- Phật Học Khái Luận
- TT. Thích Chơn Thiện
- Tiết IV
- Ngũ Minh
Ngũ minh là Thanh minh, Công xảo minh, Y phương minh, Nhân minh và Nội minh.
Giáo lý về Ngũ minh này
khá quen thuộc với tu sĩ và Phật tử tại gia Việt Nam. Chúng ta không
thấy Ngũ minh được đề cập trực tiếp ở các Nikàya và A-hàm. Tuy nhiên,
Tam tạng của Phật giáo ở Hán tạng lại ghi rõ và đề cập đến nhiều, bởi lẽ
Ngũ minh được phát huy từ khu vực Phật giáo ở Bắc Ấn. Bồ-tát Trì Địa
Kinh, cuốn 3 và Tây Vực Ký, cuốn 2, của Đường Huyền Trang có giảng rõ.
Xuyên qua các Nikàya và A-hàm chúng ta cũng có thể rọi thấy Ngũ minh
được biểu hiện qua các đại đệ tử của Thế Tôn.
Thanh minh, là khả năng
thông thạo về ngôn ngữ, văn từ. Công xảo minh là khả năng thông thạo về
nghề nghiệp, toán học, khoa học, văn chương, triết lý thuộc ngoại điển. Y
phương minh là khả năng hiểu biết về y lý, thuốc men, trị bệnh. Nhân
minh là khả năng thông thạo về chánh, tà, đúng, sai... là khả năng luận
lý, lý giải. Nội minh là kiến thức thông rõ (gồm cả kinh nghiệm tu tập)
ba tạng Kinh điển của Phật giáo.
Một vị tu sĩ có đủ năm
khả năng trên là một vị tu sĩ rất hoạt dụng, sẽ đem lại nhiều lợi ích
cho đời, và sẽ truyền đạo sâu rộng vào quần chúng.
Hẳn là có rất ít tu sĩ
thiện xảo đủ Ngũ minh. Vì vậy, toàn thể chư Tăng có thể bổ túc cho nhau.
Thông thường phần lớn các tu sĩ được đào tạo từ nhỏ trong nhà chùa thì
yếu về Công xảo minh và Y phương minh; về mặt này nếu muốn biểu hiện sức
sống tích cực độ đời của Phật giáo, quý vị tu sĩ cần được huấn luyện.
Qua giáo lý Ngũ minh,
chúng ta đã có thể hình dung ra được một tu sĩ đi vào cuộc đời cần trang
bị cho mình những gì; chúng ta cũng có thể thấy được sự đóng góp tích
cực của Phật giáo đến hạnh phúc thiết thực của người đời. Đồng thời,
chúng ta cũng thấy nổi bật nét tâm lý xã hội là Phật giáo áp dụng gắn
liền với việc thuyết giảng đạo Phật qua Y phương minh và Công xảo minh.
Dĩ nhiên, ở đây vị tu sĩ hẳn là cần vận dụng "Tứ nhiếp pháp" trên đường
hoằng hóa. Chính Tứ nhiếp pháp là nghệ thuật cảm hóa người đời, sau đó
qua thân giáo và khẩu giáo, vị tu sĩ giới thiệu giáo lý giải thoát.
Giáo dục để đào tạo Ngũ
minh cho quý vị tu sĩ là một hệ thống giáo dục tốt đẹp của Phật giáo
trong bất cứ thời đại nào, ở bất cứ nền văn hóa nào.
Vào thời Thế Tôn tại
thế, một số các đại đệ tử của Thế Tôn xuất thân vốn là học giả của
Ba-la-môn, hoặc bác học ở đời, nên khi được Thế Tôn tế độ thì sẽ dễ dàng
có đầy đủ Ngũ minh. Nhờ đó mà các Tôn giả này đã đóng góp rất nhiều và
hữu hiệu trong việc hoằng đạo, điển hình là hai Tôn giả Xá-lơi-phất và
Mục-kiền-liên. Ở Việt Nam, các Thiền sư xuất thân từ các nhà Nho lỗi lạc
cũng đã đóng góp rất nhiều trong việc chấn hưng Phật giáo như Pháp sư
Huyền Quang và nhiều Thiền sư khác đời Lý, Trần...
Tại đây, chúng ta hãy nghe Thế Tôn dạy như thế nào là một vị trưởng lão được chư Tăng ái mộ, ưa thích, tôn trọng, noi gương.
"Đạt được nghĩa vô ngại
pháp, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải, đối với các sự việc, các vị
đồng Phạm hạnh cần phải làm, hoặc lớn hoặc nhỏ, vị ấy thiện xảo, không
có biếng nhác, thành tựu trí phương tiện, ở đây vừa đủ để làm, để khiến
người làm. (Tăng Chi II-B, 1981, tr.148).
Đạt được nghĩa vô ngại
và pháp vô ngại giải là Nội minh; "Từ" vô ngại giải là Thanh minh; biện
tài vô ngại giải là Nhân minh; thành tựu trí phương tiện ở trên có thể
hàm chứa ý nghĩa Công xảo minh và có lẽ cả Y phương minh.
Thế là, mẫu người tu sĩ
có đầy đủ Ngũ minh là mẫu người lý tưởng nhất trong việc truyền bá Phật
giáo, thuyết pháp độ sinh và cả về phần tự tu tập.
Phật giáo ngày nay và
mai sau không phải băn khoăn đi tìm mẫu người giáo dục để đào tạo Tăng
tài nữa, mà chỉ suy nghĩ đến con đường thể hiện, thực hiện đến một mức
độ tốt nhất mà thời đại có thể.
Hẳn là sinh hoạt tu và
học của tu sĩ Phật giáo không phải là một sinh hoạt khép kín, mà được mở
rộng. Các trung tâm Phật giáo phải là các trung tâm văn hóa của đời và
đạo, không bao giờ có mặt của bất cứ một ý nghĩa tiêu cực, yếm thế hay
mê tín, thần bí nào trong sinh hoạt của đoàn thể chư Tăng cả. Tập thể
chư Tăng là một tập thể có sinh hoạt rất nhân bản, lợi tha và đậm sắc
màu văn hóa, giáo dục, xã hội và dân tộc. Yếu tố dân tộc và văn hóa dân
tộc, theo tinh thần hành động của Tứ nhiếp pháp, hẳn là có mặt trong
sinh hoạt của đoàn thể này.
Một nhà giáo dục nhân
bản của học đường ngày nay đòi hỏi có đủ khả năng hướng dẫn tâm lý,
hướng nghiệp bên cạnh khả năng trao truyền kiến thức chuyên môn (dạy
học). Trong phần hướng dẫn tâm lý, các khải đạo viên hay hướng dẫn viên
(counsellors) vẫn thường lúng túng trước vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng của
học viên hay thân chủ. Ở đây, tu sĩ Phật giáo với đầy đủ Ngũ minh, quả
thực là một hướng dẫn viên (hay khải đạo viên) lý tưởng, hay tương đối
lý tưởng. Với người tu sĩ, thì học viên (hay thân chủ) lại đặt nhiều tin
cậy hơn là đối với các người hướng dẫn khác, và dễ dàng phơi bày những
chuyện uẩn khúc tâm lý của mình, hầu giúp người hướng dẫn thấy rõ vấn đề
để hướng dẫn hữu hiệu.
Thực hiện được vai trò
của tu sĩ là nói lên một cách cụ thể rằng đạo Phật không lìa đời, không
tách khỏi cuộc đời: đạo và đời là một; đạo vốn là đời được giải thoát
khỏi các phiền não. Cứu khổ, giải thoát khổ cùng lúc cho mình và cho đời
há không phải là bản nguyện của Thế Tôn ra đời đó sao?