Còn
nhớ hồi trẻ, một lần đi hội chùa Hương, nghe người ta niệm Phật là cái
miệng tôi như muốn niệm theo, nhưng nghĩ mình là con trai nên cảm thấy…
ngượng và đành lặng lẽ bước đi. Về nhà, được bà ngoại dạy mới biết mình
chưa tâm thành.
Bà
bảo: “Niệm Phật như một cách lạy Phật và cũng để đánh tiếng chào hỏi
người qua lại cho bớt cái mệt, thêm cái vui. Với lại, một câu niệm mà
tiêu nghiệp thị phi trong mấy mươi năm, sao phải ngượng ngùng. Nếu ai đi
trong cảnh Hương Sơn, nghe người khác niệm Nam Mô A Di Đà Phật mà không
thể A Di Đà Phật để đáp lời thì người đó đặt chân vào cảnh Hương Sơn
rồi mà lòng vẫn chưa xa bến Đục.”
Trong cõi lòng
Tôi
trở lại Hương Sơn lần thứ ba, vẫn còn một thắc mắc: người ta niệm Phật
để cầu xin sự cứu khổ hay vì nhớ Phật? Có lẽ mỗi người có một cách niệm
Phật của riêng mình. Nhưng ai có thể cất lên tiếng niệm Phật như một
tiếng niệm tâm? Lần này, rất có thể bên phía những bậc đá kia sẽ có câu
trả lời. Một bà lão trên 80 tuổi, trong trang phục của một cậu bé, điệu
bộ con nhà võ, chân nhảy lò cò một cách nhí nhảnh, cứ một bước dừng là
một câu kể hạnh: “Ở trong bể nước Nam ta. Phả môn có Đức Phật Bà Quán
Âm. Niệm Phật thì niệm tại tâm. Ngẫm xem sự tích ca ngâm cho tường….”.
Chớ ai gọi bà lão là “bà”, bởi “bà” sẽ không vui. Hãy gọi bà lão là
“cậu”, thì “cậu” sẽ hân thưởng cho những câu kể hạnh và những bước nhảy
chân sáo cùng với tiếng lục lạc leng keng nghe rất vui tai. Bà lão không
bằng lòng với danh xưng chật hẹp đích thực ư? Hay bà lão đang nhập hồn
vía vào thể tính “cậu” như nhập vào một sự hỗn mang chưa phân lập rõ
giữa ta và người? Tôi không trả lời được. Đành để đôi niềm nhân ngã tan
theo cảnh mây khói hư huyền.
Tu
một trăm kiếp mới có duyên cùng ngồi trên một chuyến đò, vậy thì sao
không thể niệm Phật chào nhau. Tôi chưa kịp đối thoại với mình về điều
đó thì câu kể hạnh về sự tích Bà Chúa Ba theo tiếng hòa niệm “Con niệm
Nam Mô A Di Đà Phật” lại trong trẻo vang lên trên dòng suối Yến. Một
chiếc đò đầy đang niệm Phật. Niệm Phật thấy vui vui. Niệm Phật thấy khoe
khỏe. Niệm Phật để vững tin mà dọn lòng bước vào cửa Không, bước vào
lời thì thầm của dòng Yến. Niệm Phật để lòng trong hơn, để bỏ lại bến
Đục những gì còn đục.
Nhìn
xem, những mâm lễ gì lạ vậy? Có con gà luộc miệng ngậm bông hồng đỏ
trên mâm xôi. Để cúng thần? Để cúng Phật? Tiêng nam mô rì rầm, mong đợi
cõi linh thiêng chứng tri lòng thành kính. Nam mô… cho con buôn may bán
đắt. Nam mô… cho con nói có người nghe đe có người sợ. Nam mô… cho con
sinh trai, sinh gái trắng trẻo, vuông tròn. Nam mô… cho con gặp thầy,
gặp thuốc. Nam mô cho con trả hết nợ trần. Nam mô cho con một người bạn
đời chung thủy… Có vô vàn những lời nam mô như thế. Đừng ai vội phê bình
hay dở. “Của mình thì Bồ Tát, của người thì lạt buộc”, một bà lão nói
với tôi như thế như để giải thích vì có người đàn ông lỡ xúc phạm đến
“tín ngưỡng” của mình. Đó là những lời khấn cầu trong khổ đau hay hy
vọng? Ai có thể thay tôi trả lời? Nam mô “trăm năm trong cõi người ta”.
Nam mô “người ta hoa đất”… Chưa có cái “trí bình đẳng” thì thị gà là
thịt gà, hoa quả là hoa quả. Nhưng cúng Phật mà Phật hưởng hết thì đời
không ai dám cúng nữa. Phật chỉ chứng tri lòng thành. Giữa cảnh đời “vạn
bán trăm mua”, ai có lòng thành? Lòng thành kẻ có người không… Dù sao
với tôi lúc này, mọi chuyện vẫn bình thường.
Tiếng đời hư thực
Đến
chốn hàng quán dọc ngang, tôi thấy có nhiều người tỏ ra bực mình khi
nhìn cảnh nhiều “chúng sinh” bị treo bán, nhưng rồi thì họ cũng lắc đầu
cười xòa cho qua chuyện. Người “hóa kiếp” cho vật. Vật cũng nhiều khi
“hóa kiếp” cho người. Oan đền báo trả mà. Quả tình có rất nhiều thứ thịt
treo lủng lẳng trên đường vào Hương Sơn. Thật ngạc nhiên, nào là “tiểu
hổ”, nào là “vitamin gâu gâu” 3 món 7 món, nào là cá tôm “hương đồng
nội”,… 365 ngày so với 3 ngày vãng cảnh Phật mà nhu cầu “vitamin” vẫn
cao như vậy. Tôi nhớ lại đến chuyện thịt của cái thời thiếu thịt. Lúc đó
người ta “tự an ủi” và đành đề cao triết lý rau và tinh thần ăn độn. Mà
đáng thương thật. Thời nay, tiền vạn bạc muôn, thịt đâu có thiếu, nào
là cá ngừ đại dương, nào là bò Tây, vịt Tàu…. Sao đến Hương Sơn vẫn thấy
cảnh như những ngày thiếu thịt? Tâm như quán trọ. Tôi nghĩ vui “tâm như
hotel”. Quán trọ nào, hotel nào trên mảnh đất Việt này có thể có một
ngày không rượu thịt? Nghĩ đến đây, tiếng niệm Phật của tôi trở nên khan
đục, đục như nước bến Đục. Hình như tôi đang còn vất vưởng ở bến trần
gian. Nghĩ đục thì niệm sao có thể trong được. Giá mà… mỗi người một
tiếng… nam mô. Biết đâu ngày mai đường vào Hương Sơn lại có thêm vài
phần sạch sẽ.
Tôi
niệm Phật khi thấy mấy anh phóng viên mới vào nghề đang hăng hái, hồ
hởi với cái lý “công bằng”, và họ đang gần như “phát điên” khi thấy cảnh
chèo kéo, cảnh xin tiền bồi dưỡng, viết sớ thuê, cúng cầu thuê…, rồi
thì thịt da ê hề lủng lẳng, rồi thì xin đểu, chửi bới… Họ muốn viết.
Viết hết mọi chuyện ở Hương Sơn. Có giai thoại mấy ông Tây sang Việt
Nam, vì không biết tiếng Việt, thấy hai người đứng chửi nhau lại tưởng
họ đang hát đối, hát giao duyên, nên họ hâm mộ đứng lại ghi hình như ghi
hình ca sĩ. Còn mình là người Việt với nhau, nặng nhẹ trong từng nửa
câu, không những nghe được mà còn ngửi được mùi của nó nữa. Thế là lại
khốn khổ với nhau. Giá mà lúc đó mình “được” trở thành mấy ông Tây ù ù
cạc cạc, bị chửi mà cứ vừa bước đi vừa cười hềnh hệch.
Tôi
chợt nghĩ, có lẽ không ai biết mình đã đến từ đâu và đang mang theo
những nghiệp quả nào trong kiếp sống. Chính cái không biết ấy, đời mới
có đục trong, vui buồn. Nhưng nếu đã nghiệm ra được một vài lẽ nhân quả
rồi thì… dừng lại. Biết dừng đúng lúc thì mới vững.
Vào
cửa Phật mà phải cãi cọ, giành nhau đi đò, đi cáp treo. Thật phiền,
nhưng chưa đến nỗi phải giẫm đạp lên nhau như những cuộc hành hương tôn
giáo nổi tiếng trên thế giới. Tôi đứng nhìn cái sự tranh giành, đến hơn
nửa tiếng đồng hồ mới có đò để đi. Nhớ lời mẹ nói “một vái xa bằng ba
vái gần”, tôi đứng từ xa vái Phật nhưng vẫn vui vì thấy Phật như ở ngay
cạnh mình. Đang niệm Phật, đang nhớ tới lời của mẹ thế mà tôi lại “mộng
mị” đến câu hát giao duyên “Yêu nhau đứng ở đằng xa, Con mắt liếc lại
bằng ba đứng gần.” Chỉ do cái tội gần 30 rồi mà chưa ưng ai. Tôi liếc
nhìn một cô gái tuổi trăng tròn. Cái đẹp tỏa ra từ đôi má, từ ánh mắt
trong veo, từ những ngón tay búp măng trắng hồng nhỏ xinh, từ sự vụng về
đáng yêu khi mang lễ. Vái niệm xong mà cô gái cứ nhìn người chung quanh
tủm tỉm, ngượng nghịu. Cái duyên nơi cửa Phật và cái duyên tình. Tôi
không biết mấy cô cậu trai trẻ nam mô để làm gì, nhưng trong tiếng nam
mô có ngụ vài ý “lá thắm chỉ hồng” ấy cũng làm dòng Yến trở nên sóng
sánh hơn, lay động hơn. Và trong đêm nay, giữa cõi linh thiêng, sau một
ngày gửi lòng thành nơi những bước chân, rất có thể người con gái tuổi
trăng tròn ngủ say mà miệng vẫn tủm tỉm: Nam Mô A Di Đà…
Một sức sống
Và
kia rồi những cây hoa gạo! Tôi chợt nhớ lại giấc mơ gạo trong những năm
còn thơ ấu. Hồi trẻ tôi không hiểu nhiều, bây giờ mới biết giấc mơ gạo
là giấc mơ Việt một nghìn năm, một vạn năm. Giấc mơ gạo có lẽ không đẹp
như hoa gạo, vì có cả một thời, cái gì cũng được quy ra thóc gạo. Đến cả
nỗi buồn người ta cũng nói ví: “buồn như mất sổ gạo”. Nay gạo đã đầy
trong mơ và đang lớn lên thành đụn trong đời thực. Nhưng cái nết cân non
bán thiếu sinh ra từ cái buổi gạo quý hơn người thì muôn đời vẫn làm
cho gạo không nở thành hoa được. Hoa gạo hẳn phải là ước muốn cho một
thời mà cái thanh bình, no ấm không tách rời cái đẹp, cái thiện.
Tôi
đi lạc vào những câu chuyện kể. Ngảy xửa ngày xưa, thời các vua Hùng,
có người tên là Hùng An ở Siêu Loại, Kinh Bắc kết duyên với cô gái tên
là Liễu, dòng dõi thần ở núi làng Yến Vĩ. Một hôm hai vợ chồng vào Hương
Sơn kiếm củi, bất ngờ người vợ bị mãnh hổ cõng đi mất. Chồng thương nhớ
vợ đi tìm khắp trong rừng mấy ngày liền nhưng không thấy, bỗng nghe
tiếng vợ vẳng lại từ đằng xa. Theo tiếng người đi tìm, không thấy vợ đâu
mà chỉ nhìn thấy một con hổ cái biết nói tiếng người. Hổ ngấn nước mắt
nhìn chồng than rằng: “Nhân duyên của chàng với thiếp chỉ đến đây thôi.
Thiếp xin để lại cho chàng một đứa con”. Nói xong nàng biến mất, để lại
một cái bọc bào thai. Được mười bốn tháng, bọc tự nứt ra như một bông
hoa nở. Một đứa con khôi ngô tuấn tú ra đời…
Người
lái đò cho biết, những chiếc thuyền chở khách vào Hương Sơn khi không
có thể sửa sang để chở khách được nữa thì được đem mai táng ở nghĩa địa.
Người dân nơi đây không bao giờ sử dụng thuyền hư vào bất cứ việc gì
khác, nhất là chụm củi. Bên cạnh mộ người có những mộ thuyền… Nhưng biết
những hương hồn, những linh thuyền nằm kia có buồn không khi một ngày
nào đó, cáp treo, ca-nô, đường nhựa có thể thẳng tiến vào Hương Sơn?
Tôi
đến Hương Sơn không phải vì những danh xưng “đệ nhất” hay “đệ nhị” hay
những phương tiện đi lại hiện đại của nó. Tôi đến Hương Sơn chỉ để được
lắng nghe lại tiếng niệm Phật hồn nhiên không bài bản trên dòng Yến, để
học cách đi chậm lại, để lắng hồn theo những kẽ rêu, bậc đá, tiếng mõ,
câu kinh và tìm cho mình vài thoáng tâm linh trước khi trở về cõi tục.
"Nam Mô A Di Đà"!
Nguyễn Ngọc Quý (Theo Văn Hoá Phật Giáo)