Buổi sáng ngày 01/10/2010, nhiều người dân thủ đô và cả những người
dân ở các tỉnh thành khác về thăm Hà Nội đã dừng lại trước những màn
hình lớn quanh khu vực Hồ Gươm để nghe Diễn văn khai mạc 10 ngày Đại lễ
kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội của ông Phạm Quang Nghị, Ủy viên
Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội. Cùng lúc đó, hàng triệu người Việt
Nam cũng tạm dời bỏ công việc của mình để lắng nghe diễn văn đó qua hệ
thống truyền hình. Họ lắng nghe bởi đây không phải là một diễn văn thông
thường mà họ vẫn nghe, mà đó là những lời nghiêm cẩn của chúng ta trước
tổ tiên, ông bà của mình.
Đó là buổi sáng trong ngày đầu tiên của 10 ngày Đại lễ Thăng Long,
dưới bầu trời vô tận của mùa thu, trước Hồ Gươm linh thiêng, bên tượng
đài Đức vua Lý Thái Tổ uy nghi và giữa những người dân ngàn đời chân
thực, cần cù và yêu hòa bình. Những lời mà ông Phạm Quang Nghị thay mặt
những người con của Thăng Long ngàn tuổi nói riêng và của những người
con Việt nói chung cất lên là những lời chân thành và nghiêm cẩn nhất
của chúng ta trước hồn thiêng của mảnh đất Thăng Long.
Đó là mảnh đất mà Đức vua Lý Thái Tổ đã nhìn thấy vầng: "Thành
Đại La ở nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng chầu, hổ phục, đã
đúng ngôi Nam - Bắc - Đông - Tây, lại tiện hướng nhìn sông tựa núi. Vùng
này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không
khổ thấp trũng, tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt, phồn thịnh. Xem khắp
nước Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu
của bốn phương đất nước; đúng là nơi định đô bậc nhất của kinh sư muôn
đời".
Ảnh Dân Việt |
Đó là mảnh đất mà Đức vua Trần Nhân Tông cất lời như niềm kiêu hãnh lớn lao và sự khẳng định về sự vững bền của nước non này:
"Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông nghìn thuở vững âu vàng".
Đó là mảnh đất mà Đại thi hào Nguyễn Trãi đã viết như viết vào trời xanh chân lý sống của dân tộc này:
"Đem đại nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân thay cường bạo".
Đó là mảnh đất mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bày tỏ và khẳng định trước nhân loại khát vọng sống bất diệt của người Việt Nam: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do!"
Trên nền tảng của tất cả những điều lớn lao và kỳ diệu ấy, dân tộc
chúng ta đã sống, đã khát vọng, đã đấu tranh và đã lao động và đã minh
chứng cho nhân loại thấy đó là một dân tộc của trí tuệ, của khát vọng và
của nhân cách. Và diễn văn của ông Phạm Quang Nghị không còn là một
diễn văn thông thường nữa mà chính là thông điệp về khát vọng sống và
nhân cách sống của con người Việt Nam trong kỷ nguyên này.
Với tất cả những gì mà trời đất và tổ tiên, ông bà đã trao tặng cho
chúng ta trên mảnh đất này, chúng ta không còn một lý do nào để không
sống như tổ tiên, ông bà chúng ta đã sống, để không yêu thương con người
như tổ tiên, ông bà ta đã yêu thương, để không trong sạch như tổ tiên,
ông bà ta đã trong sạch, để không chịu khuất phục như tổ tiên, ông bà ta
đã chưa từng bị khuất phục, để không vươn lên kiêu hãnh như tổ tiên,
ông bà ta đã vươn lên kiêu hãnh trong ngèo đói, trong nước mắt và máu...
Đại lễ 1000 năm Thăng Long không phải là những ngày chúng ta vui chơi
trong rượu trà, cờ hoa để khi cờ hạ, hoa tàn, rượu nhạt lại rơi vào
những ích kỷ và vô cảm. Đây là thời điểm cho chúng ta lý do để nhìn lại
toàn bộ lịch sử và văn hiến của dân tộc mình với một ý thức cao nhất.
Lịch sử của mọi dân tộc trên thế giới cho dù thăng trầm đến đâu cũng
chính là lịch sử làm người.
Từ Chiếu dời đô của Đức vua Lý Thái Tổ đến lời khẳng định sự tồn vong
của dân tộc của Đức vua Trần Nhân Tông, đến chân lý sống trong Cáo Bình
Ngô của Đại thi hào Nguyễn Trãi và đến khát vọng sống bất diệt đại
trong bản tuyên ngôn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đều tỏa rạng ánh sáng trên
từng trang sử làm người. Con đường của nhân loại không có con đường nào
khác là con đường làm người. Làm người nghĩa là làm tất cả những gì đẹp
đẽ và nhân văn nhất cho chính mình và cho nhân quần.
Ảnh: Lê Anh Dũng |
Thời gian 1000 năm cho chúng ta một linh khí tích tụ, cho chúng
ta một nền văn hóa, cho chúng ta một cơ hội lớn, cho chúng ta một lần
nhìn lại trong linh thiêng và suy ngẫm để bước tới tương lai. Nhưng để
bước tới tương lai không phải là chúng ta ngồi nguyền rủa quá khứ hay mơ
mộng hão huyền vào ngày mai mà là chúng ta phải sống đến tận cùng chân
lý làm người ngay trong hiện tại.
Dưới hồn thiêng của Đức vua Lý Thái Tổ và trên mảnh đất ngàn năm văn
hiến, chúng ta đã gửi đi bản thông điệp làm người. Bản thông điệp đó
chính là sự cúi đầu tạ ơn và nguyện hứa trước trời đất và tổ tiên, ông
bà của chúng ta, chính là lời tuyên thệ của những chiến sỹ đấu tranh cho
Tự do và Bác ái, chính là lời hứa của một con người với một con người
khác và với muôn người về một cuộc sống ấm no, công bằng và nhân ái.
Và không một ai trong chúng ta được phép phản bội lại những lời
nguyện hứa linh thiêng ấy. Phản bội lại lời hứa ấy là phản bội lại sự
linh thiêng của mảnh đất này và phản bội lại lịch sử làm người của một
dân tộc và cũng là phản bội lại chính mình.