Sinh diệt nương nhau
Năm cũ đi đâu mất rồi?
Chỉ còn vài giờ nữa là sang năm mới, và
đây là bài pháp thoại cuối cùng của tôi trong năm 2008. Quý vị có tin
không, có tin là chỉ còn vài giờ nữa là hết năm 2008 không? Tôi thì
không tin. Khó tin quá. Năm 2008 đang chạy trốn. Bây giờ chúng ta thử
chạy theo để kéo năm 2008 về nhé. Nhưng kéo không nổi đâu, khó lắm.
Thôi, bây giờ để tôi hỏi quý vị câu này: “Sau khi rời chúng ta, năm 2008 sẽ đi đâu?”.
Cái năm vẫn đang ở cùng với chúng ta, trong vài giờ nữa nó sẽ rời chúng
ta thôi, mọi người đều nghĩ vậy. Nhưng câu hỏi của tôi là “khi năm 2008
đi rồi thì nó đi đâu? Nó đi hướng nào, và chúng ta tìm nó ở đâu?”. Đây
là câu mà tôi thường tự hỏi.
Và năm mới, năm 2009 tới từ đâu? Đó là
một câu hỏi rất sâu, rất hấp dẫn. Thiền quán là chúng ta phải làm vậy,
chứ không phải cứ ngồi lim dim hoài, thở vào thở ra, chỉ có vậy thôi thì
đâu có được. Mình phải nhìn sâu, phải đặt những câu hỏi rất sâu để có
thể tìm ra những câu trả lời rất sâu. Đó là những câu hỏi đủ thích thú.
Năm 2008 đã đi về hướng nào? và năm
2009 tới từ hướng nào? Chúng có thể tin là năm mới tới từ hướng Đông,
tức là năm mới tới từ Việt Nam, Nhật Bản trước, vì chỉ còn khoảng 2 giờ
nữa là năm mới đặt chân tới Việt Nam, sau đó năm mới sẽ đi thiền hành
mất 6 tiếng nữa mới tới Pháp. Như vậy có nghĩa là năm mới nằm ở vùng
Viễn Đông. Nhìn trên quả địa cầu, chúng ta đang ở Pháp thì Việt Nam,
Nhật Bản, Thái Lan nằm ở phía Đông. Nhưng nếu chúng ta đang ở Việt Nam
thì hướng Đông lại là ở bên Mỹ, bên Pháp. Thành ra khi nhìn kỹ thì ta
không tin là năm mới tới từ hướng Đông. Bụt dạy, không có đến, không có
đi, không có sau, không có trước.
Tôi sẽ nói cho quý vị nghe nhiều điều
khác, để quý vị hiểu vấn đề này, giải quyết vấn đề năm 2008 đi về đâu và
năm 2009 từ đâu đến. Chúng ta rất muốn biết 2008 rời chúng ta đi về
đâu. Khi chúng ta nhìn xung quanh, chúng ta thấy có sự sống cùng khắp,
và ánh sáng là một sự mầu nhiệm.
Hồi sáng, lúc đi thiền hành ở Xóm
Thượng, tôi đi xuôi xuống dưới chùa Sơn Hạ. Mỗi bước chân giúp tôi tiếp
xúc với sự sống rất sâu sắc, sự sống xung quanh tôi, sự sống ở ngay
trong từng bước chân tôi, ngay nơi nào tôi đứng. Khi tôi ở Cốc Ngồi Yên
tại Xóm Thượng, khi nào có dịp quý vị cũng nên đi thăm Cốc Ngồi Yên của
tôi, tôi đi xuống Sơn Hạ, nơi mà thầy Pháp Sơn là trụ trì, tôi đi theo
một con đường nhỏ đầy những lá sồi, mùa thu rừng sồi rớt nhiều lá và
tuyết rơi mấy bữa trước làm cho lá sồi ướt sũng rồi từ từ rữa ra trở
thành một loại đất rất màu mỡ trở lại nuôi cây sồi.
Tôi đi rất chánh niệm và thấy rất rõ là
những lá sồi này sẽ trở thành loại đất mịn, xốp, rất tốt, rất phì nhiêu
để nuôi cây. Và tôi nghĩ nếu quý vị cũng đi mà nhìn sâu như tôi thì quý
vị sẽ thấy đất mùn nằm ở trên mặt đất là nhờ những chiếc lá sồi hoại đi
làm thành đất thịt màu mỡ, và mình có thể thấy những chiếc lá đang nằm
trong lòng đất. Hiện giờ mắt thường chúng ta có thể thấy được những
chiếc lá sồi đang hoại dần, nhưng vài tháng nữa thì không trông thấy
hình dạng của lá nữa mà chỉ thấy đất thịt xốp mịn thôi vì chúng đã mủn
thành đất hết rồi. Lúc ấy mình có thể cười và nói với những chiếc lá:
“Này, đừng có tưởng thay hình đổi dạng mà tôi không nhận ra được em nhé,
tôi biết là em đang nằm ở trong lòng đất ấy”.
Nhìn sâu thì ta sẽ thấy lá cây rụng
xuống làm thành đất mùn, đất thịt bồi bổ cho cây, vì vậy mỗi năm cây
rụng lá để làm cho đất màu mỡ thêm, sang năm cây sẽ cho nhiều lá hơn năm
trước, đẹp hơn và tốt hơn năm trước. Tới mùa hè thì nó xanh mướt đầy
nhựa sống, chất nhựa này nuôi cho cây to lớn, tới mùa thu nó lại rụng
lá, rồi tới mùa đông nó mủn trở lại thành đất, đất trở lại nuôi cây,
thành ra nếu mình nhìn sâu như vậy thì thấy rất là hấp dẫn.
Khi thấy như vậy thì tôi không sợ chết.
Chết không là cái gì hết, chết chỉ là đổi thân, thay một chiếc thân mới
mạnh khỏe hơn, đẹp đẽ hơn mà thôi. Vì vậy khi lá rụng khỏi cây, nó
chết, nhưng nó không buồn rầu, nó nói: “sướng quá, mình sắp được trở về
đất, trở về nhà mình rồi”. Mình sẽ ở đó vài tháng rồi sẽ lại chui vào
thân cây trở lại, và thân cây sẽ đưa ra những cái lá mạnh khỏe, bụ bẫm
hơn. Thành ra dù đi trên mặt đất, tuy không nhìn thấy những chiếc lá,
nhưng mình biết chiếc lá đang có mặt trong lòng đất. Và mình nói: “Này,
mấy cái lá của tôi ơi, tôi biết em còn đâu đó, và em sẽ lại trở thành
những chiếc lá xanh, những chiếc lá rất đẹp trong mùa xuân, mùa hè, mùa
thu”. Biết rõ như vậy thì khi rơi xuống đất lá chẳng sợ gì hết, nó vừa
rơi vừa khiêu vũ múa ca, vừa thảnh thơi để làm một điệu vũ chót trước
khi chạm xuống mặt đất, chuẩn bị một cuộc hành trình mới.
Cái chết và cái sống tưởng chừng chống
đối nhau, là kẻ thù của nhau. Nhưng kỳ thực trong tuệ giác của đạo Bụt,
cái sống và cái chết tương tức với nhau, nó dựa vào nhau để làm ra nhau.
Không có cái chết thì không bao giờ có cái sống. Và không thể có cái
sống nếu không có cái chết. Biết được điều đó chúng ta sẽ không sợ hãi
nữa. Và chánh kiến mà ta đạt được làm cho ta không còn buồn đau, tủi
hận, giận hờn, sợ hãi nữa. Nếu trân quý sự sống thì mình biết rằng sự
chết là một phần của sự sống, nó là một nguyên tố để làm ra sự sống.
Giống như cánh hoa phải chết đi để cho quả lớn lên. Cái vỏ cứng phải vỡ
ra thì hạt mới nảy mầm. Chúng ta biết rằng trong cơ thể chúng ta có rất
nhiều tế bào, các tế bào sinh diệt không ngừng. Ngày nào cũng có các tế
bào cũ chết đi để các tế bào mới sinh ra. Lúc đó, mình thấy mình ôm hết
cả cái chết và cái sống ở trong lòng. Khi mình thấy cần phải trân quý sự
sống thì không có nghĩa là mình sợ chết. Và sự thực tập ở Làng Mai là
chánh niệm. Trong mỗi bước đi, trong mỗi hơi thở mình đều thấy được rằng
mình đang có mặt.
Ai cho ta sự sống?
Một khi mình có mặt hoàn toàn, rất sâu
sắc thì mình thấy sự sống có mặt trong mình, có mặt xung quanh mình rất
mầu nhiệm. Cho nên chúng ta rất may mắn vì chúng ta đang có sự sống từng
phút từng giây, sự sống dàn trải xung quanh ta. Có người cho chúng ta
sự sống, mà trong Kitô giáo, trong Do Thái giáo người ta tin rằng đó là
Thượng đế.
Trong đạo Bụt chúng ta cũng nói không
khác đâu, nhưng chúng ta dùng từ ngữ khác, cách trình bày khác. Khi bám
vào chữ người cho và người nhận, thì mình nghĩ phải có người cho, người
nhận và cái vật được cho, được nhận đúng không? Nhưng ví dụ bây giờ
chúng ta nhìn kỹ vào thân thể mình rồi hỏi: “Tấm thân này từ đâu tới? Ai
cho mình hình hài này?” Thì cha mẹ mình chứ ai! Mình được sinh ra từ
tinh cha huyết mẹ, thân thể này do cha mẹ sinh ra. Thân thể này là một
món quà, là một vật nhận. Vậy ai trao tặng? Nhìn vào là mình biết liền,
cha mẹ trao cho mình chứ ai vào đây nữa. Học di truyền học mình thừa
biết là cha mẹ tới với nhau tạo ra mình, cho nên mình mang cả di thể của
cha và di thể của mẹ trong cơ thể mình. Nhìn sâu vào cơ thể mình, mình
sẽ thấy rất rõ cha mẹ dưới hình thức di thể trong thân và tâm của mình.
Nghĩa là cha mẹ là người cho và mình là người nhận đồng thời cũng là vật
được cho và nhận. Thành ra nếu nói Chúa là người trao cho mình sự sống
thì Chúa nằm ở trong mình chứ đâu phải ở ngoài, Chúa nằm trong từng di
thể của mình. Nếu muốn tìm Thượng đế thì phải tìm trong chính mình.
Khi có vấn đề với cha, mình muốn lấy
ông già này ra khỏi mình, nhưng lấy được không? Có người giận bố quá
nói: “Ông ấy hả? Tôi không dính dáng gì tới ông hết”. Giận mẹ quá, có
người nói: “Tôi không phải là con bà, tôi không liên quan gì tới bà
hết”. Nhiều người Tây phương nghĩ như vậy đó, rất là vô lý. Anh không
thể lấy cha mẹ ra khỏi anh được, chị không thể lấy cha mẹ ra khỏi chị
được.
Khi nhìn vào bản thân, mình thấy mình
là con của bố mẹ. Nhưng mình cũng chính là bố mẹ. Tại vì bố mẹ và tất cả
tổ tiên cũng ở trong mình. Mình không thể lấy bố mẹ, tổ tiên ra khỏi
mình được, không thể tách rời được. Đi đâu đứa con cũng mang cha mẹ tổ
tiên đi theo. Vì vậy cho nên bố mẹ cho mình sự sống, nhưng kỳ thực bố mẹ
đã trao bản thân của bố mẹ cho mình. Người cho, người nhận và vật được
cho chỉ là một. Cái này ôm lấy cái kia. Không có cái này thì không có
cái kia. Một người không có con thì không ai gọi người đó là mẹ được.
Người đó chỉ có thể là mẹ khi người ấy có con thôi. Cho nên có con thì
mới có mẹ và có mẹ thì chắc chắn phải có con. Nếu mình nghĩ con là con,
mẹ là mẹ thì không đúng. Con và mẹ tương tức với nhau.
Khi còn là một tu sĩ trẻ, tôi được dạy
“tam luân không tịch”, tức là người cho, người nhận, vật được cho chỉ là
một, không thể tách rời. Bố mẹ cho mình cái gì? Cho di thể của người,
di thể làm ra chú bé hay cô bé gọi là mình, như vậy thì mình là cái bọc
quà mà bố mẹ cho, nhưng mình cũng là người nhận, nhận tất cả những di
thể của bố, tất cả những di thể của mẹ, thành ra mình cũng vừa là bố mẹ
luôn. Cái đó gọi là “tam luân không tịch”. Tam luân là ba thế hệ, chữ không
trong đạo Phật có nghĩa là không có một cái ta riêng biệt, không một
cái gì độc nhất, bất biến. Thành ra ba mà là một, trong một có cả người
cho, người nhận và vật được nhận. Quý vị ráng nhìn sâu để thấy được điều
đó. Chúng ta có thể thấy được trong mỗi giây phút của sự sống.
Chuyện này tôi đã kể cho quý vị nghe
rồi, nhưng mà tôi sẽ kể lại một lần nữa. Đó là vào đầu năm 2008, khi
cùng với 45 thầy và sư cô mở khóa tu tại Ý, có 800 thiền sinh tới tham
dự và tôi đã tặng cho họ mỗi người một hạt bắp. Ở đó có gần 100 cháu
nhỏ, tôi cũng phát cho các cháu luôn và dặn phải giữ gìn hạt bắp cho cẩn
thận, đem về nhà trồng vào một cái chậu, mỗi ngày nhớ tưới nước cho nó,
ít lâu sau nó sẽ mọc lên cây bắp nhỏ xíu. Tôi còn dặn thêm, khi cây bắp
ra hai chiếc lá đầu tiên thì mình tới gần nó và hỏi:
- Này cây bắp ơi, cho tôi hỏi em một câu nhé, thế em có nhớ trước đây em là một hạt bắp không?
Hỏi xong thì lắng nghe cây bắp trả lời.
Có thể lúc đó nó hơi bực, nó nghĩ: “Cái gì? Người ta là cây bắp xanh
tươi xinh đẹp thế này mà nói người ta là hạt bắp nhỏ xíu hả? Còn lâu
nhé!” Nó có thể khó chịu trước câu hỏi của mình vì nó quên, lúc ấy mình phải nhắc nó, mình nói:
- Chính tôi đã mang em về từ
khóa tu, chính tay tôi trồng và tưới nước mỗi ngày em có nhớ không? Từ
hạt bắp em bắt đầu nảy mầm, ra hai lá rồi ra bốn lá.
Khi nhớ ra cây bắp sẽ cảm ơn chúng ta
nhiều lắm. Có thể nói hạt bắp là cha mẹ của cây bắp, cũng có thể nói,
cây bắp là sự tiếp nối của hạt bắp. Trong chúng ta, nhiều người cũng
quên rằng mình tới từ cha mẹ và cũng không biết rằng cha mẹ đang có mặt
trong mình. Mình là con của cha mẹ, mình là sự tiếp nối của cha mẹ, mình
cũng chính là cha mẹ vì cha mẹ luôn có trong người mình.
Tôi mời quý vị nhìn vào cây thước. Nếu
với cái tâm phân biệt mình sẽ nói: “Ô, đây là cây thước, đây là đầu bên
phải, còn đây là đầu bên trái; bên trái và bên phải ngược hướng nhau,
chúng chống đối nhau.” Cách mình nghĩ là như vậy. Nhưng nếu nhìn sâu thì
ta thấy bên phải và bên trái luôn đi chung với nhau. Hễ có bên phải thì
có bên trái. Chính bên trái sinh ra bên phải và bên phải sinh ra bên
trái. Không có phải thì làm sao có trái? Trái và phải nương nhờ nhau,
chúng cần nhau.
Về mặt chính trị, mình cho rằng nhóm
người thủ cựu là thủ cựu, người tiến bộ là tiến bộ. Mình thuộc về phe
tiến bộ thì đừng mong phe thủ cựu chết hết đi, tại vì nếu phe thủ cựu
chết hết thì mình cũng trở thành thủ cựu thôi. Vì trong nhóm tiến bộ thế
nào cũng có những người thủ cựu của tiến bộ. Và khi mình cho rằng mình
là phe tiến bộ, thì bên kia họ lại nghĩ họ mới là phe tiến bộ, trong mắt
họ thì mình lại là thủ cựu. Cho nên thủ cựu và tiến bộ nương nhau. Tay
phải và tay trái nương vào nhau, như đất thịt ôm lấy cây. Và những lá
sồi dù nằm ở trên cao, nhưng nó cũng đang ôm lấy đất, nó nhận được những
chất khoáng, những chất đạm từ đất, ánh sáng mặt trời, không khí rồi
gửi về nuôi cây. Thành ra cái nào cũng tương tức, tương nhập với nhau,
không có sự phân cách.
Con mắt kỳ thị của chúng ta thấy người
này khác người kia, bên phải khác bên trái, cha khác với con. Nhưng nếu
nhìn sâu để thấy được sự liên hệ chằng chịt đó thì ta sẽ thấy tất cả là
một. Mẹ cũng là con, con cũng là cha, cha cũng là mẹ, bên phải cũng là
bên trái, mình cùng nhau là một. Và mình không cố gắng trốn sự chết. Vì
mình nghĩ chết là xấu, chỉ có sự sống mới quan trọng, nên lúc nào mình
cũng trốn tránh cái chết để chạy theo sự sống mà quên rằng sống và chết
nương vào nhau giống như bên phải và bên trái, có sống thì mới có chết
và có chết thì mới có sống.
Như hạt bắp phải “chết” đi thì mới
“sinh ra” cây bắp, nhìn lại ta thấy đâu có cái gì chết, đâu có cái gì
sinh ra, chỉ là sự thay hình đổi dạng mà thôi. Cho nên, sự sống và cái
chết ôm lấy nhau một cách miên mật, nhiệm mầu. Thấy được như vậy ta
không còn lý do gì để mà ghét cái chết nữa, ta nghĩ rằng chết là buồn
bã, khổ đau, nên nghĩ tới cái chết ta mới sợ hãi, tìm cách trốn chạy.
Nhưng mà điều đó đang xảy ra từng phút từng giây trong mỗi chúng ta.
Mỗi giây phút trong cơ thể ta có trăm
ngàn tế bào bị chết nhưng đồng thời cũng có cả trăm ngàn tế bào mới được
sinh ra. Khi gãi ta thấy có những bụi trắng rơi xuống, đó là tế bào
chết của da, mình cần có những tế bào chết đi để sinh ra những tế bào
mới khỏe mạnh hơn. Vì vậy, mỗi lần một tế bào trong người mình chết, ta
không cần làm đám ma, và mỗi lần có những tế bào mới sinh ra ta cũng
không cần phải làm giấy khai sinh làm gì vì giây phút nào mà chẳng có
các tế bào sinh ra và chết đi. Nếu không thì suốt đời mình chỉ lo đi làm
giấy khai sinh và làm đám ma thôi!
Thương tức là cho. Sự sống là một cái
gì rất quý mà mình có thể cho, cho mình, cho những người thương của
mình, cho thế giới. Phải sống làm sao để mỗi phút, mỗi giây mình phải là
người hiến tặng cho sự sống. Bụt đã dạy chúng ta rất rõ ràng cách để
thương, mỗi phút trong sự sống chúng ta phải phát khởi niệm thương yêu.
Khi mình có những tư duy đầy từ bi, tha thứ, đầy hiểu biết thì mình đang
hiến tặng sự sống rồi. Khi đó người khác chưa được hưởng nhưng mình là
người được hưởng trước. Nhờ có những tư tưởng từ bi, khoan dung mà thân
tâm mình khỏe nhẹ, con người mình trở thành một khối thương yêu, ai tới
gần cũng cảm thấy thoải mái.
Một tư tưởng đi về phía hướng suy nghĩ
đẹp đẽ, đúng đắn, gọi là chánh tư duy. Nếu quý vị chế tác được rất nhiều
chất liệu từ bi, tha thứ thì quý vị có thể gọi điện thoại cho người mà
mình gặp khó khăn để tha thứ cho người đó, để thương người đó. Khi đã
tha thứ được cho người ấy thì trong tâm mình được chữa lành, gia đình
mình được chữa lành, xã hội được chữa lành và trái đất được chữa lành.
Đó là cách tư duy của một đức Bụt. Điều này chúng ta phải làm liền tức
thì chứ đừng chờ đợi, nghĩ tới người đó và phát khởi lòng thương: “Tội
nghiệp quá, một người như vậy thì đáng thương quá đi, làm sao mà hạnh
phúc được”. Tư tưởng từ bi ấy là ý nghiệp, có ý nghiệp rồi chúng ta tiến
tới dùng khẩu nghiệp, điện thoại cho người ấy nói những lời dễ thương,
và làm những hành động dễ thương (thân nghiệp). Thân, khẩu, ý đều dễ
thương như vậy thì chúng ta đang là một vị Bụt.
Ăn mừng sự sống
Thường thường chúng ta hay chạy đi tìm
những hạnh phúc đâu đâu trong tương lai xa xôi mà không thấy thỏa mãn
trong giây phút hiện tại. Vì vậy chúng ta không có cơ hội để nhận diện
những mầu nhiệm của sự sống đang có mặt trong giây phút hiện tại. Đức
Thế Tôn dạy rằng chúng ta có thể sống hạnh phúc được ngay trong phút
giây hiện tại mà không cần phải phóng tâm về tương lai tìm cầu một cái
gì khác nữa. Giáo lý đó được gọi là giáo lý vô nguyện hay vô đắc. Giáo
lý đó cũng không có gì khó hiểu lắm và cũng không khó thực tập lắm. Vô
đắc hay vô nguyện là không chạy theo một bóng dáng hạnh phúc ở tương
lai hoặc ở nơi khác mà có thể sống hạnh phúc liền ngay trong giây phút
hiện tại. Chúng ta nên quyết tâm học và sống cho được như vậy.
Hạnh phúc là những gì có được ngay bây
giờ, và ngay ở đây. Trước hết là với hơi thở, với bước chân chánh niệm.
Ta thấy được rằng sự sống đang có mặt với tất cả những cái mầu nhiệm của
nó. Sự sống đang có mặt trong cơ thể mình, trong tâm hồn mình. Sự sống
đang có mặt ở chung quanh ta và ta phải tiếp xúc với sự sống. Tiếp xúc
sự sống bằng năng lượng chánh niệm của một người tỉnh thức. Không có
chánh niệm thì ta không tiếp xúc được với sự sống và những mầu nhiệm của
sự sống. Khi đã nhận diện được sự sống với những mầu nhiệm của nó rồi
thì ta thấy rằng mỗi giây phút rất là quý giá. Buổi sáng sớm, khi hít
thở mình thấy không khí rất trong lành và điều đó đem lại hạnh phúc liền
lập tức. Đó chính là tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm.
Chúng ta nên biết rằng giờ phút chúng
ta được sinh ra từ bụng mẹ là giờ phút vô cùng khó khăn. Ở trong bụng mẹ
chúng ta thấy ấm áp và êm đềm lắm. Thai nhi nằm trong nước nên rất êm
ái. Trong bụng mẹ thì không bao giờ quá nóng và cũng không bao giờ quá
lạnh. Mẹ thở cho mình, mẹ ăn cho mình, mình khỏi làm gì hết, chỉ cần nằm
yên ở trong đó thôi. Đó là những tháng tuyệt vời ở trong cung điện của
đứa con. Tử cung tức là cung điện của con.
Đến khi sinh ra hài nhi bị sốc rất lớn.
Đang từ chỗ rất êm ái, hài nhi phải đụng chạm đến những cái cứng và
điều quan trọng nhất là phải thở, phải tự mình thở. Khi ấy trong phổi
của em bé có những chất nước và em bé phải hắt hơi để cho nước từ trong
phổi thoát ra. Em bé bắt đầu thở vào hơi đầu tiên. Đó là giây phút rất
quan trọng của đời bé. Nếu lúc ấy bé không thở được thì bé sẽ chết. Đây
là giây phút rất khó khăn. Để thở được hơi thở đầu tiên thì phải hắt
hơi, đẩy ra những chất nước có sẵn ở trong phổi. Lúc đó em bé phải tự
thở lấy. Bây giờ mình đã vượt qua giai đoạn ấy rồi, giai đoạn đó chỉ
diễn ra chừng mấy giây thôi. Ta sống hay chết tùy thuộc vào mấy giây đó.
Nay thì ta có thể thở tự do bằng hai lá phổi của mình, chỉ nội chuyện
được thở không khí trong lành thơm tho thôi đã đem lại hạnh phúc rồi.
Mỗi khi bước đi, mình bước những bước
chân nhẹ, tiếp xúc được với cỏ, với cây, với sỏi, với đá. Rồi tiếp xúc
được với màu sắc, hình ảnh, âm thanh. Và những mầu nhiệm của sự sống
mình vẫn chưa thể giải nghĩa được. Mỗi cọng cỏ, mỗi cành hoa đều rất là
mầu nhiệm. Trăng, sao, mây, suối… tất cả những cái đó đều rất là mầu
nhiệm. Nếu sống quên lãng, không có chánh niệm, thì mình không nhận diện
được những điều kỳ diệu ấy, rồi mình tự giam mình trong cái vỏ của sự
buồn khổ, giận hờn, lo lắng, tuyệt vọng. Mình đánh mất hết tất cả những
mầu nhiệm đó của sự sống tại vì mình không tiếp xúc được với chúng. Cho
nên giáo pháp hiện pháp lạc trú của đạo Bụt rất hay và quan trọng. Mình
không cần phải chạy về tương lai để đuổi bắt một hạnh phúc xa xôi. Hạnh
phúc vốn có sẵn trong mình và xung quanh mình, chỉ cần mình trở về và
tiếp xúc với nó bằng chánh niệm thì hạnh phúc sẽ xuất hiện ngay trước
mặt mình. Những cái mà mình đang tìm kiếm nó đang sờ sờ ở trước mặt mình
đó thôi.
Khi chúng ta trở về được với giây phút
hiện tại, thì chúng ta sẽ tiếp xúc được với biết bao mầu nhiệm của sự
sống, và biết bao những điều kiện hạnh phúc mà chúng ta đang có. Ví dụ
như là chúng ta đang được thở, thở ra, thở vào dễ dàng, không có nguy
hiểm như cái thời mới sinh nữa, đó là một điều kỳ diệu. Chúng ta có thể
bước những bước chân bình an trên thảm cỏ xanh. Chúng ta có thể ngồi
uống trà. Chúng ta có thể ngắm nhìn những đám mây trắng bay, thấy trái
trăng vàng huyền diệu lơ lửng trên bầu trời. Chúng ta có thể mỉm cười
nhìn nhau. Tất cả những cái đó là những cái ta đang có và ta có thể sử
dụng được để đạt tới hạnh phúc. Ta đã sẵn có một kho tàng hạnh phúc
trước mặt. Tuy rằng sức khoẻ của ta không tuyệt hảo (thật ra thì không
có gì là tuyệt hảo hết), nhưng ta có đủ, có dư điều kiện để có hạnh phúc
trong giây phút hiện tại ăn mừng sự sống.
Mỗi bước chân thiền hành là ta đang ăn
mừng sự sống. Mỗi hơi thở bình an là ta đang ăn mừng sự sống. Mỗi khi
nâng ly nước lên uống là mình đang ăn mừng sự sống. Khi rửa bát, nấu cơm
đó đều là những hành động ăn mừng sự sống. Ăn mừng sự sống trong mỗi
giây phút của đời sống hàng ngày. Sướng quá, mình đang có mặt, sự sống
đang có trong mình và chung quanh mình.
Sống được như vậy thì tự nhiên đời sống
hàng ngày của mình trở thành một cái gì rất thiêng liêng. Mình không
cần phải trở thành người khác, không cần phải thành Phật hay thành Tiên,
không cần có bằng cấp, hay một địa vị nào cả. Chỉ cần tỉnh dậy, tiếp
xúc với những mầu nhiệm của sự sống thì tự nhiên mình có được cái mà
mình đang mải miết rong ruổi kiếm tìm.
Phải sống như thế nào để mỗi phút giây
trở thành phút giây của sự ăn mừng. Sống như thế nào để mỗi giây phút
của đời sống đều trở thành một huyền thoại cho con cháu của mình. Để sau
này mình tự tin nói với con cháu của mình rằng: “Đó, ông bà của các con
ngày xưa sống như vậy đó. Giây phút nào cũng vui, giây phút nào cũng
hạnh phúc”. Và điều này có thể làm được với giáo lý của đức Thế Tôn.
Ai cũng có khả năng sống hạnh phúc và
khả năng sống hạnh phúc là cái đức hạnh, cái quý nhất nơi một con người.
Người nào mà có khả năng sống hạnh phúc, người đó là người có giá trị
cao nhất. Có những người rất giàu, có những người rất quyền thế, có
những người nhan sắc rất mặn mà nhưng mà họ không có khả năng sống hạnh
phúc thì tất cả những thứ đó: quyền hành, tiền bạc, nhan sắc cũng bằng
không. Thành ra có khả năng sống hạnh phúc đó là cái quý giá nhất. Và
cái đó chúng ta có thể tập được.
Khi sống hạnh phúc rồi thì một cách rất
tự nhiên, ta làm hạnh phúc cho những người chung quanh thật dễ dàng.
Mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt, mỗi lời nói của ta đều tỏa chiếu bình an và ta
trở thành một nguồn suối hạnh phúc cho những người khác. Chúng ta nên
phát tâm sống như thế nào để mình có thể có hạnh phúc ngay ngày hôm nay.
Mình vốn có đủ hết rồi, không cần thêm một điều kiện nào khác nữa.