Lễ Hội Ganesha (Ganesh Chaturthi)


Tác giả: Nguyên Hiệp
10/01/2011 08:48 (GMT+7)
Số lượt xem: 4683
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Gagesh Chaturthi là một lễ hội lớn của người Hindu, đặc biệt là cộng đồng Hindu ở bang Maharashtra. Lễ hội này nhằm vào tháng Bhadra của Ấn Độ (khoảng từ 20/8 đến 22/9 TL). Năm nay lễ hội Ganesha được tổ chức từ ngày 11 đến 21 tháng 9.


 

Lễ hội Gagesha được tổ chức hàng năm để tưởng nhớ ngày sinh của thần Ganesha, vị thần được thờ phụng phổ biến trong Ấn giáo, và cũng được xem là một trong bốn vị thần quan trọng của tôn giáo này. Ba vị khác là Brahma, Vishnu và Shiva. Thần Ganesha (tên gọi khác là Ganapati), vị thần mình người đầu voi, theo truyền thuyết, là con trai của thần Shiva và nữ thần Parvati.

Theo Ấn giáo, đầu (voi) của thần Gagesha tượng trựng cho tự ngã (atman), thực tại tối hậu của con người; còn thân (người) của Thần tượng trưng cho maya, là sự hiện hữu của con người nơi cõi đời trần tục. Đầu voi của Thần cũng tượng trưng cho trí tuệ, với vòi tượng trựng cho âm Om, biểu tượng âm thanh của thực tại vũ trụ. Thần Ganesha cũng được xem là vị Thần có khả năng đoạn trừ những chướng ngại, là vị Thần của may mắn, tài sản và trí tuệ.

Câu chuyện về vị Thần mình người đầu voi này được kể như sau:

Một lần nọ, nữ thần Parvati trong khi tắm đã dùng đất có được do kì cọ trên cơ thể của mình tạo nên một cậu bé. Sau đó bà giao cho cậu bé này nhiệm vụ canh giữ phòng tắm của bà. Khi thần Shiva, chồng của nữ thần Parvati lúc đi ra ngoài trở về, đã vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy một kẻ lạ hoắc không biết ở đâu tới đã ngang nhiên chận cửa không cho mình vào. Đùng đùng nổi giận, thần Shiva đã chặt đứt đầu cậu bé. Khi hay biết sự việc, nữ thần Parvati vô cùng buồn đau. Để an ủi vợ, thần Shiva bèn phái đội quân của ngài đi lấy đầu của bất cứ con vật nào mà họ gặp nếu con vật đó đang ngủ mà mặt quay về hướng bắc. Đội quân của thần đi tìm, thấy một con voi con đang ngủ thì chặt đầu mang về. Thần Shiva sau đó gắn đầu voi vào thân hình cậu bé, hồi sinh lại mạng sống và giao cho cậu nhiệm vụ lãnh đạo đội quân của mình. Cậu bé này do đó có tên là Ganesha (ganesah có nghĩa là người cai quản hay chúa tể của một nhóm). Và thần Shiva cũng ban cho cậu bé thêm một đặc ân, rằng dân chúng sẽ thờ phụng và đọc tên của cậu bé này trước khi thực hiện một công việc nguy khó. Đó là những gì được mô tả trong Shiva Purana.

Trong  Brahma Vaivarta Purana thì câu chuyện được kể rằng: thần Shiva khuyên vợ mình là nữ thần Parvati nên chay tịnh một năm để cầu thần Vishnu ban cho họ một đứa con. Nữ thần Parvati làm theo lời chồng và ước nguyện của họ đã trở thành hiện thực. Khi cậu bé chào đời, các thần linh ở khắp nơi đã tụ hội về để chúc mừng và ngắm nhìn cậu bé. Thần Shani, con trai của thần Surya (thần Mặt trời) cũng có mặt nhưng không chịu ngắm nhìn đứa bé này. Thần Parvati thấy lạ thì hỏi nguyên cớ; thần Shani bèn nói rằng nếu ngài nhìn vào cậu bé thì đầu cậu bé sẽ lập tức rơi lìa khỏi cổ. Nghe vậy nhưng nữ thần Parvati vẫn không tin, nài nỉ thần Shani hãy nên ngắm nhìn (cháu nó) một lần, và kết quả là đầu cậu bé đã rơi lìa khỏi cổ. Trước tình cảnh thảm thương ấy, các vị thần đều cùng nhau than khóc, riêng thần Vishu đã vội vàng đi đến sông Pushpabhadra, mang đầu một con voi con về và gắn lên người cậu bé, làm sống lại cậu. Về sau (nghe nói) Ganesha rất thông minh trí tuệ, trở thành một vị thần quan trọng và được tin là bậc sáng tác nên bộ Mahabharata.

Còn những huyền thoại khác về vị Thần này, nhưng ở trên là hai câu chuyện phổ biến.

Tại nơi tôi ở lễ hội Ganesha được chuẩn bị khá sớm. Trước khi lễ hội bắt đầu, người ta cho dựng những lễ đài tại các con phố và tôn trí tượng thần Ganesha ở đó. Người Ấn không coi trọng lắm hình thức, nên lễ đài cũng không có gì cầu kỳ hay “hoành tráng.” Không có cảnh cơ quan đoàn thể đến tặng hoa, chúc mừng và phát biểu này nọ.

Vào những ngày lễ, người Hindu thường lui tới các nơi thờ tượng thần Ganesha để dâng thức ăn và nước. Thức ăn thường là những thứ bánh ngọt, nước thì thường là nước dừa. Họ cũng cầu nguyện Thần giúp họ giải trừ những chướng ngại và rủi ro, và tất nhiên nhớ giúp họ đạt được may mắn và thịnh vượng trong đời sống. Nhưng trước khi cầu nguyện/xin thì phải đọc kinh, vì vậy những thánh tụng từ các VedaUpanishad thường được tụng đọc vào dịp này.

Vào những ngày lễ, người ta cũng khuyên các tín đồ không nên nhìn trăng (trong khi có đông người đang ngắm trăng Trung thu), bởi làm như vậy là hành xử không thích hợp với Thần, nếu không muốn nói là xúc phạm đến ngài. Điều này hẳn nhiên là có nguyên nhân của nó. Bên cạnh đó người ta cũng khuyên rằng không nên kết bạn với những người không có niềm tin vào Thần (ít nhất vào những ngày lễ).

Âm nhạc và nhảy múa là những yếu tố không tách rời khỏi các lễ hội của Ấn; và cả hai đã được sử dụng tối đa trong dịp này. Cách sử dụng âm nhạc với tiếng trống mạnh được phóng đi trên những dàn loa công suất lớn, khiến người chưa quen mỗi khi đi ngang những nơi tổ chức lễ hội cảm giác như tim muốn rơi ra khỏi lồng ngực. Nhìn những đám người nhảy múa, bột màu bôi đầy mình mẩy, mồ hôi nhễ nhại dưới trời nắng, mới thấy sự nhiệt tâm của họ với lễ hội.

Tượng thần Ganesha được đặt ở các lễ đài mười ngày liền cho dân chúng lễ bái. Vào ngày thứ 11, tượng được đặt trên xe và đưa đi khắp các đường phố. Người ta cũng chẳng cần đến xe hoa xe bông lộng lẫy. Tượng được đặt trên những chiếc xe tải to kềnh, trang trí sơ sài với vài vòng hoa vạn thọ. Sau khi được mang đi dạo qua nhiều nơi, tượng sẽ được nhúng xuống một dòng sông nào đó, tượng trưng cho sự chia tay giữa dân chúng với Thần.

Trong suốt những ngày lễ hội, tại khu phố tôi ở, các gia đình mang một tượng thần Ganesha nhỏ, cùng với một ít hoa và nước, đến một ngôi đền hay nơi có lễ đài thờ tượng thần Ganesha. Đến đó, sau khi thực hành một vài nghi thức tôn giáo và nhận lấy sự chú nguyện, họ mang tượng thần về nhà phụng thờ, cầu mong một năm an vui, thịnh vượng.

Nhà tôi ở, không thấy ông chủ thực hiện nghi thức này. Chủ nhà của tôi là một Hindu-Phật tử. Tôi gọi ông là một Hindu-Phật tử bởi ông nói với tôi rằng ông là một Hindu-Buddhist. Cách đây một tháng, thấy ông và cậu con trai cùng “xuống” tóc, hơi lạ nên tôi hỏi lý do, thì ông bảo rằng ông theo phong trào Phật giáo của Ambedkar, tuy nhiên không rời bỏ Ấn giáo, vì vậy ông là một Hindu-Buddhist. Ông kể rằng những người tín đồ như ông một năm xuống tóc một lần, là một quy định chung. Hỏi lý do thì ông chỉ cười.

Tiến sĩ Ambedkar từ bỏ Ấn giáo một cách triệt để, nhưng nhiều người theo ông thì còn nửa vời. Không biết là do người ta không đủ can đảm từ bỏ hẳn Ấn giáo vì sợ sẽ trở nên lẻ loi giữa cộng đồng Hindu, hay vì Ấn giáo đã ăn sâu vào trong xương tủy nên người ta không thể từ bỏ được. Và không biết phong trào của Ambedkar về sau có biến thành Hin-Bud-ism không, một dạng “tiếp biến” để trở thành “nhị giáo đồng nguyên.”

Nguyên Hiệp

Nguon: http://huongtubi.org/index.php?/L%E1%BB%85-H%E1%BB%99i/l-hi-nagesha-ganesh-chaturthi.html


Âm lịch

Ảnh đẹp