ĐI CŨNG LÀ VỀ !


Đỗ Hồng Ngọc
31/03/2011 20:24 (GMT+7)
Số lượt xem: 3649
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Có người hỏi tôi có phải Trịnh Công Sơn là một thiền sư không mà sao cứ thấy tôi nhắc và trích dẫn ca từ của anh trong các bài viết về Thiền, về Phật pháp của tôi?


Với tôi, Trịnh Công Sơn không chỉ là một “Thiền sư” mà anh còn là một vị “Bồ tát”. Dĩ nhiên “Bồ tát” trong cái nhìn của tôi thôi, bởi vì, anh đã mang đến cho tôi- và có thể cho nhiều người khác nữa- biết bao niềm phúc lạc, bình an, cũng như biết bao nỗi xót xa, khắc khoải… tùy theo lứa tuổi của mình như một thứ “vô lượng nghĩa” kinh…
Mãi đến vài năm sau khi anh mất, tôi mới viết được một bài thơ nhỏ về anh: “Kẻ rong chơi”. Phải, theo tôi, anh là một kẻ rong chơi. Một vị “Bồ tát” hẳn nhiên là phải rong chơi trong cõi Ta bà thôi, với cái tâm không phân biệt, không chấp trước. Rong chơi thôi đã là quá đủ. Và không dễ. Bởi khi ta mất đi sự rong chơi, tức khắc ta rơi vào những “điên đảo mộng tưởng”…
Khi có cái tâm Bồ tát, người ta “thị hiện” ở cõi người như một cuộc “du ư ta bà thế giới”, để chia sẻ những niềm vui và cả những nỗi đau để rồi một hôm “ta lắng nghe ta” thì chợt nhận ra một nỗi niềm “từ bi bất ngờ” ập đến, từ đó biết ra “một cõi đi về” thênh thang!

Khi viết “Gió heo may đã về” tôi nhìn Trịnh Công Sơn khác với khi tôi viết “ Nghĩ từ trái tim”. Ở Gió heo may đã về, Trịnh Công Sơn là của “cát bụi mệt nhoài”, còn ở Nghĩ từ trái tim, Trịnh Công Sơn là của “ta là ai mà còn trần gian thế”? Một câu hỏi như vậy mỗi chúng ta chẳng đã từng khắc khoải tự hỏi với chính mình đó sao?
Câu trả lời có đó rồi: “Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt/ rọi suốt trăm năm một cõi đi về”. Đi cũng là về. Về cũng là đi. Nó không từ đâu đến, cũng chẳng về đâu (Vô sở tùng lai diệc vô sở khứ). Chính là cái mà Bùi Giáng vẫn thường hay nói “Hà dĩ cố? Chơi thôi mà!”. Đôi vầng nhật nguyệt ấy là “minh”. Một thứ ánh sáng vẫn soi suốt dặm trường. Ta là ai mà còn trần gian thế? Ta là ai mà yêu quá đời này? Sao không qua bờ bên kia (đáo bỉ ngạn) đi, sao không “thị hiện”… niết bàn đi, mà cứ phải loanh quanh cho đời mỏi mệt?

Tôi quen Trịnh Công Sơn từ cái đêm anh ôm đàn hát một mình dưới mái hiên tôn một tối ở sân trường đại học văn khoa Saigon thưở đó. Một người gìa trong công viên/ một người điên trong thành phố/ một người nằm không hơi thở/ một người ngồi nghe bom nổ… Anh nói tiếng nói của chúng tôi. Tôi nghe mình buốt lạnh: Vết lăn vết lăn trầm… Bài ca dao trên cồn đá; ôi quê nhà một thời… / đại bác đêm đêm dội về thành phố, em bé co ra, từng hạt cơm khô, em bé lỏa lồ, khóc tuổi thơ đi… Lứa chúng tôi, nói như bạn tôi, Lữ Kiều không chọn lịch sử mà lịch sử chọn mình. Anh biết tôi với tên Đỗ Nghê, những bài thơ gần gũi trên Bách Khoa, Tình Thương… Anh thường gởi tôi những em bé với đôi dòng nguệch ngoặc: Gửi Đỗ Nghê… chăm sóc giùm…
Mỗi lần tôi ghé nhà thăm anh thường kêu to: “Lấy cho cậu Ngọc một ly nước lọc”! Anh biết tôi không rượu, không thuóc lá. Và không ép. Những khi đông vui, ly này ly khác, thuốc lá chuyền tay, anh vẫn gọi người nhà: Lấy cho cậu Ngọc một ly nước lọc!

Khi tôi in tập thơ Giữa hoàng hôn xưa, thì bìa là của Trịnh Công Sơn với một bức vẽ thiệt ngộ dành riêng cho bài “Thư cho bé sơ sinh”… Khi viết Gió heo may đã về, tôi dùng những ca từ của anh để đặt các tiểu tựa, Trịnh Công Sơn bèn “viết thêm” mấy dòng ở lời Bạt. Anh nói: Moi sẽ nói ngược lại ý toi cho vui nhé. Toi nói “có già”, moi sẽ nói không có già nhé! Và rồi, anh viết “Không có già, không có trẻ. Nói với một người trẻ tôi già rồi em ạ là một điểu vô lễ”.
Đỗ Trung Quân nhận ra ngay vụ “cãi vả” này và bảo sao cho đến cùng, bác sĩ nói có, nhạc sĩ bảo không… trong một bài viết trên Tuổi Trẻ: Như sông vào biển.

Năm 1997, nghe Trịnh Công Sơn bệnh nặng, đang nằm ở khoa Săn sóc đặc biệt bệnh viện Chợ Rẫy. Tôi đến thăm. Cả nhà đang bứt rứt lo lắng đi qua đi lại trước cửa phòng, vì không ai được vào. Tôi trong nghề nên được các đồng nghiệp cho vào thăm sau khi đã khoác thêm blouse trắng, đổi giày… đâu đó chỉnh tề. Ôi Trịnh Công Sơn đó ư? Một cái xác ve xẹp lép, nhẹ tênh trên tấm drap trắng với nồng nặc mùi nhà thương và bao bệnh nhân hấp hối xung quanh. Ôi, biết bao ca khúc say đắm thẩn thờ là từ cái xác ve xẹp lép nhẹ tênh này đó sao? Có cái gì đó đã bay lên làm nên một Trịnh Công Sơn từ trong tứ đại ngũ uẩn này đó vậy? Có cái gì đó “mặc khải” chăng? Có cái gì đó “thị hiện” chăng? Đã mượn anh để trình hiện như hoa sen trong đầm lầy, như quỳnh hương thoáng sát na?
Tôi lay nhẹ. Anh mở mắt. Nhìn chầm chậm rồi lóe sáng “Toi mới về đó hả?” Thì ra anh vẫn tỉnh, vẫn nhận ra tôi, còn biết tôi vừa mới về sau chuyến tu nghiệp ngắn ở Paris. Tôi mừng quá. Một cô y tá đến chích thuốc. Tôi hỏi cô có biết ai đây không? Cô lắc đầu. Trịnh Công Sơn đó. Cô hơi ngớ ra. Tôi nói thêm: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đó. Cô có vẻ kinh ngạc. Hình như cô kêu lên, không ra tiếng: Trịnh Công Sơn đây sao? Trịnh Công Sơn đây sao?
Tôi thăm khám qua và bảo không sao đâu. Gan thôi. Gan anh thòng xuống đến 7cm dưới bờ sườn phải. Thực ra bệnh anh nặng hơn nhiều với nào tiểu đường, nào khớp, nào phổi, nào thận…(Trước đó tôi đã được tham khảo bệnh án). Mấy ngày sau, anh được chuyển lên phòng riêng ở tầng thứ 11. Lần này tôi đến đã thấy anh thảnh mảnh.

Khi anh được về nhà, thỉnh thoảng tôi lại ghé thăm. Lấy cho cậu Ngọc ly nước lọc nè! Anh lại kêu. Anh khoe mấy bức tranh mới, nêu những ý tưởng mới… “Moi quyết định bỏ rượu và bỏ thuốc lá rồi. Mỗi sáng đi bộ được một quãng…”. Anh nói. Tôi cười cười. Lần sau đến, anh nói: Moi quyết định bỏ thuốc lá thôi. Thuốc lá mỗi người một gu, nhưng rượu thì mọi người đều có thể uống chung với nhau được. Bạn đến đông vui không thể không uống chút rượu. Anh giải thích. Tôi vẫn mỉm cười. Anh có lý. “Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ”? Vấn đề là chất lượng cuộc sống chứ!

Rồi đùng cái tôi bị tai biến mạch máu não phải mổ cấp cứu. Những người bạn đến thăm lần này lại có Trịnh Công Sơn. Anh đi cùng Lữ Quýnh. Trịnh Công Sơn ôm theo một bó hồng vàng. Lúc nào anh cũng tươm tất như vậy. Tôi khoe anh mấy bức ký họa trên giường bệnh của mình. Cái đầu trọc lóc bình vôi. Anh có vẻ khoái lắm. Hình như anh cũng đang tủm tỉm cười: Đó, thấy chưa? Toi không rượu không thuốc lá!

Rồi một hôm, Lữ Kiều phone báo tôi Trịnh Công Sơn đi rồi.
Đi vào ngày 1.4, ngày của Cá.
Đi, cũng có nghĩa là về vậy./.

Từ trái sang: Thanh Hằng, Bửu Chỉ, Đỗ Hồng Ngọc, Đinh Cường, Trịnh Công Sơn (Ảnh: Lữ Kiều Thân Trọng Minh).

 

Nguon: http://www.dohongngoc.com/web/doc-sach/di-cung-la-ve/

Âm lịch

Ảnh đẹp