21/07/2011 09:55 (GMT+7)
Số lượt xem: 157206
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


SỐ 1

MỘT A TĂNG KÌ (nhất a tăng kì)

Theo toán số Ấn-độ xưa, “a tăng kì” có nghĩa là vô lượng số, là con số vô cùng lớn, không thể nào tính đếm được. Nếu cho nó có một con số, thì con số đó là: 1 a tăng kì = 1.000 vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn vạn triệu (mà “1 triệu” ở đây bằng 1.000.000.000.000).

 

MỘT CHỮ KHÔNG NÓI (nhất tự bất thuyết)

Câu trên có ý nói, đạo lí mà chư Phật tự chứng, không thể dùng ngôn ngữ văn tự để diễn đạt, chỉ có Phật với Phật mới hiểu rõ trọn vẹn, triệt để. Cũng giống như dùng ngón tay để chỉ mặt trăng, ngón tay ấy chẳng phải là mặt trăng; tất cả ngôn ngữ văn tự cũng không sánh được với nội dung chứng ngộ của chư Phật. Đó là lí do mà Thiền tông chủ trương “không lập văn tự” (bất lập văn tự).

 

MỘT CON ĐƯỜNG - MỘT CỖ XE (nhất thừa - Phật thừa - nhất Phật thừa)

“Con đường” (hay “cỗ xe”) là chỉ cho giáo pháp (vì giáo pháp có năng lực đưa con người từ cõi vô minh đến nơi giác ngộ, cho nên lấy hình ảnh chiếc xe hay con đường làm ví dụ); “một” là chỉ có một chứ không có hai, ba, bốn, v.v... – tức là duy nhất. Vậy, “một cỗ xe” là giáo pháp duy nhất đưa đến sự chứng ngộ tuệ giác viên mãn của chư Phật.

Kinh Pháp Hoa (phẩm “Phương Tiện”)

nói: “Chư Phật chỉ dùng một con

đường (nhất thừa) để

hóa độ chúng sinh, chứ không có

con đường (thừa) nào khác,

dù là hai hay ba...”; hoặc: “Thật

ra chỉ có một con đường duy nhất

(nhất Phật thừa), nhưng chư Phật

tùy căn cơ mà dùng phương tiện,

dạy có ba con đường (tam thừa).”

Các kinh luận thường dùng thuật ngữ này – nhất thừa – để chỉ cho giáo pháp đại thừa. (Xin xem thêm các mục “Hai Con Đường” và “Ba Con Đường” ở sau.)

 

MỘT DO TUẦN (nhất do tuần)

“Do tuần” là tiếng dịch âm từ Phạn ngữ “yojana”, dịch ý là hạn lượng, hòa hợp, một lộ trình; là đơn vị đo chiều dài lộ trình của người Ấn-độ. Lại nữa, do từ ngữ căn “yuj”, chữ yojana (do tuần) cũng có nghĩa là “mang ách”, tức chỉ cho chiều dài của đoạn đường mà con bò mang cái ách đi trong một ngày. Sách Đại Đường Tây Vực Kí (do Phật Quang Đại Từ Điển trích dẫn) thì nói rằng, “do tuần” là chỉ cho lộ trình một ngày hành quân của vua chúa. Về cách tính toán, có nhiều thuyết không giống nhau, theo đó, một do tuần có thể là 12 dặm, 16 dặm, 17 dặm, 30 dặm, 32 dặm, 42 dặm, 46 dặm; hoặc 7.3 km, 8.5 km, 14.6 km, 17 km, 19.5 km, 22.8 km, v.v...; nhưng con số thường dùng là: một do tuần = 13.5 km.

 

MỘT ĐẠI KIẾP (nhất đại kiếp)

Một đại kiếp là một thời kì của thế giới từ khi bắt đầu hình thành đến lúc hoại diệt, gồm bốn giai đoạn Thành, Trụ, Hoại, Không, tổng cộng là 80 trung kiếp. (Xin xem mục “Một Trung Kiếp” ở sau.)

 

MỘT ĐẠI SỰ NHÂN DUYÊN (nhất đại sự nhân duyên)

Chữ “đại” ở đây

chỉ cho thật tướng của vũ trụ

nhân sinh; chữ “sự” chỉ

cho công cuộc giáo hóa độ sinh của

đức Phật; chúng sinh vốn có thật

tướng đó mới có cơ cảm

với đức Phật, gọi là “nhân”;

đức Phật đã chứng nhập

cái thật tướng đó cho nên có

thể ứng theo cơ cảm của chúng sinh

mà cứu độ, gọi là “duyên”.

Chư Phật xuất hiện ở thế gian chỉ

có một mục đích là chỉ bày cái

thật tướng mà chúng sinh vốn có,

và giáo hóa cho chúng sinh cũng chứng

đắc cái thật tướng đó như

đức Phật (kinh Pháp Hoa gọi là

“ngộ nhập Phật tri kiến”). Bởi

vậy kinh nói: “Như Lai chỉ vì một

đại sự nhân duyên mà xuất

hiện ở thế gian” (Như Lai duy dĩ

nhất đại sự nhân duyên cố

xuất hiện ư thế. - Kinh Pháp Hoa)

 

MỘT ĐỜI THÀNH PHẬT (nhất sinh bổ xứ)

Từ “nhất sinh bổ xứ” được dịch từ tiếng Phạn “eka-jati-pratibaddha”, nguyên có nghĩa là kiếp luân hồi cuối cùng, tức là hết đời này rồi, đời sau nhất định sẽ thành Phật tại thế gian. Trong ý nghĩa đó, từ này được dùng để chỉ cho bậc Đẳng-giác Bồ-tát, là địa vị cao nhất của hàng Bồ-tát. Trong kinh điển có nói, đức Bồ Tát Di Lặc là vị “Bồ-tát nhất sinh bổ xứ”, hiện cư trú tại cõi trời Đâu-suất, đến lúc thọ mạng ở đó hết, Ngài sẽ hạ sinh ở nhân gian, và thành Phật để kế tục đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

 

MỘT HẠT BỤI NHỎ (nhất vi trần)

Kinh luận thường dùng từ “một hạt bụi nhỏ” (nhất vi trần), hoặc nói ngắn ngọn là “một hạt bụi” (nhất trần), để chỉ cho đơn vị vật chất nhỏ nhất.

 

MỘT LÀ TẤT CẢ, TẤT CẢ LÀ MỘT (nhất tức nhất thiết, nhất thiết tức nhất)

Có thể nói, đây là mệnh đề

tóm tắt toàn bộ yếu nghĩa kinh Hoa

Nghiêm. Yếu nghĩa ấy nói về sự

tương quan tương duyên chằng chịt của

tất cả mọi sự vật trong vũ trụ: Sự vật này tức là sự

vật kia, sự vật kia tức là sự

vật này; một sự vật có mặt

trong tất cả mọi sự vật, tất cả

mọi sự vật có mặt trong một sự

vật; một sự vật tức là tất

cả các sự vật, tất cả các sự

vật tức là một sự vật.

Nguyên lí duyên khởi cho ta thấy rằng, một sự vật không thể tự

nó có mặt, mà đã do vô số các

sự vật khác, không phải là nó,

hợp lại cấu thành. Một cuốn sách

chẳng hạn, không phải tự nó hiện

ra, nhưng đã do tất cả những cái

“không phải là sách” (như giấy,

mực, máy in, nhân công, những vật

liệu làm ra giấy, làm ra mực, làm

ra máy in, rồi những thứ đã nuôi

sống thợ làm giấy, thợ làm mực,

thợ in v.v..., nhiều lắm, cùng khắp vũ

trụ, không kể hết được!) hợp

lại làm thành. Bởi vậy, giữa

cuốn sách và chiếc máy in không có

gì ngăn cách; trong cuốn sách có mặt

tất cả các thứ giấy, mực, máy

in v.v..., và đồng thời cuốn sách

cũng có mặt trong tất cả các thứ

kia. Hành giả khi đã đạt được

cái thấy này thì tâm ý tức khắc

được giải thoát khỏi những

ràng buộc, những hạn chế của ngã

chấp và pháp chấp, chấm dứt khổ

đau.

Kinh Hoa Nghiêm (phẩm “Công Đức

của Người Mới Phát Tâm Bồ

Đề”) nói: “Cái thấy của

vị Bồ-tát phát tâm bồ đề rộng

lớn thật không có giới hạn:

không có gì khác nhau giữa thế giới

thô lậu và thế giới vi diệu, vì

thô lậu tức là vi diệu; không có

gì khác nhau giữa thế giới nhỏ

và thế giới lớn, vì nhỏ tức

là lớn; không có gì khác nhau giữa

một thế giới và vô lượng

thế giới, vì một tức là vô

lượng; không có gì khác nhau giữa

thế giới dơ và thế giới sạch,

vì dơ tức là sạch; một thế giới

nằm trong vô lượng thế giới,

vô lượng thế giới nằm trong một

thế giới; ...”

 

MỘT LÒNG (nhất tâm)

Chuyên chú vào một đối tượng, không khởi vọng niệm, gọi là “một lòng” (nhất tâm). Do đó, chuyên tâm nghĩ nhớ đến Phật, gọi là “một lòng chuyên niệm” (nhất tâm chuyên niệm). Tông Tịnh Độ đặc biệt chú trọng việc chấp trì danh hiệu của đức Phật A Di Đà, và theo Kinh A Di Đà, người nào chuyên tâm trì niệm danh hiệu “A Di Đà Phật” cho đến chỗ “một lòng không tán loạn” (nhất tâm bất loạn) thì liền được vãng sinh về thế giới Cực-lạc. Để hiểu cho tỏ tường, đầy đủ từ “một lòng” này, kinh Vô Lượng Thọ nói: “Nhất tâm bao gồm đầy đủ cả ba tâm, là tâm chí thành, tâm tin sâu và tâm phát nguyện hồi hướng vãng sinh về nước Cực-lạc.” (Xin xem mục “Một Lòng Không Tán Loạn” ở sau.)

 

MỘT LÒNG KHÔNG TÁN LOẠN (nhất tâm bất loạn)

Đây là trạng thái tâm lí khi tâm chuyên chú vào một đối tượng, không giao động, không tán loạn. Từ này được đặc biệt dùng trong pháp môn tu Tịnh Độ. Khi hành giả đem lòng tin sâu sắc, chí thành trì niệm danh hiệu A Di Đà Phật, khiến cho tâm không bị tán loạn; lúc đó ngã thể riêng biệt không còn nữa, mà đã hòa hợp làm một với câu danh hiệu Phật, gọi là “nhất tâm bất loạn”. (Xin xem mục “một lòng” ở trên.)

 

MỘT NA DO THA (nhất na do tha)

Trong kinh điển Phật giáo thường dùng chữ  “na do tha” làm đơn vị số lượng. Thông thường, một na do tha  là 1.000 ức. Nếu tính theo số nhỏ thì 1 ức là 100.000; nếu tính theo số lớn thì 1 ức là 100.000.000. Vậy, 1.000 ức = 100.000.000, hoặc 100.000.000.000. Có nhiều thuyết nói khác nhau về con số này, không có một con số chính xác thống nhất, cho nên, theo ý kinh, thường chỉ nên hiểu “một na do tha” nghĩa là rất nhiều mà thôi.

 

MỘT NIỆM (nhất niệm)

Từ “một niệm” được dùng để chỉ cho đơn vị  thời gian rất ngắn. Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã nói: 90 sát-na là một niệm, trong một sát-na có 900 lần sinh diệt. “Một niệm” cũng có nghĩa là cái khoảng thời gian khởi lên một ý niệm.

 

MỘT NIỆM BA NGÀN (nhất niệm tam thiên)

Trong Phật học, thuật ngữ “một niệm” (nhất niệm) thường được dùng để chỉ một ý tưởng, một sát na, một khoảnh khắc,

tức là cái khoảng thời gian ngắn

nhất. “Ba ngàn” ở đây tức

là ba ngàn thế giới.

“Một niệm ba ngàn” – nếu nói cho đầy đủ là “trong một niệm có đủ cả ba ngàn thế giới” – là một mệnh đề khai triển từ

mệnh đề “Một là tất cả,

tất cả là một” ở trên. Đó là một trong những điểm đặc sắc

của giáo lí tông Thiên Thai (Trung-hoa). Vị

tổ của tông này, đại sư Trí Giả

(tức Trí-Khải), trong bộ luận Ma Ha

Chỉ Quán, đã chia ra có 10 loại thế

giới trong vũ trụ:

1.  Địa-ngục: thế giới của đau

khổ vô cùng.

2.  Ngạ-quỉ: thế giới của đói khát và bẩn thỉu cùng cực.

3.  Súc-sinh: thế giới của loài

vật, của ngu si tăm tối.

4.  A-tu-la: thế giới của hận thù,

cuồng bạo, chém giết.

5.  Người: thế giới của loài người, hạnh phúc và đau khổ đều

có mặt.

6.  Trời: thế giới của an vui, phước

đức cao hơn loài người.

7.  Thanh-văn: thế giới giải thoát

do kết quả của công phu tu học theo đức

Phật mà được giác ngộ.

8.  Duyên-giác: thế giới giải thoát

do kết quả của công phu tự mình quán

chiếu thực tại mà được giác

ngộ, đó là một đức Phật nhưng không giảng dạy cho kẻ khác.

9.  Bồ-tát: thế giới của những

vị luôn luôn đem tình thương yêu,

trí hiểu biết, lòng cởi mở và

chí dũng mãnh để phục vụ và

giúp ích cho mọi loài, và tinh tiến tu

tập mãi cho đến ngày thành Phật.

Nói cách khác, đó là những vị

Phật tương lai.

10.         Phật: thế giới của các bậc

giác ngộ và giải thoát hoàn toàn.

Giáo lí tông Thiên Thai nói rằng, mười

thế giới ấy tương dung tương nhiếp

lẫn nhau, mỗi thế giới đều mang trong

nó cả 9 thế giới kia. Trong thế giới

Người chẳng hạn, cũng có sự

hiện hữu của các thế giới Địa-ngục,

Ngạ-quỉ, Súc-sinh, A-tu-la, Trời, Thanh-văn,

Duyên-giác, Bồ-tát và Phật. Như

vậy, trong vũ trụ không phải chỉ có

10 thế giới riêng lẻ, biệt lập nhau,

mà có đến (10 x 10) 100 thế giới

tương quan tương duyên với nhau. Sự

hiện hữu của một thế giới bao

hàm sự hiện hữu của cả một

trăm thế giới.

Lại nữa, tất cả 100 thế giới

này đều có cùng chung 10 tính chất. Đó là 10 điều kiện tồn tại của các thế giới mà giáo lí tông Thiên Thai gọi là 10 “như”(1), gồm có: 1) tướng (hình dáng

bên ngoài); 2) tánh (cá tính bên

trong); 3) thể (yếu tố hình thành); 4) lực (năng lực nội tại); 5) tác (tác dụng do năng lực mà

có); 6) nhân (nguyên nhân để đưa

đến kết quả); 7) duyên (điều

kiện giúp cho nhân kết thành quả); 8)

quả (kết quả có từ nguyên

nhân); 9) báo (quả báo nối tiếp

do nhân, duyên và quả ở trên đem

lại); 10) bổn mạt cứu cánh (từ

điều kiện 1 cho đến điều kiện 9, hoàn toàn đều là “như” – tức là tất cả đều là không, vì chính không là bản thể của vạn hữu). Mỗi thế giới

đều có 10 “như”; vậy 100 thế

giới có (100 x 10) 1.000 “như” –

 cũng tức là 1.000 thế giới

tương quan tương duyên với nhau.

Lại nữa, ở mỗi thế giới ấy đều có đầy đủ 3 hiện tượng của thế gian là quốc độ,

chúng sinh và ngũ ấm. Vậy, trong

vũ trụ không những chỉ có 10, 100,

hay 1.000 thế giới, mà có đến (1.000

x 3) 3.000 thế giới tương quan tương

duyên với nhau.

Cả 3.000 thế giới ấy không ra ngoài

một niệm, cho nên gọi là “một

niệm ba ngàn”; cũng như kinh Hoa Nghiêm

nói, một niệm không những bao quát

cả quá khứ, hiện tại, vị lai, mà

còn bao gồm cả không gian và vật thể.

Hay nói cách khác, bất cứ một niệm

nào của tâm cũng bao hàm cả vũ

trụ vạn hữu.

 

(1) Chữ “như” có nghĩa là

thể tính bình đẳng, không phân biệt,

không có hai, là thật tướng của

vạn pháp. Kinh Pháp Hoa nói: “Những

gì Phật đã thành tựu đều

là pháp tối thượng, hiếm có,

khó hiểu. Chỉ có chư Phật mới

thấu suốt được thật tướng

của tất cả các pháp, tức là

tất cả các pháp đều có tướng

như vậy, tánh như vậy, thể như vậy,

nhân như vậy, lực như vậy, tác

như vậy, duyên như vậy, quả như vậy,

báo như vậy, bổn mạt cứu cánh

như vậy.”

 

MỘT NIỆM KHÔNG SINH (nhất niệm bất sinh)

Đó là cảnh giới hoàn toàn không có một ý niệm gì phát khởi, là cảnh giới vượt khỏi mọi khái niệm, tức cảnh giới Phật.

 

MỘT PHÁP GIỚI (nhất pháp giới)

Một pháp giới (nhất pháp giới) là chỉ cho lí thể chân như chỉ có một, không có hai, tuyệt đối bình đẳng. Tông Thiên Thai gọi đó là “thật tướng các pháp”, và tông Hoa Nghiêm thì gọi là “pháp giới nhất chân”. Chữ “giới” ở đây có nghĩa là chỗ y cứ, chỉ cho chân như. Pháp y cứ nơi chân như mà sinh khởi, cho nên gọi là “pháp giới”. Pháp đó tuyệt đối bình đẳng, chân thật, chỉ có một, không hai, cho nên gọi là “một pháp giới” (nhất pháp giới).

 

 

MỘT PHÁP TRUNG ĐẠO (nhất pháp trung đạo)

 Chữ “pháp” ở đây là chỉ cho sự tồn tại, là vạn sự vạn vật. Chữ “trung đạo” ở đây có nghĩa là không phải có cũng không phải không, tức vượt trên ý niệm có không. “Một pháp trung đạo” tức là luận về diệu lí trung đạo (không phải có cũng không phải không) trên ngay một pháp, do tông Pháp Tướng khởi xướng. Tông này cho tánh biến kế sở chấp là vọng tình, cho nên nói là “không”; và cho tánh y tha khởi cùng tánh viên thành thật(1) là giả có và thật có, cho nên nói là có (hữu). Ngay trong một pháp đã có đầy đủ 3 tánh đó, bởi vậy, một pháp vừa là không phải có, vừa là không phải không; đó tức là nghĩa lí trung đạo. Bất cứ một sắc, một thanh, một hương v.v... nào cũng nằm trong nghĩa lí đó, cho nên gọi là “một pháp trung đạo”.

 

(1) Về 3 tánh biến kế sở chấp, y tha khởi và viên thành thật, của vạn pháp, xin xem mục “Ba Tự Tánh” ở sau.

 

MỘT PHẨM (nhất phẩm)

Một phẩm tức là một chương kinh văn. “Phẩm” là một thuật ngữ Phật học, dùng để phân chia thiên, chương trong kinh điển. Chữ “phẩm” cũng có nghĩa là một bậc, địa vị, như nói “9 phẩm hoa sen” chẳng hạn.

 

MỘT SÁT NA (nhất sát na)

Một sát-na là một khoảng thời gian rất ngắn, tương đương với  ngày nay là 1/6.480.000 của 24 giờ, hay 1/75 sao.

 

MỘT TÂM BA PHÉP QUÁN (nhất tâm tam quán)

Đây cũng là một yếu nghĩa của

giáo lí tông Thiên Thai. Đại sư Trí Giả

đã phối hợp giáo lí “ba phép

quán” (tam quán) trong kinh Anh Lạc

với tư tưởng “không có

ngăn cách giữa không và có”

(không hữu vô ngại) của Bồ Tát

Long Thọ mà lập nên giáo nghĩa “một

tâm ba phép quán”, là một trong những

giáo lí nền tảng của tông Thiên Thai. Ba phép quán là:

1.  Không: quán niệm rằng tất cả

mọi hiện tượng đều nương nhau

mà có, cho nên chúng không có bản

chất chân thật, tất cả đều là

không.

2. Giả: quán niệm rằng tất cả

mọi sự vật đều biến đổi

luôn luôn (vô thường), không

có tính đồng nhất; tuy chúng có hiện

hữu, nhưng sự hiện hữu của

chúng chỉ là giả tạm, không có gì

tồn tại vĩnh viễn.

3. Trung đạo: quán niệm rằng tất

cả mọi hiện tượng vừa là

không mà cũng vừa là giả,

đồng thời, không phải là không

mà cũng không phải là giả.

Ba phép quán này, nếu quán niệm một

cách có thứ tự – trước

hết là quán niệm về không, thứ

đến là về giả, sau cùng là

về trung – thì gọi là “thứ

đệ tam quán”; nhưng đó không

phải là chủ trương của tông Thiên Thai.

Đại sư Trí Giả của tông Thiên Thai

đã phát triển ba phép quán trên

đây đến chỗ viên dung, không ngăn

cách, không thứ tự trước

sau, vượt tất cả khái niệm: trong

một phép quán gồm đủ cả ba phép

quán, cho nên gọi là “nhất tâm

tam quán” – hay cũng gọi là “viên

dung tam quán”, “bất thứ đệ tam

quán”, “bất khả tư nghị tam quán”.

Ba phép quán trên đây là ba chân

lí của tông Thiên Thai: chân lí của

Không, chân lí của Giả, và

chân lí của Trung đạo. Ba chân lí

này không cách biệt nhau mà dung nhiếp

nhau, ba trong một, một trong ba. Mỗi một trong

ba đều có giá trị toàn diện. Vậy,

“một tâm ba phép quán” là

phép quán niệm như sau:

- Khi quán niệm về không, một cái

đã là không thì tất cả cũng

đều là không; cả giả và trung

cũng đều không (nhất không nhất

thiết không).

- Khi quán niệm về giả, một cái đã là giả thì tất cả cũng đều là giả; cả không và trung cũng đều giả (nhất giả nhất thiết giả).

- Khi quán niệm về trung, một cái đã là trung thì tất cả cũng đều là trung; cả không và giả cũng đều trung (nhất trung nhất thiết trung).

Cũng cần nói thêm, “trung” không có nghĩa là ở giữa hai, mà là ở trên, vượt cả hai; cũng có thể nói nó là cả hai. “Trung” chính là thực tướng, gồm có không tướng và giả tướng. Cả ba chân lí: không, giả và trung luôn luôn hợp nhất, dung hòa và bao hàm lẫn nhau.

 

MỘT THẾ GIỚI (nhất thế giới)

Chữ “thế” nghĩa là trôi chảy, ở đây là chỉ cho thời gian. Chữ “giới” nghĩa là khu vực, phạm vi, ở đây là chỉ cho không gian. Từ “thế giới” nguyên được dùng để chỉ cho nơi cư trú của chúng sinh, là cái thế giới hữu vi trong ba cõi; nhưng trong kinh điển đại thừa cũng dùng từ này để chỉ cho thế giới vô vi, tuyệt đối ngoài ba cõi, như kinh Hoa Nghiêm có nói tới “thế giới Liên-hoa-tạng”, kinh A Di Đà có nói tới “thế giới Cực-lạc” v.v..., đều là cảnh giới chân thường của chư Phật. Ở đây chỉ xin nói về “thế giới hữu vi” mà thôi.

Người Ấn độ thời cổ đại đã y cứ vào thuyết “núi Tu-di” mà thành lập vũ trụ luận, tức là lấy núi Tu-di làm trung tâm, bao quanh có 9 núi, 8 biển, 4 châu thiên hạ, mặt trời và mặt trăng, hợp lại làm thành một đơn vị, gọi là “một thế giới”. Hợp 1.000 thế giới làm thành “một tiểu thiên thế giới”. Hợp 1.000 tiểu thiên thế giới làm thành “một trung thiên thế giới”. Hợp 1.000 trung thiên thế giới làm thành “một đại thiên thế giới”. Vậy, một đại thiên thế giới gồm có (1.000 x 1.000 x 1.000 =) 1.000.000.000 thế giới; và trong vũ trụ gồm có vô số cái “một đại thiên thế giới” như thế.

 

MỘT TIỂU KIẾP (nhất tiểu kiếp)

Một tiểu kiếp là chỉ cho một đơn vị thời gian. Theo Luận Đại Tì Bà Sa, khi mạng sống của con người ở mức 10 tuổi, kể từ đó, mỗi 100 năm tăng lên 1 tuổi, tăng cho tới 84.000 tuổi là mức cùng cực; lại bắt đầu từ đó, mỗi 100 năm giảm xuống 1 tuổi, giảm cho tới 10 tuổi là mức cùng cực. Cứ một lần tăng và một lần giảm của tuổi thọ con người như thế, cộng lại được 16.800.000 năm, đó là thời gian của một tiểu kiếp.

 

MỘT TRẦN KHÔNG NHIỄM (nhất trần bất nhiễm)

Chữ “trần” ở đây cũng được gọi là “cảnh”, chỉ cho đối tượng của căn (giác quan). Sáu căn (lục căn: nhãn, nhĩ, tị, thiệt, thân, ý) có đối tượng là sáu trần (lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp)(1). Thông thường người phàm phu, hễ căn tiếp xúc với trần (mắt thấy sắc chẳng hạn) thì sinh niệm tham ái, bám víu, mà gây nên nhiều hành động xấu ác, Phật giáo gọi đó là “bị cấu nhiễm” (nhiễm). Nếu người có căn trí, biết tu tập, thì mắt thấy sắc mà tâm không sinh niệm tham ái, không bám víu, cho nên không gây tội lỗi, Phật giáo nói, người này tuy căn vẫn tiếp xúc với trần mà tâm thức vẫn thanh tịnh, không bị cấu nhiễm (bất nhiễm). Đó là ý nghĩa của câu nói “một trần không nhiễm” (nhất trần bất nhiễm).

 

(1) Sáu căn, sáu trần, xin xem mục “Sáu Giác Quan,...” ở sau.

 

MỘT TRUNG KIẾP (nhất trung kiếp)

Cứ 20 tiểu kiếp thì gọi là một trung kiếp. (Xin xem mục “Một Tiểu Kiếp” ở trên.)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp