Chẳng phải vậy mà vậy!
Khi hiểu được “chúng sanh tức phi chúng sanh thị danh chúng sanh”, ta tưởng đã nắm được từ khóa để mở vào kho tàng “Kim Cang”, nhưng thực ra còn lâu, bởi vì, vậy mà chẳng phải vậy!
Trở
lại không khí buổi truyền trao “gươm báu” lúc đó, thấy không ít người
bối rối vì câu nói với ngôn ngữ ly niệm của mình, Phật liền hỏi: Tại sao
vậy (hà dĩ cố)? Rồi khẳng định: “Bởi vì Bồ tát mà còn có tướng ta,
tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả thì chẳng phải Bồ tát!”.
Tôi
lại một phen chưng hửng! Tưởng Phật sẽ giải thích, ai ngờ Ngài lại nói
một câu có vẻ chẳng ăn nhập gì với phần trên! Chắc lại có một bí ẩn gì ở
đây! Lúc đầu tôi nghĩ đến ngôi thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, số ít số
nhiều với các thời quá khứ, hiện tại, vị lai, như một cách chia “verbe”
để nói lên mối quan hệ giữa ta, người, không gian, thời gian, nhưng hình
như không phải vậy! Tôi lại nghĩ hay đó là một biểu đồ có ba trục không
gian và một đường cong thời gian, trên đó, mỗi cá nhân xác định vị trí
của mình trong xã hội, mối tương quan của mình với những “chúng sanh”
khác ở một thời điểm nào đó! Cũng không phải! Vậy thì… là cái gì? Mãi
sau tôi mới vỡ ra: đó chính là trạng thái vô ngã của hành giả
trên bước đường giải thoát! Hành giả phải “chiếu kiến ngũ uẩn giai
không”- thực sự vô ngã- thì mới có thể “độ nhứt thiết khổ ách”; mà có
“độ nhứt thiết khổ ách” cho mình rồi thì mới có thể giúp cho người khác
được, mới xứng danh là Bồ tát. Cho nên đây là một đòi hỏi có tính quyết
định, là điều kiện “ắt có”.
Vô ngã không dễ “thấy”! Dù có thể dùng lý luận , triết lý về duyên sinh, duyên khởi, về cái “Không”
để thấy vô ngã, nhưng đó chỉ là cái vô ngã của lý thuyết, của khái
niệm! Còn vô ngã ở đây lại là một trạng thái, một cảnh giới – được cảm
nhận bởi hành giả qua một quá trình tu tập dài lâu và miên mật: Thiền!
Vâng, chính thiền đã là con đường “độc đạo” mà Phật đã từng nhấn mạnh
trong Tứ niệm xứ (Satipatthana), trong An ban thủ ý (Anapanasati): “Đây là con đường độc nhất dẫn tói thanh tịnh cho chúng sanh, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh trí…”.
Thiền đã có từ xa xưa. Ngay hồi còn nhỏ xíu, một hôm, thái tử Tất Đạt
Đa trong lúc ngồi dưới bóng cây coi người ta làm ruộng đã tình cờ rơi
vào trạng thái sơ thiền. Sau này trên đường học đạo, Ngài đã gặp hai vị
thầy dạy thiền cao nhất thời bấy giờ, và chỉ trong một thời gian ngắn,
ngài đã vượt qua tám cảnh giới thiền cho đến phi tưởng phi phi tưởng mà
vẫn chưa yên, phải từ biệt ra đi tìm một con đường riêng của mình! Khi
đạt đến cảnh giới thiền thứ chín, “Diệt thọ tưởng định” thì mới hết
chuyện, lúc đó ngài mới trở thành bậc Giác ngộ thực sự, bậc Toàn giác!
Nói cách khác, “Diệt thọ tưởng định” mới là thứ thuốc chữa tận gốc căn
bệnh phiền não, khổ đau mà các giai đọan trước đó chỉ là chữa triệu
chứng, kiểu đau đâu chữa đó nên cứ bị tái phát hoài. Chữa tận gốc là
chữa dứt điểm, hết sợ tái phát, hết sợ di chứng! “Diệt” trong diệt thọ
tưởng định ở đây không mang nghĩa triệt tiêu mà là không để nảy sinh!
Cắt bỏ một khối u thì không bằng phòng ngừa để khối u đừng sinh ra.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tóm lại, để xứng danh là Bồ tát thì phải vượt
qua được cửa ải này. Nói khác đi, Bồ tát phải “hành thâm” thiền định
cho rốt ráo, đạt đến trạng thái vô ngã- không còn thấy có tướng ta,
tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả gì nữa cả- không còn phân
biệt, chấp trước gì nữa cả – thì mới thênh thang thõng tay vào chợ mà
không sợ vướng bụi trần!
May thay, nghe cho kỹ thì Phật đã dạy Tu Bồ Đề rất rõ: “Chư Bồ tát Ma ha tát ưng như thị hàng phục kỳ tâm”. Ma ha tát
là lớn, là đại! Các vị Đại bồ tát đều đã làm như vậy mà hàng phục cái
tâm mình! Chớ còn… “tiểu” Bồ tát hoặc mới phát tâm… sơ sơ, mới lõm bõm
học như ta thì cũng chớ nóng vội! Phải từng bước, trì giới, nhẫn nhục,
phải tinh tấn… dài lâu!
“Phật cáo Tu Bồ Đề” chính là để nhắc nhở những ai muốn bước vào con đường Bồ tát thì không thể không thiền định. Bởi không định thì
khó mà tuệ. Giới sẽ dẫn đến định, định sẽ dẫn đến tuệ và ngược lại. Đây
là một tam giác cân, có hai chiều xuôi ngược. Theo tôi, để điều trị cho
tận gốc bệnh “tham sân si” thì chỉ có thể dùng thuốc đặc trị là “giới
định tuệ”. Giới để chữa tham, định chữa sân và tuệ chữa si. Nhưng nếu
chỉ chữa triệu chứng thì không thể chữa dứt điểm được, nó sẽ tái phát,
nó sẽ để lại di chứng. Vậy muốn chữa rốt ráo, chữa tận gốc, thì phải
phối hợp cả ba thứ thuốc, ba mặt giáp công. Định không thôi dễ mù mịt. Giới không thôi dễ cố chấp. Tuệ
không thôi dễ ba hoa. Tuy vậy rõ ràng là tùy đối tượng mà ba thứ thuốc
này sẽ gia giảm cho phù hợp. Người hay “sân”, dễ thương dễ nhớ dễ sầu dễ
bi –Rồi bị thương người ta giữ gươm đau/ không muốn chữa không chịu lành thú độc (Xuân Diệu) hay Chưa gặp em mà đã biệt ly/ hồn anh theo dõi bóng em đi (Hàn Mặc Tử)… thì chữa bằng định là tốt nhất. Người trí thức, cóp nhặt gom góp, tự hào vì “đãy sách” của mình, thì chữa bằng tuệ để khống chế, hàng phục triệu chứng “si” trước. Khi tuệ sáng ra thì tự dưng thấy cần phải giới, cần phải định.
Nhưng trong cả ba thứ thuốc đó, căn bản nhất theo tôi vẫn là định. Vì
có định mới đạt tới vô ngã, mới diệt được “thọ tưởng”, mới không còn
phân biệt, chấp trước. Lão Tử bảo nhìn người đạt đạo thấy họ “độn độn
hề”- nghĩa là thấy họ có vẻ “khù khờ” thế nào ấy- bởi họ đã khác, đã vô
tranh, đã vô sinh rồi vậy!
Nếu bài học đầu tiên Phật dạy là đói ăn khát uống, nặng về Giới thì bây giờ bài học thứ hai là về Định.
Từ “Phật cáo Tu Bồ Đề” đến “…tức phi Bồ tát”, có sự nhất quán, trải
dài tiến trình thiền định, từ dục giới, sắc giới rồi vô sắc giới, rồi
vượt qua tất cả để cuối cùng đạt đến diệt thọ tưởng định, còn gọi là
“cửu thiền”, bậc thiền thứ chín! Nghe cứ y như “Độc cô cửu kiếm” mà bí
quyết nằm ở chỗ các chiêu thức linh hoạt dính kết không tách rời từ hữu
chiêu đến vô chiêu cuồn cuộn như nước chảy mây trôi, không kẽ hở, đến
một lúc chiêu thức không còn mà chỉ còn kiếm ý, không thấy có ta có
người nữa mới thật sảng khoái, mới thật là… tuyệt chiêu! Lúc đó thì đúng
là “năng sở song vong”, trâu cũng mất mà người chăn cũng không còn! Hãy
đến rồi biết! Đừng nói suông. Phật đã dạy như vậy. Khó thay!
Dĩ
nhiên còn có nhiều tầng lớp ý nghĩa khác nữa cần được trải nghiệm để tự
khám phá, tự phát hiện. Đó là cái mà trong kinh Phật gọi là “vô lượng
nghĩa”! Gươm báu trao truyền ở đây chính là khả năng “phá chấp”. Khi còn
chấp, nghĩa là còn cột chặt vào một nghĩa cố định nào đó là hãy còn
“trụ”, còn dính, còn mắc, sao đạt được cái gọi là “ưng vô sở trụ nhi
sanh kỳ tâm”? Một chiêu “phá kiếm thức” trong “Độc cô cửu kiếm” của Lênh
Hồ huynh đệ vung lên đủ phá kiếm trận của mười lăm cao thủ võ lâm đang
vây hãm chàng. Khi đạt đến vô chiêu, chắc còn kinh thiên động địa hơn
nữa! Phá kiếm thức chỉ là một chiêu đơn giản của “phá chấp” thôi! Vào
một lúc nào đó ta sẽ cảm nhận, sẽ khám phá thêm, sẽ “ngộ” thêm nhiều
tầng lớp ý nghĩa khác nữa. Điều quan trọng là thực hành, là khám phá, là
phát hiện qua sự thể nghiệm, trải nghiệm riêng mình. Chính ở đó, mới
biết thế nào là không thể nói được (bất khả thuyết), không thể bàn luận
được (bất khả tư nghì)! Ngôn ngữ cũng đành “bó tay” vậy!