Làm chủ vận mạng


Pháp sư Thích Hải Đào
02/07/2011 20:42 (GMT+7)
Số lượt xem: 68559
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đạo nhân trường thọ

Trong số các đệ tử tại gia của đức Như Lai, có vị đạo nhân tên là Trường Thọ. Ông ta vô cùng giàu có, tài sản khó có ai sánh được. Thông thường, những người giàu có luôn tiêu tiền vào những việc hưởng thụ cá nhân, nhưng đạo nhân Trường Thọ chỉ có một cách tiêu tiền duy nhất là bố thí cho những người nghèo khổ.

Bạn bè thấy ông cứ lo việc bố thí, cứu tế mãi không thôi, không chút tham tiếc giữ gìn tiền bạc, bèn nói với ông:

– Công đức bố thí và cứu tế của ông làm chắc đã nhiều lắm rồi!

Đạo nhân Trường Thọ vội xua tay nói:

- Không nhiều, không nhiều! Dù làm được bao nhiêu cũng không thể nói là nhiều, vì công đức bố thí và cứu tế không bao giờ là đủ!

Các bạn ông đều nói:

– Dẫu biết là như vậy, nhưng tiền bạc của ông cũng phải khó nhọc mới có được!

Đạo nhân Trường Thọ chậm rãi nói:

– Để tôi kể cho các ông nghe một câu chuyện. Có một con chim bị dính đuôi vào nhựa cây của người bẫy chim. Bởi nó yêu tiếc cái lông đuôi ngũ sắc xinh đẹp của mình nên không dám cử động, kết quả là bị người bẫy chim bắt đem về làm thịt.

Đạo nhân vừa nói vừa thở dài:

– Các ông nghĩ xem, nếu như con chim đó không yêu tiếc cái lông đuôi ngũ sắc của mình, thì làm sao đến nỗi mất mạng? Mê đắm, tham tiếc tiền bạc cũng giống như thế, chỉ mời gọi tai họa đến với mình mà thôi!

Tuy nhiên, những người bạn của đạo nhân vẫn khăng khăng thuyết phục một cách chân thành:

– Ông nói rất đúng, nhưng ông cần gì phải tiết kiệm quá đáng như thế! Từ trước đến giờ chưa từng thấy ông hưởng thụ gì riêng cho mình cả, cũng không giữ lại tài sản cho con cháu. Ông cũng nên hưởng thụ đôi chút để bù đắp lại sự khổ cực trước kia của mình, điều này không có gì là trái lẽ cả.

Đạo nhân thong thả đáp:

– Sự vui chơi, hưởng thụ không hẳn đã mang lại niềm vui mà có khi còn mang đến tai họa. Sự hưởng thụ vui thích nhất của tôi là được nhìn thấy người nghèo khổ vui cười khi nhận được tấm lòng thương yêu sẻ chia của những người đồng cảm.

Đạo nhân ngừng một chút rồi thong thả nói tiếp:

– Còn đối với con cháu, tục ngữ có câu: “Con cháu tự có phước phần của chúng, chớ làm trâu ngựa vì con cháu.” Tài sản ta để lại không hẳn đã có thể mang lại hạnh phúc cho con cháu. Khi ta biết dùng tài sản của mình vào những việc tốt đẹp, không bị đắm nhiễm bởi dục lạc thì tai họa cũng tự nhiên lánh xa. Chúng ta hôm nay chỉ biết bôn ba ngày đêm kiếm tiền, luôn mong mỏi lợi ích sẽ thuộc về mình, nhưng đến lúc thở ra mà không thở vào thì những lợi lộc ấy có còn thuộc về ta nữa chăng? Người thông minh trí tuệ luôn biết được rằng tất cả tiền tài trên thế gian này không thuộc về ta, nhưng chỉ có khi nào ta biết dùng nó vào những việc tốt đẹp thì điều đó mới chân chính thuộc về ta.

Đạo nhân trầm ngâm giây lâu rồi trịnh trọng nói một cách hết sức cảm khái:

– Con người trên thế gian này thảy đều giống như đang bơi qua sông rộng, thật cực kỳ nguy hiểm. Thay vì vậy, nếu biết dùng thuyền bè để qua sông chẳng phải là an toàn hơn sao? Các ông nên nhớ lời dạy hết sức từ bi của Phật-đà: “Cúng dường, bố thí là chiếc thuyền vững chắc nhất để chúng ta nương tựa qua sông.”







Các tin đã đăng:

Âm lịch

Ảnh đẹp