09/10/2010 21:21 (GMT+7)
Số lượt xem: 4608
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ðêm văn hóa nghệ thuật bế mạc đại lễ quy tụ hơn 10.000 diễn viên sẽ diễn ra tại sân vận động Mỹ Ðình (sức chứa trên 40.000 khán giả) vào 20g tối 10-10.

Nhà văn Nguyễn Khắc Phục là tác giả kịch bản, tổ đạo diễn đêm bao gồm: tổng đạo diễn - NSƯT Trọng Ðài (phụ trách âm nhạc), đạo diễn Ðỗ Minh Tuấn (phụ trách khai thác công nghệ cao tạo hiệu ứng thị giác và dàn dựng các đại cảnh), NSND Ứng Duy Thịnh (phụ trách vũ điệu sân khấu) và nhà báo Lại Văn Sâm (phụ trách khai thác hiệu quả truyền hình).

Chương trình gồm 37 phân khúc dài 100 phút, tập trung vào các điểm nhấn lịch sử, các hình tượng văn hóa tâm linh của Thăng Long - Hà Nội như trâu vàng, rồng vàng, rùa vàng, ngựa trắng, hoa sen, hoa đào, hoa sữa, hoa mai, tháp Rùa, Khuê Văn Các.

Đêm thành phố rồng bay tái hiện những mốc lịch sử quan trọng từ tiền Thăng Long: An Dương Vương thay vua Hùng dựng nước Âu Lạc, đóng đô ở Cổ Loa; đến Thăng Long: vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La năm 1010, tuyên cáo của hoàng đế Quang Trung, xuân Kỷ Dậu 1789; và Hà Nội: Tuyên ngôn độc lập 1945, đại thắng mùa xuân 1975...

Các thiên cổ hùng văn: Chiếu dời đô, Nam quốc sơn hà, Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Tuyên cáo của vua Quang Trung, Tuyên ngôn độc lập đều được lồng ghép trong các điểm nhấn lịch sử này. Chương trình cũng kỳ vọng biến toàn bộ sân Mỹ Đình thành một “lâu đài văn hóa Thăng Long” thu nhỏ.

Kỳ vọng biến toàn bộ sân Mỹ Đình thành một “lâu đài văn hóa Thăng Long” thu nhỏ, chiếc bục nổi thiết kế mô phỏng trống đồng Ngọc Lũ 1 (thuộc hệ thống trống đồng Đông Sơn) đặt tại khán đài B là một phần nổi bật của sân khấu chính. Màn hợp xướng múa hát và các hình thức sân khấu sử thi, kịch hình thể, múa đương đại… được toàn bộ diễn viên trên tất cả các phương tiện tham gia tại khu vực sân khấu trống đồng này.

Từ trên cao nhìn xuống trong đêm truyền hình trực tiếp, khán giả có thể chiêm ngưỡng sự chuyển động của toàn nhân loại theo cảm quan của người Việt cổ hiện lên trên sân khấu trống đồng, với bóng dáng cư dân Thăng Long hiện hữu trong các nền văn hóa từ Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn…

Chương trình cũng dự kiến đầu tư vào các mô hình bao quanh sân khấu trống đồng: tháp Báo Thiên, chùa Khai Quốc (Trấn Quốc bây giờ), điện Kính Thiên, Khuê Văn Các, chùa Một Cột. Những truyền thuyết bấy lâu gắn bó với người Việt: mẹ Âu Cơ sinh bọc trăm trứng, sức mạnh thần kỳ của nỏ thần Cổ Loa, bóng rồng bay đón ngự thuyền Lý Thái Tổ, Lê Lợi trả gươm cho thần Kim Quy sẽ được tái hiện trong đêm mừng đại lễ. 

Lấy việc dời đô làm điểm nhấn đậm nét nhất toàn đêm văn nghệ, câu chuyện về vua Lý Thái Tổ bắt đầu từ nền trời xuất hiện chữ Sơn hà xã tắc, thuyền quan họ hát mừng đứa bé cất tiếng khóc chào đời - Lý Công Uẩn. Thiên đô chiếu được công bố trên thuyền rồng, khinh khí cầu mang mô hình rồng vàng từ mặt sân bay lên cao.

Một số điểm nhấn khác như mảng về vua Quang Trung sẽ thể hiện sự hội tụ tình cảm và văn hóa của cả nước với Thăng Long - Hà Nội, với màn trình diễn võ thuật Tây Sơn hoành tráng và trích đoạn tuồng Bình Ðịnh với tâm sự của công chúa Ngọc Hân trong Ai tư vãn, có cả các kỵ sĩ phi ngựa trên sân mang cành đào báo tiệp cho công chúa.

Dưới đây là một số hình ảnh tổng duyệt trước đêm hội 10-10 diễn ra tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình:

Tin: NGA LINH, ảnh: NGA NGUYỄN

tuoitre.vn


Âm lịch

Ảnh đẹp