03/10/2010 18:52 (GMT+7)
Số lượt xem: 4952
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Hiền tài đã tạo nên bản sắc văn hiến Thăng Long, và khát vọng một nghìn năm của người Việt cho đến nay vẫn là cảnh "người dân đi ngủ không cần đóng cửa, ra đường không ai nhặt của rơi"…

Một trăm năm, một ngàn năm đi qua "cõi người ta", dù chữ "tài", chữ "mệnh" được thử thách ra sao, dù cuộc thăng trầm bể dâu của dân tộc được diễn tả như thế nào, thì điều đầu tiên mà những người còn thao thức với thời cuộc, nặng lòng với dân tộc cần làm là phải "trông thấy" được cái sự thật thời cuộc ấy để bày tỏ và tìm cho mình một thái độ ứng xử phù hợp.

Bản sắc của một dân tộc được kết nên bởi tinh hoa của văn hiến và hiền tài. Dù đôi khi "chiếc áo không làm nên ông thầy tu", nhưng sự hiện diện của một dân tộc, một đời người cũng không nằm ngoài ý nghĩa "y phục xứng kỳ đức". Bản sắc văn hiến Thăng Long chính ở nơi mà hiền tài được tôn vinh là nguyên khí của quốc gia. Đất nước thịnh loạn hay thăng trầm luôn tương quan mật thiết với mạch "nguyên khí" ấy.

Xin được dẫn về những ứng xử kỳ đức, kỳ tài của vua Lý Nhân Tông để thấy rằng "chiếc áo nghìn năm" vẫn chưa đủ sức nặng để phủ trùm lên nhân cách của một bậc hiền tài. Đại Việt sử ký toàn thư chép như sau: "Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, nước được thái bình, là vua giỏi của triều Lý…".

hientai-1.gif

Rất nhiều kiểu "ăn theo" Đại lễ (poster quảng cáo rượu Thăng Long)

Triều Lý đã mở đầu kỷ nguyên Thăng Long - Đại Việt bằng việc khẳng định mạnh mẽ tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường. Xây nền, đắp móng cho văn hiến Thăng Long bằng việc kết hợp các giá trị thời đại với tinh thần từ bi, tích cực dấn thân cứu khổ của Phật giáo. Ngoài những bài chiếu thể hiện mạnh mẽ đường lối cai trị sáng suốt của triều Lý như Chiếu dời đô, Chiếu xá thuế…, lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc ghi nhận sự xuất hiện của Chiếu cầu lời nói thẳng.

Vào năm Bính Thìn, Anh Vũ Chiêu Thắng năm thứ nhất (1076), mùa hạ, tháng 4, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu cầu lời nói thẳng, cất nhắc những người hiền lương có tài văn võ cho quản quân dân, chọn quan viên văn chức, người nào hay chữ cho vào Quốc Tử Giám.

Rõ ràng nền nhân trị, đức trị phải là một nền giáo dục đề cao nhân, đức. Chỉ khi một dân tộc biết khoan dung tư tưởng, hòa hợp các giá trị thì mới có thể xem việc "cầu lời nói thẳng" như là chính sách quan trọng quốc gia. Bên cạnh đó, thời vua Lý Nhân Tông trị vì, đạo tục hòa quang, quốc sư cùng với tể tướng đứng trước điện xét đoán công việc và giải quyết đơn từ kiện tụng của thiên hạ. Bản lĩnh chính trị của một vị vua phong kiến như thế xem ra đã tiến gần đến những giá trị của một nền cộng hòa.

Theo miêu tả của sử sách, thời vua Lý Nhân Tông là thời xuất hiện nhiều điềm lành, điềm lạ nhất. Đồng thời vua Lý Nhân Tông cũng cho xây dựng, trùng tu rất nhiều chùa tháp nguy nga, tráng lệ, mở nhiều những lễ hội lớn có tầm ảnh hưởng trong khu vực để khẳng định văn hóa, văn minh Đại Việt. Tuy nhiên, khi nước nhà có biến, vua đích thân làm tướng tiên phong đi dẹp loạn, tả xung hữu đột kháng Tống bình Chiêm, và khi đất nước thanh bình, vua ra lệnh "cấm mọi người không được dùng gậy tre gỗ và đồ sắc nhọn đánh nhau".

Rõ ràng những thành tựu thời đại mà vua Lý Nhân Tông khắc dấu ấn không phải để ưa chuộng sự phù phiếm, phô trương, khoe mẽ hình thức, bởi khi gần mất, ông đã để lại "Lâm chung di chiếu" với những lời căn dặn giản dị, thấm sâu tinh thần của đạo Phật, gây xúc động lòng người:

lyconguan.jpg

Phim Lý Công Uẩn - đường tới thành Thăng Long

 được giới phê bình cho là quá lệ thuộc Trung Quốc, từ nội dung cho đến hình thức

"Trẫm nghe, phàm các loài sinh vật không loài nào là không chết. Chết là số lớn của trời đất, lẽ đương nhiên của mọi vật. Thế mà người đời không ai là không thích sống mà ghét chết. Chôn cất hậu làm mất cơ nghiệp, để tang lâu làm tổn tính mệnh… Trẫm ít đức, không lấy gì làm cho trăm họ được yên, đến khi chết lại khiến cho thứ dân mặc áo sô gai, sớm tối khóc lóc, giảm ăn uống, bỏ cúng tế, làm cho lỗi của trẫm thêm nặng, thiên hạ sẽ bảo trẫm là người thế nào?".

"Trẫm vẫn xót vì tuổi nhỏ phải đảm đương ngôi báu lớn, ở trên các vương hầu, lúc nào cũng nghiêm kính sợ hãi, đến nay đã năm mươi sáu năm. Nhờ anh linh của tổ tông và hoàng thiên tin giúp nên bốn bể an lành, biên thùy ít loạn, đến khi chết được dự đứng sau tiên đế là may lắm rồi, việc gì còn phải khóc thương?".

"Việc tang thì sau ba ngày nên bỏ áo trở, thôi khóc than. Chôn cất thì nên theo cách kiệm ước của Hán Văn đế, không cần xây lăng tẩm riêng, hãy để trẫm được hầu bên cạnh tiên đế". Trong trị chính, vua Lý Nhân Tông luôn thể hiện bản lĩnh của một người đứng mũi chịu sào, không ngừng nghĩ cách làm cho nhân dân được an cư lạc nghiệp, vui hưởng thái bình. Trong đời sống, dù giữ địa vị cao nhất nhưng nhà vua cũng không xa hoa, tốn kém cho việc riêng. Thử hỏi với nhân cách của vua ấy, nước nào không thịnh, lời nói thẳng nào không được nghe, hiền tài nào không tụ hội về giúp sức?

Bản lĩnh một nghìn năm sẽ được nối dài ra sao để nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo; để người người được an toàn khi nói thẳng, để làm những việc lớn thỏa tâm mục của thế gian mà đời sống của mình thì kiệm ước, giản dị; để dân chúng khi mâu thuẫn không dùng gậy tre gỗ và vật sắc nhọn đánh nhau…?

Chúng ta cần phải cùng nhau nhận thức và tư duy về việc làm của người xưa, nhằm làm nổi bật những giá trị trong suốt nghìn năm ấy và đưa nó trở lại với đời sống ứng xử cộng đồng. Khẳng định và tiếp nối được những giá trị chân chính trong đời sống ứng xử của dân tộc, đạo lý dân tộc là cách trang hoàng có ý nghĩa nhất cho chiếc áo một nghìn năm.

Tại sao, không có một nghìn lời thề với nước với dân kèm theo đó là một nghìn việc làm có ý nghĩa tương xứng với lời thề trên để trả hiếu cho dân cho nước, để báo đáp tiền nhân? Có lẽ câu hỏi tại sao này sẽ lạc đường trong vô số những "dịch vụ" ăn theo nghìn năm đang khiến cho cả xã hội chóng mặt ăn theo con số, chạy theo hình thức, nào là nghìn rồng, nghìn rùa, làm những bộ phim tốn kém... Ai là người có thể "trông thấy" cái hồn của nghìn năm trong đó?

"Y phục xứng kỳ đức", rõ ràng chiếc áo nghìn năm của dân tộc không thể được làm bằng những lớp vỏ bọc nhung lụa ở bên ngoài. Không có cái kỳ đức, kỳ tài ở trong mọi tổ chức, ngành nghề, mọi ứng xử của cá nhân, cộng đồng thì dù một nghìn năm có được điểm tô như thế nào cũng chỉ là cách làm cho chiếc áo ấy của ông cha thêm nhem nhuốc mà thôi. Chúng ta cần phải có những hành động thiết thực, sau niềm vui của ngày Đại lễ đó là cần giảm thiểu nỗi lo lắng bất an về thân thể và tài sản, loại bỏ những cái ác mang khuôn mặt đứa trẻ, những vô lương ẩn sau lòng từ thiện, những bòn rút của công, những lời nói không đi đôi với việc làm, những chia rẻ bất hòa không biết đến khoan dung.

Hiền tài đã tạo nên bản sắc văn hiến Thăng Long, và khát vọng một nghìn năm của người Việt cho đến nay vẫn là cảnh "người dân đi ngủ không cần đóng cửa, ra đường không ai nhặt của rơi". Những việc làm của vua Lý Nhân Tông đáng để cháu con muôn đời cùng suy ngẫm!

Thích Thanh Thắng

Nguon: http://giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2010/10/03/5FE418/


Âm lịch

Ảnh đẹp