Nên giữ hay nên bỏ và giữ như thế nào, bỏ thì bỏ làm sao mà
không đụng chạm đến vấn đề tự do tín ngưỡng tâm linh, đến chính sách dân
tộc và việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống trong những lễ hội nói
chung, và lễ hội "đâm, chém, chọi" trâu, lợn nói riêng?
Theo thống kê tính đến tháng 6/2010 của Bộ Văn hóa-Thể thao & Du
lịch, hiện Việt Nam có 7.966 lễ hội chính thức, chia làm 5 loại: Lễ hội
dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ
nước ngoài vào, lễ hội văn hóa thể thao & du lịch - loại hình lễ hội
có từ khi đất nước đổi mới và hội nhập.
Trong số gần 500 lễ hội dân gian, thì số lượng lễ hội "đâm, chém,
chọi" gia súc như trâu, lợn (heo)... không nhiều, chưa hết số đếm 2 bàn
tay. Nhưng tính chất "đẫm máu" và bạo lực của mấy lễ hội này trong hiện
tại và trong xu thế hội nhập, liệu có thích hợp khi thế giới luôn kêu
gọi con người hãy sống hiền hòa, nhân bản, nền văn minh trong thế kỷ 21
tôn trọng tất cả sự sống trên trái đất?
Lễ hội "đâm, chém, chọi"
Lễ hội đâm trâu: Lễ hội truyền thống của các dân tộc
Tây Nguyên. Hàng năm cứ sau mỗi mùa rẫy, bà con dân tộc thiểu số ở các
buôn làng thuộc khu vực dãy Trường Sơn- Tây Nguyên và một số vùng khác
thuộc miền Trung lại tổ chức lễ hội thần N'du và các vị thần khác nhằm
tạ ơn các vị thần đã phù hộ cho dân làng trong một năm được bình an, mùa
màng ấm no, mạnh khỏe hạnh phúc. Lễ "Sa-rơpu" (ăn trâu) thường gọi là
Tết Thượng hay lễ Đâm Trâu được tổ chức từ tháng 12 đến tháng 3 âm lịch.
Lễ hội Đâm trâu với biểu tượng "cây nêu thần" là một sinh hoạt văn
hoá dân gian nổi bật nhất, mang tính tổng hợp cao, có ý tưởng mong muốn
cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trở thành một nghi lễ độc đáo trong các ngày
hội của buôn làng như lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông, mừng được
mùa.
|
Lễ hội đâm trâu |
Đây là những ngày hội thực sự mang những nét văn hóa truyền
thống như âm nhạc, sân khấu, múa hát, múa kiếm, nghệ thuật tạo hình, thể
hiện rõ yếu tố cộng đồng, tình yêu thiên nhiên, thần linh được gắn với
nhau chặt chẽ, là sự kế tục truyền thống văn hóa xa xưa của người Tây
Nguyên. Từ người Stiêng, Bahnar, Cờ tu, Êđê, Xê đăng, Yẻh, Xeđrá đến
người Brâu đâu cũng có lễ hội đâm trâu, dù nghi thức lễ hội mỗi nơi tuy
có khác nhau nhưng mục đích thì giống nhau.
Họ dắt một con trâu khỏe mạnh, dáng đẹp, đem buộc chặt vào cột
"Gingga" trước sân nhà Rông. Có một cây lồ ô tượng trưng cho tay thần,
cắm cao chính giữa. Trói thêm một con heo lớn áp sát vào cột để chứng tỏ
sự trù phú của buôn làng. Sau các màn múa hát họ bắt đầu đâm trâu.
Chàng nào chỉ đâm một nhát mà trâu chết ngay thì được khen ngợi. Trâu
ngã xuống bắt đầu xẻ thịt chia đều cho từng bếp trong buôn làng. Một
phần thịt trâu được dành lại ăn uống chung tại nhà Rông. Đầu trâu được
gác lên cột lề. Sáng ngày sau còn có lễ rước đầu trâu lên nhà Rông. Đầu
trâu được chẻ ra làm món ăn. Riêng cặp sừng được giữ lại và treo lên
vách nhà Rông. Người làng còn lấy máu trâu hòa với rượu để rửa những bảo
vật truyền kiếp nhà Rông...
Lễ hội chém lợn: Vào ngày 6.1 âm lịch, thuộc thôn Ném
Thượng, xã Khắc Niệm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Lễ hội liên quan đến
tín ngưỡng phồn thực: Chém lợn tế thánh. Tục truyền rằng, có một vị
tướng cuối đời Lý tên Lý Đoàn Thượng, khi đánh trận chạy đến vùng núi
này đồn trú đã chém lợn rừng nuôi quân.
Từ đó, người dân đã mở hội chém lợn hằng năm để tưởng nhớ đến người
có công khai khẩn vùng đất hoang vu này. Theo tín ngưỡng dân gian của
vùng quê Kinh Bắc, máu lợn trong lễ tế thánh tượng trưng cho sự sung
túc, khả năng sinh sản, sức sống tràn trề, mùa màng bội thu...
|
Lễ hội chém lợn |
Lễ hội "Chạy lợn" làng Diền. Được tổ chức từ ngày
5-8/1 âm lịch tại Phú Yên, Hà Nội. Tái hiện cảnh đức Thánh Cao Sơn Đại
Vương khao quân trước khi lên đường dẹp giặc. Thời Vua Hùng, tướng Cao
Sơn Đại Vương trong một lần hành quân qua làng Diền đã nghỉ qua đêm tại
đình Thượng, các bô lão trong làng xin được làm cỗ khao quân.
Tướng quân đồng ý nhưng với yêu cầu phải làm thật nhanh để còn kịp
hành quân đuổi giặc. Kể từ đó, lễ hội Chạy lợn được tổ chức 5 năm/ lần
nhằm tưởng nhớ việc này.
Ngay sau khi có trống lệnh, 3 xóm, hay còn gọi là giáp (trước năm
1945 là 5 xóm), mỗi xóm có một đội gồm 21 người được phân công đảm nhiệm
các phần việc mổ lợn và bày cỗ, sao cho trong vòng từ 2-3 phút phải có
một mâm cỗ đủ 9 đĩa dâng lên Thánh, với thủ, đuôi, bát tiết, các miếng
thịt vuông vức khoảng 10 cm2 (tề mông, gàu o (ức), gàu bụng), cùng tim,
phổi, bầu dục, lá lách... Và nhất thiết phải có lá mỡ chài phủ lên thủ
lợn (ngậm đuôi) để trang trí mâm cỗ, mới được chấm điểm.
Lễ hội chọi trâu: Được tổ chức ở một số địa phương như
Đồ Sơn- Hải Phòng vào ngày 9.8 âm lịch hàng năm, Hải Lựu- Lập Thạch-
Vĩnh Phúc vào ngày 7.1 âm lịch, Phù Ninh- Phú Thọ mới đựơc phục hồi năm
2009 sau 60 năm gián đoạn, diễn ra từ ngày 14-15.2 âm lịch. Ngoài ra lần
đâu tiên Lễ hội chọi trâu được diễn ra tại Nghi Thái- Nghi Lộc- Nghệ An
vào ngày 17/9/2010.
Người huấn luyện, phủ cờ đỏ lên đầu trâu, mình trâu để cho trâu quen
dần với không khí. Bắt đầu từ hai phía của sới chọi, "ông trâu" được dẫn
ra có người che lọng và múa cờ hai bên. Khi hai "ông trâu" cách nhau
20m, người dắt nhanh chóng rút "sẹo" cho trâu rồi khẩn trương thoát ra
ngoài sới chọi. Hai trâu lao vào nhau với tốc độ khủng khiếp, hai đôi
sừng đập vào nhau kêu chan chát... Cứ thế, 2 trâu chọi nhau quyết liệt
giữa tiếng hò reo vang dậy của hàng ngàn khán giả.
Kết thúc lễ hội chọi trâu con thắng làm một cuộc rước giải về đình
làm lễ tế thần. Tất cả mọi người dân đều theo, tập tục của từng địa
phương, các trâu tham gia chọi, dù thắng, dù thua, đều phải giết thịt.
Lấy một bát tiết cùng một ít lông của trâu (mao huyết) để cúng thần, sau
đó đổ xuống ao để tiễn thần. Mọi người cùng ăn chúc phúc. Truyền rằng,
sau khi ăn thịt con trâu thắng cuộc, mọi người sẽ gặp được may mắn, đặc
biệt là những người dân đi biển.
|
Hội chọi trâu Đồ Sơn |
Hai mặt của lễ hội
VN có một bề dày lịch sử dựng nước và giữ nước, có một "đại gia đình"
54 dân tộc anh em và trên hết là niềm tự hào về một nền văn hiến 4000
năm với những đặc trưng của nền văn minh lúa nước. Những truyền thuyết,
huyền thoại được truyền lại như dấu ấn của bản lĩnh, khí phách kiên
cường trước mọi thử thách cả thiên tai, địch họa, để rồi dần lắng đọng,
kết tinh rồi thăng hoa thành những tinh hoa trong cuộc sống tâm linh,
trong bản sắc văn hóa của dân tộc.
Những lễ hội dân gian truyền thống là một phần không thể thiếu trong
đời sống văn hóa của người dân VN. Nó cũng như một sợi dây nối quá khứ
với hiện tại và tương lai, làm một cái nền vững chắc để người dân VN có
thể đương dầu với mọi sóng gió "đồng hóa", "hòa tan" của các thế lực
ngoại bang, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, di sản vô giá để chiến
thắng mọi cường quyền, bạo lực, giữ gìn đất nước VN độc lập, trường tồn,
vững mạnh.
Nhưng, lễ hội cũng có những mặt trái của nó, nếu như quá lạm dụng vì một mục đích ngoài văn hóa. "...Với
nhiều lý do khác nhau, đã và đang xuất hiện xu hướng nâng cấp lễ hội
lên tầm cao hơn như cấp quốc gia, festival. Việc áp đặt suy nghĩ chủ
quan, đưa các yếu tố hiện đại không phù hợp vào nội dung của lễ hội dân
gian, sự can thiệp quá sâu và cụ thể của các cấp chính quyền vào lễ
hội... dẫn đến hiện tượng đáng cảnh báo là làm đơn điệu hóa, trần tục
hóa, quan phương hóa và thương mại hóa lễ hội...Trích tổng kết Hội thảo công tác quản lý lễ hội dân gian, (2/6/2010 tại Hải Dương)
Cũng vì nhiều "biến thể" không giữ tòan vẹn ý nghĩa nguyên thủy của
lễ hội mà nhiều lễ hội đã trở thành những "hủ tục" gây nhiều tranh cãi.
Đặc biệt là những lễ hội có hình thức "đâm, chém, chọi" các gia súc, vật
nuôi, với những cảnh "đầu rơi, máu chảy", chỉ chú trọng thuần túy đến
cảnh đâm giết, xem nhẹ các hoạt động khác, làm biến tướng dẫn đến hiểu
sai về mục đích, tính chất của lễ hội chưa kể cảnh tượng "cuồng nộ" của
những người tham gia vào các lễ hội đó đã một phần nào gây ra hình ảnh
phản cảm của một lễ hội mang tính tâm linh, tế lễ thần linh nguyên gốc.
Nên giữ hay nên bỏ và giữ như thế nào, bỏ thì bỏ làm sao mà không
đụng chạm đến vấn đề tự do tín ngưỡng tâm linh, đến chính sách dân tộc
và việc bảo tồn di sản văn hóa truyền thống trong những lễ hội nói
chung, và lễ hội "đâm, chém, chọi" trâu, lợn nói riêng?
Ý kiến một số nhà văn
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Tôi
không thích những trò này. Dã man quá. Đúng là một lễ hội truyền thống
mang tính tâm linh, nhưng bây giờ thành như một thú vui, nhiều người
thích, không thể bỏ được.
Nhưng theo tôi, không
nên phát huy mấy lễ hội "bạo lực" này, chứng kiến cảnh đám đông con
người đứng nhìn con vật bị trói, bị đâm be bét máu, hò hét vui vẻ, phấn
khích, thấy sao tàn nhẫn. Thiết nghĩ, nên dần bỏ mấy lễ hội "đâm, chém,
chọi" này, và bảo tồn theo kiểu bảo tàng dân tộc học như một di sản "phi
vật thể", chứ không nên hiện thực quá thành "vật thể" mà vô hình khuyến
khích sự "khát máu" không phù hợp với văn minh thế kỷ 21.
Nhà thơ Lê Giang: Từ
lâu tôi đã than phiền về mấy lễ hội, nhất là lễ hội đâm trâu ở Tây
Nguyên. Thà giết mổ, ăn thịt con vật một cách bình thường, chứ hành hạ
nó một cách dã man như thuở xa xưa nguyên thủy mông muội, rồi xẻ thịt
ăn.
Tôi thấy nên để mấy
lễ hội có giết chóc kiểu "đâm, chém, chọi" như hiện thời vào bảo tàng,
đừng lấy cớ giữ gìn, phát huy rồi tìm cách phát triển lên. Tôi không
thấy tác dụng của vấn đề văn hóa tâm linh, nó đã bị mai một bới nhiều
thứ ngoại lai làm biến tướng, mà chỉ thấy cái sự hung dữ của con người.
Nhà văn, dịch giả Phan Nhật Chiêu: Tôi
chưa một lần tham dự trực tiếp mấy lễ hội đó, nhưng có theo dõi qua các
phương tiện truyền thông. Và tôi cũng đã quyết định không tham gia xem
mấy lễ hội "đẫm máu" đó. Tôi nhớ vở kịch của Tagor: Lễ máu. Ông lúc nào
cũng phản đối những lễ hiến tế bằng sinh mạng (cả con người và con vật).
Ông viết vở kịch vào thời kỳ chiến tranh, nên ông cho chiến tranh là
một sự khai triển lễ hiến tế máu. Thật sự của lễ hiến tế máu là lễ tế
thần bạo lực.
Theo ý tôi, mấy lễ tế
có "máu" này không thể bỏ được vì dính dáng đến nhiều vấn đề về dân tộc
và văn hóa tín ngưỡng. Nhưng không nên phát huy, quảng bá rầm rộ. Không
thể xem như đây là nét đẹp của văn hóa dân tộc mà khai thác nhằm thu
hút du lịch. Những lễ hội như thế này nên ở trong phạm vị nhỏ hẹp, như
một phong tục của làng xã, không nên khuếch trương lên, rồi thành một
cuộc biểu diễn trò sát sinh trứơc mặt con người.
Nhà văn Mường Mán: Thật
sự mấy lễ hội đó không có tính nhân bản, không phù hợp với cuộc sống
văn minh bây giờ. Tại sao không mô phỏng lại, và bảo tồn theo một cách
nhân văn hơn, ví dụ như kiểu làm hàng mã, diễn lại trò, mà cứ phải hiện
thực hóa cảnh đâm chém.
Con vật cũng có quyền
tồn tại như con người. Cái phần là "thực phẩm" để nuôi con người thuộc
một khía cạnh khác, giết mổ trong lò mổ, hay khuất mặt người ăn thịt.
Đàng này hò reo, la hét trước sự bất lực của con vật đang bị đâm, chém,
máu me đầm đìa... Dã man quá. Theo tôi, có bỏ lễ hội này cũng chẳng mất
đi đặc trưng văn hóa quốc gia.
Nhà văn trẻ Trương Anh Quốc: Nếu
lễ hội đâm trâu mà diễn ra ở TP.HCM thì không ai chấp nhận được, như
khi nó ở mấy buôn làng Tây Nguyên thì lại khác. Nhưng đúng là so với
"nguyên gốc" thì lễ hội đã bị mất gốc rồi, vì người ta đã làm biến thái
nó, phục vụ cho mục đích biểu diễn, du lịch- thương mại nhiều hơn.
Nên ý nghĩa của nó
cũng mai một, đôi khi còn phản tác dụng. Tôi chỉ ví dụ như voi Tây
Nguyên, là để kéo gỗ, chở đồ... nhưng bây giờ người ta bóc lột sức của
nó để phục vụ du lịch, chở khách đi tham quan, ròng rã cả ngày, cả
tháng, năm... mà không được chăm sóc đầy đủ.
Tôi chỉ nghĩ là không
nên cổ súy cho những lễ hội như vậy. Và du lịch đừng can thiệp vào mà
làm biến chất của lễ hội. Từ một ý nghĩa tâm linh tích cực mà trở thành
sự tàn nhẫn của con người.
Có lẽ cần phải nhìn
nhận lại một cách nghiêm túc "thấu tình, đạt lý" về việc bảo tồn, phát
huy những lễ hội "đâm, chém, chọi"... các con vật trong chuỗi các lễ hội
dân gian truyền thống. Đễ lễ hội không bị biến tướng ý nghĩa và trở
thành nơi có thể là mầm mống của bạo lực đang rất phổ biến trong cuộc
sống xã hội hôm nay. Và cũng là phù hợp với văn minh của kỷ nguyên mới,
khi VN đang hội nhập với thế giới, cùng đối thoại với các nền văn minh
khác của nhân loại.
|
Nguon: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2010-11-25-le-hoi-dam-chem-thoi-hoi-nhap