Chỉ nói riêng ở Nhật Bản, trà đạo hay trà thiền là do Thiền sư Vinh Tây
(1141-1215) chế tác ra, sau khi “du học” ở Trung Hoa và đem hạt giống
về trồng.
Biến việc uống trà thành nghệ thuật, biến khu vườn
thành tác phẩm nghệ thuật, biến thi ca, hội họa, bắn cung, võ thuật,
múa, cắm hoa…thành nghệ thuật đã trở thành một lối sống kể từ khi Thiền
trở thành một sức sống văn hóa để kết hợp với văn hóa của từng nước
vùng Đông Á. Do đó mà có trà đạo, hoa đạo, võ đạo…
Từ bước đầu
của Thiền ở Trung Hoa, với câu nói “một ngày không làm thì một ngày
không ăn” của Thiền sư Bá Trượng, ngay cả việc làm ruộng cũng được kết
hợp với thiền định để cũng là một nghệ thuật, một công việc thiền.
Thật
ra, Thiền chỉ làm cho lý tưởng “sống là một nghệ thuật” được hiện thực
hóa và có cơ sở lý luận để phát triển thêm sâu rộng mà thôi.
Loài
người nói chung đều quan niệm và mơ ước sống là một nghệ thuật, tất cả
mọi lĩnh vực của đời sống đều có thể thăng hoa để thành nghệ thuật,
thành Đạo.
Vua Trần Nhân Tôn nói, “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên”.
Sống ở đời một cách nghệ thuật chính là vui Đạo. Ở đời mà vui Đạo được,
đó là nghệ thuật. Nói một cách khác, Nghệ Thuật viết hoa chính là Đạo.
Trà
đạo là một nghi lễ. Chúng ta thấy rằng giữa nghi lễ và nghệ thuật có
mối tương quan rất khắng khít. Nghi lễ và nghệ thuật là phổ biến cho
mọi nền văn hóa. Nghi lễ và nghệ thuật làm cho con người nối kết với
toàn bộ đời sống, ở mặt có hình tướng lẫn mặt không có hình tướng.
Nghệ
thuật và nghi lễ - chẳng hạn trong Trà đạo – nối kết con người với bề
sâu của tâm thức mình. Do đó mà người Nhật đặt ra những khái niệm wabi
(mộc mạc), sabi (tịch), hòa, kính, thanh, tịnh, như là nội dung của trà
đạo.
Đó cũng chính là những nội dung của tâm và cảnh, hay nội dung của thực tại, khuôn mặt thật của đời sống.
Một
nhận xét rất quan trọng: Ở Đông phương, nghệ thuật và nghi lễ không xa
lìa đời sống. Người làm nghệ thuật (chẳng hạn người thực hiện nghi lễ
uống trà) cũng chính là người thưởng thức nghệ thuật. Một nghệ thuật
phổ biến, bình đẳng, dân chủ; vì đó là cuộc sống bình thường, ai cũng
thưởng thức được.
Ở Đông phương, cái gì cũng là nghệ thuật, cũng là nghi lễ, cũng là
đạo. Ăn là nghệ thuật và nghi lễ. Thở là nghệ thuật, nghi lễ. Ngồi yên
lặng (ngồi thiền) là một nghệ thuật, nghi lễ. Tương quan bạn bè cũng là
nghệ thuật, nghi lễ: đạo bằng hữu. Tương quan giữa vợ chồng cũng là
nghệ thuật nghi lễ: đạo vợ chồng. Sống làm người giữa trời đất cũng là
một nghệ thuật nghi lễ: đạo con người (nhân đạo).
Ở đây chúng ta
thấy có một sự tương đương rõ rệt giữa một bên là chữ Đạo của Đông Á và
một bên là chữ Pháp (Dharma) của Ấn Độ. Một thí dụ nhỏ để thấy sự tương
đồng này là đôi khi người ta thay chữ Đạo bằng chữ Pháp: thay vì nói
‘thư đạo’ thì người ta dùng chữ ‘thư pháp’.
Đời
sống là nghệ thuật. Chính vì người bình thường chúng ta không thấy được
cái Đẹp, cái nghệ thuật của đời sống, nên Thiền mới chế tác ra những
nghệ thuật, những ‘pháp’, những ‘đạo’ để đưa chúng ta dần dần cảm
nghiệm được, thể nghiệm được ý nghĩa đích thực của đời sống.
Và
đời sống cũng là nghi lễ. Với người nào biết được, sống được đời sống
như là nghi lễ thì đời sống sẽ trở thành lễ hội, hội hè.
Nếu đời sống đích thị là nghệ thuật, là cái đẹp thì tại sao chúng ta ít khi thấy ra, ít khi thưởng thức được?
Khổng
tử nói: “Tâm chẳng tại, cho nên nhìn mà chẳng thấy, có tai mà chẳng
nghe, ăn mà chẳng biết mùi vị.” (Tâm bất tại yên, thị nhi bất kiến,
thính nhi bất văn, thực nhi bất tri kỳ vị - Đại Học).
Câu
nói thì đơn giản, nhưng nó thách thức tất cả chúng ta. Tại sao chúng ta
không thấy, không nghe, không biết mùi vị, không thưởng thức được bề
rộng và bề sâu của đời sống?
Và với một tâm thức sâu sắc hơn
nữa, toàn diện hơn nữa, có phải tâm sẽ thấy nghe hay biết toàn bộ đời
sống, sẽ cảm thọ toàn bộ đời sống? Nói theo Phật giáo, “tất cả do tâm
tạo”, lúc ấy, tâm ta chính là toàn bộ đời sống.
Đời sống hiện ra
với rất nhiều người chúng ta là sự nhàm chán, khô khan, cạn cợt, lập đi
lập lại, tầm thường, cũ kỹ. Đời sống thì luôn luôn mới, tỷ tỷ chiếc lá
trên trái đất này không cái nào giống cái nào, tỷ tỷ hòn đá không hòn
nào giống hòn nào, một đường phố không khoảnh khắc nào lập lại khoảnh
khắc cũ, không như một tấm ảnh chết cứng trong một khoảnh khắc mà mọi
sự, mọi người ở đâu thì nguyên đó. Thời gian thì không lặp lại, dù một
khoảnh khắc, đó phải chăng là niềm vui?
Đâu
là một vũ trụ sáng tạo trong từng khoảnh khắc mà hài hòa như các nhà
minh triết xưa của những nền văn hóa đã nói? Vũ trụ ấy hiện diện ngay
tại đây và bây giờ, nếu tâm chúng ta cũng hiện diện tại đây và bây giờ,
với tất cả chiều rộng và chiều sâu của nó.
Khi không
thưởng thức được, không sống được đời sống với những sự vật hiện diện
tại đây và bây giờ, chúng ta luôn luôn nghĩ tới những gì đã qua không
còn nữa và những gì giả định trong tương lai.
Chúng
ta sống nơi này, phút giây này nhưng vẫn ‘ly dị’ với nơi này phút giây
này; tâm cứ nghĩ đến nơi khác, phút giây khác, một đời sống không thực
vì đã qua hoặc chưa tới.
Trong cuộc sống hiện đại, sự vật
có cuộc đời quá ngắn ngủi. Phần lớn vì chúng ta mau chán. Chưa bao giờ
con người có nhiều sự vật đến thế - đến độ chật cả trái đất – nhưng
cũng chưa bao giờ sự không thỏa mãn lại lớn lao đến thế, sự mau chán
lại nhanh chóng đến thế. Kể cả trong thế giới những tương quan giữa
người với người: sự ly dị.
Bởi vì tâm cạn cợt, hạn hẹp, hỗn loạn nên chúng ta chỉ kinh nghiệm đời sống ở mức độ cạn cợt, hạn hẹp, hỗn loạn.
Thi
hào Nguyễn Du đã nói, “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Tâm như thế
nào, cảnh như thế đó. Cho nên để chữa lành căn bệnh của thời đại này,
phải tìm thấy nguyên nhân căn bệnh nằm ở trong tâm thức của mỗi cá nhân.
Nguyên
nhân của sự không hưởng thụ được đời sống là do ‘tâm bất tại’ theo
Khổng tử. Tâm bất tại là một phần của thiếu tỉnh giác chính niệm, nói
theo Phật giáo.
Nhưng Phật giáo đâu chỉ có một ‘chính niệm’, một
‘tâm tại’? Mà trong Tám Chính đạo ngoài chính niệm còn có chính kiến,
chính tư duy…cho đến chính mạng, chính định.
Nói thế nghĩa là
Tám Chính đạo là nghệ thuật bao trùm toàn bộ đời sống. Nó khiến chúng
ta thấy được đời sống đích thực và sống được đời sống đích thực (chính
mạng), cho đến an trụ trong đời sống đích thực (chính định).
Nghệ
thuật uống trà, trà đạo, trà thiền mà chúng ta nói ở trên chỉ là sự ứng
dụng của Tám Chính đạo vào việc uống trà. Qua uống trà, chúng ta thấy
biết, thưởng thức toàn bộ đời sống đích thực. Sự thấy biết, kinh nghiệm
toàn bộ đời sống đích thực này được Đông phương gọi là Nghệ Thuật, là
Đạo.
Nếu dùng chữ Đạo để chỉ Thực Tại, hay là đời sống
đích thực, thì theo cái nhìn của Đại thừa, đời sống là sự biểu lộ của
Đạo. Sơ tổ Vô Ngôn Thông của dòng Thiền thứ hai ở Việt Nam khi có nhà
sư hỏi thế nào là Đạo, là thực tại tối hậu, đã trả lời: “Khắp tất cả
chỗ,” và “Chẳng từng che dấu”.
Nghệ
thuật là sự nối kết chúng ta với Đạo. Khi sự nối kết ấy trở nên hoàn
toàn, chúng ta là một với Đạo, hay Thực Tại, hay Nghệ Thuật viết hoa.
Mục đích của cuộc đời mỗi chúng ta là biến cuộc sống của mình thành
nghệ thuật, nghĩa là biến cuộc sống thành sự trải nghiệm niềm vui, tự
do, hài hòa, cái đẹp, sự thiêng liêng, cái là Một đồng thời cũng là sự
phong phú của tất cả…
Nguyễn Thế Đăng
Theo: Văn Hóa Phật Giáo số 101