27/09/2010 10:41 (GMT+7)
Số lượt xem: 4983
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Giáo Sư Trương Đức là một học giả người Phúc Kiến, cực kỳ am hiểu văn hóa Trung Hoa và cả văn hóa Việt Nam nữa. Khi nói tiếng Việt ông hay dùng thành ngữ và tục ngữ. Một hôm tôi hỏi ông Tiếng Hán có thành ngữ “học ăn học nói, học gói học mở” không? Ông suy nghĩ lâu, rồi mới nói, hình như không, chỉ có câu tương đương “sống đến già, học đến già”. Ông bảo câu đó có nghĩa là còn sống thì còn học.


Lúc sau Giáo Sư Trương hỏi lại tôi câu “học ăn học nói, học gói học mở” được hiểu thế nào? Thực ra đó là một trong những tục ngữ đặc biệt nhất của tiếng Việt. Tục ngữ này bao quát những kinh nghiệm và nghệ thuật sống của nhân dân ta trong một phạm vi rất rộng rãi, phong phú, từ cụ thể đơn giản đến bao la trừu tượng.

Vế thứ nhất của câu tục ngữ này là “học ăn học nói”. Các cụ giảng giải như sau: lúc nhỏ cần phải học ăn thế nào cho gọn gàng, không rơi vãi; phải học nói thế nào cho rõ ràng, không ngọng ngịu. Lớn lên một chút phải học ăn sao cho thanh lịch, nói sao cho lọt tai người nghe. Làm quan phải học ăn sạch sẽ, không ăn bẩn, để không bị lâm vào tình cảnh không thể nói gì được vì “há miệng mắc quai”. Những người tháo vát, có tài, lại công tâm thường được các cụ khen là thằng ấy “ăn được nói được”, chính là vì anh ta đã dày công “học ăn học nói”. Nhà dưỡng sinh phải học ăn thế nào cho phù hợp với tình trạng sức khỏe để giọng nói trở nên trong và ấm thì bệnh tật lùi dần. Nói tóm lại câu “học ăn học nói” chính là học tích lũy để sáng tạo.

Nghĩa đen của từ ăn trong câu “học ăn học nói” là ăn thực phẩm. Nghĩa bóng của ăn chính là ăn thông tin. Do đó, học ăn học nói không chỉ bao hàm nhỏ hẹp trong khuôn khổ ăn bằng mồm, mà cơ bản là ăn bằng óc, là thu thập thông tin, lắng nghe, lặng nhìn, để hiểu sâu thực tại. Trên cơ sở của những thông tin thu thập được, phải lựa chọn, chế biến, nâng cấp, khái quát để có thể nói ra những gì thuộc về bản chất của đối tượng, nói ra sự thật, mà lại là sự thật được trình bày khéo léo ở mức nghệ thuật, sao cho người nghe là một đám đông có thể đồng thuận. Như vậy học nói ở đây thực sự là một nghệ thuật lớn.



Đấy là sơ qua về vế thứ nhất của câu tục ngữ trên, còn vế thứ hai là “học gói học mở”. Vế thứ hai này chính là đỉnh cao tư duy Việt nam, là bảo bối hành động có thể dùng cho mọi hoàn cảnh, mọi cá nhân, và mọi tổ chức.

Thực vậy, ngày nào mà ta không phải “gói, mở” trực tiếp hoặc gián tiếp. Mua nắm xôi ăn sáng bên góc phố thì cô hàng xôi gói, còn ta mở. Nếu muốn ngồi nhà ăn tô mì “hảo hảo” thì ta phải mở gói đã được đóng gói trong nhà máy. Đến cơ quan thì phải mở thư, kể cả thư bưu điện hay e-mail cũng được gọi là mở. Chiều đến thì mở nắp bia. Tiếp khách thì mở bao thuốc. Vượt Trường Sơn đi đánh giặc hay sang Tây Âu học hành ta cũng phải gói hành lý để rồi mở ra những lúc cần dùng. Trẻ nhỏ đến trường thì “gói” chính là sắp xếp sách vở bút mực vào cắp, để đến trường sẽ mở ra mà dùng. Vậy nên “gói, mở” có thể xem là hai hành động thường ngày, rất phổ biến, rất quen thuộc đối với mọi người chúng ta. Vì đã rất quen, quen từ lúc bé, nên thao tác “gói, mở” nhiều khi được thực hiện theo thói quen đã thành nếp. Mà nếp thì chưa chắc đã là nếp đẹp. Cho nên phải “học gói học mở” để rèn luyện cái thao tác thông thường sao cho đạt được mức độ nhanh gọn, chuẩn xác. Cũng như thở thì ai cũng biết, nhưng nếu muốn thở theo phong cách Yoga thì phải học tập dày công.

Bạn hãy quan sát cô hàng bán xôi mà xem. Trước hết, cô trải một vuông là sen lên cái mẹt, rồi cô xúc một bát xôi nhỏ đổ lên vuông lá ấy, nhanh tay dàn đều ra, lại thêm ít ruốc, ít vừng, hoặc rưới ít mỡ. Cuối cùng cô vuốt mép lá sen, gấp bốn phía cho chặt, đè ngón cái lên mép lá sen, rồi mới chằng một sợi lạt nhỏ vào, thít vừa tay, xoắn lại, đẩy đầu sợi lạt xuống dưới dây lạt (bây giờ nhanh hơn có thể chằng dây cao su thay lạt). Tất cả các thao tác ấy gọi là “gói”. Cô đã phải học, phải thực hành, sao cho nhanh chóng gọn gàng. Việc đó không dễ chút nào, không phải hôm đầu tiên quẩy hàng ra phố cô hàng xôi đã gói thạo như hôm nay. Cầm gói xôi đã mua về, mở ra không khéo đôi khi ta có thể làm vương vãi vài hạt đấy. Hãy cẩn thận. Và chính vì vậy phải “học gói học mở”.

Ngày nay, nhiều nghề nghiệp không cần đến “gói mở” theo nghĩa đen nữa, nhưng việc “học gói học mở” vẫn luôn luôn rất nên coi trọng, vì đó là công tác sáng tạo. Ví dụ, một bác sỹ khám bệnh cho người thì phải tích lũy thông tin mọi mặt của bệnh nhân, bằng các biện pháp như bắt mạch, hỏi han, nhìn sắt mặt, nghe giọng nói, xem xét các tấm phim chụp, phân tích các xét nghiệm, hội chẩn với các bác sỹ khác,…Tất cả các động tác ấy được gọi là “gói”, vị bác sỹ đang “gói” thông tin lâm sàng. Còn cái kết luận chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh và việc xây dựng phác đồ điều trị chính là động tác “mở” một hướng điều trị. Do đó, có thể xem việc “học gói, học mở” của các bác sỹ không dễ dàng chút nào. Họ phải học cả đời. Đối với một cầu thủ bóng đá việc “học gói học mở” cũng vô cùng khó khăn. Anh ta phải “gói” được thông tin về tốc độ, hướng bay của trái bóng, phải quan sát vị trí các đồng đội và đối phương, ước lượng tốc độ và hướng di chuyển của các cầu thủ khác,…. Tiếp theo anh ta phải “mở” ra một quyết định về cú sút. Cái quyết định “mở” đó phải nhanh chóng, kịp thời, chuẩn xác và phải được nâng lên đến mức độ nghệ thuật mới có thể làm bàn. Cầu thủ đó đã “học gói, học mở” rất vất vả mới có thể trở thành sao. Một cán bộ lãnh đạo cũng thường xuyên “gói mở”. Chẳng hạn, khi đi thăm và làm việc tại một tỉnh nào đó, chỉ cần lướt qua vài cơ sở chế biến và nghe thoáng vài báo cáo là vị lãnh đạo đó đã “gói” được thông tin tổng thể về tình hình kinh tế xã hội trong toàn tỉnh. Về đến hội nghị cán bộ tỉnh là vị lãnh đạo đó đã có thể “mở” ra những chỉ đạo rất thiết thực cho toàn Đảng bộ tỉnh rồi. Như vậy, làm lãnh đạo chính là làm công tác “gói, mở”. Tất nhiên, nghề nào cũng vậy (bác sỹ, cầu thủ hay lãnh đạo,…) thì cũng có người giỏi, người vụng trong công tác “gói, mở”. Chính vì vậy mới phải “học gói, học mở”.

Người thường chúng ta không phải là bác sỹ, cũng không làm cầu thủ hoặc lãnh đạo cao cấp thì có phải “gói, mở” không? Theo chúng tôi, chúng ta vẫn phải “gói, mở” liên tục. Ví dụ, đi làm về thấy con trai đang tiếp bạn gái của nó trong nhà, xem qua tình ý, “gói” lại vài thông tin, mình có thể biết được mức độ quan hệ của đôi trẻ đó, rồi “mở” ra vài lời khuyên chân thành cho con trong việc chọn bạn, trong giao tiếp, trong việc sử dụng thời gian,… Hoặc giả, nếu có một vị sinh viên đến chơi, mình có thể trao đổi với anh ta về đề tài nghiên cứu, vì anh ta đang phải “gói” các thông tin đa dạng để có được cái nhìn tổng quan (background) và “mở” ra hướng đi mới cho đề tài. Công tác “gói mở” của nghiên cứu sinh được gọi là làm luận án tiến sỹ. Do đó, có thể nói “gói, mở” là một cặp hành động diễn ra liên tục, trên mọi lãnh vực, trong mọi hoàn cảnh. Chỉ có rèn luyện không mệt mỏi mới có thể nắm được cái linh ảo của “gói mở”, để đạt đến một cảnh huống thức tỉnh: “Gói” vào mà không ép buộc, “mở” ra mà không khiên cưỡng. Khi đó, dần dần có thể tiệm cận đến sự sáng tạo: “mở” lúc đó chính là khởi động một duyên sinh thành, để từ đó tạo thành một hạt nhân tích tụ cho sự hình thành một đối tượng mới.

Nếu nhìn theo chiều vận động, thì “gói” là đưa vật chất rời rạc vào một miền không gian cụ thể nào đó, hoặc là đưa các mẩu thông tin vào miền quan sát của một chủ đề. Hành vi gói có hướng đi vào. Trong khi đó, “mở” là đưa vật chất/thông tin từ một miền cô lập lan tỏa ra phạm vi rộng hơn. Hành vi mở có hướng đi ra. Vậy “gói mở” chính là vào/ra, là tích/tản. Mà tích/tản chính là một nguyên lý phổ quát nhất của vũ trụ.

Vậy có thể kết luận rằng “học ăn học nói, học gói học mở” là một kinh nghiệm sống qui báu nhất của tổ tiên Lạc Hồng muốn truyền lại cho con cháu. Chỉ với 8 chữ cha ông ta đã truyền lại cả một kho tàng văn hóa lớn lao cho muôn ngàn thế hệ. Một kho tàng bao quát từ nguyên lý phổ biến nhất của vũ trụ, của nhân sinh, đến những hành động quen thuộc trong cuộc sống thường ngày,…Tám chữ ấy vừa là kinh nghiệm sống, vừa là lẽ sống, hơn nữa tám chữ ấy còn là nghệ thuật sống cao quý nhất của cuộc đời nữa. Do đó, có thể nói đây là một bản sắc văn hóa sâu đậm vào loại bậc nhất của dân tộc Việt nam. Chỉ cần mang theo cái hành trang 8 chữ ấy, coi như chúng ta đã có công cụ để chiến đấu trong mọi hoàn cảnh: giữ nước, mở cõi, vượt biển, lên ngàn.

Mỗi chúng ta đều có quyền thừa hưởng di sản văn hóa tuyệt đỉnh đó của tổ tiên Lạc Hồng, chỉ cần trong mỗi cảnh huống ta đều cẩn thận để có thể “mở” ra một sản phẩm chắt chiu từ những gì đã được “gói” từ trước. Đơn giản thì là một câu nói đúng nơi đúng chỗ có tác dụng xả tress, hoặc tác dụng phê bình trào phúng, cao hơn có thể là một về đối, cao hơn nữa có thể là một bản chiến lược phát triển doanh nghiệp. Nếu thường xuyên “gói mở” ta sẽ đạt đến tuệ giác (cái nhìn thông tuệ) trong các kiến giải về thực tại và trở thành một kẻ ung dung, thảnh thơi nhất trần đời.

Thu San Nguyễn Thế Hùng
http://chungta.com


Âm lịch

Ảnh đẹp