Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm
Một lần nọ, tôi hỏi một vị Sư “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”
có phải là câu hay nhất trong kinh Kim Cang không thì Sư nhẹ nhàng bảo
không, trong kinh Kim Cang câu nào cũng hay cả! Quả thật dần dần tôi
cũng thấy ra kinh Kim Cang chỗ nào cũng hay cả, mà hình như ngày càng
hay hơn, nhất là khi… áp dụng vào đời sống hằng ngày, đúng như Edward
Conze nói. Cách viết, cách trình bày từng chữ từng câu trong kinh Kim
Cang chặt chẽ, thuyết phục và nói chung là… hấp dẫn! Tôi
bị cuốn hút vào Kim Cang cũng như trước kia với Tâm Kinh. Tâm Kinh- dạy
cho Xá Lợi Phất, một đại đệ tử thông tuệ, trí thức nhất của Phật- hình
như là để trả lời rốt ráo cho câu hỏi Tại sao, mang tính lý thuyết; còn Kim Cang thì nói cho Tu Bồ Đề, vị đại đệ tử giải không đệ nhất, vô tranh, ưa tĩnh mịch, vốn xưa là người dễ nổi nóng, dễ giận hờn… là để trả lời cho câu hỏi Cách nào?,
nhằm hướng dẫn thực hành. Dĩ nhiên những bài giảng này dành cho các đại
đệ tử, hoặc các vị tu sĩ, không phải dành cho ta nên ta có lớ ngớ, bỡ
ngỡ , chưng hửng cũng là chuyện bình thường thôi! Có điều, lớ ngớ, bỡ
ngỡ, chưng hửng lại có cái hay của nó. Nó giúp ta tự thâm nhập, tự phát
hiện, tham gia trong quá trình nghiền ngẫm, thử nghiệm, khi thấy tin
được thì đem áp dụng vào đời sống hằng ngày để giải quyết những vướng
mắc, phiền não chẳng cũng khóai ru? Chẳng hạn câu “Ưng vô sở trụ nhi
sanh kỳ tâm” mà ai cũng biết, ai cũng đọc như thần chú để an ủi cõi lòng
mỗi khi phiền muộn , cũng là câu mà Lục tổ Huệ Năng hơn ngàn năm trước,
chỉ nghe lóm mà đại ngộ cũng đáng cho ta nghiền ngẫm miệt mài lắm chứ!
Đừng trụ vào đâu cả để mà sanh cái tâm thì sẽ…sướng, sẽ vui, sẽ hạnh phúc, sẽ thoát mọi “khổ đau ách nạn”. Thật ư?
Đừng trụ vào đâu cả? Đừng trụ vào đâu cả… ư?
Ờ, mà có lý! Khi xem hai đội banh xa lạ đụng độ nhau, tôi súyt xoa
thưởng thức những đường banh hay đẹp, nhưng khi một trong hai đội là…
đội của tôi- tôi là “fan” của họ- thì ôi thôi tôi lo lắng, khổ sở, bực
dọc đủ thứ với từng đường banh, từng cầu thủ, trọng tài. Tôi… nguyền
rủa, la hét, xỉ vả, rồi mừng rỡ khi đội mình thắng hay ngậm ngùi cay
đắng khi đội mình thua! Ăn mất ngon, ngủ mất yên vì cái đội banh… quái
quỷ mà tôi thương mến!
Hai thiền sinh
gặp một cô gái ở khúc sông sâu đang lúng túng không dám lội qua. Một
vị tình nguyện cõng cô qua. Trên đường về chùa, vị kia bỗng hỏi:- Làm
sao mà một ông sư lại dám cõng trên lưng một cô gái đẹp như vậy chớ? – Ơ
hay, tôi đã “buông” cô ta xuống lâu rồi, còn anh sao vẫn cứ “cõng” cô
ta đến bây giờ vậy!
Có nhiều cách
cõng. Cõng cô gái là một cách, cõng cái ý tưởng về cõng cô gái là một
cách khác. Cô gái thì đã đặt xuống rồi nhưng cái ý tưởng kia thì vẫn còn
quấn quít mãi không thôi, có lẽ còn đi vào cả giấc mơ! Người kia thấy
cô gái là cô gái, cần giúp thì giúp. Người nọ, thấy cô gái là cô
gái…đẹp, băn khoăn tự hỏi có nên giúp hay không, giúp có phạm quy không,
thậm chí còn bần thần “trăm năm biết có duyên gì hay không” nữa không
chừng! Người cõng càng lâu thì càng mệt, càng sớm còng lưng! Nhưng đâu
có dễ mà bỏ xuống chứ! Nghi Lâm tiểu sư muội cõng Lệnh Hồ huynh đệ bị
thương ( truyện Kim Dung) có một phen mà tâm thần bấn lọan dài dài! Cho
nên, Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm thật không dễ!
Phật dạy muốn không trụ vào đâu cả (vô sở trụ) thì phải ly tướng,
rời bỏ các hình thức, hiện tượng bày vẻ bên ngòai, vượt qua hiện tựơng
để thấy được cái thực chất bên trong. Ly được tất cả các tuớng
đã xứng danh là Phật; thấy đựơc các tuớng chẳng phải tướng là đã thấy
Như lai! Nhưng làm sao mà ly đây? Thế nên có người lên núi, làm một cái
cốc… trong hang động để xa lánh sự đời! Nhưng vẫn chưa ổn chút nào vì
cái tâm vẫn cứ còn quậy phá. Rõ ràng ở đây không phải vấn đề trốn chạy,
vì chạy đi đâu cho thóat cái tâm chính mình, một khi tâm vẫn chưa an?
Khi tâm đã an rồi thì đâu chẳng là… cốc, đâu chẳng là hang động? Cho nên
có thể nói chuyển từ “ly tướng” bên ngoài đến… “ly tướng” bên trong là
cả một sự chuyển hóa từ lượng sang chất.
“Thị
cố, Tu Bồ Đề ! Chư Bồ tát Ma ha tát ưng như thị sanh thanh tịnh tâm…Bất
ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ… Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!”.
Vậy
đó, Tu Bồ Đề! các vị Đại bồ tát làm như vậy đó mà có được tâm thanh
tịnh! Làm như vậy đó là làm làm sao? Câu trả lời là rời khỏi các tướng,
không còn phân biệt ngã nhân, chúng sanh, thọ giả, là tách rời mọi thứ
hiện tượng, không để bị mà mắt, bị hút vào những chuyện lăng xăng, ý
niệm ngôn từ nọ kia, làm cho người ta vướng mắc, vùng vẫy không ra như
mắc vào lưới cá! Những vị Đại bồ tát đó đã thực hành bố thí kiểu mới, bố
thí không dính mắc; trì giới, nhẫn nhục kiểu mới… và dĩ nhiên cũng đã
có tuệ giác kiểu mới, vượt lên, vượt qua, vượt ra… Gaté, gaté, paragaté!
Kinh
Duy Ma Cật kể có một lần kia, trong một buổi họp mặt giữa các vị Bồ
tát, các vị đựơc người ta tung hoa đầy người – giống như các fan hâm mộ tung confetti vào
thần tượng của mình bây giờ- thì đa số các vị người nào cũng bị dính,
trừ các Đại bồ tát! Nên nhớ, các vị Đại…Bồ tát! Chớ còn Tiểu… bồ tát
hoặc Bồ tát… sơ sơ thì có dính confetti chút đỉnh cũng không sao. Từ từ
mà gỡ. Đừng nóng vội! Đại Bồ tát thì… trơn tuột, không còn cái gì có thể
dính được nữa! Kim Cang viết thật súc tích, chặt chẽ: Vì Đại Bồ tát là
những vị đã thật vô sở đắc, thật
vô sở hành… Những chữ “thật” đó khiến ta không khỏi giật mình. Họ
hiều lời Phật dạy là chiếc bè giúp qua sông; hiểu ngón tay Phật chỉ là
để nhìn thấy trăng chớ không phải trăng… Tóm lại, tâm họ đã hoàn toàn
“vô sở trụ”, không trụ vào đâu cả, không dính mắc vào đâu cả ! Không trụ
vào đâu cả thì chỉ còn có một chỗ để trụ ấy là… tự tại! Quán Tự tại Bồ
tát…hành thâm Bát nhã…!
“Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”, Trần Nhân Tông, sư tổ Trúc Lâm đã nói đến cái vô tâm như vậy từ bảy trăm năm trước, còn Lục tổ Huệ Năng, thì hơn một ngàn ba trăm năm trước cũng đã nói đến vô niệm.
Dĩ nhiên vô tâm không phải là không có tâm, không còn tâm, cũng như vô
niệm không phải là không có niệm, không còn niệm. Vô niệm, vô tâm thực
ra chỉ có nghĩa là cái tâm trong sáng, cái niệm thanh tịnh, đã hoàn toàn
không còn phân biệt, không còn dính mắc (chấp trước). Trần Nhân Tông
vẫn xuống núi, đánh đuổi quân Nguyên, nhưng khi xong giặc thì trở về núi
tu tiếp, không “dính mắc” chi nữa! Còn Huệ Năng, “ngộ” rồi mà vẫn lẩn
trong đám thợ săn hằng chục năm để tu rèn và giúp đỡ người. Cho nên tâm
cứ sanh miễn là tâm thiện, tâm có ích cho mình, cho đời. “Ưng vô sở trụ
nhi sanh kỳ tâm” cũng chính là “Ưng sanh kỳ tâm nhi… vô sở trụ” vậy!
Đâu có bảo phải dập tắt tâm đi, thui chột tâm đi, tiêu diệt tâm đi để
trở thành sỏi đá hay người ngơ ngáo tâm thần sao? Mà “ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”(TCS) kia mà!
Tu
Bồ Đề hào hứng hỏi: Thưa Thế tôn, vậy xin hỏi kinh này có tên gọi là gì
và phụng trì ra sao? Phật nói: Kinh này gọi là Kim Cang Bát nhã
Balamật. Nói xong hình như Phật giật mình, coi chừng, không khéo họ lại…
“trụ” vào nữa thì hỏng bét! Phật bèn nói tiếp: Bát Nhã Balamật không
phải là Bát Nhã Balamật nên mới gọi là Bát Nhã Balamật vậy!