Tỳ kheo Linh Thanh
Một hôm, vua Ba-tư-nặc dẫn binh sĩ rầm rộ kéo đi, chuẩn bị đuổi bắt tên
ma vương giết người Ương-quật-ma-la. Lúc đi ngang qua tinh xá Kỳ-viên,
đột nhiên khắp nơi nghe vang rền một âm thanh lạ, bàng bạc khắp nơi, từ
trong hang cùng ngõ hẻm cho đến trên núi non xa xôi, người, ngựa đều
nghe được, và ngay tức khắc tập trung sự chú ý vào âm thanh ấy, quên cả
mọi việc đang làm. Mọi người đều nín lặng lắng nghe âm thanh thiêng
liêng, trong sạch, cao quý trang nhã đó, không thể nào tiến tới được
nữa.
Thị vệ vội vàng bẩm báo với vua Ba-tư-nặc:
– Tâu bệ hạ! Từ trong tinh xá vang ra âm thanh Phạm bái của một thầy
tỳ-kheo, làm cho binh sĩ và ngựa đều dừng lại lắng nghe, quên cả việc
bước đi!
Vua Ba-tư-nặc lấy làm lạ, suy nghĩ:
– Ai có thể phát ra được âm thanh cảm động lòng người đến như vậy? Thật
là trầm bổng du dương, ngay cả loài vật cũng phải cảm động, trẫm phải
đích thân đến cúng dường cho vị ấy mới được!
Vua Ba-tư-nặc lập tức thực hiện ngay ý định, vả lại còn rất muốn được
diện kiến dung mạo của thầy tỳ-kheo đó. Vì thế, ông thúc ngựa tiến thẳng
vào tinh xá bái kiến đức Thế Tôn, hy vọng có thể tự tay cúng dường cho
thầy tỳ-kheo đó 10 vạn đồng tiền.
Nhưng khi vị tỳ-kheo đó bước ra, vua Ba-tư-nặc thật bất ngờ và thậm chí
không đủ sức chịu đựng để nhìn vị đó lâu thêm dù chỉ một chốc lát. Ông
quay mặt đi, nghĩ bụng: “Trời đất ơi! Sao trên đời lại có người xấu xí
khó coi đến như thế!” Thậm chí nhà vua bất giác cảm thấy hối hận về ý
định cúng dường vừa rồi.
Nhưng rồi sự tò mò thúc giục khiến vua Ba-tư-nặc không sao bỏ đi được.
Thật kỳ lạ! Do nhân duyên gì mà vị tỳ-kheo này có được âm thanh thiêng
liêng trong sạch cao quý trang nhã như vậy? Lại vì ác nghiệp gì khiến
cho vị ấy lại có một dung nhan ma hờn quỷ oán đến thế? Vua Ba-tư-nặc
nghi cảm không thôi, liền quỳ xuống chắp tay thưa thỉnh đức Thế Tôn, xin
ngài từ bi giải đáp nghi vấn của ông.
Đức Thế Tôn liền nói về nhân duyên đời trước của thầy tỳ-kheo đó, có tên
là Linh Thanh.
Rất lâu xa về trước, có vị quốc vương rất thành tín, tên là Cơ-lý-tỳ,
đầy đủ nhân duyên có được xá-lợi của đức Phật Ca-diếp vừa thị hiện nhập
Niết-bàn, liền chuẩn bị xây tháp cúng dường. Đức vua phái bốn người thợ
giỏi đến giám sát việc thi công. Không ngờ trong số đó có một người sinh
lòng bất mãn, lười biếng, không vui vẻ thực hiện, ngược lại còn có ý oán
hận.
Thấy việc xây dựng chậm trễ, vị quốc vương nổi giận trách mắng:
– Nếu ai không hết lòng cố sức, chú tâm vào công việc, ta sẽ trừng phạt
nặng!
Người thợ có lòng oán hận kia thầm than thở: “Tháp này nào có lợi ích gì
cho ai, xây to như thế này để làm gì, thật không biết đến bao giờ mới
làm xong đây!”
Tuy nhiên, vì sợ bị vua trừng phạt như đã nói nên anh ta không dám trì
trệ chút nào, chỉ còn biết ngày đêm dẫn công nhân đi làm miệt mài, cố
sức xây dựng tháp dù trong lòng oán hận, không hề cam tâm tình nguyện.
Nhưng khi tháp vừa xây xong, an trí xá-lợi Phật vào đó rồi, người thợ ấy
nhìn thấy bảo tháp huy hoàng trang nghiêm rực rỡ, to cao hùng vĩ thì
sinh lòng vui mừng khôn tả, lại tự thấy hết sức đau buồn và hối hận vì
sự sinh tâm bất kính của mình trong suốt quá trình xây dựng tháp. Để tỏ
lòng hối lỗi, người ấy mua một cái linh bằng vàng treo trong tháp để
cúng dường xá-lợi Phật, lại còn phát nguyện:
– Nhờ công đức xây dựng và cúng dường tháp Phật đời này, xin nguyện cho
đời sau con có được âm thanh trong trẻo, vi diệu, khiến chúng sinh đều
vui vẻ muốn nghe, lại được sinh vào thời đức Phật Thích-ca Mâu-ni, được
Ngài hóa độ ra khỏi sinh tử.
Người thợ ấy vì oán hận tháp Phật xây quá lớn, nên chịu quả báo da nứt
nẻ, ung nhọt, mặt gãy trong suốt 500 đời, mọi người không ai không ghê
sợ, xa lánh. Nhưng vì anh ta phát nguyện chí thành, cúng dường chí thiết
nên không chỉ đạt được phước báo 500 đời luôn có được âm thanh vi diệu
thanh tịnh làm cảm động lòng người, mà thù thắng hơn nữa, đời này còn
được gặp đức Như Lai, xuất gia tu hạnh giải thoát, đắc thành đạo quả.