Người
viết bài này đã đi dự nhiều lễ hội. Cũng có chen lấn, lộn xộn, cũng có
những điều chưa thật vừa lòng, nhưng vượt lên vẫn là chút cảm xúc vui
vui, phấn chấn và năm sau lại muốn đi lần nữa.
Quanh những lộn
xộn ở lễ phát ấn đền Trần, không ít người đã lên tiếng gay gắt về cung
cách tổ chức, những phiền toái bực mình chuốc vào khi về dự lễ. Thậm chí
có vị tiến sĩ của Viện Hán Nôm còn mạnh miệng phê phán chuyện "người
ta" đã "bịa ra" lễ phát ấn đền Trần (Nam Định), "bịa ra" chuyện phát
lương ở đền Trần thương (Hà Nam). Một nhà nghiên cứu văn học có tên tuổi
thì lại lên án sự xuất hiện của các quan chức nhà nước trong lễ khai
ấn, cho đó là sự "đóng dấu quốc gia cho lòng mê tín", khiến sự mê muội,
cầu danh cầu lợi của một bộ phận dân cư thêm trầm trọng.
Quả
thực nhiều lễ hội đang để lại ấn tượng xấu vì cung cách tổ chức quá kém
cỏi. Sự thương mại hóa làm thiên lệch các giá trị gây phiền toái cho
người tham dự. Thế nhưng, sự phê phán thái quá cũng còn nhiều điều cần
nói lại.
1.Tình trạng quá tải ở lễ hội là điều không có gì khó hiểu. Dân số tăng nhanh, điều kiện kinh tế
khá lên nên số người tham dự lễ hội cũng tăng đột biến. Cơ sở hạ tầng
của các chùa chiền, đền, đình... lại quá tải, trong khi không ít lễ hội
lại chỉ có tính thời điểm: Diễn ra trong một khoảng thời gian xác định,
một địa điểm xác định nên lượng người dồn ứ, hỗn loạn.
|
Biển người chen chân chờ được phát lương trong Hội Đền Trần. Ảnh: Hà Hạnh - Dân Trí |
Ngay ở một nơi thông thoáng, quy hoạch làm tụ điểm văn hóa quốc gia như sân vận động Mỹ
Đình, nhưng khi dồn nén làm đêm pháo hoa cho Đại lễ 1000 năm Thăng
Long- Hà Nội, thì sự hỗn loạn dồn ứ, ách tắc nghẹt thở như thế nào ai
cũng đã thấy. Các lễ hội như khai ấn đền Trần, chợ Viềng... chỉ diễn ra
trong một đêm. Người tứ xứ về hành lễ trong một không gian hẹp, làm sao
tránh khỏi chen lấn, xô đẩy, làm sao tránh khỏi những hiện tượng không
thật văn hóa?
Nhưng căn bệnh đó không phải từ lễ hội, hay từ bản
chất lễ hội để đến mức người ta đòi xóa bỏ nó. Sâu xa hơn, nó xuất phát
từ tâm tính thích đua chen của không ít người Việt, từ cơ sở hạ tầng
chưa hoàn thiện (chỉ một phiên chợ, một đêm phát ấn, hà cớ gì phải đầu
tư xây sửa, mà xây sửa cỡ nào cho đủ nhu cầu đột biến đó).
Bên
cạnh đó, năng lực tổ chức, tư duy quản lý và dự báo của các cơ quan quản
lý văn hóa, chính quyền địa phương cũng chưa đủ sức đưa ra giải pháp
thực tiễn kịp thời, nên càng góp phần làm cho sự hỗn loạn thêm trầm
trọng.
Phải tách bạch nguyên nhân này, trả lại cho lễ hội ý
nghĩa vốn có của nó, sự cần thiết của nó trong đời sống văn hóa và tâm
linh cộng đồng, từ đó có giải pháp tổ chức tốt hơn, vui hơn, lành mạnh
và an toàn hơn.
Trong sự phát triển
của văn hóa, của nhu cầu tâm linh con người, mà phê phán việc "bịa ra"
các nghi thức phát lương hay khai ấn cũng cần một thái độ khách quan,
khoa học, am hiểu cả cái hay lẫn cái dở của sự kiện này. Quản lý văn
hóa, trong đó có lễ hội cần có kiến thức chuyên môn, và cái nhìn tỉnh
táo, tránh cực đoan, lúc định kiến hẹp hòi, khi thả nổi buông xuôi, mặc
cho hiện tượng tín ngưỡng chen lẫn mê tín lan tràn.
2. Sự xuất
hiện của các vị lãnh đạo trong một nghi lễ văn hóa, theo tôi là điều cần
thiết. Nó góp phần tạo nên sự trang trọng, thành kính, mực thước của lễ
hội. Mọi cộng đồng đều cần có thủ lĩnh của mình. Tôi không tin đất nước
sẽ tốt hơn nếu lãnh đạo quốc gia không quan tâm đến tín ngưỡng.
Người
dân cũng sẽ không vui hơn nếu lãnh đạo tỏ ra xa lánh, lảng tránh các lễ
hội đang là tâm điểm náo nức của cả triệu người hướng tới, nhất là
trong không khí rạo rực đầu xuân, khởi động cho một năm mới an lành.
Suy
cho cùng, giữ cho được cảm xúc "cầu được ước thấy", mơ một năm may mắn
cũng là góp phần giữ cái hồn người Việt, cái văn hóa của một dân tộc
muốn xây đắp ngày mai tốt đẹp hơn, bất chấp thử thách của thời cuộc, của
thế gian biến cải. |
Thế
nhưng, khi lãnh đạo xuất hiện mà lễ hội vẫn lộn xộn, chưa đạt chuẩn mực
văn hóa thì cần chấn chỉnh công tác tổ chức, tiết giảm các khâu, các
tiểu mục có thể gây xáo động, ùn tắc trầm trọng hơn. Không nên coi sự
xuất hiện, tham dự, hay chủ trì lễ hội của lãnh đạo là "đóng dấu quốc
gia cho sự mê tín" như ai đó đã kết luận. Vấn đề là sự xuất hiện ấy
phải đồng nghĩa với không khí ấm áp, trật tự, tôn nghiêm. Điều này thuộc
trách nhiệm của những người tổ chức.
Với những lễ hội tập trung
đông người, dồn ứ đột biến vào cùng một thời điểm, ở cùng một địa điểm
như lễ Khai ấn đền Trần, thì giải pháp đưa ra là cần "phân luồng", "phân
làn" phù hợp. Việc khai ấn ban phúc cho 4 phương với sự hiện diện của
các bô lão, các vị lãnh đạo Nhà nước cần làm trang trọng.
Nhưng
việc phát ấn cá nhân theo tôi, không nên làm ngay sau lễ Khai ấn mà có
thể thực hiện nhẹ nhàng cho tất cả những người đến vãn cảnh đền bắt đầu
từ sáng ngày 15 cho đến hết tháng giêng. Sự tách biệt 2 khâu công việc
khai ấn và phát ấn không chỉ làm giảm tải lượng người dồn tụ đột biến,
gây ách tắc, lộn xộn mà còn khắc sâu thêm ý nghĩa của lễ khai ấn, tăng
tính trang trọng, tôn nghiêm và giá trị văn hóa của một hoạt động truyền
thống có tính cộng đồng.
Lễ hội là một phần của đời sống văn
hóa tinh thần người Việt. Sẽ buồn biết bao nếu thiếu cái cảm xúc đầu năm
đi chợ Viềng cầu may, hay hồi hộp chờ đền Trần làm lễ Khai ấn. Cái gì
chưa ổn thì chấn chỉnh, cái gì chưa hợp lý thì sửa sang chứ không thể dễ
dàng vứt bỏ những nét văn hóa cộng đồng quý giá.
Suy cho cùng,
giữ cho được cảm xúc "cầu được ước thấy", mơ một năm may mắn cũng là góp
phần giữ cái hồn người Việt, cái văn hóa của một dân tộc muốn xây đắp
ngày mai tốt đẹp hơn, bất chấp thử thách của thời cuộc, của thế gian
biến cải.