì xì rồi đi ăn uống, xem phim hả hê, chơi bầu cua cá cọp v.v, kéo dài ít nhất gần cả tuần lễ. Lúc nào nhà cha mẹ tôi, trên bàn khách cũng đĩa bánh mứt, hết người học trò của cha tôi đến thăm và thấp nhang,đến gia đình con cháu cha mẹ đến viếng, bạn bè chúng tôi v.v, nào bao lì xì, bánh mứt cứ cho vào liên tục, tôi là người thường hay bỏ thêm bánh mứt vào khay, nên tôi nhớ rất rõ. Mẹ tôi chuẩn bị đủ loại mứt, nào là mứt dừa, mứt bí, hạt dưa, bánh bông lan, bánh kẹp, dưa hấu, nếu là khách thân mẹ tôi bảo tôi xuống bếp mang thêm tôm khô củ kiệu cùng bánh tét, thịt kho hột vịt… Thường thì mấy đứa cháu của cha mẹ tôi hay chúc cha mẹ tôi "sống lâu trăm tuổi, sức khỏe dồi dào", còn bạn bè chúng tôi thì chúc cho nhau những việc tốt cho năm sau "làm ăn phát tài, tiền vô như nước".

Chúng tôi kể chuyện đã xảy ra trong năm cũ và dự định cho năm mới ở xứ người, chúc nhau qua lại "năm mới sức khỏe dồi dào, muốn gì được đấy". Huyên thuyên vậy là khoảng mười giờ đêm, tiệc tàn chúng tôi trở về nhà, thế là xong cái Tết ta ở xứ người. Ngày mai trở lại công sở bắt đầu thứ hai đầu tuần, ăn giữa giờ trưa như thường lệ, mà là ngày mùng hai âm lịch, tôi vẫn bùi ngùi nhớ đến ngày mùng hai thăm bà nội rồi bà con dòng họ rất vui, nhận lì xì của ông bà cô bác... Được chạy xe trên đường, ngắm hết quần này rồi quần áo nọ, màu sắc rực rỡ trông đẹp mắt, xem ca nhạc Tết.

Ngày thứ ba là ngày mùng ba âm lịch, tôi chợt nhớ lời cha tôi, mỗi mùng ba Tết thường tôi cùng bạn bè đi thăm thầy cô cũ, kể cho thầy cô nghe những năm qua những thành đạt của chúng tôi sau đại học. Nhưng ngày này nơi đây, sau giờ làm việc tôi đến trường đại học và mang theo một gói quà cho cô tôi, tôi tặng cô:

"Tại sao?", cô tôi hỏi

"Hôm nay là Tết Nguyên Đán, và ngày này là ngày Tết thầy của người Việt Nam", tôi trả lời.

"Cám ơn em", cô hôn tôi và nói.

Tôi buồn rồi quay về chỗ, im lăng và học tiếp, trở về nhà, tôi ngồi nghĩ tới cha tôi "Một chữ vẫn là thầy".

Bao nhiêu năm xa quê, lòng tôi vẫn nhớ hoài ngày Tết cổ truyền của dân tộc, mặc dù ngày chính xác rất khó nhớ nếu không nhờ qua truyền hình hay Internet, nhưng trong tâm trí người xa quê lúc nào cũng nghĩ :

"Ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục, ao nhà vẫn hơn".

Ngày mùng một là ngày vui của mọi người, còn tôi thì là ngày buồn nhất trong đời, vì cha tôi đã đi xa mà lời căn dặn đó tôi vẫn không quên. Mong một ngày về lại quê hương, được thưởng thức những ngày Tết nguyên đán với pháo hoa, nhành mai, nhành đào, bánh tét, bánh chưng xanh, mứt Tết, được những buổi ăn chay đầu năm ngon miệng. Với những món ăn mà mẹ tôi làm chuẩn bị cho mấy ngày Tết, thịt kho hột vịt, bánh tét củ kiệu, gà xé phay ... anh em chúng tôi tụ họp những ngày Tết, quây quần bên bàn ăn, nghe cha tôi dạy dỗ và triết lý đời, ngày ấy xa quá, tôi mong ngày ấy đến nhanh hơn và nhanh hơn, nhưng ngày gặp lại cha tôi chắc chỉ là trong mơ.

Viết vào ngày mùa đông 2011 – Tân Mão.

Thy Nguyen

Theo:VnExpress


Âm lịch

Ảnh đẹp