09/11/2010 14:05 (GMT+7)
Số lượt xem: 4142
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trà xuất hiện ở rất nhiều nơi trên thế giới, mỗi dân tộc có cung cách uống trà khác nhau. Người Nhật nâng trà lên hàng nghi thức được gọi là trà đạo, nhưng tinh thần đó không chỉ riêng Nhật mới có. Trường hợp Hàn Quốc ở đây là một ví dụ.


Ta từng nghe nói những loại danh trà như trà An Độ, Tích Lan, trà Ô Long (Trung Quốc) hay trà Jasmine (ướp hoa lài) và Earl Grey rất phổ biến ở châu Au, nhưng thực ra có tới hàng ngàn loại trà khác nhau trên thị trường thế giới. Trà có thể trồng ở nhiều vùng đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu và độ cao khác nhau, và được phơi sấy, chế biến theo nhiều kiểu khác nhau để thỏa mãn khẩu vị của khách tiêu dùng. Trà cũng được công nhận là giúp thư giãn đầu óc và bổ mắt. Tuy nhiên, trong kho tàng kiến thức về trà trên khắp thế giới, thì trà đạo Hàn Quốc theo kiểu cổ truyền lại ít được biết tới.

Nếu bạn thắc mắc không biết nguồn gốc cây trà ở đâu ra, có lẽ các nhà khảo cổ, thực vật học hay sử học sẽ có câu trả lời cho bạn, còn truyền thống Phật giáo Đông Á, như Hàn Quốc chẳng hạn, sẽ có câu trả lời riêng. Ngày xưa, Bồ đề Đạt ma từ An Độ qua Trung Quốc để hoằng dương Phật pháp, sau đó lên núi quay mặt vào vách đá 9 năm để tham thiền. Vì cũng là người phàm nên ông cũng có những lúc buồn ngủ và ngủ gật, điều này cản trở việc thiền định và trầm tư của ông, nên ông quyết định cắt bỏ hai mí mắt để mắt không bao giờ nhắm lại được. Chỗ ông vất hai mẩu thịt mí mắt đó bỗng mọc lên một bụi cây, đó là cây trà. Cho nên trà và nghi thức uống trà gắn liền với việc thiền định là vì thế.

Đó là chuyện truyền thuyết. Còn trà cũng có lịch sử lâu đời tại Hàn Quốc. Sử sách có ghi chuyện Hoàng hậu Ho Hwang-Ok của vương quốc Karak (tồn tại từ năm 42 trước Công nguyên đến 532 sau CN) đã mua trà từ An Độ để về trồng. Đến ngày nay, vùng núi Chiri vẫn là nơi sản xuất trà hảo hạng của Hàn Quốc. Từ thời Tam Triều (18 trước CN - 668 sau CN) về sau, đã có nhiều sử liệu đề cập tới trà. Triều Silla thống nhất Hàn Quốc (668-935) là thời kỳ trà trở nên phổ biến khắp nơi, nhất là trong triều đình, tầng lớp có học và tu sĩ. Dưới triều Koryo (935-1392), trà đạo trở thành quốc đạo. Trà được pha và dâng cúng Phật. Nhưng đến thời Choson (1392-1910), Khổng giáo phát triển mạnh ở Hàn Quốc lấn át hẳn Phật giáo, nên trà đạo mất tính phổ biến và chỉ còn tồn tại trong các chùa thờ Phật.

Nghi thức dùng trà là bắt buộc trước buổi thực tập thiền định vì nó giúp làm đầu óc minh mẫn hơn, nên nó cũng là một cách thư giãn sau giờ lao động, một dịp giao tế xã hội. Trong xã hội hiện đại, uống trà là cách thoát khỏi nhịp sống quay cuồng. Bậc thầy về trà ở Hàn Quốc hiện nay là bà Kam Seung-hee. Bà thành lập Học viện giáo dục trà đạo vào năm 1979 để nghiên cứu bảo tồn lịch sử và phong tục trà đạo và truyền bá nó cho dân chúng.

Trà được uống trong phòng khách yên tĩnh. Người Hàn quốc thường mặc y phục cổ truyền khi uống trà. Nước pha trà là nước suối, nước giếng hoặc nước mưa được đun sôi kỹ trên một bếp lò bằng đồng đặt ngay trong phòng khách. Mỗi khách có một chung uống trà (chung giống như tách nhưng không có quai cầm) đặt trên một dĩa nhỏ bằng gỗ. Am trà và các chung trà được tráng nước sôi để chúng nóng lên. Trong hộp đựng trà có một cái muôi bằng tre để xúc trà cho vào bình. Thông thường mỗi khách được 2 gram trà và một buổi uống trà chỉ có tối đa là bốn người. Nước sau khi sôi, được để nguội bớt, xuống còn khoảng 70 hay 80 độ C, được rót chậm rãi và đều đặn từ ấm vào bình trà. Sau đó đậy nắp bình và chờ khoảng 2 phút.

Tất cả những việc đó gần như là bắt buộc và giữ phần quyết định chất lượng trà, từ nước để pha, lá trà, nhiệt độ, đến thời gian để ra trà. Theo bà Kam, trà chất lượng cao là búp trà được hái vào đầu mùa xuân và được phơi sấy cẩn thận để vẫn giữ được sắc xanh và mềm mại. Tuy nhiên, cũng như Nhật Bản và nhiều nước phương Tây, Hàn Quốc cũng sản xuất thứ trà bột trong gói nhỏ (kiểu trà Lipton) có thêm vitamin C để pha nhanh trong khi làm việc văn phòng. Và uống thứ trà đó thì chẳng nghi thức cầu kỳ gì cả.

Hai phút sau khi pha, bình trà được rót lần lượt từng chút một vào các chung (không phải rót đầy chung này rồi sang chung khác) mà rót làm nhiều lần xoay vòng cho đến khi hết bình. Mục đích của cách rót này là để mỗi khách nhận được một lượng trà với phẩm chất và nồng độ tương đồng nhau. Một bình trà như thế sẽ được châm thêm nước ba lần và mỗi khách được uống ba chung. Chung thứ nhất nhiều mùi hương, chung thứ hai có vị đậm hơn và chung thứ ba cả hương và vị đã dịu và đòi hỏi cảm nhận tinh tế hơn. Trà thường được uống từng ngụm nhỏ, chậm rãi (vì buổi uống trà là lúc không còn thời gian nữa).

Trong thời hiện đại, uống trà để thư giãn, cũng giống như việc tập thể dục để giữ sức khoẻ, vẫn thường bị coi là mất thì giờ. Nhưng thực ra dành cho chúng độ nửa giờ mỗi ngày, có thể bạn sẽ thấy cuộc sống của mình khác đi.

PHƯƠNG HẠNH

Nguon: http://trangon.com/tra-dao-kieu-han-quoc/k/18/vi/


Âm lịch

Ảnh đẹp