28/09/2010 10:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 4675
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Từ lâu, đọc các công trình nghiên cứu của các học giả uyên bác từ khắp nơi trong nước về văn hóa nói chung và về văn hóa Việt Nam nói riêng tôi đã có ý định đóng góp một vài suy nghĩ của mình về đề tài quan trọng này. Mãi đến hôm nay trong những ngày đầu xuân không có con cháu bên cạnh tôi mới có cơ hội để thực hiện ý định của mình.

HIỂU VỀ VĂN HÓA

Phải nói rằng văn hóa là một cái gì đó thật mênh mông, vô tận, đến nỗi hầu như mỗi nhà văn hóa học đều có một định nghĩa riêng về văn hóa. Trong số hàng trăm hàng nghìn định nghĩa ấy, ngoại trừ khác biệt trong cách diễn đạt, phần lớn người ta đã đồng ý với nhau rằng văn hóa là một hệ thống của những giá trị được chấp nhận bởi một nhóm người, một cộng đồng, hoặc một đất nước, và có thể học hỏi và lưu truyền từ đời này qua đời khác.

Tín ngưỡng, tôn giáo, niềm tin, chủ thuyết, đạo đức, giáo dục, văn học, pháp luật, triết học, nghệ thuật, những thành tựu về khoa học, công nghệ, những sản phẩm của công nghiệp, thủ công, v.v... là những hệ thống giá trị.

Vì văn hóa bao trùm mọi giá trị của cuộc sống mà một cộng đồng, một nhóm dân tộc, một đất nước chấp nhận. Do đó điều cấm kỵ trong văn hóa học là không thể nói văn hóa của một dân tộc này là cao hơn, ưu việt hơn văn hóa của một dân tộc khác. Mỗi nơi chấp nhận một bảng giá trị riêng, áp dụng một bảng giá trị riêng, áp dụng một tập tục riêng.

Nhờ có đặc tính có thể học hỏi, lưu truyền mà văn hóa của một cộng đồng, một bộ tộc, hoặc một quốc gia không bị mai một, ngược lại được phát triển, nâng cao, thời đại sau phong phú, đa dạng hơn thời đại trước. Nếu không có đặc tính này, ngày nay loài người vẫn còn ở trong thời đại ăn lông ở lỗ, còn ở trong các hang động của thời tiền sử.

Các nhà văn hóa học thường phân văn hóa ra làm hai loại văn hóa vật chất (material culture hay tangible culture) và văn hóa phi vật chất (non-material culture hay intangible culture). Văn hóa vật chất đó là ngôi nhà, chiếc xe, cây cầu, bảng quảng cáo, ngôi đình, sân bóng đá, rạp hát v.v... Văn hóa phi vật chất là trí tuệ, kỹ thuật xây nên ngôi nhà, làm ra chiếc xe, công nghệ xây cầu, những thứ tổng hợp lại để có một trận bóng đá, để có một phi thuyền con thoi phóng vào vũ trụ, để có một công ty hoạt động sinh lời. Hai thứ văn hóa ấy quyện lẫn vào nhau, gắn bó với nhau.

Giữa hai thứ văn hóa ấy, văn hóa phi vật chất quan trọng hơn văn hóa vật chất. Vì rằng con người có thể xây lại dễ dàng một ngôi nhà bị cháy hay một chiếc cầu bị sập (văn hóa vật chất) hay một thành phố bị tàn phá trong chiến tranh nếu chúng ta còn có kỹ thuật, bản thiết kế; đây là trường hợp sau Thế chiến Thứ hai ở châu Âu. Ngược lại, nếu chúng ta mất đi văn hóa phi vật chất tức là kỹ thuật, phần mềm, bí quyết thì khó lòng có thể tái tạo lại được công trình vật chất đã bị mất. Kim Tự Tháp của Ai Cập là thí dụ điển hình, vì không còn lại kỹ thuật, người ta không thể tu bổ lại được di sản văn hóa nỗi tiếng thế giới này.

 

CÁC YẾU TỐ CẤU THÀNH VĂN HÓA

Các nhà văn hóa học thường phân biệt ra làm bốn yếu tố cấu thành văn hóa. Đó là: tục lệ thông thường hay thông tục (folk trails) phong tục tập quán (customs) định chế xã hội (social structures) và pháp luật (laws).

 

1. Các thông tục

Các tục lệ thông thường hay thông tục là những nét văn hóa giản đơn thường thấy trong đời sống hàng ngày của một cộng đồng hay một tập thể. Ví dụ như có dân tộc thì dùng đũa, dân tộc khác thì dùng nĩa, dao, có dân tộc thì dùng tay, người Việt thì có thói quen lúc ăn thường để phát ra tiếng kêu, người Âu lúc ăn thì ngậm miệng lại, không có tiếng kêu. Người cùng một dân tộc hay cộng đồng đôi lúc không để ý đến sự khác biệt trong những thông tục ấy. Vi phạm những nét văn hóa này chỉ làm cho người khác thấy khó chịu chứ không hề bị luật lệ nào trừng phạt.

 

2. Các phong tục tập quán

Thành phần thứ hai của văn hóa sau các thông tục là các phong tục tập quán. Phần lớn những dân tộc thuộc các nước châu Á muốn tiến đến hôn nhân phải có sự sắp xếp hay đồng ý của cha mẹ; ngược lại người phương Tây thì cá nhân tự lựa chọn ý trung nhân của mình, thông qua một giai đoạn gặp gỡ, tìm hiểu, kể cả chung chăn gối với nhau. Đối với các dân tộc ở phương Đông  ăn ở với nhau trước khi cưới hỏi sẽ bị xã hội lên án rất nghiêm khắc. Trinh tiết của một người con gái trước khi lấy chồng là một phẩm chất quý nhất được các xã hội châu Á trọng vọng. Người Esquimo cho vợ ra tiếp khách quý một đêm hoặc cho bạn mượn vợ trong một mùa đi săn là một tập quán. Có dân tộc theo chế độ độc thê, có dân tộc chấp nhận chế độ đa thê. Vi phạm những phong tục, tập quán ấy sẽ bị cộng đồng, xã hội trừng phạt nặng nề.

 

3. Các định chế xã hội

Bộ phận thứ ba cấu thành văn hóa là các định chế xã hội. Định chế xã hội thì có nhiều. Một số nhà văn hóa học đã phân các định chế xã hội ra thành các loại sau đây:

Gia đình là một định chế xã hội. Có dân tộc theo chế độ tiểu gia đình, trong gia đình thông thường chỉ có hai vợ chồng và con cái. Người Việt Nam và người Trung Hoa theo chế độ đại gia đình trong đó có nhiều thế hệ cùng chung sống với nhau dưới một mái nhà. Người phương Tây khuyến khích sự bình đẳng trong gia đình xem con trai con gái như nhau, mỗi thành viên tự rèn luyện để phát triển nhân cách và bảo vệ danh dự của mình. Trong gia đình người châu Á thường duy trì tôn ti trật tự, người trẻ kính trọng người già, người em phải tôn trọng người anh, trọng nam khinh nữ, mọi người phải có nghĩa vụ bảo vệ danh dự của gia đình, hạnh phúc của gia đình là niềm vui của cá nhân.

Học đường là một định chế xã hội. Mỗi trường học (tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học) thực hiện những mục tiêu do cộng đồng đề ra, có nhiệm vụ giảng dạy những tri thức và kỹ năng mà xã hội hay cộng đồng cần đến. Nếu là một viện đại học hay một cơ quan nghiên cứu, ngoài nhiệm vụ giảng dạy, cơ sở giáo dục còn có chức năng thực hiện các công trình nghiên cứu nhằm giúp xã hội phát triển. Văn hóa trong các trường học ở các nước phương Tây khác với tập tục trong các trường học  Việt Nam.

Cơ sở tôn giáo cũng là một định chế xã hội. Những cơ sở tôn giáo khác nhau có những sinh hoạt văn hóa khác nhau. Nhà thờ đạo Ki-tô có sinh hoạt khác với nhà thờ đạo Tin lành, đạo Bà-la-môn, Ấn giáo hay Hồi giáo. Nhà thờ đạo Tin lành khác với chùa Phật giáo Bắc tông. Chùa Phật giáo Bắc tông khác với chùa Phật giáo Nam tông. Văn hóa trong các cơ sở tôn giáo khác nhau từ nước này qua nước nọ, và khác nhau ngay cả trong mỗi nước. Cũng như văn hóa, không có tôn giáo nào cao siêu hơn tôn giáo nào. Mỗi tôn giáo có niềm tin riêng, giáo điều riêng, giáo chủ riêng, nơi thừa tự riêng, điều cấm kỵ riêng. Trong tất cả cái riêng ấy có cái chung nhất. Đó là mọi tôn giáo đều răn dạy tín đồ của mình niềm tin, tình thương và lòng vị tha.

Công sở có những sinh hoạt riêng, không giống với các định chế xã hội khác. Làm việc trong các công sở là những người ăn lương lấy từ thuế của dân, do đó mục tiêu chủ đạo của các công sở là phục vụ đắc lực người dân, tránh lối đa nạn cửa quyền. Công tác quản lý mỗi ngày do dây chuyền máy móc vận hành, hạn chế tối đa giấy tờ và bàn tay của con người ở những khâu không cần thiết. Ngày nay theo tâm lý chung của các xã hội phát triển, công sở không phải là tất cả. Khi tốt nghiệp, người sinh viên bấy giờ thường có khuynh hướng thích làm việc trong khu vực tư hơn là ở các công sở, ngoại trừ những người muốn thủ phận. Văn hóa trong các công sở tại các nước ở Âu, Mỹ rất khác với văn hóa tại công sở ở các nước trong khu vực châu Á.

Cơ sở kinh doanh là một định chế xã hội. Cơ sở này bao gồm nhiều yếu tố từ cơ sở vật chất như phòng ốc, trang thiết bị, mục tiêu cơ quan, chỉ tiêu thực hiện, quản lý tài chánh và nhân viên, nghệ thuật lãnh đạo và điều hành, tổ chức nơi làm việc, điều kiện và an toàn lao động, chế độ phúc lợi xã hội và hưu bổng, tổ chức công đoàn v.v... Sự thành công trong một cở sở kinh doanh tại các nước ở châu Á phần lớn dựa trên quan niệm cá nhân của người lãnh đạo cơ quan, trong lúc đó tại các nước tư bản, sự thành công phần lớn dựa trên nhiều yếu tố tổng hợp như khả năng quản lý các nguồn lực, năng xuất làm việc, linh động của các nhân viên, lãi suất của công ty, các qui định kích thích cạnh tranh, khả năng hoàn thành kế hoạch, uy tín của công ty v.v...

Thể chế chính trị là một định chế xã hội. Thông qua thể chế chính trị người ta có thể thấy một hình thái sinh hoạt văn hóa của một nước.

 

4. Pháp luật

Pháp luật là một bộ phận của văn hóa. Pháp luật trong một nước là phương tiện để bảo vệ các định chế xã hội và một phần các phong tục tập quán của nước ấy. Nói một phần vì không phải mọi phong tục tập quán đều phải nhờ đến sự bảo vệ của pháp luật. Có những phong tục tập quán không cần đến phép vua mà chỉ cần lệ làng là đủ. Mỗi một định chế xã hội đều có luật pháp bảo vệ. Xã hội càng phát triển cao càng cần có nhiều luật pháp tinh tế. Một xã hội sơ khai như những làng bản của người dân tộc chỉ cần những lệ làng. Có một sự khác biệt lớn giữa các xã hội là ở phương Tây mọi sinh hoạt đều dựa hoàn toàn trên pháp trị còn ở phương Đông vừa pháp trị vừa nhân trị, có trường hợp tình nặng hơn lý. Luật gia đình của mỗi nước chắc chắn không giống nhau.

 

VẤN ĐỀ NGHIÊN C­ỨU VĂN HÓA Việt nam

Từ xưa đến nay đã có nhiều người nghiên cứu văn hóa Việt nam. Từ thế kỷ 19 về trước, số học giả viết những công trình liên quan trực tiếp đến văn hóa Việt nam không quá 20 vị. Nhưng từ đầu thế kỷ 20 đến nay, số học giả cả người Việt lẫn người nước ngoài viết về văn hóa Việt nam khá nhiều.

Một số công trình tập trung viết về văn hóa Việt nam: lịch sử văn hóa, đặc tính văn hóa, văn hóa một vùng, văn hóa một dân tộc, văn hóa đối chiếu v.v... Một số công trình khác viết về một chủ đề khác nhưng có liên quan đến văn hóa: khảo cổ học, lịch sử học, địa chất học, dân tộc học, văn học, triết học, tôn giáo, âm nhạc, hội họa. Đa số đề tài tập trung vào quá khứ xa xưa. Những công trình ấy là kim chỉ nam tối cần thiết cho những nhà nghiên cứu Việt nam học.

Tuy nhiên văn hóa không chỉ có quá khứ. Người nước ngoài đến Việt Nam không phải chỉ để tìm hiểu các di tích lịch sử, chùa chiền, lăng miếu, để đi thăm các danh lam thắng cảnh ở vịnh Hạ Long, ở Hoa Lư, ở cố đô Huế, ở Sapa, Đà Lạt, Vũng Tàu. Họ muốn biết người Việt Nam đang sinh sống ra sao, đang làm gì và nghĩ gì về tương lai. Họ muốn biết tập tục của người Việt Nam trong kinh doanh, trong khi giao tiếp với người nước ngoài. Họ muốn thấy tận mắt người phụ nữ Việt Nam đang làm gì? Người lớn tuổi đang sống ra sao? Tuổi trẻ Việt Nam đang hướng về đâu? Họ muốn biết hệ thống giáo dục Việt Nam, luật pháp Việt Nam, chế độ an sinh xã hội. Họ muốn biết tác dụng trên mỗi người dân của các cuộc chiến tranh vừa qua v.v... Tóm lại có muôn ngàn điều họ muốn biết về người Việt Nam đang sống, đang hít thở không khí, đang vừa mới thoát ra một cuộc chiến kéo dài gần một nửa thế kỷ và đang chuẩn bị như thế nào để bước vào thế kỷ XXI.

Điều đáng tiếc là các nhà văn hóa Việt Nam viết còn quá ít những gì đang xảy ra trên đất nước này. Tôi chưa đọc được một tác phẩm sử học nào đồ sộ do các sử gia người Việt viết cuộc chiến vừa qua. Tôi cũng chưa thấy một công trình văn hóa nào do người Việt viết để giúp cho người nước ngoài biết một cách tổng thể văn hóa Việt Nam, cách giao tế với người Việt, biết cách làm ăn với người Việt, ngoại trừ quyển Sketches for a Portrait of Vietnamese Culture (tạm dịch là Phác thảo diện mạo văn hóa Việt Nam) của Hữu Ngọc, in năm 1995, quyển Việt Nam hình ảnh cộng đồng 54 dân tộc của Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc in năm 1996, và một vài quyển sách mỏng giới thiệu về du lịch Việt Nam mới xuất bản gần đây.

Chúng ta đang cần những quyển sách viết về tổng quan văn hóa Việt Nam tương tự như Việt Nam Phong Tục  của Phan Kế Bính (viết từ đầu thế kỷ). Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào Duy Anh (trước năm 1945). The Culture of Vietnam (Văn Hóa Việt Nam) của Ann Crawford (in năm 1968), nhưng phải phong phú hơn, cặp nhật hơn, bao trùm cả thời kỳ đương đại. Bạn bè năm châu đang cần đọc những công trình nghiên cứu để biết những vấn đề đang xảy ra cho người Việt Nam, trên đất nước này hoặc ở đâu đó trên thế giới. Những tác phẩm The Long Journey (Hành Trình Dài) của Nancy Viviani (in năm 1984), Vietnamese Studies in a Multicultural World (Việt Nam học trong thế giới Đa văn hóa) của người viết bài này (in năm 1994)

Hiện nay trên thế giới đang cần những thông tin về Việt Nam trong mọi lãnh vực, từ văn hóa, chính trị, lịch sử, giáo dục, đến kinh doanh, đầu tư, phụ nữ, thanh niên, người già. Trước khi đến Việt Nam, nếu là du khách họ phải nghiền ngẫm quyển Vietnam, the Guidebook (Hướng dẫn Việt Nam) của nhà xuất bản Lonely Planet. Nếu là một viên chức hoặc một thương gia, họ phải dự một số buổi thuyết trình giới thiệu về Việt Nam, những công ty có mục tiêu Quản lý các sự khác biệt về văn hóa (Managing Differences) đang được thành hình khắp nhiều nước.

 

Một vài đề xuất

Những hụt hẫng trên đây đang đặt ra những vấn đề mới: ngoài những chủ đề đang nghiên cứu, các nhà văn hóa học Việt Nam cần dành một tỷ lệ lớn về đề tài cho các công trình nghiên cứu hướng đến những vấn đề văn hóa đương đại (đang sống, làm việc) và chú trọng đến mọi đề tài liên quan đến con người (phụ nữ, thanh niên, người già, giáo dục, kinh doanh, hồi hương, các chính sách lớn của nhà nước v.v...) từ các nét nhỏ của văn hóa (cách đi, đứng, ăn, ở, giải trí, sở thích v.v...) đến các tập quán (hôn nhân, tang lễ, trinh tiết, đại gia đình, tiểu gia đình, nạo thai, giao tế...) các định chế xã hội (gia đình, học đường, công sở, cơ sở thương mại, tổ chức chính trị) và các định chế luật pháp (xin xem các yếu tố cấu thành văn hóa trên đây)

Những sinh hoạt của hơn hai triệu người Việt Nam hiện nay đang sống rải rác trên thế giới cũng cần phải được quan tâm nghiên cứu đúng mức. Họ là những người đóng một vai trò then chốt trong việc duy trì và phát triển văn hóa Việt Nam tại nước ngoài. Họ cũng là những người đang làm đầu mối cho sự hợp tác văn hóa và kinh tế giữa Việt Nam và các nước bạn trên thế giới. Một số lớn người Việt Nam ở nước ngoài có một trình độ cao về khoa học và công nghệ, và nếu có chính sách, họ có thể trở thành một lực lượng thực sự cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của nước nhà hiện nay. Việc nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam cho các thế hệ thứ hai, thứ ba của người Việt ở nước ngoài là một vấn đề lớn của các nhà ngôn ngữ và văn hóa người Việt ở trong nước. Người Việt ở nước ngoài, ví như những con chim cánh cụt (penguin), ngày ngày đi kiếm sống ngoài biển khơi, rồi khi đêm về, tìm hạnh phúc với bầy con dại trong các tổ ấm trên đất liền. Văn hóa Việt Nam có tác dụng giúp cho những con him cánh cụt mẹ có những giờ phút ấm áp với đàn con của mình.

Văn hóa đối chiếu là một bộ môn trở nên rất quan trọng ngày nay. Đối chiếu văn hóa giữa nước này với nước nọ, giữa các vùng trong một khu vực, giữa các vùng trong một nước, giữa ba miền Bắc, Trung, Nam, giữa các vùng cao của Việt Nam v.v... Người nước ngoài dến thăm Việt Nam chưa bao giờ đọc được những công trình nghiên cứu công phu về văn hóa đối chiếu để biết mỗi miền có những phong tục tập quán khác nhau như thế nào. Thí dụ văn hóa Việt Nam khác với văn hóa Lào như thế nào. Văn hóa Lào khác với văn hóa Thái ra sao. Người Ấn muốn mời một khách quý đến dự một buổi tiệc quan trọng bao giờ cũng để cho khách ấn định ngày giờ. Trong lúc đó, người Mỹ muốn mời ai phải ghi rõ ngày giờ địa điểm. Nếu thư mời không ghi rõ ngày giờ thì thư đó được xem là không đứng đắn, nghiêm túc. Nếu không biết sự khác biệt trong mỗi nền văn hóa, những người Mỹ và người Ấn ấy sẽ không bao giờ trở thành những người bạn thân. Ngành văn hóa đối chiếu sẽ giúp cho con người trong các quốc gia khác nhau, màu da khác nhau.. hiểu biết nhau hơn, tôn trọng lẫn nhau, và cùng nhau hợp tác trong những chương trình vì lợi ích chung.

Kế thừa và phát triển là một đặc điểm của Văn hóa. Từ nhiều năm nay chúng tôi nghiên cứu đặc tính này của văn hóa Việt Nam và đã thu tóm trong một công thức. Chúng tôi mong có nhiều nhà nghiên cứu xem xét nghiên cứu đặc điểm này, và nếu được, phát triển công thức này được hoàn chỉnh hơn. Trong việc rà xét ấy, chúng tôi xin đón nhận chỉ dẫn từ nhiều phía. Công thức tóm lược đặc tính văn hóa Việt Nam thể hiện qua mỗi giai đoạn như sau:

1. Trong buổi bình minh, lúc đất nước còn độc lập, Văn hóa Việt Nam (VhVn) xin được gọi là Văn hóa Hồng Việt (VhHv), được biểu diễn qua công thức

VhVn  =  VhHv

Văn hóa Hồng Việt là sinh hoạt tinh thần và vật chất của người Việt trong thời bình minh của lịch sử trước khi có sự xâm lược của người phương Bắc.

2. Qua đến thời kỳ Bắc thuộc, Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung quốc (VhTq). Văn hóa Việt Nam nới rộng ra:

VhVn  =  VhHv + VhTq

3. Cũng trong thời gian này, Việt Nam tiếp xúc với cả nền văn hóa Ấn Độ (VhAđ), chủ yếu văn hóa Phật giáo. Văn hóa Việt Nam có thêm những đặc điểm mới:

VhVn  =  VhHv + VhTq + VhAđ

4. Đến lúc tiếp xúc với nền văn hóa Phương Tây (VhPt), điển hình là khoa học và công nghệ, tinh thần trong sáng trong các phương pháp, và giáo lý của đạo Ki-tô, nền văn hóa Việt Nam có đầy đủ cạnh nét hơn, màu sắc hơn. Công thức như sau:

VhVn = VhHv + VhTq + VHAđ + VhPt

5. Địa thế (YtĐt = Yếu tố địa thế) nằm kế cạnh Trung Quốc, một nước khổng lồ có tác động lớn đối với Việt Nam, cộng với yếu tố thời tiết, khí hậu (YtTt = Yếu tố thời tiết) của Việt Nam cũng đã rèn luyện nên những con người Việt Nam có đặc điểm biết hợp quần, đoàn kết, biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau khi gặp hoạn nạn do đó công thức đầy đủ như sau:

VhVn = Vhhv + VhTq + VhAđ + VhPt + YtĐt + YtTt

Hay:

VhVn  = Vh (Hv +Tq + Ađ) + Yt (Đt + Tt)

Với đặc tính có thể học hỏi và truyền đạt, văn hóa Việt Nam trong thời nguyên thuỷ VhHv sẽ không còn nguyên vẹn là VhHv mà là VhHv khi tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc VhTq. Tương tự, khi VhHv tiếp xúc với văn hóa Ấn Độ VhAđ thì cả VhHv lẫn VhTq đều không còn nguyên trinh như trước mà đã trở thành VhHv và VhTq. Nói rõ hơn, văn hóa Việt Nam ngày nay, sau nhiều thế kỷ tiếp xúc và pha trộn, không còn giống hệt như văn hóa Việt Nam ở thời xa xưa.

Chúng tôi mong có nhiều người nghiên cứu tường tận văn hóa Việt Nam để phát hiện được những đặc điểm văn hóa Việt Nam. Những đặc điểm ấy rất quan trọng. Chúng sẽ giúp cho bạn bè người nước ngoài ở mọi nơi hiểu người Việt Nam hơn, từ đó có thể xây dựng được những mối hợp tác lâu dài. Chúng tôi nghĩ có thể nhờ những đặc điểm này mà gần hai triệu người Việt ở nước ngoài, chỉ trong một thời gian ngắn, không những đã ổn định được cuộc sống mà lại còn có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế xã hội ở những nước họ đang cư ngụ.

2-1997

[]

 Phụ chú của Chuyển Luân: Tác giả là một nhà giáo dục được đào tạo từ một đại học Mỹ nên phong thái viết rất là Mỹ: trong sáng, quy cũ, mọi quan niệm đều được định nghĩa trước, khoa học nên không có thể hiểu mập mờ hay nhằm để người khác hiểu mập mờ. Tuy tác giả có dùng nhiều từ ngữ trong nước nhưng nếu bài viết được chọn đăng trên một tạp chí trong nước, quả là... phải đến đã đến! Dân Hà Nội uống Cô Ca thay nước vối thì giới trí thức cũng phải được nếm những công trình nghiên cứu không có tính cách... sô vanh (chauvinist) mà các nhà nghiên cứu xã hội chủ nghĩa hay mắc phải. Vì chỉ là một bài báo nên có nhiều ý niệm quá tổng quát (như phương Đông, Á Châu, Âu Mỹ...). Và vì quá khoa học nên quan niệm văn hóa trình bày có tính cách hình thức máy móc. Các nhà nghiên cứu Các Mác hay khẳng định hạ tầng cơ sở định tính cho thượng tầng cơ sở. Tây phương thì trái lại nhấn mạnh đến vai trò của tôn giáo và triết lý trong việc phát triển các định chế xã hội. Hai ngàn năm lịch sử tây phương được thành hình do tư tưởng của Plato và Do Thái -Ki Tô. Chủ nghĩa tư bản phát triển là do sự thúc đẩy của đạo đức Tin Lành. Đạo Phật thì vừa khế cơ (định chế xã hội, hoàn cảnh lịch sử) vừa khế lý (tinh yếu của tư tưởng Phật Giáo). Nhờ lý duyên khởi mà đạo Phật không bị những khám phá mới của khoa học biến thành một thứ giáo điều lạc hậu. Nhờ khế lý -khế cơ mà đạo Phật không bị mắc kẹt trong cuộc xung đột đẫm máu giữa duy tâm và duy vật. Nhờ quan niệm vô thường vô ngã mà người Phật Tử không phải là những người cuồng tín và không phải dính mắc vào các cuộc thánh chiến như ở Ái Nhỉ Lan, Trung Đông và Bosnia. Không có kiến thức về tôn giáo hay triết lý thì không thể hiểu những động lực hình thành một văn hóa. Chúng tôi đăng nguyên văn công trình nghiên cứu khoa học của đạo hữu Nguyễn Xuân Thu chỉ dám mạo muội xin sửa một từ ngữ (tín đồ thay vì con chiên) mà theo chúng tôi không được chính xác. Trong Phật Giáo không có ai là con chiên và ai là người chăn chiên. Người tin theo đạo Phật chúng tôi gọi là Phật Tử hay Phật Giáo Đồ. Ai muốn giải thoát thì cũng phải nỗ lực tự mình thắp đuốc lên mà đi.

Nguyễn Xuân Thu
http://www.chuyenluan.net


Âm lịch

Ảnh đẹp