19/11/2010 20:14 (GMT+7)
Số lượt xem: 3085
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Năm nào cũng vậy, Ngày Nhà giáo qua đi, và cứ còn y nguyên câu hỏi về cô giáo dạy văn và học trò học văn.


>> Những người "bất lực" trên Cánh đồng bất tận

Sắp đến Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11, như một thói quen, chị biên tập viên một tờ báo "phía kia" lại gọi điện tới "phía này", với chẳng mấy đổi thay trong tình cảm: "Cho em một bài đi". Lệnh ban ra như chơi vậy thôi, nhưng từ chối thật khó. Chị biên tập viên dùng ngay luận điểm của kẻ viết bài này để chống lại chính hắn: "Anh viết đi, mình không viết, ai viết?". Quả là có tác dụng gậy ông đập lưng ông, vì chính mình thường hay lý luận: "Mình không làm, ai làm?"

Và vì thế mà có bài viết này... gửi cô giáo Nguyễn Ngọc Tư.

Sao nhà văn Nguyễn Ngọc Tư lại thành cô giáo, và cô giáo của ai chứ lại? Sự thể như sau: Mấy năm trước, sau khi lùa vịt và lùa người đi khắp Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư ra Hà Nội có chút việc vinh quang. May mắn sao, mấy bữa đó, tôi được gặp cô Tư trong lần đầu cô ra chơi Hà thành.

Sau này, trong thư từ, cô Tư bộc lộ một tâm trạng hết sức dè dặt với cảnh và người chốn này. Và đó chính là lý do tôi gọi cô Tư bằng hai chữ cô giáo.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
Tôi đã nói với cô Tư rằng "Tư đừng sợ gì ráo! Ít ra thì Tư cũng đáng mặt làm cô giáo của tôi, người gần gấp 3 lần tuổi của Tư, và là người chưa bao giờ sánh nổi dù chỉ 1/3 tài năng của Tư. Hết lý do".

Sau này, mỗi khi cô Tư ra Hà Nội, một nhà phê bình tóc bạc kiêm xe ôm chỉ cần gọi báo tin "cô giáo ra thủ đô". Thế là hiểu ai từ Cà Mau ra Hà Nội, và ai ở Thủ đô phải đón chào ai từ Cà Mau ra.

Nhưng cô Tư là một giáo viên kém may mắn! Cô không dạy được cho cả đám học trò của cô biết phân biệt giữa 3 thể loại này: Thơ, truyện ngắn, phim ảnh.

Trước hết phải nói luôn, Cánh đồng bất tận của cô được viết ra với một bút pháp của người làm thơ. Đó là một truyện ngắn, không phải một tiểu thuyết như có nhiều người gọi nhầm. Sao vậy?

Cách biểu đạt thì hơi khác nhau, song về cấu tạo thì một truyện ngắn và một bài thơ có cấu trúc gần gần như nhau. Bắt đầu bằng một tứ thơ. Truyện ngắn cũng bắt đầu bằng một cái "tứ" - một cái hạt gieo mầm vào tâm hồn nhà thơ sau đó được nhà thơ tiếp tục gieo vần cho thành bài thơ.

Ngoài cái tứ thơ đó, giữa cách cấu tạo nốt cho thành bài thơ và cách xây dựng tiếp cho thành truyện ngắn, có một khúc công việc làm rất giống nhau: Những nét chấm phá trong thân bài thơ và những chi tiết vụt hiện trong câu chuyện "ngắn" đang được kể nốt.

Người xưa nói "thi trung hữu họa" là do cái tính chấm phá như vẽ tranh đó ở bài thơ. Trong truyện ngắn, cách chấm phá đó cũng khiến cho thể loại này khác hẳn với tiểu thuyết. Một cuốn tiểu thuyết nhất thiết phải được miêu tả tỉ mỉ sự phát triển của câu chuyện từ đầu chí cuối - từ cái hạt ban đầu cho tới khi thành cái cây thậm chí thành cả khu rừng...

Trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, sau cái tứ thơ mào đầu về thân phận cô gái điếm miệt làng Hai Lúa - thuở trời đất nổi cơn uất giận, gái miệt vườn lắm nỗi truân chuyên - sau tứ thơ đó, Nguyễn Ngọc Tư không phát triển câu chuyện như một tiểu thuyết. Nghĩa là Nguyễn Ngọc Tư không miêu tả tỉ mẩn như một tiểu thuyết đòi hỏi phải thế, trái lại, tác giả vẫn dùng thủ pháp của truyện ngắn - thủ pháp rất gần với thơ - phác những nét vẽ như những mảng màu hòa trộn có khi kình nhau có khi nhòa vào nhau...

Cảnh trong phim Cánh đồng bất tận
Phải nói luôn, cái tình tiết cúm gà cúm vịt đâu có là câu chuyện nằm trong sự phát triển của tiểu thuyết Nguyễn Ngọc Tư? Đó chỉ là một trong mấy nét chấm phá - thực tình cốt chỉ để tác giả chêm vào một nét thơ về con vịt mù ngơ ngác đi xuống hố để được đi vào cõi chết mà vẫn không hay biết vì sao mình chết.

Con vịt đó đâu có cấu thành câu chuyện về mấy vị chẳng ra kẻ cướp cũng chẳng ra dáng các công chức miệt vườn làm những hành động chẳng ăn nhập đầu đuôi, chỉ tranh thủ làm bẩn lưng áo em Nương.

Khi chuyển Cánh đồng bất tận từ một vài nét thơ như vậy sang một bộ phim truyện tối thiểu phải dài một trăm phút, người làm phim không thể cư xử một cách "nhàn nhã" như một nhạc sĩ lấy bài thơ hoặc mấy câu thơ ưng ý nhất của ai đó để làm thành một bài hát. Người làm phim phải làm lại cho thành một tác phẩm khác chỉ vì một lẽ đơn giản như sau: Phim truyện gần với tiểu thuyết, nhưng lại khác hoàn toàn với thơ hoặc truyện ngắn.

Khi thành phim truyện, cần có một đường dây cho câu chuyện được kể bằng hình. Đây là lúc tác giả bộ phim dựa trên gợi ý từ cánh đồng bất tận kia để chọn cái trục xung đột mới cho cái lôgic khác của bộ phim.

Tùy tác giả tính toán, có thể có trục xung đột giữa Ông bố - bà Mẹ - cô Điếm; cũng có thể chọn trục xung đột khác Ông bố - cậu Trai - cô Điếm. Và mỗi cái trục xung đột đó sẽ tạo ra đường dây tình tiết khác nhau. Khi đó, cái lô-gíc diễn biến truyện sẽ dẫn tới những chi tiết có lý - và người coi phim sẽ được lý giải vì sao cái nhà ông ở miệt sông nước kia thỉnh thoảng cứ có những cơn cáu kỉnh đá cái nọ ném cái kia không sao lý giải nổi.

Phim truyện phải là những chi tiết vô lý (phi lô-gíc) tạo nên cái có lý (tính lô-gíc) hấp dẫn người xem phim, đơn giản vậy thôi. Những chi tiết "thơ" đến đâu chăng nữa (như nét "thơ" về cây sống đời) thì cũng chỉ như là nước sôi quãng 60 tới 70 độ mà thôi - cẩn thận chớ dùng mà hại thận.

Cô giáo Tư ơi, ngày 20- 11, người học trò cao niên của cô gửi thư này tới cô, hỏi cô điều này: Sao cách dạy văn và học văn thời nay kém cỏi như vậy mà cô lại thành người viết văn hay đến chừng bấy?

Nếu cô không chịu trả lời, cũng như cô từng từ chối tham gia viết kịch bản phim, thì mong các nhà giáo khác hãy trả lời dùm.

Năm nào cũng vậy, Ngày Nhà giáo qua đi, và cứ còn y nguyên câu hỏi về cô giáo dạy văn và học trò học văn.

Chào cô ạ.

Nguon: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-18-thu-gui-co-giao-nha-van-nguyen-ngoc-tu


Âm lịch

Ảnh đẹp