19/11/2010 10:35 (GMT+7)
Số lượt xem: 3020
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

"...Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội. Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi. Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội. Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời..

.". Tôi ơi đừng tuyệt vọng” là một cách nói lạ, vì ngoài Trịnh Công Sơn, trước đây hầu như trong ngôn ngữ văn học nói chung, ca từ nói riêng, chưa có ai tự kêu “tôi” như thế. Cũng như bao “cách nói” khác của nhạc sĩ, người ta dễ dàng chấp nhận câu hát đó vì sức thuyết phục một cách linh mẫn trong ngôn ngữ riêng của ông, như nó đã luôn làm được như thế. Nhiều nhà thơ sau đó cũng hay “gọi tôi” trong các câu thơ của mình, coi đó thuần túy chỉ như một lối xưng hô, như khi ta cất tiếng gọi một ai đó vậy thôi.

Nhưng, Trịnh Công Sơn không phải là kẻ lập dị trong ca từ, thực ra, trong tâm thức của ông luôn có một “cái tôi” hằng hữu khác nhìn ngó “cái tôi” hiện thực đang sống. Và khi ông gọi “tôi” chính là cái tôi kia đang gọi cái tôi này, giống như một người đang gọi một người, ta đang gọi một kẻ khác.

Đi tìm “cái tôi” bất biến

Trong triết học Ấn Độ có một khái niệm về đại ngã, trong Phật học có một khái niệm về chân thân hay bản lai diện mục. Với âm nhạc, Trịnh Công Sơn đã một mình tự làm một triết học, tôn giáo học cho riêng mình. Tiếng gọi tôi của ông luôn là một cuộc hoài hương tha thiết đêm ngày hòng tìm lại cái tôi đó giữa “cõi tạm” trần gian mà ông đang sống. Tôi đi tìm ngày tìm đêm lâu dài một hôm thấy được đời tôi (Tự tình khúc).

Một lần bóng núi in bên sông dài một lần thấy bóng tôi (Một lần thoáng có). Ông là người, không phải là núi, nhưng thấy núi lại thấy mình, ấy là vì có một “cái tôi” khác của ông mang bản thể núi - vững vàng hơn vô lượng lần cái thân thể lau sậy mình đang có - như bất động trước những làn gió rối của thời đại. Nhưng nói “thấy được đời tôi” chỉ là một cách tự khuyến khích mình, nhủ mình rằng “tôi ơi đừng tuyệt vọng” đó thôi, nó chỉ mới là một sự lần ra manh mối đường về chứ chưa “về” thật sự.

Nó vẫn còn là một giấc mơ xa vắng và ông vẫn còn lận đận lắm trong cuộc hồi hương mờ mịt cuối ngõ cuối trời này: Tiến thoái lưỡng nan đi về lận đận. Về đâu cuối ngõ về đâu cuối trời. Xa xăm tôi ngồi tôi tìm giấc mơ. Xa xăm tôi ngồi tôi tìm lại tôi (Tiến thoái lưỡng nan). Không tìm thấy được cái tôi đó, mỗi ngày ông đều buồn bã thấy: Hôm nay thức dậy ôi ngẩn ngơ tôi. Hôm nay thức dậy mê mỏi thân tôi (Xa dấu mặt trời) là vậy.

Có những lúc tuyệt vọng thật sự, ông cất tiếng than van: Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây. Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này. Còn bao lâu cho mây đen tan trên hồn người. Còn bao lâu tôi xa anh xa em xa tôi? (Phúc âm buồn). Ta hiểu vì sao ông nói “xa anh xa em”, và rồi cả “xa tôi” nữa. Vì  những “cái” anh, em và tôi kia đều cũng chỉ là một, là “cái tôi” hiện sinh phù du, còn ông, ông muốn trở về với “cái tôi” hằng hữu bất biến nào đó của mình kia.

Cái tôi đó có khi hiện thân là một Con mắt còn lại nhìn cái tôi phù trầm này một cách thương cảm: Con mắt còn lại nhìn cuộc đời tôi. Nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp. Con mắt còn lại là con mắt ai. Con mắt còn lại nhìn tôi thở dài.

Những tiếng thở dài như thế có giá trị như một lời an ủi, một sự khuyến khích, động viên mà chỉ có Trịnh Công Sơn mới nghe ra (chữ ông hay dùng, như một bí nhiệm) để tiếp tục lên đường tìm về cố quận, dù dâu bể thời gian và cuộc đời có như bão tố điên cuồng phá hủy thân xác lau sậy mình: Xuân hạ thu đông bốn mùa làm tóc trắng. Tôi gọi tên tôi khắp chốn non ngàn. Tôi dìu tôi đi giữa trời lên bão tố. Xuân hạ thu đông theo gót chân hờ (Dã tràng ca). Quả thật, với một người đang riết róng tìm về với một tiếng gọi nào đó dành cho riêng mình, thời gian đi theo “nó” chỉ là những “gót chân hờ”mà thôi.

Và tiếng gọi riết róng kia chính là một cái tôi trên cao đang ra sức dìu dắt, nâng đỡ cái tôi dưới thấp đi xuyên qua mịt mùng thân phận người. Ở đây, một lần nữa, ta lại phải khen thiên tài sử dụng chữ nghĩa của ông! Và nói thêm, đã có nhiều thi sĩ cũng bắt chước ông gọi tên mình, nhưng là gọi cái tên hiện sinh (dễ đặt và dễ thay đổi) của họ thật, chứ không phải “cái tôi” này gọi “cái tôi” kia như của Trịnh: Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ. Thanh Tâm Tuyền.

Nói cách khác, cái tôi trên cao ấy là một tên gọi khác của cội nguồn, nơi ông luôn muốn lần về. Vì vậy, đang khi sống, dù là giữa hội hè, ông vẫn luôn tự cảnh báo: Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội. Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi. Tôi vui chơi giữa đời ối a biết đâu nguồn cội. Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời. Những cái tôi là núi, là bóng cây, là mưa đó cơ chừng là miên viễn, là “lời thiên thu gọi”, là những hóa thân thăng hoa cho cái tôi lau sậy buồn, dễ và chóng tan rã.

Tan giữa hư không

Vào giờ ngọ một ngày đầu mùa hè 2001, Trịnh Công Sơn đã làm một cuộc chuyển di từ cái tôi này sang cái tôi kia thênh thang. Hệt như ông đã tiên lượng trước, cũng là hò hẹn trước bao lâu nay, trong những lời kinh tự khấn Ra đồng giữa ngọ, từ năm 1974: Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ. Miệng môi hồng đỏ như đóa hoa vông. Hoa vông mùa hè lập lòe thinh không. Hoa vông chào mừng mùa hè thênh thang (...) Thằng bé xinh xinh ra đồng giữa ngọ. Ngờ đâu hội ngộ tan giữa hư không. Tan trong trời hồng làm giọt mưa trong. Tan trong cội nguồn. Một lần nữa, ta thấy, ông lại khấn nhắc về cái tôi là giọt mưa trong và tan trong cội nguồn. Ông đã về thực sự.

Nhưng còn cái tôi hiện sinh lau sậy vừa quá vãng kia, ông làm gì với “nó”? Thì ông lại lấy cái tôi vừa hóa thân “an ủi” lại nó: Xin ngủ trong vòng nôi. Ta ru ta ngậm ngùi. Xin ngủ dưới vòm cây (Ru ta ngậm ngùi). Chỉ có người này mới ru được người kia, nhưng Trịnh Công Sơn, nhờ có hai cái tôi, đã ru được chính mình. Vòng nôi chính là cánh tay mẹ và mẹ ông vẫn đang tiếp tục “ru” thân xác ông - cái tôi mà bà đã sinh ra - trong nghĩa trang Gò Dưa, nơi ông nằm cạnh mẹ. Và cái vòm cây ông đang nằm dưới đó, nó cũng lại thu bóng cùng ông, hệt như đã hứa với nhau, trong câu hát ngày nào thuở sinh thời: Cây trưa thu bóng dài và tôi thu bóng tôi.

 

Theo NLĐ (Đòan Vị Thượng)



Âm lịch

Ảnh đẹp