18/08/2010 00:23 (GMT+7)
Số lượt xem: 10062
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Không chỉ giỏi chữa bệnh, viết sách, làm thơ, vẽ tranh, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc còn được biết đến như một nhà tâm lý tài tình, hóm hỉnh... Những cuốn sách của ông gần như là những tạp bút ý vị,
giàu tính triết lý mà dí dỏm, đầy tính nhân văn.

Những trang viết, lạ thay, đủ sức lay gợi cho người đọc nhìn thấy chữ "thư nhàn" thay vì sống bận rộn, chữ "thiền" thay vì mải miết lao vào kiếm tiền không biết bao giờ mới đủ, chữ "yêu thương" thay vì sự lạnh lùng vô cảm. Những cuốn sách của ông đã để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc như: "Gió heo may đã về", "Già ơi ...chào bạn", "Nghĩ từ trái tim", "Gươm báu trao tay", "Như thị"...
Môi trường bệnh viện hiện nay đang xuống cấp nghiêm trọng. Hàng đoàn người chen chúc ngủ dưới đất, rác rến ở khắp nơi, bệnh nhân nặng không có phòng, nằm tràn ngoài hành lang, còn bác sĩ thì đi lại với vẻ mặt vô cảm. Theo ông, điều gì khiến hai chữ bệnh viện giờ đây lại làm người ta sợ đến thế?
- Từ xưa đến nay đâu có bệnh viện nào mà không làm cho người ta sợ hãi? Bởi ngay hai chữ "bệnh viện" đã có nghĩa là một nơi dành để chứa bệnh tật! Hồi xưa, từ "nhà thương" nghe hay hơn - ngôi nhà của tình thương. Rồi còn có "nhà thương thí" là nơi người nghèo được chữa bệnh miễn phí. Nên nhớ một điều là các bác sĩ ở nhà thương thí đều có lòng từ tâm, và thường là những người tài giỏi trong y giới.
Cách tiếp xúc với bệnh nhân trong nhà thương do đó cũng khác với trong bệnh viện. Bệnh viện là nơi chữa bệnh, nghiên cứu, giảng dạy, đi sâu vào lĩnh vực khoa học, dễ lạnh lùng, vô cảm, chỉ quan tâm đến bệnh mà quên người bệnh! Về sau này, bệnh viện còn có khuynh hướng được quản lý như một doanh nghiệp, với mục tiêu làm kinh tế.
Người thầy thuốc trở thành người cung cấp dịch vụ sức khoẻ (health care provider), còn bệnh nhân trở thành khách hàng, người tiêu thụ. Mối giao tình giữa bác sĩ và bệnh nhân được đặt trên một cơ sở khác- cơ sở kinh tế - theo những quy luật kinh tế, dễ nảy sinh xung đột. Một số nước đã có nền kinh tế phát triển lại vẫn duy trì được hệ thống chăm sóc sức khoẻ miễn phí cho người nghèo, và người dân có được sự an tâm trong bảo vệ và nâng cao sức khoẻ.
Cũng phải nói thêm vì sao bây giờ người ta bệnh nhiều hơn xưa như vậy? Cả nước đã mở ra rất nhiều bệnh viện mà bệnh nhân vẫn cứ tràn ngập, quá tải? Đó là bởi, môi trường xã hội, trong đó có hành vi lối sống của con người đã thay đổi; đặc biệt môi trường thiên nhiên đang bị huỷ hoại, cây cối bị chặt trụi, không khí bị ô nhiễm trầm trọng.
Bản thân mỗi con người sống trong một xã hội căng thẳng, phải bươn chải, chạy theo đồng tiền... không còn sự thư nhàn, thoải mái. Tâm cũng bệnh mà không gian bên ngoài cũng bệnh. Đời sống căng thẳng gây bệnh tâm thần; ăn uống bất cẩn gây bệnh béo phì, tim mạch; môi trường bê bối gây bệnh ung thư; và các thứ tai nạn, thương tích... Các bệnh truyền nhiễm ngày càng phát triển, bệnh cũ bùng phát, bệnh mới ngày càng nguy hiểm hơn. Bệnh viện quá tải là chuyện dễ hiểu!
Vậy theo ông, cái gốc cần giải quyết nằm ở đâu?
- Muốn giải quyết vấn đề này, phải giải quyết cái gốc từ xã hội, tức là giải quyết trên vấn đề sức khoẻ toàn diện chứ không chỉ vấn đề y tế đơn thuần. Y tế chỉ cung cấp dịch vụ chữa bệnh, còn sức khoẻ bao gồm cả môi trường sống, môi trường xã hội và thiên nhiên, cho đến hành vi, lối sống của mỗi cá nhân. Đã đến lúc cần giải quyết trên một bình diện rộng.
Một mặt, ngành y tế tổ chức lại hệ thống chăm sóc sức khoẻ tốt hơn, mang tính dự phòng tích cực từ cơ sở, nâng cao dân trí để mọi người biết tự bảo vệ sức khoẻ cho cá nhân mình, gia đình và cộng đồng. Mặt khác, xã hội phải coi trọng việc đầu tư cho sức khoẻ người dân hơn là tập trung mở thêm nhiều bệnh viện để hứng bệnh tật, tức là chăm lo bảo vệ môi trường, quan tâm giáo dục từ tuổi ấu thơ nhằm thay đổi hành vi lối sống với các chương trình nâng cao sức khoẻ (health promotion)...
Để làm được điều này không thể một mình ngành y tế làm được mà cần có sự phối hợp liên ngành từ cấp cao nhất!
Riêng vấn đề y đức phải được quan tâm đúng mức, đặt trong hệ thống đào tạo người thầy thuốc tương lai. Rồi đây, quản lý bệnh viện dần dần sẽ là những doanh nhân chứ không phải bác sĩ, các bác sĩ sẽ chỉ là người làm công ăn lương. Y đức như vậy phải được mở rộng cho giới doanh nhân "khai thác" ngành y.
Nhà nước có một cơ chế để doanh nghiệp sẵn sàng bỏ một tỉ lệ lợi nhuận của họ vào đầu tư sức khoẻ cộng đồng. Muốn vậy, phải miễn giảm thuế một phần cho doanh nhân để động viên họ làm nghĩa vụ, trách nhiệm đối với xã hội, chăm lo sức khoẻ người dân.
Làm sao tìm ra một chút thư nhàn trong cuộc sống bận rộn?
- Khi ta nhận ra sự hối hả đó là vô lý thì việc gì phải hối hả? Đường ray nó đã là như vậy rồi. Ta lên chuyến tàu, rồi thì cũng phải đi đến nơi. Vậy sự hối hả hay không đều do mình, chứ không phải do con tàu. Có những người hối hả vì họ lên tàu chỉ muốn mau đến đích.
Còn những người biết thư nhàn thì phải "lang thang" trên chuyến tàu đó, phải có những niềm vui ở những sân ga, bến đỗ... Bài học mà tôi được học hồi nhỏ của một văn hào chung quanh những bước đi, mới thấy những con người, những tâm hồn, những sinh hoạt của đời sống...
Như nhà văn Sơn Nam chẳng hạn, cả đời đi bộ. Nếu ông cũng chạy xe ào ào như người khác thì ta sẽ không có Sơn Nam, hoặc một Sơn Nam khác với những bực dọc vì kẹt xe, vì bụi khói, vì xô đẩy, chen lấn. Tóm lại, cái quan trọng nhất là thái độ sống của mình, dẫn đến cách sống. Đó là một chọn lựa. Đừng chờ đợi hạnh phúc, nó sẽ chẳng bao giờ đến, mà phải biết nhận ra hạnh phúc ở đây và bây giờ.
Nguyễn Công Trứ đã bảo ta: "Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc? Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn?" (Biết đủ thì đủ, đợi đủ thì bao giờ mới đủ? Biết nhàn thì nhàn, đợi nhàn bao giờ mới nhàn?).
Có lần, thấy ông đặt ra một khái niệm khá hay trên một bài báo: "Hạnh phúc bình quân đầu người", điều đó có ý nghĩa thế nào?
- Hạnh phúc mới là điều cần thiết nhất cho cuộc sống chứ không phải "thu nhập bình quân đầu người" mang tính vật chất. Nó nằm trong nền tảng văn hoá, liên quan đến thể chất, tâm thần của cá nhân và môi trường chung quanh.
Thay vì chạy theo GNP (tổng thu nhập quốc gia) thuần kinh tế, ở xứ Bhutan người ta đã thay thế bằng khái niệm GNH (tổng hạnh phúc quốc gia), dựa trên các yếu tố khách quan và chủ quan, đo đạc trên bốn lãnh vực gồm cả văn hoá, môi trường thiên nhiên, môi trường xã hội và sức khoẻ, tuổi thọ cá nhân. Xã hội phục vụ con người sẽ quan tâm đến hạnh phúc của từng con người.
Vậy ta có thể nói đến một khái niệm "hạnh phúc bình quân đầu người (per capita happiness) lắm chứ! Hiện nay GNH đang được nhiều quốc gia quan tâm và trong một thế giới toàn cầu hoá, người ta đã nghĩ đến một khái niệm mới: Hạnh phúc cho mọi người trên thế giới - GIH (Gross International Happiness).
Có thể nói đây cũng là phản ứng tích cực trong một xã hội đang biến chuyển, kêu gọi sự quan tâm đến con người nhiều hơn nữa, một cách toàn diện thay vì chỉ chạy theo phát triển kinh tế với bất cứ giá nào, làm tổn hại môi trường sống, môi trường văn hoá.
Tổ chức Sức khoẻ Thế giới (WHO) cũng đưa ra cách đo đạc chất lượng cuộc sống dựa trên cảm nhận sức khoẻ của cá nhân, với các giá trị trong một bối cảnh văn hoá, khác với cách đánh giá sức khoẻ trước đây qua máy móc xét nghiệm với các chỉ số sinh học...
Xin cảm ơn ông.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Lao Động Cuối tuần số 44

Âm lịch

Ảnh đẹp