10/01/2011 10:15 (GMT+7)
Số lượt xem: 3070
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kisakata Thực không sao kể hết được những cảnh đẹp của đất và biển tôi đã ngắm; nhưng lúc này trái tim đập mạnh hồi hộp trước viễn cảnh được nhìn thấy Kisakata,


 đấy là một cái hồ nước mặn trứ danh trải dài khoảng 24 dặm về phía đông bắc hải cảng Sakata. Chúng tôi vượt qua những ngọn đồi và đi dọc theo bờ biển, lê bước qua những đun cát. Và lúc mặt trời đang khuất dần, chúng tôi đã đến nơi.

Một cơn gió nổi lên từ phía biển, đổ tràn vào không khí bụi cát và mang theo mưa, khiến thậm chí chúng tôi không thể nhìn thấy núi Chokai. Có một nỗi đắm say đầy tò mò khi đi dò dẫm trong lòng bóng tối và tưởng tượng ra những cảnh đẹp nằm trước mặt. Và cơn mưa mang lời hứa hẹn một cảnh còn đẹp hơn so với lúc trời quang thường ngày. Chúng tôi len lỏi qua những mái lều lợp bấc của dân đánh cá chờ cơn mưa ngớt.

Sáng hôm sau trời quang không một gợn mây. Và lúc mặt trời mọc, ánh sáng toả ra rực rỡ. Chúng tôi xuống một chiếc thuyền ra đi trên lòng hồ.

Ghé thăm hòn đảo của Noin, nơi vị thi sĩ - thiền sư đã sống ẩn dật suốt ba năm, rồi chúng tôi đi lên bờ một hòn đảo nằm ngay phía sau. Ở đó có một cây anh đào cổ thụ. Nó chính là cội cây đã soi bóng xuống mặt nước và hiện lên trong thơ của Saigyo:

Lái thuyền trên thảm hoa anh đào

Những người ngư phủ ra đi

Cây anh đào ấy là một tượng đài sống của thơ.

Trên bờ hồ nước mặn có một ngôi mộ theo truyền tụng, là nơi chôn cất Hoàng hậu Jingu (nhiếp chính từ 201-269). Đền thờ ấy gọi là Kanmanju-Ji. Tôi chưa nghe ai nói vị Hoàng hậu này từng đến nơi đây, nên cứ tự hỏi tại sao bà lại được an táng ở đó.

Chúng tôi ngồi nghỉ trong trai phòng Tu viện trưởng ngôi đền. Và lúc tấm màn dệt bằng tre cùng gấm thêu kim tuyến được kéo lên, toàn bộ cảnh hồ Kisa lộ ra trước mắt.

Về hướng nam, núi Chokai nom như đang chỉ thẳng lên trời và bóng núi hằn trên mặt nước. Về phía tây con đường bị chặn bởi thành luỹ Uyamuya, nhưng phía đông một con đê đưa con đường đi dài tít tắp hướng đến Akita. Biển trải dài theo hướng bắc và nơi bắt đầu hồ nước gọi là Shiogoshi, hay Con đường nước triều.

Mặc dù hồ nước mặn Kisakata chỉ dài hơn hai dặm, rộng hai dặm, nó vẫn gợi lên nỗi nhớ về Matsushima. Nhưng ở vài điểm nó hoàn toàn khác. Trong lúc Matsushima có vẻ đẹp vui nhộn, hớn hở thì Kisakata đầy tràn đắng cay và ăn năn hối hận. Có cảm giác đơn côi hoang vắng và ưu phiền nơi một tâm hồn quằn quại day dứt.

Mưa ở Kisakata

Cây trinh nữ lả xuống

Như nàng Tây Thi trinh liệt mang vết thương lòng

Bức hoạ biển lạnh, dăm con hạc

Đôi chân dài lội qua hồ nước

Thấp thoáng đụn cát trên Con đường nước triều.

Bài thơ Sora viết nhân dịp lễ hội Shiogoshi:

Tôi tự hỏi họ ăn gì

Trong ngày lễ Shiogoshi?

(Bài thơ này Sora viết vì nỗi xúc động trước cảnh một gia đình nghèo kê một cánh cửa gỗ và ngồi lên đó – căn nhà xoàng không mái che)

Nơi trú thân nghèo ngư phủ

Một tấm ván nằm trên cát

Nhấm nháp khí lạnh trời đêm

(Teiji - một thương nhân tỉnh Mino)

Ngắm một cặp chim ưng làm tổ trên vách đá gần bờ biển, Sora viết:

Tổ trên vách đá cheo leo

Ghim lại muôn sóng trùng dương

Phải không hỡi ưng biển?

Con đường miền bắc

Chúng tôi nấn ná mấy ngày ở Sakât đến khi những đám mây rợp trên Con đường miền bắc giơ tay vẫy gọi. Thế nhưng trái tin lại xao động khi nghĩ tới con đường xa vời vợi nằm phía trước; nghe nói nó dài đến ba trăm dặm mới tới thủ phủ tỉnh Kaga.

Sau khi vượt qua Thành luỹ Nezu tiến vào tỉnh Echigo, chúng tôi lên đường với một quyết tâm mạnh mẽ. Sau cùng, tới thành luỹ Ichiburi tỉnh Etchu. Chúng tôi đã lang thang trên đường chí ngày. Trong khi bầu không khí ngột ngạt nóng và mưa, vết thương ngày xưa đau nhức, nhưng tôi khong viết về chúng.

Đêm trước ngày Ngâu!

Mai, Ngưu Lang gặp Chức Nữ

Hai vì sao – tình nhân

Bụi nước đại dương man dại

Phủ mọi nẻo đường đến Sado

Ngân Hà trải rộng!

Hôm nay chúng tôi đi qua những nơi hiểm nguy nhất trên toàn miền bắc. Con đường bất trắc đưa qua những tảng đá mòn dưới chân một mũi đá cong vểnh làm mồi cho những con sóng lớn. Như chuỗi tên của những nơi tồi tệ nhất ám chỉ, nó do mọi người tự đặt cho cảnh ngộ chính mình: ‘’Bỏ cha, Bỏ con, Những con chó quay đầu, Gửi lại ngựa của bạn’’.

Chúng tôi kiệt sức và đi nằm sớm. Nhưng trong căn buồng kế bên, tôi nghe vẳng tiếng, mà theo phán đoán, là của hai phụ nữ trẻ. Một giọng đàn ông xen vào tiếng nói của họ. Tôi hiểu ra họ là hai kĩ nữ tới từ một thị trấn cảng tên Niigata thuộc tỉnh Echigo trong một chuyến hành hương về Đền thờ lớn ở Ise. Người đàn ông đi cùng họ từ nơi xa xôi tới đây và họ đang viết những bức thư để người này mang trở lại Niigata vào ngày mai. Những lời họ tâm sự với anh ta chứa chan bao xúc động. Khi lắng nghe, tôi cũng thêu dệt giữa những lời thì thầm của họ âm hưởng một bài thơ do một kĩ nữ sang trọng làm trước đây:

Nơi những con sóng

Tung bọt màu trắng vỗ bờ

Thân em suốt đời như rong biển

Như người ngư phủ không nhà

Những cuộc tình lang chạ đêm đêm

Là nghiệp, là số mệnh

Cảnh ngộ buồn đau, buồn đau

Em đã rơi vào.

Và tôi chìm vào giấc ngủ trong lúc lắng nghe họ nói chuyện. Sớm hôm sau, lúc chúng tôi sắp sửa khởi hành, một phụ nữ trẻ chạy tới. Nàng nói:

Chúng tôi không biết đường. Chúng tôi tuyệt vọng và sợ hãi. Các thày có thể cho chúng tôi theo bước ở một khoảng cách không gây ô uế không? Những giọt nước mắt của nàng lăn trên gò má. – Xin hãy rộng lượng với chúng tôi. Chúng tôi cầu xin các thày một lòng vị tha và thương xót của người tu hành để chính mình có thể cảm thấy sự cứu độ từ Đức Phật.

Tôi đáp:

Tôi sợ rằng chúng tôi thường hay dừng lại dọc đường. Nhưng sẽ có nhiều người khác dẫn các cô đi. Có thể Đức Phật sẽ giúp các cô.

Rất lâu sau khi tôi từ biệt họ, trái tim tôi ngập tràn thương xót và hình ảnh họ không sao ra khỏi tâm trí.

Dưới mái nhà tương tự thế này

Còn hồ nghi ư, tôi ngủ cạnh một kĩ nữ

Như mặt trăng cùng bụi cỏ ba lá.

Tôi đọc cho Sora. Tiên sinh chép lại.

Nago-No-Ura

Chúng tôi lội qua bốn mươi tám dòng suối của vùng châu thổ sông Kurobe, nhưng vùng này vẫn còn vô số những con sông, con suối khác. Cuối cùng tới bờ biển Nago.

‘’Những cây đậu tía dập dờn’’ vùng Tako của thi sĩ Manyoshu cách đây không xa. Cho dù xuân đã qua, chúng tôi vẫn nghĩ được ngắm nhìn những dây leo bò ngoằn ngòeo thế nào trong tiết đầu thu ở đó cũng rất kỳ thú. Vì vậy tôi hỏi đường một người.

Anh ta trả lời:

Cách đây chừng mười hai dặm theo bờ biển, trong chỗ khuất gió ngọn đồi đằng kia. Nhưng ở đó rất ít nhà, chỉ có những mái lều ngư phủ. Thầy sẽ không tìm được ai cho thuê chỗ trọ đâu.

Anh ta ra sức gàn khiến chúng tôi đi thẳng tới tỉnh Kaga.

Những cánh đồng ngát hương lúa sớm

Chúng tôi đi qua

Bên gió biển Ariso

Kanazawa

Sau khi qua Đồi hoa tuyết và Thung lũng Kurikara, ngày 15/7 Âm lịch (30/8) chúng tôi tới một thành phố lớn tên Kanazawa. Kasho, một thương nhân quen biết, người thường đến dây từ Osaka cũng có mặt. Chúng tôi gặp ông tại nơi ông trọ.

Issho, một thi sĩ trẻ danh tiếng trong vùng, rất mê thể thơ liên hoàn, đã mất vào mùa đông năm trước. Người anh trai của Isso chủ trì buổi cúng giỗ em mình. Isso là học trò của tôi và cả hai chúng tôi đã từng hân hoan ngắm trăng thu với nhau. Tôi viết ở ngôi mộ:

Tiếng thở dài gió thu

Là tiếng nức nở tim tôi cay đắng

Hãy lật tung nắm đất! Hãy lên tiếng!

Chúng tôi được mời tới một nơi ẩn tu:

Trời thu mát lạnh!

Tôi gọt vỏ,

Thấm vào vị của lê, dưa hấu

Một bài thơ soạn trên đường:

Mặt trời nóng bỏng thế kia

Lờ đi

Cơn gió thu đang nổi

Và tại một địa danh gọi là Komatsu, hay Rừng thông bé nhỏ:

Luồng gió thu thổi qua

Những cây thông nhỏ

Cỏ ba lá và bông bạc

Đền Tada

Ở Komatsu, chúng tôi viếng thăm đền Tada. Tại ngôi đền chúng tôi xem cái mũ sắt của chiến binh Sanemori (1111-1183) và một mảnh áo giáp thêu kim tuyến của ông. Nghe nói những thứ này ông được Đức ông Yoshimoto của vùng Minamoto ban tặng khi phục vụ cùng với gia tộc Genji.

Cái mũ sắt không phải vật tầm thường. Từ đỉnh mũ cho đến vành uốn vòng phía sau tai được trang trí bởi những dải hoa cúc uốn lượn bằng vàng. Chóp mũ hình đầu rồng, và những chiếc sừng phẳng, mềm mại thật thanh nhã, kiêu hãnh.

Khi Sanemori ngã xuống trong chiến trận, Kiso-Yoshinaka sai Jiro của vùng Higuchi dâng những vật này cho ngôi đền. Tất cả đều được lưu giữ đầy đủ trong cuốn sử biên niên ở ngôi đền này.

Ôi bi thảm,

Bên dưới mũ chiến binh quả cảm

Tiếng châu chấu.

Nata-Dera

Trên con đường tới suối nước nóng Yamanaka, có thể nhìn thấy Shirane-Ga-Take, hay Núi trắng. Đi đường nào cũng thấy ngọn núi này phía sau lưng. Bên trái, trong dãy đồi ở chân núi có một ngôi đền thờ Kannon - Vị nữ thần của lòng nhân từ. Hoàng đế Kazan (cầm quyền 968-1008), sau chuyến hành hương qua ba mươi ba địa điểm linh thiêng các tỉnh miền tây, đã được khuyên hãy đặt vào đây hình ảnh của Kannon - Người nhân từ nhất, Vị Bồ tát của lòng trắc ẩn và tình yêu thương. Hoàng đế gọi ngôi đền là Nata, cấu tạo từ những chữ cái đầu của Nachi và Tanigumi, tên hai địa danh đầu tiên và cuối cùng của ba mươi ba nơi linh địa.

Giữa những tảng đá có hình dáng kì dị được sắp xếp và những cây thông cổ thụ thân chằng chịt mấu, có một nơi ẩn tu nhỏ, mái rạ dựng trên một tảng đá. Thời gian mài trắng nên vẻ thanh sạch nơi những tảng đá mòn mang lại cho nơi này một nép đẹp buồn bã vượt hơn cả đền Ishiyama danh tiếng ở Omi.

Đá ở Ishiyama

Chưa muốt trắng

Gió mùa thu, trắng hơn!

Suối khoáng Yamanaka

Thi si Basho va con duong hep thien ly phan cuoi

Chúng tôi đi tắm suối nóng Yamanaka. Mọi người thường nói về mặt chữa bệnh con suối này chỉ đứng hàng thứ nhì so với các suối nóng vùng Ariake.

Nước suối Yamanaka

Tuyệt diệu hơn

Những bông cúc hoa!

Chủ quán trọ còn trẻ, tên là Kumenosuke. Cha anh ta nghe nói rất yêu thơ. Và ở đây, câu chuyện xoay quanh chuyện một thi sĩ trẻ tuổi đắm đuối đến từ Kyoto đã bị quá bẽ mặt bởi tài năng thơ hơn hẳn của người chủ quán như thế nào. Khi quay lại Kyoto, anh ta đem theo bài học ấy từ Teitoku, tiếp tục làm thơ và trở nên nổi tiếng dưới cái tên Teishitsu mà chúng tôi có nghe nói đến. Khi đã danh tiếng, người ta nói rằng ông không bao giờ nhận tiền thù lao từ những người dân quê cho việc phê bình và sửa thơ giùm họ.

Sora bị ốm. Vì tiên sinh có họ hàng ở Nagashima, tỉnh Ise nên chúng tôi quyết định để tiên sinh đi trước.

Một kẻ lang bạt đơn côi

Nếu nằm xuống xin cho tôi

Giữa bụi cỏ ba lá

Sora viết bài ấy trước khi từ biệt.

Với nỗi buồn kẻ đi, người ở, chúng tôi như đôi ngỗng trời chia tay nhau và rồi mất hút nơi những tầng mây. Tôi viết:

Giọt lệ sương thu

Sẽ làm nhoè trên mũ dòng chữ

‘’Hai bạn cùng du hành’’

Zensho-Ji

Tôi nghỉ đêm trong ngôi đền Zensho-Ji nằm ven thị trấn Daishoji. Nơi này vẫn thuộc tỉnh Kaga. Sora đã nghỉ đêm trong ngôi đền này đêm trước và để lại bài thơ:

Suốt đêm

Tôi nghe gió thu

Thổi qua những mỏm đồi quạnh vắng.

Chúng tôi xa nhau có một đêm mà sao như ngàn dặm. Tôi cũng nằm thao thức lắng nghe gió thu. Rạng sáng có tiếng các vị sư đọc kinh. Thế rồi một tiếng chuông vang lên và tất cả chúng tôi xuống bếp.

Vì tôi có ý định tới tỉnh Echizen trong ngày hôm đó nên vội vã ra đi. Một vị sư trẻ tuổi chạy xuống trước mặt mang theo giấy và mực. Ngay lúc đó, một vài nhành lá liễu từ cội cây trong vườn chấp bay xuống đất.

Lòng tốt của bạn, xin báo đền

Tôi có thể quét lá rơi

Nơi gốc liễu!

Đôi dép rơm đã buộc chặt quai, vậy nên tôi không kịp đọc lại những dòng viết vội ấy của mình nữa.

Con đường tới Eihei-Ji

Vượt qua cái miệng vịnh hẹp Yoshizaki nằm trên biên giới tỉnh Echizen bằng thuyền, chúng tôi dừng lại ngắm rừng thông trứ danh của Shiogoshi

Cơn bão lớn tàn phá

Suốt đêm hoang dại

Gió sóng nổi lên

Ở Shiogoshi, rừng thông trên cồn

Vươn lá cành vào mặt trăng

Saigyo

Có rất nhiều bài thơ được viết ở đây, nhưng không thêm bài mới nào đáng đọng lại để ngợi ca cảnh đẹp này. Viết thêm một từ nữa về rừng thông Shiogoshi thì cũng tựa như thêm ngón tay thứ sau vào bàn tay.

Sư trưởng đền Tenryu của thị trấn Maruoka là một người tôi quen đã nhiều năm. Do vậy tôi đến thăm ông. Lúc ấy có Hokushi, người đi cùng chúng tôi từ Kanazawa. Anh ta chỉ có ý định đi tiễn một đoạn đường, nhưng cuối cùng lại theo chúng tôi đi khắp nơi tới tận Maruoka. Trên đường đi anh ta không bỏ qua một cảnh đẹp nào và luôn soạn những vần thơ. Một số bài rất sâu sắc. Tôi viết một bài thơ lúc chia tay:

Tôi viết nguệch ngoạc đôi dòng

Và xé tan chiếc quạt hè thân thuộc

Chỉ một khúc thâm tình buổi chia tay!

Đi bộ khoảng ba dặm rưỡi về phía dãy đồi là tới Eihei-Ji. Ngôi đền này do thiền sư Dogen (1200-1253) lập nên. Tôi tin rằng ngài đã có một duyên cớ cao cả nào đó khi lập ra ngôi đền rất sâu trong vùng đồi và nổi tiếng bên ngoài ngàn dặm của cố đô Kyoto.

Fukui và Tsuruga

Dầu cho đường đi tới thành Fukui dài bảy dặm, tôi vẫn để sau bữa tối mới lên đường. Và tôi cập quạng dò đường trong bóng tối.

Ở Fukui có một người tên là Tosai sống ẩn dật từ lâu. Tôi gặp ông một lần ở Edo, nhưng đã hơn mười năm về trước. Giờ đây hẳn ông đã già lắm, tôi nghĩ hay có khi đã khuất núi. Tuy nhiên khi hỏi thăm mọi người, họ đều nói ông còn sống và chỉ cho tôi chỗ ở của ông.

Trên lối đi nhỏ yên tĩnh, cách biệt với tiếng ồn ào đô thị, tôi tìm thấy một mái lều nhỏ, xoang xĩnh nằm giữa đám dây cúc bạc và mướp bò ngoằn ngoèo. Cái cổng bị những cây mào gà và bách che kín. Tôi nghĩ chắc là đây rồi và gõ cửa. Một người phụ nữ ăn vận xoàng xĩnh bước ra:

Cơn gió nào đưa thày tới đây? Bà ta hỏi rồi tiếp tục. Tiên sinh đã qua nhà một người bạn gần đây. Nếu thày muốn gặp tôi sẽ đi tìm.

Tôi đoán bà ta là vợ. Chuyện này cũng giống với một cảnh trong ‘’Câu chuyện về Genji’’. Tôi nghĩ lúc trên đường tìm ông.

Tôi ở nhà Tosai hai đêm. Sau đó tôi nói tôi phải đi vì muốn ngắm trăng Trung thu ở cảng Tsuruga. Tosai khăng khăng muốn đi cùng. Và rồi vén gọn kimono, quấn thắt lưng, ông vui vẻ ra đi như một người hướng đạo cho tôi. Cứ lần lượt, hết Shirane-Ga-Take (Núi bạc) khuất dạng thì ngọn Hino lại hiện ra. Chúng tôi băng qua cây cầu ở Asamuzu thường được nhắc đến trong các bài thơ, nơi những cây lau của Tamae đã nở hoa. Vượt qua Luỹ chim sẻ bụi rậm và cắt ngang Suối nóng, chúng tôi nghe vẳng tiếng gọi của bầy ngỗng trời đầu tiên ở Hiuchi-Ga-Jo (Thành đá lửa), sau đó ở Kaeru-Yâm (hay Đồi ngõng trở về). Đêm 14/8 Âm lịch (28/9) chúng tôi tới cảng Tsuruga và đi tìm một quán trọ.

Đêm đó trăng sáng khắp trời một cách dị thường. Tôi hỏi:

Đêm mai trời sẽ thế này chứ?

Nhưng người chủ quán trọ đáp:

Ở đây, xứ bắc này, không bao giờ có thể nói chắc chắn thời tiết sẽ đẹp, hay nhiều mây vào ngày hôm sau.

Chúng tôi uống rượu vang cùng người chủ quán trọ. Sau đó cả đêm bọn tôi cùng đến thăm đền Myojin ở Kehi, nơi Hoàng đế Chuai (cầm quyền 192-200) được an táng.

Ở ngôi đền, bầu không khí linh thiêng, và trong ánh trăng lọt qua những tán lá thông, cát trắng rải trước ngôi đền trông tựa như sương. Người chủ quán trọ bảo:

Từ xa xưa, vị kế nhiệm người Đạo trưởng giáo phái này, tổ sư thứ hai với ước muốn giúp đỡ tín đồ đã tự mình giẫy sạch cỏ, rồi khuân đất đá lấp những đầm lầy xung quanh, để từ đó về sau những người đến đền đi lại được dễ dàng. Tưởng nhớ đến công việc vĩ đại đó, thậm chí tận ngày nay, sư trưởng của giáo phái Shinto-Jishu vẫn mang cát rải khắp ngôi đền. Lễ kỉ niệm này gọi là ‘’Lễ sư trưởng mang cát’’

Thiêng liêng, trong sạch, trắng ngần

Những hạt cát sư trưởng rải

Sáng lên dưới ánh trăng!

Đêm rằm, đêm trăng tròn hiện diện, đúng như người chủ quán đã dự đoán, trời đổ mưa.

Ôi! Kém phúc là tôi

Đêm trăng rằm lại mưa

Thất thường, trời xứ bắc!

Iro-No-Hama

Ngày 16/8 Âm lịch (30/9) trời thật đẹp. Tôi muốn đi lượm một vài vỏ sò nhỏ màu hồng nên cả bọn cùng đi thuyền đến Bãi biển hồng. Mười bảy dặm đi trên mặt nước, nhưng một người bạn tốt bụng tên là Tenya đã bỏ xuống thuyền chúng tôi những cái hộp đựng đò du lịch và những ống tre đựng rượu sake. Ông còn cho một vài người giúp việc đi theo. Một cơn gió thuận đã đưa chúng tôi đi trong loáng mắt.

Trên bãi biển này chỉ lưa thưa vài túp lều ngư phủ và một ngôi chùa thờ Phật trông tuềnh toàng của giáo phái Hokke. Ở đó chúng tôi uống trà, hâm nóng rượu sake và cùng nhau thưởng thức vẻ đẹp sầu thảm của cảnh đêm:

Buồn hơn và

Đìu hiu hơn cả Suma

Là mùa thu bên bờ biển này

Mỗi cơn sóng tung bọt

Dạt lên bờ dãy vỏ sò nhỏ

Và cánh cỏ ba lá

Tôi bảo Tosai ghi lại cảm tưởng ngắn ngủi của một ngày phiêu du ngoài trời, rồi để lại ngôi đền.

Ogaki

Rotsu, một môn đệ của tôi, đến Tsuruga và cả hai chúng tôi cùng du hành đến tỉnh Mino. Chúng tôi đi ngựa đến thành Ogaki và Sora cũng đến đây nhập đoàn từ Ise. Etsujin cũng theo nhịp nước đại của ngựa đến và tất cả bọn tôi hội tụ ở nhà một Samurai đã hồi hưu là Joko.

Quí tộc Zensen, Samurai Keiho cùng các con trai của ông và một số bạn bè thân thiết khác liên tục đến đây trong cả ngày lẫn đêm để chúc mừng vẻ hân hoan và quan tâm ân cần. Cứ như thể tôi vừa từ cõi chết trở về.

Giờ đây, dẫu cho cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn sau nỗi mệt nhọc của chuyến du hành, đã là ngày 6/9 Âm lịch (18/10) và tôi ước ao được đến đền Ise để dự lễ kỉ niệm cứ 21 năm mới tổ chức một lần, rước Chúa tể thần linh đến một ngôi đền mới dựng. Trời đã vào cuối thu nên tôi ra đi một lần nữa, bằng thuyền tới bờ biển Futagami-Ga-Ura, nơi có những con trai vị rất ngon. Thế mà trời hỡi,

Buồn đau, tôi chia tay bạn

Tựa thân trai lìa xa chiếc vỏ

Tôi đi và thu cũng cạn ngày.

  • Hàn Thuỷ Giang (dịch và giới thiệu)
Việt Báo (Theo_VietNamNet)


Âm lịch

Ảnh đẹp