Về quê lên núi ngủ chùa
Uống bia tắm suối và đùa với sư
Đó là hai câu vần vè viết trên… điện thoại di động
của tôi, là thu hoạch nhỏ nhoi sau nhiều chuyến “về quê lên núi ngủ
chùa”. Khi nghe có bạn hữu nào về quê thì tôi lại nhắn gửi hai câu này.
Tuy nhiên, cũng tùy người mà tin thơ có biên tập đôi chút. Ví dụ với
người đứng đắn, nghiêm trang thì thơ sẽ được chỉnh lý thành: Về quê lên núi thăm chùa / Uống trà thưởng gió luận bàn sử kinh; còn với người dễ tính, bông phèng thì lời sẽ biến hóa: Về quê lên núi ngủ chùa / Uống bia tắm suối, trêu đùa nữ sư.
Đại khái là vậy. Nhưng xin đừng tưởng thơ là thật. Chỉ có một tâm trạng
thật là mỗi lần về quê đều muốn được thăm chùa trên núi.
Tại sao là chùa trên núi? Tại vì chùa trên núi thì
khác với chùa ở phố mà tôi thì đã quanh năm phố xá rồi. Tôi chỉ muốn nói
đến một chỗ neo dựa về tinh thần từ những ngôi chùa trên núi. Không
hiểu vì sao từ lâu tôi vẫn nghĩ đã là chùa thì phải ở trên núi. Như núi
Yên Tử là nơi mà vua Trần Nhân Tông đến tu thiền, bỏ lại sau lưng vàng
son triều chính. Lên núi là ở ngoài vùng phủ sóng, là lánh xa cái chốn
lao xao ở dưới kia, là đi con đường khó nhưng quan trọng hơn là bày tỏ
một thái độ.
Lên núi Yên Tử và đọc thơ thiền của Phật hoàng Trần Nhân Tông thì thật không gì tuyệt ý cho bằng.
“Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền
Có báu trong nhà thôi khỏi kiếm
Vô tâm đối cảnh hỏi chi thiền.”
Rêu phong. Ảnh: PHƯƠNG GIANG
Thì ra cái gọi là thiền chính là một sự rỗng không,
như một kẻ vô sự, lúc nào cũng sống với khoảnh khắc “bây giờ và ở đây”.
Nhưng một hành động có vẻ như rất dễ dàng “Đói cứ ăn đi mệt ngủ liền” nhưng không phải ai cũng thực hành được. Và như thế nên mới cần tu tập.
Ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát (Bình Định) có một ngôi
chùa trên núi được gọi là chùa Ông Núi (Linh Phong tự). Theo khảo tự phổ
của Linh Phong tự thì chùa được xây vào năm Quý Sửu (1733). Trước đó,
vào năm thứ 23 đời vua Lê, nhà sư Mộc Y Sơn Ông (tức Lê Bản, hay còn gọi
là Ông Núi) tu tại nơi này. “Tương truyền, ban ngày Ông Núi ở trong
rừng đốn củi, bó thành bó lớn chỉ có sức ông mới gánh nổi mang xuống
chân núi, để ở ngã ba rồi trở lên. Người dân quanh vùng đem gạo, muối
đến để đó rồi gánh củi về dùng. Hôm sau ông hoặc đồng tử xuống núi lấy
thực phẩm, nhiều ít không cần biết. Mỗi khi trong vùng có dịch bệnh thì
tự nhiên nhà sư đem thuốc xuống cứu chữa. Chữa xong rồi đi ngay, không
nhận bất cứ một sự trả công nào. Vào năm Quý Sửu (1733), chúa Nguyễn
Phúc Chú khen ông là bậc chân tu, xây lại chùa. Từ chùa tranh thành chùa
ngói bắt đầu từ đây. Chúa ban tên chùa là “Linh Phong Thiền Tự”, một
câu liễn và ban cho Sơn Ông hiệu “Tịnh giác, thiện trì Ðại lão thiền
sư”.
Tôi đã từng lên chùa Ông Núi. Nghe chuyện người tu
hành ngày xưa thấy rõ là bậc chân tu. Và thêm một lần nữa, tôi yêu mến
những ngôi chùa trên núi. Dẫu ở đây chỉ là một ngọn núi nhìn ra biển,
chẳng phải chót vót thâm u gì nhưng rõ ràng có một thứ gió khác, mát và
sạch hơn. Lên chùa, nhẹ lòng nhất là được nghe tiếng chuông chùa vẳng
trong thinh không. Cũng là tiếng chuông chùa nhưng ở phố, có lẽ nghe như
gắt gỏng hơn, còn ở trên núi này tiếng chuông nghe như trong veo, vèo
nhẹ vào mây trời.
Lâu nay, đi lễ chùa nhiều nhất vẫn là phụ nữ. Tôi cứ
nghĩ đi chùa trên núi thì đàn bà con gái sẽ ít đi vì đường xa, dốc cao,
leo trèo mệt nhọc. Hóa ra là tôi nhầm. Đi chùa trên núi, ở đâu cũng thấy
phụ nữ là những người khỏe khoắn nhất. Nhiều khi thấy phụ nữ lưng cõng
con mà bước phăm phăm lên dốc, tôi không khỏi ngạc nhiên. Phải chăng đó
là sức mạnh nơi lòng thành, hay sự thành tâm tập trung thành sức mạnh?
Tôi không rõ đàn ông đi chùa thường cầu gì, như tôi
thì thường… không cầu gì cả. Nhưng tôi biết phụ nữ đi chùa thường cầu
những gì tốt đẹp nhất cho cái gia đình bé nhỏ của họ. Cầu cho con thi
đậu đại học, có công ăn việc làm, con gái thì không bị trai nó lừa, con
trai thì không sa vào nghiện ngập; lại cầu cho chồng đi làm ăn xa khỏe
mạnh, đừng có bồ nhí… Đại khái là vậy. Những điều tưởng rất tầm thường
nhưng là niềm vui sống của những phụ nữ ở quê.
Mỗi lần về quê tôi lại thấy phụ nữ đi chùa ngày càng
nhiều. Có cả những người dẫu không theo đạo Phật vẫn đến chùa để viếng
chơi, làm công quả. Có nhiều nơi, phụ nữ mê chùa, xao lãng việc đồng
áng, bỏ bê giặt giũ, cơm nước cho chồng con. Có người bảo không lo cho
người thân mà chỉ lo việc thiên hạ. Nhưng tôi không nghĩ như vậy. Tôi
thương những người đàn bà nhà quê và vui khi thấy họ tìm được những
khoảnh khắc sống vui trong thực tại. Họ buông xả và họ có quyền lãng
quên. Thì đấy, nếu yêu thương thì hãy ghé vai mà gánh giùm cái gánh đời
thường giúp họ. Đừng trách móc mà chi!
“Về quê lên núi ngủ chùa”. Tôi không chỉ muốn
được về quê, không chỉ muốn lên núi viếng chùa mà thực sự là muốn ngủ
lại ít nhất một đêm dưới mái chùa, muốn soi lòng mình ở nơi chốn ấy. Sau
một đêm thức dậy dưới mái chùa sẽ thấy “vạn vật giai không” (Không có
cái tướng của ta, không có cái tướng của người, không có tướng chúng
sanh, không có tướng lãnh thọ của chúng sanh - kinh Kim Cang). Rồi nhẹ
chân xuống núi. Nhẹ chân bước lại cuộc đời…