Tập sách LƯỢC GIẢI NHỮNG
PHÁP SỐ CĂN BẢN do chúng tôi biên soạn, đã được Làng Cây Phong xuất bản
từ 11 năm trước. Hồi đó, khi soạn sách này, chúng tôi chỉ nhắm vào một
số độc giả bạn đạo giới hạn, nên chỉ soạn ngắn gọn; nhưng sau khi quyển
sách ra đời, thì nó đã được phổ biến thật rộng rãi trong mọi giới độc
giả.
Riêng chư Tôn Đức Tăng Ni
thì vừa tán thưởng, vừa nhắc nhở soạn giả rằng: “Khi nào tái bản thì nên
bổ túc cho đầy đủ hơn, để phổ biến rộng rãi hơn.”
Sách đã phát hành hết từ
lâu, rất nhiều quí vị Phật tử và thiện hữu tri thức đã yêu cầu cho tái
bản; nhưng thời gian qua chúng tôi còn quá bận với những soạn phẩm khác,
nên việc tái bản đành phải chậm lại, mãi đến hôm nay mới thực hiện được.
Lần tái bản này, chúng tôi cố gắng sửa chữa những điều cần thiết, và
soạn thêm những pháp số mới để bổ túc cho quyển sách được đầy đủ hơn;
nhưng dù sao thì cũng chỉ tự mình tạm cho là “đủ”, chứ sự thật thì chẳng
biết bao nhiêu mới là đủ!
Chúng tôi xin chân thành
tri ân chư Tôn Đức Tăng Ni và chư vị Phật tử đã quan tâm và khích lệ,
khiến chúng tôi luôn luôn tinh tấn trong Phật sự.
Nam Mô Thập Phương Thường
Trú Tam Bảo tác đại chứng minh
Kính cẩn,
Hạnh Cơ - Tịnh Kiên
Miền Tây Gia-nã-đại, mùa An-cư PL. 2551 (2007)
LỜI GIỚI THIỆU
Mười năm
trước đây, nhân một khóa tu với Thầy Nhất Hạnh, tôi có duyên gặp cư sĩ Hạnh Cơ,
được nghe cư sĩ giảng cho một số anh chị em về Pháp Số. Sau cư sĩ Hạnh Cơ gửi
cho chúng tôi những pháp số đã viết. Ai nấy đọc đều lấy làm thích thú, ước ao
rằng cư sĩ sẽ hoàn thành công việc biên soạn quý hóa đó.
Tới nay
thì lòng mong ước của chúng tôi đã được toại nguyện, và tôi có được niềm vui
giới thiệu tập Lược Giải Những Pháp Số Căn Bản với quý vị độc giả bốn phương.
Tôi là kẻ hậu học, nên không dám có lời phê bình quyển sách này. Chỉ xin nói
rằng, mỗi pháp số được tác giả trình bày một cách gọn gàng và sáng sủa, không sơ
sài mà cũng không đi quá vào chi tiết.
Tôi tin
chắc rằng sách sẽ giúp ích rất nhiều cho những vị muốn tìm hiểu đạo Phật và sẽ
có chỗ xứng đáng trong tủ sách của mọi Phật tử. Những người muốn tu thân theo
phương pháp đạo Bụt sẽ thấy các lời giải thích của Hạnh Cơ rất hữu ích cho việc
tu học. Đạo Bụt không phải chỉ là một kho hiểu biết mà đích thật là trình bày
cho chúng ta cách sống để đạt tới an lạc trong cuộc đời này.
Tôi xin
ghi nơi đây lòng ngưỡng mộ của tôi đối với tác giả, đã dồn nhiều tâm trí thực
hiện một công cuộc đòi hỏi rất nhiều hiểu biết và kiên nhẫn.
Chân Hội NGUYỄN TẤN HỒNG
(1995)
LỜI NÓI ĐẦU
Tại núi Linh-thứu (gần thành Vương-xá), trước khi khởi sự chuyến du hành bố giáo
lần cuối cùng hướng về phương Bắc (rừng Câu-thi-na – nơi sẽ nhập niết bàn), đức
Thế Tôn có dạy chư tăng về Bảy Phép Bất Thối, và Ngài kết luận: “Này
các vị khất sĩ! Chừng nào mà các vị còn thực hành được bảy điều ấy, gọi là bảy
phép bất thối, thì đạo pháp còn hưng thịnh và giáo đoàn không bị suy
thoái.”
Sau đó, tại rừng Đại-lâm (gần thành Tì-xá-li), Ngài lại dạy: “Các vị khất sĩ!
Những gì mà Như-Lai đã thực chứng và đã truyền lại cho quí vị, quí vị hãy thận
trọng và khéo léo mà học hỏi, giữ gìn, tu tập, chứng nghiệm, và truyền đạt lại
cho những thế hệ tương lai. Nếp sống phạm hạnh cần được nối tiếp vì an lạc và
hạnh phúc của mọi người và mọi loài.” Rồi tại rừng Câu-thi-na, trong những
phút cuối cùng của cuộc đời hóa đạo, Ngài cũng còn ân cần nhắc nhở cho vị đệ tử
cuối cùng là Tu-Bạt-Đà-La: “Subhadda! Ở đâu, trong đoàn thể nào mà có sự
thực hành Bát Chánh Đạo là ở đó có người đạt đạo.”
Qua các lời
dạy trên, chúng ta thấy rõ đức Thế Tôn đã rất quan tâm đến sự tu học, thực
chứng, và thực hành giáo pháp. Chánh pháp phải được tu tập, thực chứng, thể
hiện, và truyền đạt thì mới trường cửu ở thế gian. Pháp bảo không phải là những
bộ Đại Tạng nằm im lìm trong các tủ kinh sách, mà chính là “nếp sống như
pháp” nơi các đoàn thể tu học và nơi mỗi cá nhân của tăng đoàn và Phật tử. Bởi
vậy, sự học hỏi, thực hành và truyền bá Phật pháp là việc vô cùng quan trọng của
người tu học.
Chúng ta
thường nghe nói, giáo pháp của Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, bất cứ
người có căn cơ, trình độ cao thấp ra sao cũng đều có pháp môn thích hợp để tu
học. Lời nói ấy chỉ có nghĩa, giáo pháp của Phật luôn luôn là phương tiện hướng
dẫn người tu học đạt đến thành quả cuối cùng là giác ngộ và giải thoát; chúng ta
đừng hiểu lầm mà cho rằng, giáo pháp của Phật có tám vạn bốn ngàn pháp môn sai
khác nhau, tách biệt nhau, độc lập với nhau. Sự thật thì Phật pháp là giáo pháp
viên dung, bất cứ một pháp môn nào cũng hàm chứa trong nó những pháp môn khác;
một pháp môn có mặt trong tất cả pháp môn, tất cả pháp môn có mặt trong một pháp
môn. Vì vậy, khi “chọn lựa” một pháp môn để tu học thì không có nghĩa là chúng
ta chỉ ôm giữ, miệt mài, “chết sống” với pháp môn đó thôi; mà chúng ta phải thấy
rằng, trong lúc thực hành một pháp môn thì đồng thời chúng ta cũng đang thực
hành nhiều pháp môn liên hệ khác. Bởi thế mà trong biển Phật pháp, có những pháp
môn được gọi là “PHÁP SỐ”, tức là tập họp một số lượng pháp môn chi tiết
có tính chất liên hệ mật thiết với nhau để làm thành một pháp môn tổng quát hơn,
mục đích là giúp cho sự tu tập được nhất quán, toàn vẹn. Ví dụ: Hành động đầu
tiên để trở thành một Phật tử là chúng ta phải phát nguyện quay về và nương
tựa (qui y). Khi phát nguyện như vậy, chúng ta không thể nói: “Tôi chỉ
qui y Phật và Pháp mà thôi, chứ không muốn qui y Tăng!”; mà phải nói:
“Tôi phát nguyện qui y Tam Bảo.” Đã phát nguyện quay về nương tựa thì phải
quay về nương tựa với đầy đủ Ba Ngôi Báu, tại vì theo đạo lí viên dung, trong
Phật đã bao gồm có Pháp và Tăng, trong Pháp đã hàm chứa Phật và Tăng, và trong
Tăng cũng đã hiện hữu Phật và Pháp; không thể nào có Phật nếu không có Pháp và
Tăng, cũng như không thể nào có Phật và Pháp nếu không có Tăng... Như vậy, Ba
Ngôi Báu (Tam Bảo) là một pháp số.
Các pháp môn
có tên bắt đầu bằng các con số như một (1), hai (2), ba (3), mười (10),
v.v... đều gọi là pháp số (cũng gọi là “danh số”). Trong ba tạng
kinh điển, những pháp số như vậy rất nhiều. Các pháp số chúng tôi
trình bày trong sách này là các pháp môn có tính cách căn bản, không những chúng
xuất hiện bàng bạc trong cùng khắp kinh luận mà còn là những pháp môn nền tảng
cho công phu tu tập, là những viên gạch rắn chắc cho con đường an lạc và giải
thoát. Cho nên, chúng tôi sẽ trình bày các pháp số đó trong ý hướng tu học mà
không phải là một “từ điển” về pháp số. Với những pháp số này, trong ý hướng tu
học, chúng ta có thể khảo cứu, học hỏi, thực hành và trao đổi; lấy ánh sáng của
pháp môn soi rọi cho đời sống hằng ngày, rồi lại đem những kinh nghiệm của cuộc
sống phản chiếu làm cho pháp môn càng thêm sáng tỏ. Đó cũng là cách thực hành
lời dạy bảo ân cần của đức Thế Tôn trước khi Ngài nhập niết bàn.
Chúng tôi hi
vọng tập sách nhỏ này sẽ giúp ích phần nào cho sự tu học của đại chúng. Chúng
tôi cũng mong mỏi được các bậc cao minh tôn túc chỉ bảo cho những điều sai sót
mà chúng tôi biết chắc chắn là không thể nào tránh khỏi được.
Thành phố Edmonton,
Gia-nã-đại,
đầu Hạ năm Ất-Hợi, PL. 2539
(1995)
Hạnh Cơ
LƯỢC GIẢI NHỮNG PHÁP SỐ CĂN BẢN
Cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn, đánh máy,
và trình bày trang sách
Nữ cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo
Làng Cây Phong in lần thứ nhất, Montreal, 1996
Ban Bảo Trợ Phiên dịch Pháp Tạng Việt Nam
in lần thứ hai, California, 2008
(có sửa chữa và bổ túc)
---o0o---