Ngày 30/9, tất cả đã có mặt, và
được đón về khách sạn Kim Liên. Ngày mồng 1 và mồng 2 tháng 10, tất cả các đoàn
Kiều bào được tập dợt tại đường Bắc Sơn, sơ duyệt diễu hành tại Quảng trường Ba
Đình. Và những ngày sau đó được Ban Tổ chức đưa đi thăm viếng thắng cảnh, các
khu di tích có liên quan đến triều đại Thánh Vương Lý Thái Tổ.
Ngày mồng 3, sau điểm tâm sáng,
gần 200 Kiều bào lên 4 chiếc bus, có cảnh sát giao thông dẫn đường, hướng về Hoa
Lư; Ninh Bình cách Hà nội 93km, một tỉnh
cực Nam miền Bắc. Đoàn đến Ninh Bình hơn
tám giờ sáng, viếng thăm Đền thờ vua Đinh và vua Lê. Đám lau sậy mà Đinh Tiên
Hoàng ấu thời chiêu quân lập trận giả với trẻ chăn trâu trong làng, nay vẫn còn
lưu tích. Một chú trâu 7 năm tuổi, được lão dân địa phương đem ra làm cảnh cho
du khách ngồi cưởi, chụp hình.Một em thanh niên Mỹ đứng cạnh trâu mà không chịu
leo lên, vì sợ trâu nặng! chú trâu cũng rất ngoan, cũng đã giúp chủ có được vài
trăm nghìn trong sáng hôm đó. Đền thờ vua Đinh, vua Lê đều thấp, tạo một không
gian u trầm linh hiển. Quanh vườn cây cao bóng mát, cảnh trí sạch và xanh,
thoảng một khí trời trong lành dễ chịu.
Khi đoàn vào Bái Đính ( một âm trại của Bái
Đinh, có nghĩa giòng tộc nhà Đinh trôi
giạt về đây, luôn hướng về cố đô để tưởng nhớ một thời oanh liệt của Đinh
triều) Bái Đính cách Ninh Bình 15km thuộc cố đô Hoa Lư, xã Gia Sinh, Gia Viễn.
Chùa có hai hạng mục, khu chùa cổ xây từ 1136 chiếm 27ha và ngôi mới xây trên
80ha. Hướng dẫn viên du lịch thuyết minh cặn kẽ địa danh. Từ ngạc nhiên nầy đến
ngạc nhiên khác khi du khách tận mắt trông thấy những kỳ quan của đất nước mà
mọi thứ nơi đây đều được ghi vào sách kỷ lục quốc gia. Quả chuông nặng 36 tấn,
phải dùng cán chày gỗ, dài 2m, nhiều người góp sức vào mới thỉnh nên những
tiếng chuông vang xa tận núi đồi và đồng bằng lân cận. Chuông treo trên bảo
tháp cao, phía dưới mặt chuông cách khoán 1m5 là trống đồng đường kính phải 3m.
nặng 70 tấn. Gió núi lộng vào tháp chuông như cố đẩy xa âm vang đến từng cành
cây kẽ đá. Hai dãy Đông lang – Tây lang an vị 500 Thánh tượng La Hán cao 2m bằng đá xanh, mà
thuyết trình viên du lịch nêu thắc mắc tại sao từ 108 anh hùng Lương sơn Bạc,
lại chuyển sang đến 500 vị La Hán! có lẽ vị thuyết minh nầy cứ ngỡ có sự liên
hệ giữa Lương Sơn Bạc với các vị La Hán của Phật giáo; cũng thế, họ hiểu không
chính xác khi giải thích 500 vị trên đây
đều được gọi là Tôn giả như Tôn Hành Giả được nói ngắn gọn! Các hướng dẫn viên
khá thấu triệt lịch sử các thắng cảnh, nhưng chưa nắm vững giáo lý Phật giáo
nên còn nhiều lúng túng.
Đoàn lên đến Đại Hùng Bửu Điện,
tuy đang chỉnh trang, nhưng điện thờ Tam Thế vẫn toát hiện nét uy nghiêm của
Tam Tôn. Tất cả các thánh tượng đều được dát vàng. Những Thánh tượng Phật tổ,
Quán Thế Âm, Tam Thế, Di Lặc đều bằng đồng khối nặng trên 90 tấn. Tượng Hộ Pháp ( ông Thiện, ông ác, cao 5.5m, nặng 12 tấn, chắn
ngay tiền sảnh trước khi vào nội viện xác định uy nghi của chốn già lam.
Cổng Tam Quan hùng tráng và đẹp,
chẳng hiểu thế nào lại chắn tấm bảng bên cạnh quảng cáo Dê núi, gà đồng, cơm
cháy, thịt Cầy…làm giảm mỹ quang của chốn tâm linh. Sau ngày đất nước mở cửa,
các tỉnh phía Bắc rộ nở món ăn “dân tộc”
Thịt cầy, tiểu hổ, dê núi mà cứ xem như một tự hào; Các nước văn minh không ai
thích ăn thịt chó và càng không thích ăn những loại cầu kỳ như thú hoang quý
hiếm, thì chúng ta lại xem những loại đó như một nền văn hóa ẩm thực của dân
tộc. Tổ tiên ta, Hà nội cũng như Huế, từng là cái nôi của văn hóa, trong đó văn
hóa ẩm thực và văn hóa giao tiếp đã nâng giá trị văn minh dân tộc lên tầng bậc
cao trong thời phong kiến; Ngày nay, văn hóa hiện thực trong xã hội ta cần phải
điều chỉnh, tạo cho nhân dân ý thức đạo đức xã hội mới mong luật pháp được tôn
trọng và cách sống của người dân được thanh nhã hơn!
Phật Thiên thủ Thiên nhãn, cao 9.57m, nặng 80
tấn, màu vàng kim óng ả dưới ánh sáng của những ngọn đèn neon trông thật huyền
nhiệm; ngôi chùa Pháp chủ và chùa Tam Thế cũng mang sinh khí u linh trầm mặc
bên trong nội điện, nhưng phô diễn nét hùng tráng giữa núi đồi và đất trời bao
la. Toàn cảnh Bái Đính tự thân xác định một uy lực linh địa cho con cháu tộc
Việt như Thánh Vương Lý Thái Tổ từng chọn Đại La làm đế vượng ngàn đời cho cháu
con! Thật không ngoa nếu bảo Bái Đính là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á, vì các
hạng mục đều đạt đỉnh điểm đáng kinh ngạc.
Chung quanh Ninh Bình, cố đô Hoa
Lư được vây quanh nhiều ngọn núi đá đứng sững như bức tường thành bao bọc kinh
thành, một thành trì chiến lược ngăn giặc ở thế thủ của triều chính Đinh và
tiền Lê, nhưng khi hòa bình, đất nước cần phát triển, Hoa Lư trở thành cản địa,
vì thế Thánh vương Lý Thái Tổ đã thể hiện tính thao lược của một kiến trúc sư,
một địa lý sư, vượt bao rừng núi sông ngòi để dựng nên cơ nghiệp Đại La mà hàng
ngàn năm sau cháu con vẫn còn thừa hưởng, giá trị chiến lược vẫn còn hữu dụng đến hôm nay.
Rời Ninh Bình khi bóng chiều êm
dịu. Quốc lộ thoáng rộng nằm giữa rưộng đồng bát ngát bắp xanh; xe Bắc Nam
vẫn xuôi ngược, nhưng sẳn sàng nép lề cho đoàn hướng về Thành phố. Vòng đai Hà
nội phát triển hạ tầng giao thông khá nhanh, mỗi ngày mỗi khác lạ; cư dân hai
bên đường trước đây, làng mạc được lùi
vào xa, dành cho vành đai xa lộ ngút ngàn tầm mắt. Cuộc sống người dân vẫn lặng
lẽ, mọi sinh hoạt vẫn bình thường, chỉ có cư dân phố chợ tương đối phát đạt.
Bắc Ninh, cách Hà nội 31km, Đông
Bắc của Thủ đô, vẫn là địa danh xa lạ còn nằm trên bản đồ đối với người dân các tỉnh phía Nam, như những vùng
đất ngoại vi Hà nội, người ta vẫn nghĩ
thế, mức phát triển chỉ cầm chừng, nhưng, theo báo cáo của ông Phó chủ tịch
UBND tỉnh ( Nguyễn Nhân Chiến) trong buổi gặp gỡ kiều bào trưa ngày 04/10/2010.
khách tham quan ngạc nhiên khi biết, với diện tích 824km2, dân số 1.1 triệu,mà
GDP đạt 1.800USD/người, và dự kiến sẽ là 3.500USD trong năm năm tới. So với các
quốc gia phát triển trong khu vực, mức tổng sản lượng như thế chưa phải cao,
nhưng giá sinh hoạt hiện nay cả nước, vẫn khá hơn nhiều tỉnh thành. Hình như
Bắc Ninh có một diện tích nhỏ nhất so với các tỉnh; Tuy vậy, Bắc Ninh có một
nền văn hiến lâu đời nhất. Thành Luy Lâu, chùa Dâu, chùa Phật Tích… cái nôi của
Phật giáo thời Đinh Lê. Chính nơi đây, phát xuất một Thánh vương làm rạng rỡ
cho dân tộc. Bắc Ninh hàng năm có 300 lễ giổ
Xe quẹo vào Đền Đô; nét kiến trúc
các cổng và tường thành, đã làm cho du khách phải lưu ý. Tuy đồng bằng, khí hậu
thoáng mát dễ chịu, nhưng nơi đây, mang tải một sinh khí mà người nhạy cảm, có
thể cảm nhận sự huyền nhiệm linh thiêng! Nếu Bái Đính là trung tâm phô diễn
kiến trúc sung mãn, thì Đền Đô là nơi hội tụ linh khí ngàn xưa.
Đây là đền thờ tám bậc quân vương
đời Lý. Khai mở triều Đại là Lý Thái Tổ. kế
nhiệm là Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh
Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông, và Lý Chiêu Hoàng.
Lý Thái Tổ là một Thánh nhân, vì
thế sự xuất hiện của Ngài cũng mang nhiều huyển bí.Ngài là con tinh thần của
Thiền sư Vạn Hạnh và là đệ tử ưu tú của ngài Lý Khánh Vân; Được un đúc trong
môi trường giáo dục Từ bi và Trí tuệ của Phật giáo, Lý Công Uẩn sớm phát triển
tư chất siêu xuất khác thường. Là cư dân và xuất thân từ Bắc Ninh, Đền đô là
nơi thờ tự tám bậc minh vương và 6 vị
Hoành hậu thời Lý.
Trong thời gian phục vụ tiền Lê,
Lý công Uẩn tỏ ra trung trực, công minh và hòa ái, vì thế rất được lòng nội
triều giữa lúc Lê Long Đĩnh giết anh là Lê Trung Tông để chiếm ngôi, sống sa
đoạ, tàn bạo, tham dâm vô độ. Cũng thời gian nầy, trong nước xẩy ra nhiều hiện
tượng khác thường báo hiệu Lê mạt phải chấm dứt. Đồng thời do sự vận động của
Thiền sư Vạn Hạnh, chuẩn bị tâm lý chính trị và được hậu thuẩn của nội triều, cũng
như muôn dân, và Đào Cam Mộc khẩn thiết khi triều chính không vua, vì thế, Lý Công Uẩn lên ngôi vào
ngày 2/11/năm Kỷ Dậu tức 21/11/1009.sau khi Lê Long Đĩnh qua đời.
Vừa nhiếp chính, Lý Thái Tổ vổ an
thần dân, xóa tội ngục hình, ban tặng bô lão, miễn giảm thuế quan…và nhiều công
tác từ thiện khác; Cùng lúc, Lý Thái Tổ thăm dò ý dân để di đô mà chiếu dời đô
ngày nay được phổ biến rộng rãi.
Chủ trương của Thánh vương Lý
Thái Tổ lấy dân làm trời ( ý dân là ý trời). lấy Nhân làm gốc để điều hành vận
nước, chính vì thế Lý Thái Tổ đã mở đầu một triều đại thuần lương thịnh vượng.Vì
dân no đủ và vua thương dân thì xã hội ắt thái bình, nhân dân trên dưới một
lòng…Điều đồng nhất trong tám đời vua triều Lý, đều chọn Đạo Phật làm tôn giáo
chính; Phật giáo phát triển làm nền tảng đạo đức cho xã hội.
Cô thuyết trình viên giải thích
đặc tính của từng triều đại nhà Lý. Bảy đời vua đều thuần hậu lâu bền, thể hiện
tính thân dân và quý dân, luôn giúp đỡ người nghèo. Thậm chí vua Lý Nhân Tông
khuyến bảo sau khi Ngài băng hà, không
để quá ba ngày, không lập lăng tẩm tốn kém nhân dân, và phải xả tang miễn chế.
Thời phong kiến mà vua anh minh đến thế thì con cháu nghìn sau há chẳng noi
theo thánh hiền!
Tuy giọng thuyết minh chưa đủ gợi
cảm, nhưng sự uyên thâm lịch sử, người
thuyết minh đã nêu được tính ưu việt của Thánh Vương Lý Thái Tổ cũng như các
đời vua Lý kế tục, làm cho du khách lắng nghe say mê và xúc động trước những hành hoạt đạo đức của cha ông.
Thăng Long là ngôn từ ám chỉ Rồng
bay lên, không là một lý thuyết tưởng tượng như người sau giải thích. Sử liệu
xa xưa từng bảo Thánh Vương Lý Thái Tổ đã nhìn thấy rồng xuất hiện nên chọn Đại
La làm kinh đô Thăng Long. Trong Đền Đô, người hướng dẫn đã cho du khách thấy
những bức ảnh kỳ lạ xuất hiện trên nền Đền Đô vào những dịp lễ hội. một vầng
mây vàng, dợn sóng như rồng cuộn hoặc một khối đỏ sáng trên góc mái đền, bốn
tấm hình có bốn dạng xuất hiện khác nhau cũng vào những ngày lễ hội giổ Tiên Đế
như thế. Những bức ảnh do du khách đột xuất
ghi hình lại, càng làm cho đoàn Kiều Bào tăng thêm niềm tin nơi cỏi tâm
linh. Hai hình nhân người sắc tộc từng giúp vua cũng được tôn thờ tại đền.
Bên hiên tây, một bia đá đã bị
Pháp bắn phá mặt trước, không còn đọc được chữ, nhưng năm 1946, các nhà sử học đã kịp thời ghi chép
lại nên ngày nay được biết bia đó là chiếu di đô của triều Lý.
Hình như tất cả những ai có mặt
tại chỗ, khi nghe thuyết minh về triều Lý, tất phải xúc động và cảm kích ân đức
của cha ông chúng ta, một đấng anh mình, đem lại độc lập cho dân tộc suốt 214
năm tại vị; Chiếu di đô cũng tròn 214 chữ ứng với thời gian tồn tại đó.
Sau khi nghe và thấy những dấu
tích của tiền nhân một cách cụ thể, đoàn
đến lễ bái chùa Tiêu Sơn, nơi mà Thiền sư Vạn Hạnh từng trụ trì, và Đức
Bà Phạm Thị, người sanh ra Lý Công Uẩn, cũng từng công quả tại Tiêu Sơn, sau
khi Lý Công Uẩn chào đời, bà đã khuất núi, từ đó, Thiền sư Vạn Hạnh và Thiền sư
Lý Khánh Vân có trách nhiệm huấn dục vị ấu chúa tiềm phục.
Trong chùa Tiêu Sơn, tôn thờ nhục
thân của Thiền sư Như Trí.Thiền sư là vị trụ trì đời thứ 15 kể từ Vạn Hạnh
Thiền sư theo giòng phái Trúc Lâm. Mặc dù gần 300 năm, nhục thân ngài vẫn không
bị hủy hoại bởi khí hậu và thời gian; Sau khi phát hiện Ngài viên tịch trong bảo tháp, ni Sư Đàm
Chính nhờ chuyên gia chỉnh phục lại một cơ phận
của thân thể bị phân hủy, Hiện báu thân được tôn thờ tại Tổ đường chùa
Tiêu Sơn.
Trên một dốc núi cao hơn mặt biển
70m, chùa Tiêu sơn ẩn mình dưới bóng cây
của núi rừng. Chùa bị chiến tranh tiêu hủy hoàn toàn, Sư bà Đàm Chính từng hồi tu tạo. Sư bà đúc một pho tượng Thiền
sư Vạn Hạnh, trên dốc núi, cao 8m mặt hướng về kinh đô Thăng Long; Tuy xa,
nhưng khách thập phương vẫn đến lễ bái; Người ta chỉ biết đây là nơi xuất thân
của Lý Công Uẩn, nhưng ít ai biết công trạng một thiền sư Vạn Hạnh đã un đúc Lý
Công Uẩn trở thành một Minh Vương thánh thiện, và hình như ai đó cố tình quên
sự liên hệ giữa Phật giáo và Triều đại nhà Lý, xem nhà Lý như một thể chế chính
trị anh minh đột phá! Chính vì thế, trong dịp viếng Tiêu Sơn, Đại Đức Thích Tâm
Hiệp đã có cuộc trao đổi về công hạnh của
Thiền sư Vạn Hạnh và đức tin truyền thống của một dân tộc có huyết thống
tổ tiên ngàn đời.
Nếu Thăng Long- Hà Nội là kinh đô
khai mở thời kỳ độc lập tự cường cho dân tộc thì Bắc Ninh là chiếc nôi sản sinh
ra Lý Công Uẩn, người con ưu tú cho dân tộc. Tiêu Sơn là Tòng Lâm ẩn tàng các
Thánh Tăng, để từ đó làm nền tảng giáo dục cho một Thánh vương anh minh, chúng
ta cần phải trân trọng tưởng nhớ!
Những người con xa quê hương, bất
cứ lý do gì, ai cũng có lần thổn thức hướng về quê nhà như con cháu dòng họ Lý khi bị Trần Thủ Độ ngược đãi, sát
hại phải tha phương lập nghiệp hơn 700
năm trên đất Cao Ly, thế mà, ngày nay, năm 1994, Lý Xương Căn, đời thứ 31 của
Lý Long Tường, tìm về từ đường họ Lý ở Bắc Ninh lễ bái tổ tiên, hàng năm đều
như thế, đó là hậu duệ của Lý Long Tường và Lý Nghĩa Mẫn. Huống nữa, Kiêu bào
của chúng ta, trên đất khách quê người bôn ba kiếm sống, sao khỏi chạnh lòng
nhớ đến quê mẹ qua mấy mươi năm xa cách; Dịp đại lễ ngàn năm Thăng Long là lúc
gợi nhớ ân sâu tiên tổ cho cháu con ngày nay ngưỡng mặt nhìn đời, người Việt
tha phương cũng như họ Lý hậu duệ đều được mời về tham dự. Họ cởi mở tấm lòng,
chuyện trò râm ran suốt đoạn đường du ngoạn. Một Kiều bào Lào kể lại những gian
nan đối phó với Fulro và tiếp tế cho cách mạng tại Biên giới Lào Việt, có lúc
phải hy sinh tài sản lẫn mạng sống. Kiều bào Thái hồi tưởng lại thời đệ nhất
Cọng Hòa, Thái trục xuất toàn bộ kiều dân về Hà nội khi biết họ là những cứ địa
hoạt động cho cách mạng…Các cư dân những quốc gia Âu Châu không có những kỷ
niệm gắn bó như thế, nhưng lại gắn bó với dân tộc bằng những bữa cơm rau cà dưa
mắm; nhớ từng cọng rau, từng con đường, từng cơn mưa lũ; Và hầu hết có một điểm
chung khi xa quê, họ gắn bó với đức tin tôn giáo. Cộng hòa Sec mặc dù đã tạo
dựng được mấy ngôi chùa, nhưng chưa có thầy trụ trì thường xuyên, từ Việt Nam qua
vào những dịp lễ lớn, họ tha thiết có một vị sư làm ngọn lửa sưởi ấm kẻ ly
hương; một ước vọng tuy đơn gỉan nhưng khó toại nguyện.Đoàn Kiều bào Sec đa
phần là những Phật tử.
Kiều bào phấn khởi khi nhìn quê
hương thay da đổi thịt, khi thấy cơ sở hạ tầng phát triển không ngừng, người
dân phố thị tấp nập khắp phố đêm, những ngày lễ như thế nầy, vào Thành phố là
một cực hình cho xe cộ; nhưng thôn quê vẫn còn cơ cực với ruộng ngô, thửa lúa,
vì khí hậu thất thường nên mùa màng thất bát, mức thu nhập vẫn chưa tương xứng
với công sức bỏ ra; Nhà nước cố tạo công ăn việc làm cho người dân, cho công
nhân bằng những hãng xưởng, nhưng tiếc thay, công nghiệp hóa không phải là con
đường duy nhất để phát triển và giải quyết đời sống cho người dân, ngược lại xí
nghiệp nhà máy đã đem lại nhiều hậu quả khó lường cho môi sinh hiện tại. Bão lũ
luôn đe dọa đất nước, vì thế đời sống người dân cũng bấp bênh như con sóng biển
xô bờ; Nhân dịp một ngàn năm Thăng Long, vào mùa mưa gió, nhà nước dự tính bỏ
ra số tiền lớn để đẩy cơn mưa ra khỏi Hà
Thành, nghe đâu một ai đó, tuyên bố trên T.V là sẽ đầy lùi được mưa bảo vào
thời gian diễn ra đại lễ, dù nhà nước tin hay không, họ vẫn âm thầm giúp đỡ;
Chung quanh Hà nội vẫn có những cơn mưa, Quảng trị trở vào cũng đang hứng chịu
mưa dầm gió rét, thế mà khí trời Hà nội mấy hôm nay vẫn dễ chịu, những hạt bụi
nước li ti từ trên cao như làm sạch khói bụi phố phường, không đủ thấm ướt kẻ
đi ngoài phố. Khí trời tuy lạnh với cư dân phía Bắc, nhưng vẫn ấm lòng lữ thứ
hồi hương; họ đang đặt từng bước chân sung sướng hạnh phúc trên quê mẹ; họ nhìn
kỷ từng con phố thân quen, từng hoa ngâu nở vội; Mặt nước hồ Gươm xanh đen mà
họ vẫn thấy trữ tình; Một vài người dân không toại nguyện với thực tề thì những
Việt kiều lại thấy các chướng duyên là những thơ mộng khác thường.
Bước chân trở về luôn là hạnh
phúc, người ở lại luôn hướng đến ra đi; Phải chăng cuộc sống là một hợp thể của
mâu thuẩn?
Cho dù mâu thuẩn hay không, con
dân đất Việt phải trân quý, bảo vệ tài sản của cha ông để lại, ghi nhận công ơn
to lớn của tổ tiên nhân 1.000 năm Thăng Long thưở ấy!Vì ngàn năm sau thưở ấy
biết còn chăng!
MINH MẪN
04.10.2010