ĐẠO ĐỨC NGƯỜI XUẤT GIA


Đại sư Liên Trì Thích Nguyên Hùng dịch
22/09/2010 21:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 32413
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

5.1. Giảng rõ về báo ứng

Vào thời Tam Quốc (220-280), nước Ngô (222-280), thủ đô là Kiến Nghiệp, sư Khương Tăng Hội (người Việt Nam), sang truyền đạo và lập chùa Kiến Sơ (247-Xích Ô năm thứ 10).

Có một hôm vua Ngô Tôn Quyền xuống lệnh triệu kiến sư, hỏi: “Sư có thể nói cho trẫm nghe một ít đạo lý thiện ác, báo ứng của Phật pháp không?.”

Sư đáp: “Bậc quân chủ anh minh có thể dùng hiếu thuận và từ bi để cai trị thiên hạ thì chim sắc màu hồng sẽ bay lượn*, thọ tinh xuất hiện; dùng nhân thiện và từ bi để giáo dục vạn dân thì trên đất sẽ vọt ra dòng suối ngọt, ngon, tươi mát, sản xuất các loại ngũ cốc tốt đẹp, tròn đầy … làm chính trị bằng điều thiện đã có báo ứng tốt đẹp như vậy thì làm việc ác cũng có ác báo tương tự. Cho nên trong lòng làm ác, tuy người không biết, nhưng quỷ thần muốn giết y, làm ác rõ ràng trong nhà tích chứa điều thiện thì niềm vui vẻ có dư”.Trong kinh thi cũng khen Dương Quân Tư cầu phước phải làm đều chánh hành việt thiện, không thể đi vào con đường tà ma, ác đạo, đây tuy là những lời dạy của các ông chu công, Khổng Tử… nhưng Phật giáo cũng dạy rõ ràng như vậy.

Vua lại hỏi: “Chu Công, Khổng Tử đã đưa ra những đạo lý như vậy, hà tất phải dùng đến chân lý của Phật giáo?”.

Sư đáp: “Những thánh hiền nhà nho như Chu Công, Khổng Tử không muốn đi sâu vào vấn đề chi tiết này, cho nên chỉ đại lược nói như vậy; còn như  sự giáo hoá của Phật, không chỉ trình bày những vấn đề trước mắt mà còn nói rõ cả quá khứ vị lai, tinh tường vi tế, cho nên diễn bày rất đầy đủ.Thánh nhân chỉ sợ pháp thiện không nhiều, bệ hạ thêm phiền phức là đạo lý gì?

Vua Ngô nghe rồi rất tán đồng

5.2 Khuyến thiện trừ hoạ

Triều nhà Tấn, tại Thế Thanh, Sơn Trúc, sư Pháp Khoáng.

Có một hôm, Giản Văn Đế (371-373) xuống thư  thăm hỏi sư hàng ngày sống có được an lạc không? Đồng thời thỉnh giáo sư về hiện tượng xuất hiện yêu tinh là thế nào và nhờ sư nghĩ biện pháp. Sư viết thư trả lời : “Vua Tề Cảnh Công thực hành chính trị bằng lòng nhân từ, tích âm đức, yêu tinh xuất hiện xưa nay đều tiêu mất hết, nay dám xin bệ hạ cũng nên cần tu nhân, tích đức mà cai trị thiên hạ để phòng ngừa sự quở trách và giáng hoạ thiên thượng! Bần Tăng nhất định dốc hết tâm lực làm việc diệt trừ tai hoạ cầu phước may”. Thế rồi sư và đệ tử cùng nhau chí thành lễ Phật sám hối, không bao lâu yêu tinh biến mất.

5.3. Luận về giữ giới

Triều nhà Tấn, ở huyện Nghiệp, sư Phật Đồ Trừng, người Trung Thiên Trúc; sau nhân vì Triệu Vương Thạch Lạc hiếu sát, sư liền đến chỗ của Thạch Lạc. Lạc hỏi sư: “Đạo Phật có gì linh nghiệm?”

Sư biết Lạc không hiểu đạo lý, đối với Phật giáo chưa có tín ngưỡng gì, chắc phải hiển thị một ít thần thông, pháp thuật để đã động tâm y trước, thế là sư cầm một bát nước, đốt hương niệm chú, không bao lâu trong bát hiện lên một hoa sen xanh, Thạch Lạc bấy giờ liền tín phục.

Sư thừa thế tiến đến nói: “Người làm vua một nước nếu như dùng sức mạnh của lòng nhân để nhiếp chính thiên hạ, dùng ân đức ban bố bốn biển, thì sẽ có bốn loài vật linh: thần long, chim phượng, kỳ lân, và thần quy xuất hiện, biểu thị cho vận nước tốt đẹp, xương long; còn nếu như làm chính trị mà bất nhân, hoành hành vô đạo thì trên trời xuất hiện các yêu tinh như sao chổi, sao chổi rực sáng… biểu hiện trong thiên hạ sắp có tai hoạ, loạn lạc khởi lên, vận nước không tốt. Tinh tượng đã hiện rõ ràng, kiết hung, hoạ phước tức thì sẽ đến, thiện thì được thiện báo, ác thì ác báo, đây là biểu tượng thường có từ xưa đến nay, người trời đã cảnh cáo như vậy!”

Thạch Lạc nghe rồi rất vui mừng, hoan hỉ. Nhiều người sắp bị giết nhân đây mà được tha mạng.

Bình luận:

Các thời đại Nguỵ, Tấn, Nam Bắc triều rất kỳ lạ, đặc biệt có rất nhiều cao Tăng đại đức thánh hiền xuất hiện, không chỉ trong thời thái bình mà ngay cả trong thời loạn lạc. Nguyên nhân vì sao ? Thật ra, nguyên do là vì lúc bấy giờ, thế vận nguy khốn, thời cuộc khó khổ, nhân dân cùng cực, vật chất thiếu thốn… Chính lúc này là lúc Bồ Tát vận dụng lòng từ bi cứu khổ cứu nạn! Đây không phải chính là điều mà người ta nói là. “Thuốc cứu bệnh tật từ trong sắt đá mà trút ra” sao?

5.4. Khéo luận về giữ  giới trai giới

Thời Nam Bắc triều, vị cao Tăng Câu-Na-Bạt-Đa, ở chùa Kỳ Hoàn, tại thủ đô, là người vương tộc nước Kế Tân, Ấn Độ, xuất gia. Nam triều, Tống Văn Đế, sư  Cầu-Na- Bạt-Đa đến Kiến Nghiệp, Văn đế thỉnh giáo đại sư: “Quả nhân muốn ăn chay giữ giới không ăn phi thời và không sát sanh, nhưng trẫm làm chủ một nước, nắm toàn bộ chính trị của quốc gia, mỗi cái đều hạn chế, không thể thoả nguyện, không biết sư có biện pháp gì mới không?”.

Sư đáp: “Phương pháp tu hành của bậc đế vương và của thần dân trăm họ có chỗ không giống nhau. Dân trăm họ bản thân nghèo hèn, danh dự bé nhỏ, cuộc sống phải tự khắc khổ, chịu cực nhọc, cần kiệm mà tu hành ; còn bậc đế vương cai trị thiên hạ, trong tay nắm giữ trăm họ, chỉ cần nói một câu nhân đức thì cả quần thần lẫn thần dân trăm họ đều rất hoan hỷ, thực hiện một chính sách nhân từ thì thần dân đều vui mừng mà tuỳ thuận. Tuy rằng có dùng hình phạt nhưng không lạm sát sinh mạng. Tuy có thu thuế nhưng không bốc lột, chèn ép sức lao động của nhân dân, như thế thì thiên hạ được mưa thuận gió hoà, lạnh nóng thích đáng, trăm loài cốc phát triển tươi tốt. Trai giới như vậy mới là đại trai giới, đại công đức! Không sát sanh thì đó mới là sự giữ giới không sát đến cùng cực! Nếu như trong một bữa ăn mà không ăn mặn thì bảo toàn được sinh mạng loài cầm thú, đó mới là đại từ đại bi đại công đức!

Văn Đế vỗ bàn cảm thán: “Người đời đối với giáo lý của Phật sâu sa mầu nhiệm như vậy lại mê mờ không hiểu, không chịu tín phụng, người xuất gia ở kinh đô thì không biết biến thông theo thời, vận dụng pháp xuất thế mà giáo hoá, đưa vào đời. Nghe Ngài nói mấy lời như vậy, thì quả là một cao Tăng đã khai ngộ thông suốt, hạnh giải thấu cả trời người”.

Rồi vua mệnh lệnh cho quan lại cúng dường sư, toàn quốc đều sùng bái, cung phụng sư.

Bình luận:

Bật Đế Vương sở dĩ không tin Phật pháp, không phải lỗi lầm riêng bản thân Đế Vương, mà thực tế, người giảng luận Phật pháp cũng có phần trách nhiệm, do không có khả năng trình bày và phát huy mọi mặt tích cực, uyên áo, nhiệm mầu của Phật pháp. Tôn giả Cầu-Na-Bạt-Ma nói Phật pháp, đạo lý vừa chính xác vừa viên dung, uyển chuyển, lời giải thích khéo léo mà không trái với chân lý, đó mới là người chân chính vận dụng dung thông giữa đạo và đời mà không trở ngại! Xưa nay, những bậc đại phu hiền lương dâng lời can gián cũng không quá như vậy. Những phàm Tăng cố chấp, biên kiến mà nắm giữ chính đạo, họ không biết rằng nguyên nhân bậc đế vương không muốn gần gũi người xuất gia chỉ là vì những người như họ! Sự biến hoá của thần long không phải loài giun có thể hiểu được, chính là đạo lý này vậy!

5.5. Luận về sự cúng dường

Thời Nam triều, đời nhà Tề(479-502), chùa Chính Thắng, có sư Phát Nguyện, người Dĩnh Châu. Vua Tề Cao Đế mời sư làm quốc sư, lấy lễ của đệ tử đối với thầy rất hết lòng. Đến đời Tề Võ Đế kế vị, cũng đối đãi với sư rất mực cung kính.

Có một hôm thái tử Văn Tuệ đến chùa thăm hỏi sư rồi xin sư chỉ giáo: “Tôi dùng ca múa, tấu nhạc để cúng dường Phật và Bồ Tát, phước báo đó như  thế nào?”.

Sư đáp: “Thuở xưa Bồ Tát dùng tám vạn loại ca múa âm nhạc để cúng dường Phật, công đức còn không bằng đem tâm chí thành thanh tịnh phụng hành Phật pháp, hôm nay người đem thổi mấy khúc sáo, đánh vào da bò chết (tức đánh trống) mấy tiếng, lại tính công đức gì?”

Bình luận:

Làm Phật sự tốt (như  trai Tăng, thuyết pháp) mà không hiểu giáo lý Phật dạy, tuy tốn kém rất nhiều tài lực, chỉ có được phước báo hữu lậu nhân thiên mà thôi. Sư Nguyện nói một câu, không những cảnh tỉnh sự mê mờ của người thế tục, mà còn là vị thuốc hay - lời nói trung thực - cho người xuất gia đời sau nữa!

5.6. Thuyết pháp vua nghe bừng ngộ

Thời Nam Bắc triều, nước Tề, huyện Nghiệp, núi Tây Long, chùa Vân Môn, có Sư Tăng Trù, người Xương Lộ, lúc 28 tuổi đến chùa Cảnh Minh, ở Cự Lộc, bái sư Tăng Thật làm thầy, thế phát xuất gia.

Hoàng đế nước Tề, Văn Tuyên Đế, hạ chiếu 3 lần mời sư đến Kiến Nghiệp giáo hoá quần sanh, sư từ chối không đi, thế là Hoàng đế đích thân đến thăm sư, rồi đón sư vào cung. Sư vì Văn Tuyên Đế giảng giải về tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), xưa nay đều mộng huyễn như hư không, đất nước quốc gia cũng đều do vọng tưởng mà thành (kinh Lăng Nghiêm “nhân không lập thế giới, tưởng trừng thành quốc độ), cuộc đời là vô thường. Kế tiếp sư giảng về bốn phương pháp tu tập quán niệm gọi Tứ niệm xứ. Văn Đế nghe xong hốt nhiên đại ngộ, kinh khủng, mồ hôi rơi xuống như mưa. Liền sau đó vua quy y thọ Bồ tát giới với sư, bỏ hẳn rượu thịt, thả tất cả những loài chim dùng để săn bắt như chim sắt, chim diêu, phá bỏ lưới và các dụng cụ đánh bắt cá. Hạ lệnh cấm hẳn thần dân trăm họ giết hại súc sinh, mỗi năm ăn chay trường ba tháng (Tháng giêng, 5, và 9), mỗi tháng còn lại ăn chay 6 ngày (1, 8, 14, 15, 23, 29, và 30), và khuyến khích dân chúng thọ trì Bát quan trai giới.

5.7. Cảm hoá Đông cung thái tử

Triều nhà Đường, ở Kinh sư, chùa Phổ Quang, luật sư Huyền Uyển, người Hoa Âm, tỉnh Hoằng Nông. Vào niên hiệu Trinh Quán thứ nhất (627), vua Đường Thái Tông nhân thấy từ quan trong triều đến dân dã đều kính ngưỡng đức hạnh giới luật của sư nên mời sư vào cung vì Hoàng thái tử  và các vương công thái tử khác truyền thọ giới Bồ tát. Sư viết thư gởi cho thái tử : “Hiện tại tôi chỉ nêu lên bốn điểm trọng yếu của giáo lý đạo Phật, đơn giản, nhưng hi vọng thái tử dụng tâm phụng trì. Một là thực hành hạnh từ bi, đây là nương theo phẩm hạnh trong kinh Đại Bát Niết bàn, chỗ ấy nói về tư cách làm người xử sự, nếu dùng ‘nhân’ thì có thể nhiếp thọ giáo dưỡng trăm họ và cứu tế sự nghèo khổ. Hai là ‘giảm sát sanh’, Đông cung hoàng thái tử trong một bửa cơm bình thường cũng đã giết hại bao nhiêu sinh vật chiên xào nấu nướng; nhu yếu vật thực của điện hạ cũng phải cần rất nhiều sức người đi tìm kiếm lựa chọn, đến nỗi vì vậy mà mất mạng, không thể nói không vì ngài mà chết, xin ngài bớt sát sanh để cầu trường thọ ! Ba là ‘hoà thuận’. Cái điều mà chúng ta gọi là ‘không sát’ ấy chính là lòng ‘nhân’, nhân là biểu thị lá gan trong cơ thể con người, gan thuộc về ‘mộc’ trong thuyết Ngũ hành, cây thì sinh trưởng và tốt tươi vào mùa xuân, điện hạ là thái tử, vị trí là ‘thiếu dương’trong ‘Tứ tượng’, phước nằm ở tháng xuân. Cho nên xin điện hạ vào mùa xuân không được giết hại chúng sanh lấy thịt mà ăn để điều hoà khí huyết. Bốn là ‘ăn chay’, mỗi năm ăn chay ba tháng (Giêng, năm và chín), còn lại mỗi tháng ăn chay sáu ngày. Vì sao phải làm như vậy ? Bởi vì hôm nay điện hạ hưởng thụ hưởng báo đều do điện hạ đã tích tập công đức từ quá khứ, tu hành mà được, nếu như cuộc sống hôm nay cố gắng tu tập tích đức thêm, thì càng thêm được hoàn mỹ, phước báo càng thêm lớn.”

Hoàng thái tử trả lời : “Đa tạ sư phụ đã chỉ dạy cho bốn pháp vi diệu, con sẽ cẩn thận ghi nhớ trong lòng, luôn luôn tín thọ phụng trì, luôn luôn lấy bốn điều này làm phương châm, kim chỉ nam cho cuộc sống và công việc, ngưỡng mong quỉ thần trên cao thường luôn ủng hộ”.

5.8. Khuyên bỏ sát sanh.

Đời nhà Đường, tại Chung Nam Sơn, chùa Trí Cự, có đại sư Tăng Minh Thiện.

Sư trước đây vốn là một người bác học đa văn, ôm ấp nhiều hoài bảo và có tài sửa trị việc đời, cứu dân (kinh bang tế thế). Vua Đường Tông nghe danh sư, hạ chiếu thư mời sư vào Hoàng cung, xin thỉnh giáo mấy vấn đề. Sư trình bày cặn kẻ nội dung chủ yếu việc trị nước đồng thời lợi dụng cơ hội lấy đạo lý từ bi của đạo Phật làm tôn chỉ cho việc cứu dân giúp nước. Đường Thái Tông nghe xong rất hoan hỷ, hạ lệnh cho toàn dân mỗi năm ba tháng ăn chay trường và mỗi tháng còn lại sáu ngày không được giết hại sinh vật, rồi đích thân đi khắp các địa phương kiến lập chùa viện.

5.9. Khuyên tu sám hối

Thời Nam triều, nước Tống, chùa Linh Muội, có sư Đàm Tông, người Mạt Lăng.

Sư Đàm Tông xuất gia ở chùa Linh Muội, đã từng có một lần vì vua Tống Vũ Đế soạn năm pháp sám hối của Bồ tát thực hiện sáu lần trong một ngày (Một ngày đêm có sáu thời tu tập : sám hối, khuyến thỉnh, tuỳ hỷ, hồi hướng và phát nguyện). Vũ đế cười mà nói với sư rằng : “Quả nhân có tội gì mà sư bảo tu sám hối?”.

Sư đáp : “Ngày xưa vua Ngu, vua Thuấn là bậc đại thánh còn nói với vua Vũ rằng: ‘Ta làm trái chánh đạo ngài phải phụ chính cho ta’. Vua Thành Thang nhà Thương, Võ Vương nhà Chu cũng thường nói : ‘Trăm họ có lỗi lầm gì đều do ta làm bậc quân vương dẫn dắt cả’. Thánh vương xưa nay đều tự trách mình, đối với bản thân rất là nghiêm khắc, đối với mọi người rất là lễ độ, thật là bậc mô phạm của thế gian ! Hoàng thượng và thánh nhân thuở xưa đều là bậc hiền minh hành đạo của bậc thánh vương càng phải khiêm cung, sao có thể không giống như những bậc thánh vương mà không tự trách mình?”.

Tống Vũ Đế nghe xong rất tán đồng.

5.10. Chịu phạt chứ không nói dối

Triều nhà Tống, tại Đông kinh, phủ Thiên Ninh, huyện Phù Dung, có Thiền sư Đạo Giai, người Nghi Thuỷ.

Sư  Đạo Giai sau khi được ngộ tâm pháp, cực lực hoằng dương tông phong Tào Động. Vào đời Tống Huy Tông (1101-1126), khoảng niên hiệu Sùng Ninh (1102-1107), Hoàng đế xuống thư sai sư trú trì chùa Tịnh Nhân ở Đông Kinh. Đến niên hiệu Đại Quán (1107-1111), đời Tống Huy Tông, chuyển đến chùa Thiên Ninh, Hoàng đế phái di sứ ban tặng Tứ tử y cho sư và phong hiệu Định Chiếu thiền sư. Sư dâng biểu từ chối không nhận. Hoàng đế lại mệnh lệnh cho tri phủ Khai Phong, Lý Hiếu Thọ, đích thân đi phân trần tỏ rõ tâm ý của triều đình là muốn tôn sùng kính trọng sư, nhưng sư quyết định không tiếp nhận.

Việc này đã khiến Hoàng thượng nỗi giận, lệnh cho quan lại chấp pháp xử lý sư. Quan chấp pháp biết sư là người trung thành từ trước đến nay, có ý tha cho sư, liền hỏi : “Trưởng lão trông có vẻ tiều tuỵ và kém sức khoẻ quá, có phải bị bệnh không?”

Sư trả lời : “Không có”.

Viên quan lại nói : “Ngài phải trả lời là có bệnh chứ, như vậy mới có thể miễn bị gia hình”.

Sư nói : “Tôi dám nói dối có bệnh để khỏi bị gia hình sao?”.

Quan lại nghe rồi than thở không thôi. Cuối cùng phải chịu phạt, bị đày đến Sơn Đông, vùng Chuy Châu. Mọi người thấy sư bị lưu đày không ngăn được sự đau xót, rơi lệ. Nhưng sư vẫn tự nhiên như chẳng có chuyện gì xảy ra. Đến Chuy Châu, sư ở trong một căn phòng rất thô sơ, những học giả lại thêm thân cận, số người ngày càng đông. Cách một năm sau, Hoàng thượng hạ lệnh thả tự do cho sư. Thế là sư dựng một thảo am ở Phù Dung tu hành.

Bình luận :

Vinh hoa, phú quý, công danh đem tới nơi thân mà còn từ chối, là điều mà người ta khó làm được, từ chối thì bị phạt, bị phạt mà không cần phải mở lời van xin, có thể nói là cái khó trong những cái khó. Trong các truyện kí về Trung thần, làm sao không có một chuyện như đây? Cho nên, kể chuyện này lại để làm gương mẫu cho người xuất gia trên đời vậy.

5.11. Vịnh hoa can gián.

Thời Ngũ đại, nhà hậu Tấn, vùng Giang Nam, có một hôm Lý Hậu Chủ triệu kiến thiền sư Đại Pháp Nhãn Văn Ích, ở chùa Kim Lăng Thanh Lương, vào cung. Bấy giờ đang mùa hoa mẫu đơn nở rộ, Hậu Chủ mời Pháp Nhãn thiền sư làm một bài thơ vịnh hoa mẫu đơn, sư ứng khẩu đọc :

“Mặc áo lông vải trân qúy, đối diện với khóm hoa toả ngát mùi thơm, đây là cảnh tượng và không khí của sự giàu sang. Nhưng năm tháng của cuộc đời thật vô tình, cảnh đẹp cũng vô thường, tóc trên đầu hôm nay đã bắt đầu điểm bạc dần, những người con gái đẹp xem lại nhan sắc cũng không còn giống như năm ngoái, sắc đẹp diễm lệ của hoa mẫu đơn đã theo hạt sương buổi sớm bừng nở long lanh, càng thêm diễm tuyệt, nhưng sương mai rất mong manh, nhanh chóng tan biến theo ánh dương, người đẹp cũng ngày càng khô héo, mùi hương của hoa mẫu đơn theo gió đêm nhè nhẹ thoảng đưa khắp nơi, hương lại càng thêm thanh, nhưng gió đêm đi xa, hương hoa cũng từ từ tan loãng phiêu linh, do có cái nhìn như vậy, thì hà tất phải đợi đến khi hoa tàn nhị rửa mới thể hội được đạo lý “các hành vô thường, vạn pháp vốn không”.

Lý Hậu Chủ xúc động than thở, ông đã lãnh hội được ý nghĩa của bài thơ này, thiền sư đã mượn hoa châm biếm sự sống hoang phí trầm mê của vua.

Bình luận :

Ý cảnh của bài thơ này tuy nhỏ nhưng mỗi câu mỗi chữ đều tràn đầy lòng nhiệt thành ái chủ của bậc trung thần. Đáng tiếc, Lý Hậu Chủ biết ý nghĩa này nhưng không có thật lòng muốn chuyển hoá lỗi lầm, rút cuộc không tránh khỏi sự mất nước, sau hối hận cuộc đời mình như giấc mộng, không biết giác tỉnh. (Lý Hậu Chủ trong bài từ “Lãng Đào Sa” có câu : “Mộng lý bất tri thân thị khách, nhất hướng tham hoan”). Những danh hiệu ‘Thơ Tăng’ của người xuất gia không phải là việc đạo, từ việc gió trăng trở thành đề tài ngâm cứu, dùng từ, tạo câu cho hay, cho đẹp thành thơ, văn mà đối với thế đạo nhân tâm không giúp gì được cả. Và, bài thơ này của thiền sư Pháp Nhãn so với gần đây,  không phải là vàng so với đất sao, thật sai biệt quá xa !.

TỔNG LUẬN.

Người quân tử khi ở trong nhân gian thì phải lo lắng nhớ đến bậc quân chủ. Còn người xuất gia không có quan chức, cũng không có trách nhiệm can gián khuyên ngăn mà có thể tận trung như vậy, ai dám nói những người xuất thế tu tập ngồi dưới cây mát, ở trong núi rừng không có quan tâm đến vua minh, tôi hiền? Không đem sức lực ra phục vụ? Không dùng lời tốt đẹp để hưng khởi đức chánh của vua ?

Luân lý của loài người lại không có chuyện xem bên nào trọng hơn bên nào giữa bậc quân vương với cha mẹ, cho nên, tôi trước nêu lên những gương hiếu hạnh của người xuất gia, sau lại nêu lên những tấm gương trung thần của người xuất gia, mục đích là để cho người đời chấm dứt sự huỷ báng Phật giáo bất trung, bất hiếu.


* Sử ký ghi rằng khi Vũ Vương qua sông cólửa từ trên rơi xuống, cho đến mỗi khi vua ngồi, con chim bơi theo dòng nước, sắc của nó màu đỏ, tiếng của nó thanh tao.


Âm lịch

Ảnh đẹp