20/01/2011 22:45 (GMT+7)
Số lượt xem: 3147
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cầu xin cho những suy tư, ước mơ nầy được chắp cánh bay, để mọi người đều nhận ra được tánh Phật có trong tâm mình và đến với nhau với tất cả tấm lòng yêu thương và chia sẻ chân thật.


Chợt thấy xuân mời, vào một sáng

ngồi rơi im lặng, hơi thở bay

vào trong phong bão, cơn say tỉnh

cơn gió mỉm cười, lay cánh mai

 

người xưa, lòng lắng bên chén rượu

tìm lại hồn thơ, hình dáng ai

ta nay xếp lại, lòng thanh tỉnh

đọc lại tâm kinh, thấy đủ say ..

Hình như một ấn tượng nào đó lưu dấu trong tôi trên con đường đi, đi đâu, đến đâu, trong phủ định tính, để vượt qua với chính mình. Cuộc sống đời thường với những huyên náo, hoạt náo xuôi theo dòng sống, lặng lẽ trôi… còn người có chút lòng hướng tâm, lại cảm thấy nhu cầu của sự thanh thản, thong dong mới là vốn sống, yêu đời. Nghe lời Phật dạy, hãy lấy từ tâm, lấy tuệ giác để làm pháp nhũ, xoa dịu tâm mình, tâm người trong sự đối đãi, để trong giao tế chỉ còn là tình thương và chia sẻ, giữa biết bao nhiêu là cơn biến động xẩy ra..

Buổi sáng trở về như bao lần đã qua và lại đến, tuần tự như một thói quen, một cảm nhận, một định danh. Sau thời thiền mật tại nhà, tôi lái xe đến ngôi Chùa Việt Nam, vì hôm nay là ngày đầu năm Dương lịch. Lên Chánh điện, lạy Phật để chào đón cho một ngày mới tinh khôi, rồi kiếm một chỗ, ngồi yên, lắng nghe hơi thở. Làm như lâu rồi mình không thở vậy? Nếu không thở thì làm sao mà sống? Nhưng, thở thì thở, mà không biết biết giá trị thực sự của hơi thở. Đang dìu tâm nằm yên trong sự tỉnh lặng, bỗng giật mình vì tiếng nói ồn ào khá lớn, gọi nhau, Thời gian qua quá mau. Cũng có một vài người, vài gia đình ăn mặc đẹp, lên chánh điện lạy Phật.

Tôi bước ra ngoài, gió mát rượi, cảm thấy vô cùng khoẻ khoắn, Xuống vài nấc thang trước mặt tiền, không gian như mở rộng ra, kéo chân người cùng tử bước trên khoảng sân rộng dẫn đến Bảo tượng Bồ tát Quán Âm. Hàng dừa hai bên lối đi, lay động, gió xào xạc, vui đùa. Tôi đang bước nơi đâu đây, trên lối mòn năm cũ, trên cửa ngõ mở ra để tâm hồn lắng xuống. Tôi có thể bay bổng theo tư tưởng vắn dài, cao thấp, trầm mịch, siêu thoát  trong phương trời của tâm thức, để nói, để cười, để quay cuồng, để nhìn tâm từ chớm nhỏ mở toang cả bầu trời, để sưởi ấm, để vọng ngôn, để tuôn tràn lời thơ … hay là, tôi phải bước những bước chân  dẫm trên mặt đất, để thấy trên đôi tay có những bơ bơ, vất vưởng của đời sống, để thở những dòng hơi thở tươi mát của buổi sáng nay…  

bước chân chạm đến dòng vô thủy

đánh thức trong ta tiếng gió trầm

này xin gió vỡ thành muôn mảnh

vóc lại tâm mình, vạt nắng không..

Một lay động, một làn gió, một trầm tư, một khoảnh khắc vô niệm, mỗi bước chân hằn trên mặt đất như là tiếng kêu thực tại của đời sống, vẻ hình nhân loại trên bờ vai cát biển, là hiện tại, là chạm vào bản thể của tâm địa, là khơi dậy tất cả giai điệu, âm thanh của thực tại. Con người luôn muốn vươn lên để biểu hiện cho sự hiện hữu, qua những sáng tạo dù tâm hay vật, nhưng lại vô tình quên đi chính mình, quên đi sự sống có mặt trong từng tế bào, trong từng hơi thở. Nhiều khi tự vấn, cảm thấy con đường trở về tâm linh của mình sao bèo nhèo quá, có thể, nếu bị chạm phải hơi sương hoặc cơn gió mỏng vô tình, thì tự rơi rụng, tan biến. Học rộng, biết nhiều, đọc sách, nghiên cứu, viết dong dài…có thể làm tăng thêm kiến thức, tri thức, bản ngã, nhưng lại giảm đi phần nội tâm sâu sắc, do sự thiếu thực tập quán chiếu xoáy vào những di động, móng khởi của tâm.

Vóc một hạt cát đã nhìn thấy toàn vũ trụ, pháp giới. Nâng một cánh gió đã thấy là đà vô thường thoáng qua. Dẫm chân trên ngọn cỏ, cũng cảm nhận như ba cõi có mặt trong hiện tại. Mọi cử động, di dịch, tiếng cười, tiếng hát, tiếng nói, một niệm…có thể đi sâu vào vô tận của tâm thức, gọi lại vô vàn tánh không trong hơi thở. Nhưng, đó là chiều cao sâu của tâm thức, là kiến văn, là làm đòn bẩy cho cuộc nhảy vọt, qua hố thẳm của tâm. Rồi sẽ ra sao? Đi về đâu qua sáu cảnh giới? Khi đi vào thực tại của cuộc sống, chân đạp trên sỏi đá vẫn còn đau, da cứa vào cỏ vẫn xót xa đưa, nổi buồn đau hay hạnh phúc khi chạm vào những sự thực của cuộc đời, vẫn tăng giảm, run rẩy, sợ hãi, âu lo. Đường nào để trở về? Ngả nào để tiếp cận với thực tại?

Đức Phật đã ứng hoá thân trong bề dài, bề sâu trong vũ trụ, các cảnh giới, vì bễ khổ của nhân loại, để đưa tâm từ, tuệ giác cứu khổ con người và Bồ tát Quán Thế Âm là biểu tượng thực sự đời thường tuyệt đẹp để tiếp cận, ban vui cứu khổ … mà nào đâu phải chỉ riêng Ngài, biết bao nhiêu từ tâm của hằng hà sa số Bồ tát vẫn luôn luôn, hằng có mặt trong cuộc đời thường, vì sự bất hạnh của nhân loại.

Người con Phật khi bước trong chốn trần gian, với đời sống thực tế, khi đôi vai mỏi, khi mắt hoằn sâu bởi bao mùa gió chướng, khi lòng xao xuyến, lay động bởi tám ngọn gió thu phong, ray rắc hơi lạnh của đông, của bốn mùa nối nhau thay đổi …chợt hỏi lại chính mình: chúng ta có thực sự được an lạc, có thực hành tốt và uyển chuyển áp dụng những lời Phật dạy, quán chiếu và chuyển hoá đời sống của chính mình không ?. Vì khổ đau, bất hạnh hay hạnh phúc là của chính mình, chứ không của bất cứ ai và mình là người thừa hưởng để đem năng lực xoay chuyển, đưa vọng tâm vào cảnh giới an lạc.

Những nơi chốn, những chùa chiền cao rộng to lớn với công trình kiến trúc đồ sộ, uy nghiêm, được ghi vào Guiness … có thể làm cho chúng ta choáng ngộp, thán phục hoài bảo của người xây dựng, nhưng có làm cho chúng ta- những người con Phật bình thuờng, nghèo khó, chân lấm tay bùn, lo ăn bữa nay, ngày mai chưa dám nghĩ đến, nên phải đành xa cách, e dè tiếp cận.

Hoặc là những lời hay, những kiến văn, những học hỏi mà chúng ta thu thập được ở nhiều nơi, nhiều chỗ…chỉ là bề nổi, bề ngoài, có thể làm cho chúng ta đắc ý, vỗ tay, khen, ghi chép, được học rộng hiểu nhiều, rồi ca tụng, giới thiệu lẫn nhau, rũ nhau đi tham vấn v.v..nhưng, các thay đổi của tâm, các biến chuyển gây ra và là tác nhân của mọi thống khổ, ảnh huởng đến chúng ta, nên nếu không được nhận diện đúng, tỉnh thức để quán chiếu, làm cho tâm thanh tịnh… thì chúng ta vẫn hoàn toàn đau khổ, khúc thút thít, khóc mùi mẫn, khóc đau thương, tủi hờn, rên la, buồn vương mùi nước mắt v.v..trong khi trên đôi tay nầy, trong khối óc nầy cũng đã từng hãnh diện nắm được biết nhiêu là bí quyết, lời hay, kiến văn, đắc ý, nhưng quên đi đời sống thực của hiện tại. Đời sống thực của chúng ta là gì? Chúng ta kinh qua Văn ( nghe ), Tư ( suy tư ) và cần đến sự chuyển hoá nội tâm, giảm phiền não, tạo hạnh phúc an lạc chân thực là do “Tu”, vì đó là tư lương chân thật, là của chính mình, hỏi ta đã làm được gì cho chính đời sống tâm linh của mình?.

Đạo Phật không mang giáo điều để chỉ có duy nhất là áp đặt niềm tin tưởng, phụng thờ…nhưng niềm tin quan trọng nhất thường được nhắc nhở trong đạo Phật là mục đích tối thượng, cao cả là tìm và nhận ra bản tâm hay Tánh Phật có mặt trong mình, để thoát ra bản ngã vị kỷ được che lấp bởi vô mình, những quan niệm sai lầm. Và để thể hiện được hết tinh túy của đạo Phật, đòi hỏi sự tu tập kinh qua giáo Pháp thích hợp với chính mình.

Vấp ngả nơi nào, từ nơi đó đứng dậy. Thuốc trị bệnh hay, nếu không tự uống, bệnh sẽ vẫn còn.  Tâm an, thế giới an. Tâm động, vũ trụ bị xao động, theo những giả tưởng, ảo tưởng của chính mình.

Lời Phật vẫn dạy:”Hãy là hải đảo của chính mình” như nhắc nhở bước trở về với chính mình, đừng kiêu sa, ngạo nghễ trong những vọng tưởng xa xăm. Cái chết của một tâm thức bị dẫn dắt bởi những cuộc ngao du ngày tháng, rong chơ trên các nẻo đời hiu quạnh, nên hãy cô đơn nhìn lại mình.

Nhớ lại lời Tổ Liễu Quán:  “ Hãy buông tay bên bờ sâu, để tự đảm đang. Chết đi sống lại, sẽ tỏ tường, không dối”. (Huyền nhai tán thủ, tự khẳng thừa đương, Tuyệt hậu tái tô, khi quân bất đắc.)

Những hạt mưa Xuân rơi nhẹ trên cuộc đời, như bàn tay vỗ về thương yêu của mẹ. Có bao giờ tấm lòng, tâm tình nầy, chia sẻ nầy, yêu thương đối với đứa con- người lũ khách giữa vòng xoáy của cuộc đời, người cùng tử còn lắng nghe tiếng gọi sâu xa của tâm Phật, nhận thức, tỉnh thức trở về sống thực với chính mình …

Quán trọ bên dòng đời, chiều buông xuống

ngồi lặng im giữa gió cát xôn xao

mảnh tâm phù vân, vo tròn hạt bụi

nổi niềm riêng, mây trắng ngả vô tình

 

ta vẫn ước gọi ngàn trùng khuya sớn

dấu chân trần nghe ngày tháng vô tư

mở cửa sáng để gió lùa thanh thản

góc chiều về, dạo vườn đón thu sang

 

chợt khao khát nằm yên trên cõi vắng

để sa mù mất dấu vết tầm truy

nghe lá rơi, nhìn nắng rọi sân vườn

có tiếng hát vọng vang trời bốn bể

 

nhưng em ơi, vai nặng gánh vô thường

mắt vẫn sáng đếm hồn thơ vũ khúc

trải lá vàng để giấc ngủ bình yên

và em cười, hôn nhẹ cõi chân tâm…

Khi có năng lượng để hôn nhẹ cõi Chân tâm, lòng ánh lên những hạnh phúc, hạnh phúc của sự tiếp cận, đi sâu vào cõi tâm bình dị, của những ước vọng đơn sơ được thành hình bởi chân thật, do thực hành để cố gắng đạt được cảnh giới nhẹ nhàng trong đời sống và toàn thiện chính mình. Và cũng chính điều đó khởi phát tấm lòng muốn chia sẻ, chung vui … vì đó là bước chân thường thấy của người con Phật.

Có người lại nói rằng: Đạo Phật với rừng giáo lý bao la, cao siêu, có thể cung ứng cho con người những giải pháp tương ưng để trừ khổ, đạt được an lạc. Cho nên, phải có nhân duyên lớn hay nhiều phước lắm, mới có thể tiếp cận được với Giáo Pháp mầu nhiệm nầy. Đạo Phật không bao giờ suy tàn, và cuối cùng, thì ai cũng phải trở về?.

Những ai đã từng đi Hành hương đến xứ Phật, thăm viếng những Thánh tích ghi khắc lại dấu chân của đức Phật trên từng nơi chốn đi qua, không ai là không tỏ lòng kính ngưỡng, xót ruột, vì những đoạn đường quá dài không thể tưởng tượng được, đi chân đất, bộ hành qua mọi nẻo đường, được thể hiện trên hành trình đem giáo Pháp vào đời để giúp cho muôn loài tiếp cận, chuyển hoá cuộc đời, tâm linh và cứu cánh là đạt được Chân Hạnh Phúc.

Sau khi đắc quả Phật, theo Kinh sách ghi lại: Đức Phật, Ngài cũng từng muốn nhập Niết bàn, vì e rằng với Chân lý cao siêu mà Ngài đạt được, khó có thể để con người tiếp cận hiểu và chấp nhận được vì bị vô minh che lấp bản tâm thanh tịnh. Làm sao ai có thể tin rằng mình có Tánh Phật hay Tuệ giác nơi chính mình, có thể đưa mình giải quyết sanh tử, luân hồi? Chúng sanh thường yếu hèn, nên chẳng thà chấp nhận nô lệ cho dục vọng, vị kỷ, buông thả, không bị ràng buộc, để có thể thấy mình là hiện hữu, có mặt trên cõi đời vô thường và để cuộc đời buông trôi theo dòng sanh tử….

Nhưng rồi, vì lòng thương vô bờ bến của vị Đại Tỉnh Thức, vì nguyện lớn mà Ngài hằng cưu mang từ vô lượng kiếp tu tập và trong sự xuất hiện trên thế gian nầy để  “Khai Thị Ngộ Nhập Phật Tri Kiến”, Ngài đã dấn thân vào đời ác trược để thực hiện con đường siêu lý tưởng đó. Bốn mươi chín năm, thời gian nào phải ngắn, bước chân sen từ bi đã dẫm trên bao nhiêu con đường, dù là bao nhiêu khó khăn, trở ngại, nhưng nơi nào có khổ đau, thiếu chánh kiến, vô minh v.v.. đều có Ngài để ban vui, cứu khổ, hướng dẫn về nẻo chánh, tạo nghiệp lành. Núi non, rừng già, cỏ cây, sông hồ, làng mạc…tấm lòng Ngài vẫn chan hoà thương yêu, chỉ dạy. Từ người cùng đinh nghèo khố, người ăn xin, người bất đồng chính kiến, tà giáo, quan quyền, vua chúa, cho đến các loài vật .. mỗi mỗi, bất cứ hạng người nào, đều bình đẳng và đều được Ngài chỉ rõ đường mê, nẻo giác.

Những nơi được đi qua để chiêm bái, đảnh lễ, nơi các dấu vết tâm linh mang đậm tình yêu và tuệ giác của Ngài, ẩn mình trên từng hạt cát, đất đai, cỏ cây .. tôi đã vô cùng xúc động, lòng chùng xuống, nước mắt ràn rụa tuôn rơi. Con sẽ làm được gì?.

Thế kỷ 20 đã trôi qua, để lại bao dấu vết đau thương cho nhân loại, nhưng lại do con người là tác nhân gây nên: môi sinh ô nhiễm, đói kém, thất học, thiếu lương thực, tranh đua vũ khí, chiến tranh cục bộ lẫn lan rộng ra nhiều địa dư… được dẫn dắt bởi lòng tham sân si, thiếu chánh kiến, chánh niệm và cũng đã bao lần, ngòi lửa chiến tranh cho thế chiến thứ 3 tưởng chừng sẽ bùng nổ.

Qua thế kỷ 21, tưởng rằng nhân loại sẽ sợ hãi, sẽ tạo dựng niềm tin, tiếp cận, chia sẻ và cùng nhau tạo dựng cho nền hoà bình thế giới, tạo nên sự an ổn cho con người và vạn vật cùng sinh tồn trên hành tinh xanh nầy. Nhưng, khổ đau vẫn còn đó, mầm mống của bạo loạn, giết chóc, thù hằn, đói kém, thiếu hiểu biết, chia rẻ vẫn tiềm ẩn trong mọi giao tế thiếu niềm tin. Quả thật trái đất rất nhỏ bé, nhưng lại chứa biết bao nhiêu lò lửa có nguy cơ tàn phá, hũy diệt của nhân loại, do tâm bất an. Cũng là lúc, nhân loại cần đến tôn giáo- một tôn giáo có tình yêu thương và tuệ giác, để hướng dẫn cho nhân loại vượt qua những khó khăn trên cuộc khủng hoảng toàn diện từ văn hoá, kinh tế, chính trị, tâm linh hiện nay. Đạo Phật là một trong những tôn giáo đó, với trái tim yêu thương, hiểu biết, biết lắng nghe và với tuệ giác để chia sẻ, biết được tâm bất an của con người và đem phương thuốc trị tâm, đem lại thanh bình cho nội tâm, chuyển hoá con nguời, từng người một để là tác nhân đem tình thương chân thật chia sẻ đến muôn loài.

Trong đạo Phật, vì ăn chay nên tôn trọng mạng sống của sinh vật, huống hồ là con người và tạo cho môi trường sinh sống của nhân loại được an lành, trong sạch. Vì tu tập và chuyển hoá tham sân si thành từ bi, tha thứ và sáng suốt, hiểu biết nên có thể chia sẻ niềm an lạc đến cho con nguời khi tiếp cận. Vì tinh thần bao dung, không thành kiến, cố chấp, độc tôn nên có thể đem lại niềm tin yêu, mở rộng trái tim, không kỳ thị, cùng đến với nhau bởi sự tin cẩn chân thật. Vì biết mỗi người đều có tánh Phật và cần hoàn thiện nhân cách, đạt Chân Thiện Mỹ, và theo tinh thần “ duyên sinh”, chúng ta có thể đến với nhau bằng tất cả tấm lòng tôn trọng, quí trọng, không nô lệ cho Thần linh, vì chúng ta đều là con người nên biết quí con người và là vị Phật sẽ thành.

Đạo Phật đã lên tiếng và có mặt trên khắp thế giới, cùng với những tôn giáo khác, đem trái tim yêu thương, từ bi và tuệ giác, đóng góp vào sự an lạc và hạnh phúc của muôn loài trên quả địa cầu nầy.

Riêng trên quê Việt Nam của chúng ta, đạo Phật đã tồn tại và song hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử sinh tồn. Trong lịch sử từng ghi nhận, khi đạo Phật suy vi, thì dân tộc sẽ bị phân hoá, bất an, thiếu hạnh phúc.. Những vị truyền thừa mạng mạch Phật giáo, những Bậc Trưởng thuợng, những vị Tôn túc…dù trong đời sống thường nhật, với tam thường bất túc, với sự đạm bạc, không có phương tiện khoa học như thế hệ ngày nay, nhưng nội tâm của các Ngài là cả một sức sống tâm linh kỳ diệu, đem bi trí dũng, đem ba pháp ấn vào đời, gieo hạt giống lành thiện, bình yên, tạo cho con người và xã hội được an lành, hạnh phúc và từ đó, xây dựng sự sinh khởi của sức sống oai hùng của dân tộc. Con người biết nhân biết quả, biết sống thiện, biết đến thực hành 5 giới chuyển hoá tâm, biết kính quí nhân cách, quí con người, biết sống nghề nghiệp lành, biết yêu thiên nhiên và quan trọng hơn hết, sống với nhau với tất cả tấm lòng, vì là cùng là người Việt Nam, cùng là con người sinh sống trên cùng mảnh đất của cha ông để lại.

Trong một bài viết năm nào “Một ước mơ nhân mùa Phật Đản”, chúng con có một niềm mơ ước đơn giản, mong đạo Phật sẽ lan truyền khắp mọi nơi, mọi miền của đất nước Việt Nam, từ làng mạc xa xôi, trên cao nguyên hoang vắng, nơi chốn nghèo nàn, nơi thiếu thốn tâm linh, và đem nguyện lực kỳ diệu, linh động trên mọi mặt từ văn hoá, kinh tế, đời sống tâm linh, để biểu hiện tinh thần vô úy, đem sức sống chân thật của đạo Phật chuyển hoá khổ đau, bất hạnh cho con người. Đây cũng là yếu tố tâm linh Phật giáo cấp thiết và cần thiết cho con người Việt Nam ở hiện và mai sau…nên không ai có tâm đạo, tri ân Thầy Tổ .. mà có thể quên đi được.

Thế hệ đi trước dù với nhiêu khó khăn chồng chất, có khi nguy hiểm tánh mạng, nhưng vẫn đem tấm lòng vì Đạo vì Đời, mà dấn thân vào cuộc đời để làm Đẹp cho cuộc Đời và đã làm được. Chúng ta ngày nay, có biết bao nhiêu là con người mang chiếc áo cô đơn, có quá nhiều điều kiện từ học thức, tri thức, tốt nghiệp đại học trong nước cũng như nước ngoài, có tư lương vững chắc về giáo lý, giáo pháp, có nội lực sâu sắc do sự tu tập, cùng tiếp cận được khoa học, vi tính, âm nhạc, thơ văn, truyền thông, truyền hình …và với lời nguyện :”Phụng sự chúng sanh là cúng dường chư Phật”, chúng con nghĩ rằng với sở nguyện và nguyện lực cưu mang … thì quý Thầy, quý Sư Cô …sẽ biết “ tùy duyên bất biến và bất biến tùy duyên” để đem tâm lực, lý tưởng, tình yêu và tuổi trẻ để đi vào đời chuyển hoá khổ đau cho đời và con người, “nhập thể” để chiêm nghiệm, hoàn thiện bản thân, trưởng dưỡng Tánh Phật và “nhấp thế” để đem lại an vui và hạnh phúc cho con người..và chúng con tin rằng, rồi “cũng sẽ làm được”, nếu quyết lòng, mang chí nguyện và mở rộng tâm bồ đề…

 

Ta sẽ đưa em về thăm lại quê hương

một ngày nào đó

đi trên những con đường

có hàng cây dài theo lối nhỏ

có lá vô tư chào đón

có ánh nắng thả ngọc trên đường

trên tóc ngây thơ

bằng tia nắng nhạt

có cơn gió ngọt ngào hương thơm

hong đầy tình tự con người

và nầy em,

hình như mình quên mất

sao mùi hương sen như có mặt đâu đây

không phải vì có nhiều cảnh chùa nguy nga, to lớn

không phải có nhiều người đi rải rác

quanh đời

nhặt hồn thơ suối ngọt

nhưng, trên đôi mắt, gương mặt của mỗi người

chúng ta gặp hôm nay

có mùi vị hương sen

ồ kỳ lạ quá

hương sen bay cùng khắp

không mang theo danh hiệu, cầu kỳ

có phải chăng vì em, vì anh, vì chúng ta

mọi người đều nhìn lại mình

bằng hơi thở

bằng tiếng niệm tâm

nên có vị Phật xuất hiện

không phải của quá khứ

nào phải của tương lai

có trong từng giây phút, khi lòng buông bỏ

có Phật trong tâm, nào phải là điều kỳ diệu

vì ngày nào em sống với

cùng ăn, cùng uống, cùng ca hát

cùng Phật nói lời yêu thương

em ơi, hận thù sẽ chấm dứt, vì không oán hận

tình thương sẽ tràn khắp, vì không lối ngăn

môi sinh sẽ được bảo vệ, vì của con người

bao vấn nạn khổ đau sẽ từ từ không còn

vì lời nhân quả vẫn đâu đây

Phật trong lòng dạy thế

phải không em?....

Đức Phật trong lòng mỗi con người là thế, phải không? Tôi đã từng tư lự, suy gẫm lại những lời viết của Giáo sư Hồ Hữu Tường năm nào trong quyển “ Văn minh tu sĩ” và phải chăng với những xáo trộn của đời sống hiện nay về mọi mặt, gây nên sự bất an, lo sợ, âu lo trước sự vô định, vô thường của đời sống, thì tinh thần “ vô úy” ban vui cứu khổ của đạo Phật lại cần hơn bao giờ hết.

Cầu xin cho những suy tư, ước mơ nầy được chắp cánh bay, để mọi người đều nhận ra được tánh Phật có trong tâm mình và đến với nhau với tất cả tấm lòng yêu thương và chia sẻ chân thật. Tấm lòng chân thành sẽ là yếu tố tâm linh gắn liền con người với nhau trên bước đường nhân bản và Chân Thiện Mỹ. Với tất cả ước mơ xin được chắp cánh và với tất cả lòng thành, xin được kính dâng tất cả mọi người- dù bạn có đồng ý hay không, cũng xin nhận nơi đây một cánh sen lòng thật đẹp kính dâng tặng.

 

Viết xong ngày 19.01.2011

những ngày cuối năm Kỷ Sửu.

Cư sĩ Liên Hoa


Âm lịch

Ảnh đẹp