01/12/2010 17:48 (GMT+7)
Số lượt xem: 4109
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trà xanh đã có mặt với người Á châu  rất lâu, dễ chừng gần 5000 năm. Trong khi Lục Vũ ở Trung Hoa say sưa viết 'Trà Kinh', thiền sư Eisai ở Nhật Bản miệt mài cải thiện kỹ thuật chế trà, sắp đặt lớp lang để đưa môn uống trà thành một đạo: Trà Đạo.

Thì ở Tây phương, tuy trà được giới thiệu rất muộn; khoảng thế kỷ thứ 16, người Anh đã  sản xuất được một loại trà khác từ một giống trà hoang tìm thấy ở thuộc địa Ấn Độ: Trà đen.

 

Tuy sinh sau đẻ muộn, chẳng có kinh kệ nào tán dương, nhưng với nền khoa học kỹ thuật cao,  thế lực chính trị áp đảo của những nước thực dân và nhất là với xã hội khép kín của  nước sản xuất Đông phương , người Tây phương đã thành công trong việc quảng cáo, gây ấn tượng cho giới tiêu thụ, rằng uống trà đen- kiểu trà Lipton- là cái uống của văn minh, của giới thượng lưu, của lớp trẻ trong khi một tách trà xanh lại là cái uống của ngày xưa, của các cụ ông cụ bà ưa ngâm thơ ngắm cảnh, hoặc của các thiền sư trong một buổi thiền trà ở chốn thâm sơn cùng cốc nào đó. Kết quả là ngày nay,  trà đen chiếm lĩnh đến 72% thị trường tiêu thụ thế giới, đem đến cho  Tây phương, như công ty East India của Anh quốc chẳng hạn, những lợi nhuận kết xù.

Thực ra về mặt y học, trà đen thua trà xanh rất xa. Trà xanh chứa  chất Cathechins nhiều gấp ba lần trà đen. Cathechins là một loại antioxidant then chốt chống ung thư, chống vi khuẩn và giảm lượng cholesterol trong máu . Cho nên trà xanh mới là loại trà đem đến cho con người nhiều lợi ích về  sức khỏe một cách hữu hiệu hơn trà đen.

Vậy thì đã đến lúc nên  trả lại cho trà xanh vị trí đích thực cao tuyệt  của nó, để những câu nói kiểu như  'Bình minh nhất trảm trà. Lương y bất đáo gia' (Sáng sớm một ly trà xanh. Thì  đâu cần lương y tới) của người Đông phương là một câu nói  đúng, dù đã bao năm cái chân lý  này  bị chính người Đông phương làm lu mờ đi.

 

Trà xanh với chặng đường 5000 năm lịch sử

 

Theo cổ sử Trung Hoa, trà xanh do vua Thần Nông tìm thấy khi ông phát hiện một vài lá trà rơi vào bình nước đang đun, làm vị nước ngon tuyệt hẳn đi. Vua cho chép trong cuốn ký sự 'Pen Tsao', viết vào năm 2735 trước Công nguyên, rằng 'nước  trà xanh làm đở khát, không buồn ngũ. Trà còn làm tinh thần thêm sảng khoái'. Chuyện vua Thần Nông dù sao cũng là một truyền thuyết, thực hư không rõ (1). Nhưng ký sự đầu tiên được ghi trên sử là cuốn  'Đồng Ước' của Oho (Vương Bảo) thời Tuyên Đế nhà Tiền Hán (206BC - 8AD) viết vào năm Thần Tước thứ ba (năm 59 trước Công nguyên) rằng 'trà được mua ở Vũ Đô. Khi uống thì nấu sôi thành nước trà'. Vũ Đô là tên một ngọn núi ở huyện Miên Trúc tỉnh Tứ Xuyên (2) . Sau đó, trong ký sự của Kuo Po viết vào năm 350 có mô tả 'nước trà làm từ lá trà đun sôi... trà làm bớt đau nhức’ (3). Như thế nếu căn cứ vào cổ sử của Trung Hoa, thì trà đã có mặt từ 4733 năm trước, hoặc ít nhất cũng được 2057 năm kể từ khi Vương Bảo viết ký sự về trà.

Nhưng phải đợi đến đời Đường (618-907), khi Lu Yu (Lục Vũ) viết cuốn 'Trà Kinh' vào năm 760 gồm ba cuốn Thượng, Trung, Hạ ghi chép rành mạch tất cả chi tiết liên quan đến trà xanh, từ nguồn gốc, giống, cách trồng cho đến cách chế biến, cách uống và lợi ích của trà về mặt y dược, lúc đó trà xanh mới thực sự phổ biến và trở nên một mặt hàng quan trọng, 'được' vua quan đặt lệ nộp thuế 3). Vì công trình nghiên cứu sâu sắc, 'Trà Kinh' được xem như cuốn Thánh kinh của dân mê trà. Lục Vũ được người đời sau tôn làm ông tổ, có tên trong bất cứ cuốn sách đông tây nào nói về trà.

Qua đến đời Bắc Tống (960-1126), trà xanh được vua Tống cho phép đưa sang bán ở Mông Cổ và Tây Tạng. Đây là nghiệp vụ xuất khẩu đầu tiên của Trung Hoa, song song với tơ lụa và đồ gốm, vốn là những mặt hàng nổi tiếng của Trung Hoa  thời bấy giờ.

Ở Nhật, trà xanh được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 729 (4) do các vị sư Nhật Bản sang tu học ở Trung Hoa mang về. Chẳng là trong các buổi đại giới đàn, có khi kéo dài đến cả bốn, năm ngày, các vua Đường (618-907) thường 'ban trà cho'. Các vị tu sĩ đã khám phá rằng trà không những là một môn thuốc hay mà còn làm cho họ tỉnh táo hơn trong các buổi ngồi thiền. Trà đem về Nhật thoạt đầu được trồng trong chùa, sau đó được chế biến thành những 'bánh trà', theo phương cách của Lục Vũ. Trong cuốn 'Nhật Bản Hậu Ký' viết vào năm 815 có đoạn ghi 'nhân dịp viếng thăm chùa Sùng Phúc, Thiên hoàng Saga (Sai Ngã) (809-823) được Đại sư Eichu (Vĩnh Trung) dâng biếu trà. Thiên hoàng sai đem về trồng trong hoàng cung, hàng năm dùng trà làm quà biếu'. Đến năm 1191, Thiền sư Eisai (Vinh Tây) nhân chuyến du học sang Trung Hoa, đem về một ít hạt giống trồng thử tại núi Seburui (Bối Chấn Sơn) thuộc vùng Bizen, sau đó tặng một ít để trồng ở chùa Kozanji (Cao Sơn Tự)  thuộc kinh đô Kyoto. Chính thiền sư Eisai là người đã bỏ rất nhiều công phu để cải thiện cách chế trà của Lục Vũ, từ dạng 'bánh trà' sang dạng trà búp phơi khô (sencha), mở đầu cho loại trà xanh Nhật bản ngày nay. Thiền sư Eisai cũng là người chế ra loại 'trà bột' (mạt trà, matcha) từ 'bánh trà' và hệ thống hoá lớp lang trong khi uống trà dựa theo bốn điểm Hòa (wa), Kính (kei), Tinh (sei) , Tịch (jaku) của Thiền học, để sau này Senno Rikyu (Thiên Lợi Hưu) hoàn tất việc đưa môn uống trà xanh của Nhật thành một đạo: Trà Đạo ( Cha no yu hay Sado). Năm Tensho (Thiên Chính) thứ 15 (1587), Thiên hoàng Toyotomi Hideyoshi (Phong Thần Tú Cát) (1536-1598) cho khai trương Đại Trà Quán ở phố Kitano, kinh đô Kyoto để đại chúng hoá món trà xanh.

 

Con đường trà xanh sang Tây phương

 

Tuy đã từ lâu sang Viễn đông để mua lụa, đồ gốm, gia vị và thuốc nhuộm, người Tây phương chỉ biết đến trà xanh  qua ký sự 'Voyages and Travels' xuất bản năm 1559 mà thôi. Tuy vậy mải cho đến  khi Jan Hugo van Linschooten, một nhà hàng hải Hòa Lan, hết lời ca ngợi món Trà Đạo trong cuốn nhật ký du lịch samg Nhật của ông xuất bản năm 1595, thì sau đó các tàu buôn Hòa Lan mới bắt đầu buôn trà xanh sang Âu châu (5). Thoạt đầu trà xanh được dùng cho giới quí tộc, nhưng kể từ năm 1657, khi món trà xanh có trong thực đơn của quán cà phê nổi tiếng Garraways Coffee House ở Luân Đôn thì trà trở nên thức uống phổ biến ở Âu châu, đặc biệt  Anh quốc.

Ở Nga, trà xanh  được đưa sang từ Mông Cổ bằng lạc đà qua ngã sa mạc Gobi vào cuối thế kỷ 17.

Ở Hoa Kỳ, trà xanh được đưa sang vào thế kỷ 18. Lúc đầu tất cả các hàng nhập cảng đều bị đánh thuế nhưng kể từ năm 1770 trở đi, một số lớn mặt hàng được miễn thuế trừ trà. Dân Mỹ, lúc đó hãy còn là thuộc địa của Anh, đã chống lại bằng cách ném tất cả các kiện trà xuống bến cảng Boston. Mỹ ít uống trà nhưng lại ghiền đậm cà phê là vì vậy.

Vì thị trường ngày một to lớn, mà việc tàu buôn  Hòa Lan độc quyền bán trà  có khi không thể cung cấp hàng kịp thời, cho nên năm 1689 công ty East India của Anh ra đời, trực tiếp buôn trà từ Trung Hoa sang Anh.

Trong suốt hơn 200 năm buôn bán trà xanh với Á châu, người Tây phương thấy việc làm ăn buôn bán này càng ngày càng gặp nhiều vấn đề khó khăn nhức nhối. Thứ nhất là cách trồng trà trong những nương trà nhỏ xíu với kiểu chế biến thủ công đã không đáp ứng được yêu cầu về lượng. Thứ hai là phương pháp chế biến kiểu 'bánh trà' không được cải thiện mấy nên chất lượng bao giờ cũng kém, không chịu nỗi những chuyến hải hành dài cả nửa năm từ Trung Hoa sang Âu châu. Cuối cùng là những khó khăn trong vấn đề giao dịch mua bán với giới quan lại Trung Hoa vốn cửa quyền, thích  hối lộ và tham nhũng. Tất cả những điều đó nhen nhúm dần trong đầu những thương nhân Tây phương một yêu cầu tha thiết mới: cần phải có một nguồn sản xuất khác phong phú hàng hoá hơn, chất lượng cao hơn và dễ kiểm soát hơn.

 

Từ trà xanh Đông phương sang trà đen Tây phương

 

Kể từ năm 1788, công ty East India của Anh quốc đã nhận được báo cáo rằng có một giống trà hoang hiện diện ở tỉnh Assam  miền bắc Ấn Độ, lúc đó là thuộc địa của Anh.  Nhưng phải đợi đến năm 1833, lúc mà công ty bị mất độc quyền mua bán trà, cộng thêm với những khó khăn trong thương mãi với Trung Hoa, thì công ty mới thực sự quan tâm đến việc tự xây dựng cho mình một nguồn sản xuất mới có thể chủ động kiểm soát hơn. Năm 1834, công ty East India thành lập một Ủy Ban về Trà chuyên nghiên cứu những dự án khả thi cho trà. Uỷ ban cử G.J. Gordon đi Trung Hoa để mua hạt trà, học nghề và mời thợ. Ủy ban mời Charles Bruce làm Giám thị chương trình trồng trà, đặt nhiều thí điểm để trồng thử các giống trà Gordon mang về từ Trung Hoa. Sau bao năm theo dõi, người ta thấy những cây trà gốc  Trung Hoa sinh trưởng không mấy tốt so với những cây trà hoang Assam bản xứ. Công ty bắt đầu nghĩ đến việc xây dựng một hệ thống 'đồn điền' trà vừa cho cả hai giống Trung Hoa và Assam. Khác với các nương trà ở Trung Hoa, 'đồn điền' trà ở Ấn bây giờ rộng bao la, nên khi lá trà thu hoạch vừa đem về công trường, thì trà đã bị lên men tất cả vì đã mất mấy giờ đồng hồ di chuyển. Trà lên men không còn màu xanh mà đã chuyển sang màu đen. Lúc pha, nước trà màu đỏ sậm, mùi vị đặc biệt thơm ngon: Trà Đen kiểu Tây phương ra đời!

Tháng 12 năm 1837, lô trà đen đầu tiên được sản xuất từ một giống trà mới (Assamica), trên một quê hương mới (Ấn Độ), bằng một phương pháp mới (lên men) được chuyển xuống Calcutta để sau đó cấp tốc gởi sang Luân Đôn. Sau đó không lâu, chuyến tàu lịch sử 'Calcutta' đã hân hạnh chở những kiện trà đen đầu tiên từ Ấn sang Anh. Tàu   cập bến Luân Đôn tháng 11 năm 1838. Qua ngày 10 tháng giêng năm 1839, tám kiện hàng trà đen đầu tiên làm ở Ấn Độ được đem bán đấu giá tại phòng thương mãi  Mincing Lane, Luân Đôn với sự quan tâm ủng hộ đặc biệt của mọi giới.

Từ nay, Tây phương đã có một loại trà mới: Trà đen Ấn Độ. Trà Trung Hoa bắt đầu bị cạnh tranh và mất dần thị trường.

 

Trà xanh, trà đen và trà Ô long: Khác nhau ở đâu ???

 

Trà có tên khoa học là Camellia sinensis (L.) O. KUNTZE. Tuy nhiên trà xanh,  trà đen và trà Ô long (Oolong) lại được  làm từ những giống khác nhau.

Trà xanh làm từ giống C. sinensis var. sinensis là giống có lá nhỏ, cây có dạng bụi, chịu khí hậu lạnh ôn đới. Trà đen làm từ giống C. camellia var. assamica là giống có lá lớn, cây có dạng cao, chịu khí hậu nóng nhiệt đới. Trà Ô long làm từ một trong hai giống trên, hoặc sinensis hoặc assamica, tùy theo nơi sản xuất.

Các sách báo ngày nay khi viết về trà tuy có viết  kỹ về những lợi ích  sức khoẻ do trà mang lại, nhưng lại rất ít khi phân tích rõ sự khác nhau của các loại trà. Phần lớn những bài viết này thường đưa độc giả đến một nhận định chung chung rằng 'cả ba loại trà đều có lợi cho sức khoẻ  vì cùng chứa hợp chất hoá sinh polyphenols' (6).

Polyphenols, chất chát của trà, là một hợp chất chống oxyt hoá (antioxidant) tìm thấy nhiều trong  trà, trái cây, rau cải, khoai tây, tỏi và một số các thức ăn khác. Trong trà, hơn 75% polyphenols là hợp chất Catechins. Catechins mới chính là hợp chất then chốt có khả năng chống nhiều chứng bệnh hiểm nghèo. Catechins có trong rượu vang, lá cây bạch quả (Gingko biloba) và vỏ tùng.

Tuy Catechins có nhiều trong lá trà tươi, nhưng qua quá trình chế biến, lượng Catechins đã bị thay đổi hẳn4,(10) để đưa đến kết quả là trà xanh chứa Catechins nhiều gấp ba lần trà đen và gấp hai lần trà Ô long. Cụ thể là:

 

. Trà xanh chứa  15-36% catechins

. Trà đen chứa      3-10% catechins

. Trà Ô long chứa 8-20% catechins

 

Sở dĩ có sự khác biệt nhau về hàm lượng Catechins trong trà là vì trong lá trà có một men gọi là polyphenol oxidase, có khi còn gọi là endogenous enzyme. Ngay sau khi búp và lá trà được hái, men trên bắt đầu hoạt động, thay đổi cấu trúc polyphenols, gây sự lên men.Trà xanh là loại trà khô, khi thu hoạch, lá trà tươi tức khắc được chưng hoặc rang ở nhiệt độ cao để ngăn cản sự lên men. Sau đó lá trà được sấy, vò nhiều lần để đưa ẩm độ xuống còn 6%. Vì đã ngăn cản sự lên men ngay từ đầu nên   trà vẫn giữ được hàm lượng polyphenols cao, có màu xanh. Gọi trà xanh là vì thế. Khi pha, nước trà xanh có màu vàng hoặc vàng lục óng ả.

Trà đen là loại trà lên men. Khi thu hoạch, lá trà tươi được phơi khô tự nhiên để men endogenous tự do hoạt động. Sau đó lá trà được vò, sấy khô nhiều lần để đưa ẩm độ xuống khoảng 3%. Trà lên men sau khi sấy khô có màu đen nên gọi là trà đen. Khi pha, nước trà đen có màu đỏ trong suốt lẫn với một hương vị thơm ngon đặc biệt. Tuy nhiên vì đã  lên men nên phần lớn hợp chất polyphenols trong trà đen đã bị tiêu hủy. Trà đen chứa hàm lượng polyphenols thấp là vì vậy.

Trà Ô long là loại trà lên men bán phần. Quá trình chế biến trà này giống như trà đen nhưng thời gian lên men ngắn hơn nên hàm lượng polyphenols bị tiêu hủy ít hơn. Trà Ô long có màu đỏ sậm. Khi pha, nước trà màu vàng đậm hoặc vàng đỏ trong suốt.

 

Những lợi ích của trà xanh về mặt y dược

 

1. Tại sao trà xanh lại ngừa được chứng ung thư?

 

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh ung thư. Tuy nhiên về bệnh trạng, các nhà nghiên cứu đều đồng ý rằng ung thư có hai thời kỳ: thời kỳ sơ khởi và thời kỳ phát bệnh. Vào thời kỳ đầu, những chất gây bệnh như thuốc lá, phóng xạ, hoá chất, tia tử ngoại  hoặc 'free radicals' đột nhập vào tế bào, cưỡng chế DNA làm theo một mệnh lệnh mới không giống trình tự cũ, tạo thành những tế bào ung thư đầu tiên. Sau một thời gian có khi cả tháng hay cả năm, các tế bào của cơ thể hoạt động một cách không kềm chế, tạo nên những bứu ung thư, tiêu diệt dần các tế bào và cơ quan trong cơ thể dẫn đến tử vong. Khi còn khoẻ, hệ thống miễn nhiễm trong cơ thể có thể tiêu hủy tế bào ung thư đầu tiên . Nhưng khi yếu, sự phát hiện tế bào ung thư đầu tiên thường dẫn đến sự hình thành bứu ung thư ngay sau đó, chuyện tử vong chỉ là vấn đề thời gian.

Để  chống sự phát triển tế bào ung thư, cơ thể cần một số men (enzymes) hầu ngăn chận  sự hình thành tế bào hoặc  bứu ung thư. Một trong những men đó là men urokinase  (uPA) (7) .

Trong thế giới tự nhiên, có rất nhiều chất có thể giúp con người chống được ung thư. Một trong những chất đó là chất chống oxyt hoá (antioxidant). Antioxidants thường hay nói tới là Vitamin A, C, E, chất Bioflavonoids và Polyphenols.

Trà xanh chứa một lượng rất lớn polyphenols, chủ yếu là Catechins. Có 4 loại Catechins, trong đó catechin có tính chống ung thư hữu hiệu nhất là Epigallocatechin gallate (EGCg). Chất này có đến 59.1% trong trà xanh, là một lượng EGCg rất lớn không có loại thức ăn nào sánh kịp! Chính EGCg  có khả năng kết hợp thành men uPA, ngăn chận sự kết thành các tế bào và bứu ung thư (7).

Cho đến nay, khoa học đã chứng minh được rằng trà,  hữu hiệu nhất là trà xanh, có khả năng ngừa được ung thư da, bao tử, lá lách, phổi, ruột  và prostate. Một thí nghiệm gần đây ở Hoa Kỳ (4) cho thấy rằng chỉ cần cho chuột bạch uống mỗi ngày một ít EGCg, cũng đã có thể giúp chúng tránh được ung thư gan. Nếu là con người, lượng 'một ít' này tương đương với khoảng 6-8 tách trà xanh. Hoá ra  tổ tiên ta ngày xưa đã biết dùng một lượng trà xanh trên mức yêu cầu rất nhiều rồi !

 

2. Trà xanh và đội quân vi khuẩn giết người

 

Trong những ngày  tháng 7 năm 1996 tại thành phố Osaka, dân Nhật Bản bỗng nhiên bị đặt trong một bầu không khí hết sức căng thẳng: liên tiếp hai hôm liền, năm sự kiện trúng thực liên tục xãy ra  ở các trường học, viện dưỡng lão, quán ăn ... mà nguyên nhân chỉ vì ăn phải giá kaiware nhiễm vi khuẩn E. coli 0157. Kaiware là một loại giá ăn sống, làm từ hạt củ cải trắng.

Ngay sau đó nhóm nghiên cứu của giáo sư Yoshikawa thuộc  Đại học  Nha khoa Nippon, Tokyo đã làm một loạt thí nghiệm để kiểm chứng lại tác dụng của trà xanh trên sự phát triển của E. coli 0157. Kiểm chứng lại là vì trước đây, nhóm nghiên cứu của giáo sư Shimamura tuy đã phát hiện trà xanh có khả năng diệt khuẩn nhưng lại thiếu những số liệu rõ ràng. Yoshikawa cho cấy khuẩn E. coli  0157 trên nhiều môi trường trong đó có hai môi trường trà xanh. Chỉ 24 giờ sau, kết quả cho thấy  trong khi E. coli phát triển rất mạnh ở các môi trường khác, trên hai môi trường trà, chúng đã bị hoàn toàn tiêu diệt  chỉ trong vòng 5 giờ đồng hồ sau khi cấy11). Từ kết qủa nầy, một lần nữa khoa học đã chứng minh chính Catechins là chất đã chống được khuẩn E. coli 0157.

Chính phủ Nhật sau đó đã khuyến cáo dân chúng nên dùng trà xanh sau mỗi bữa ăn để tránh ngộ độc.

Catechins trong trà còn có thể chống được khuẩn Vibrio cholerae gây bệnh dịch tả (8), khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc từ thịt nguội (9).

 

3. Trà xanh là môn thuốc rẽ nhất cho bệnh tim và giảm Cholesterol

 

Cholesterol là một loại chất béo cần cho cơ thể của con người. Cholesterol tạo vỏ tế bào. Cholesterol tạo lớp bao che các sợi thần kinh... nhưng nếu có quá nhiều cholesterol lại là điều không tốt.

Trong máu, cholesterol kết hợp với protein và chất béo , tạo thành lipoproteins để di chuyển khắp nơi trong cơ thể. Có hai loại lipoproteins: loại High Density Lipoproteins (HDL) và Low Density Lipoproteins (LDL). HDL mang cholesterol thoát ra khỏi mạch máu nên được gọi là 'cholesterol tốt' trong khi LDL thì lại để cholesterol bám dần trên vách mạch máu nên gọi là 'cholesterol xấu'. Khi cơ thể có quá nhiều LDL, vách mạch máu bị đóng dày có khi làm nghẽn không cho máu di chuyển được, đưa đến chứng tụ đông huyết cầu trong mạch máu, dẫn đến bệnh tim và các cơn đột qui nguy hiểm khác.

Để di chuyển LDL, cần có một phân tử kết hợp gọi là Receptor molecules. Phân tử này nối với LDL và mang chúng thoát đi, khỏi bị đọng trong mạch máu. Nghiên cứu gần đây của nhóm CSIRO và Đại học South Australia ở Úc (10) đã chứng minh rằng Catechins trong trà xanh có đủ chức năng như một receptor molecules. Trà xanh không những giúp chống bệnh tim mà còn làm thấp lượng cholesterol trong máu. Nhóm nghiên cứ đã kết luận, đăng trong tờ 'Campus News' ngày 3 tháng 11 năm 1997 rằng ' Người Úc cho đến nay không có thói quen uống trà xanh. Nhưng khi nghĩ đến 150 người Úc mỗi ngày  chết vì  bệnh tim, thì đã đến lúc nước Úc nên xem trà xanh cũng là một thức uống thường ngày' (10).

 

4. Trà xanh và những lợi ích khác

 

Ngoài những lợi ích kể trên, khoa học cũng đã chứng minh trà xanh còn có thể giúp cơ thể ngừa được bệnh tiểu đường, chống sâu răng, làm chắc men răng,  làm sạch miệng và giúp cho tinh thần bao giờ cũng được sảng khoái, tỉnh táo.

Trong Phật giáo, nhất là Phật giáo Nhật Bản, trà xanh được coi rất trọng. Trà xanh được dùng cho những buổi Thiền trà vì ngoài những lợi ích về y dược kể trên, trà xanh còn mang một chặng đường phát triển vẽ vang của dân tộc mà Phật giáo Nhật Bản cũng đã hết mình góp công xây dựng nên.

 

Chén trà trong hai tay

Chánh niệm nâng tròn đầy

Thân và Tâm an trú

Bây giờ và ở đây

 

Thay lời kết

 

Câu chuyện về trà xanh chỉ là một bài học nhỏ  về một giá trị của Đông phương bị cố tình bỏ quên, một phần do chính người Đông phương tự làm giá trị này lu mờ vì đã không nói lên  được bằng ngôn ngữ thời đại, phần kia do sức ép của thế giới Tây phương đẩy phăng đi, như một cơn lốc  không có gì ngăn cản nổi.

Một  cơn lốc thoạt trông cực  mạnh nhưng xem ra lại không mấy nội lực,  như món trà đen kia chỉ có  một phần ba giá trị y dược so với trà xanh mà vì phương cách tiếp thị và quảng cáo giỏi đã làm nhiều  người ưa thích mà quên đi giá trị của  trà xanh, là môt thức uống tốt mà tổ tiên ta đã ca ngợi  từ lâu !!!

 

Tài liệu tham khảo

 

Lê Văn Hưu, 1697. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Ngoại kỷ, Quyển I.

Muramatsu, K., 1992. Cha no kagaku  (Science of Tea). Asakusa Publisher, Tokyo,      Japan (In Japanese).

Schapira,J., D.S. Schapira and K. Schapira, 1996. The Book of Coffee & Tea. St.           Martin Publisher, New York, USA.

Taylor, N., 1998. Green Tea, the natural secret for a healthier life. Kensington     Publishing Corp., USA.

Willson, K.C. and M.N. Clifford, 1992. Tea, Cultivation to Consumption. Chapman         & Hall Publisher, London, UK.

Quang Vinh, 1998. Bình minh nhất trảm trà. Giác Ngộ, số 96: 42-43.

Jankun, J., S. Selmon and R. Swiercz, 1997. Why drinking green tea could prevent       cancer. Nature, Vol. 187, 5 June: 561.

Toda M., S. Okuba, R. Hiyoshi and T. Shimamura, 1989. The bacterial activity of           tea and coffee. Letter Appl. Microbiol., Vol. 8: 123-125.

Hara, Y., 1993. Effect of tea polyphenols on the intestinal flora. Up to Date Food             Processing. Vol. 28(2), Feb. 1993.

10 Emily Collins, 1997. Green tea could be a natural weapon against cholesterol.             Campus News, November 3, 1997:5.


Quảng Thiện

Mùa Phật Đản  2622 (1998)

 

 

 


Nguon: chuyenluan.net


Âm lịch

Ảnh đẹp