GƯƠM BÁU TRAO TAY


Đỗ Hồng Ngọc Nhà xuất bản Phương Đông
04/06/2011 16:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 7729
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng



Con mắt thứ ba

Khi thấy Tu Bồ Đề và mọi người trong thính chúng có vẻ như hả hê vì đã đựơc chỉ dạy xong cách hàng phục tâm, thì Phật đã vội gọi: Lại nữa! Này Tu bồ Đề!  khiến cho mọi người sực tỉnh. Lại nữa ư? Chưa xong, chưa hết ư? Còn nhiều chuyện quan trọng nữa ư? Đúng vậy, Phục thứ, Tu Bồ Đề. Bồ tát ư pháp, ưng vô sở trụ hành ư bố thí!  Bồ tát ở trong pháp, đừng trụ vào đâu cả để làm việc bố thí!

Tôi lại một phen chưng hửng! Bổ tát ở trong pháp? Pháp gì? Ưng vô sở trụ bố thí là bố thí làm sao? Tự dưng đang  bàn chuyện diệt độ chúng sanh, chuyện thiền định vô ngã cao xa vời vợi bỗng nhảy đùng vào chuyện xin cho, chuyện cơm áo gạo tiền, chuyện bố thí này nọ?

 

Đọc kinh sách, chúng ta dễ bối rối khi thấy từ “pháp” có lúc là cách thế, là phương pháp, có lúc lại là một trong lục trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp! Bồ tát ở trong pháp, thì pháp đây là phương pháp, là cách thế. Có sáu cách thế giúp rèn luyện để trở thành một vị Bồ tát gọi là Lục độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ. Bố thí là yếu tố thứ nhất,  đựơc nói đến đầu tiên ở đây! Bố thí là cửa ngõ dễ nhất – ai cũng có thể làm được- mà cũng là khó nhất, không phải ai cũng làm được!

Với hai câu hỏi của Tu Bồ Đề “Làm cách nào để an trụ tâm? Làm cách nào để hàng phục tâm?” thì Phật đã chỉ dạy cách hàng phục trước. Hàng phục thì… dễ, dạy trước, an trụ khó, dạy sau. Rõ ràng cái tâm viên ý mã, cái tâm quậy phá, như ngựa chứng, như trâu điên sức mấy mà an trụ được nếu chưa hàng phục! Hàng phục là trị nó, là làm cho nó quy hàng, làm cho nó chịu phép, bấy giờ mới tính chuyện “an trú” nó, cho nó ra đảo hoang  hay vào rừng sâu. Cũng như người ta phải bắn thuốc mê để hàng phục mấy con voi điên ở rừng Tánh Linh dạo nọ trước khi chở nó lên Darlak để tiếp tục thuần hóa nó,  làm  cho nó ngoan ngoãn và trở nên hữu ích ?

Hàng phục… không khó, nhưng là bước căn bản, không có không xong! Chỉ cần giới và định là đủ. Giới và định thì hình như những người có mặt trong buổi truyền trao “gươm báu” này ai cũng đã quen thuộc, nhiều người thậm chí còn có “chức danh” này khác! Nhưng sao tâm vẫn chưa an?  Vẫn thấy còn nhộn nhạo? Ấy là bởi thuốc chưa đủ mạnh, trị chưa tận gốc, cần phối hợp với một thứ thuốc đặc trị mạnh hơn, đó là Tuệ! Có giới, định mà thiếu tuệ vẫn chưa xong, bệnh vẫn còn tái phát. Hàng phục mà chưa an trụ cũng vậy!

“Bồ tát ư pháp, ưng vô sở trụ hành ư bố thí”! Muốn an trụ tâm ư? Dễ lắm! Thì đừng có trụ vào đâu cả! “Ưng vô sở trụ” là xong hết! Đừng trụ vào đâu cả thì sẽ được an trụ? Câu nói nghe lạ, nhưng tuyệt diệu! Muốn an tâm ư? Thì hãy vô tâm! Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền (Trần NhânTông). Vô tâm ở đây không phải là bỏ mặc, là mặc kệ! Không phải thế. Trần Nhân Tông đã rời bỏ vương triều, đi tu trên núi Yên tử, vậy mà khi quân Nguyên sang xâm lấn nước ta, nhà sư đâu có mặc kệ, ông tức khắc xuống núi, bày mưu tính kế, góp sức đánh đuổi ngoại xâm. Cái “vô tâm’ của ông là ở chỗ đánh đuổi xong giặc thì xoa tay, về núi tu tiếp. Muốn an trụ thì vô trụ, muốn an tâm thì vô tâm. Đơn giản vậy.  Lục tổ Huệ Năng chỉ nghe lóm một câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm” mà ngộ, còn ta sao cứ mãi mịt mờ! Ấy là bởi ta còn ham “dính mắc”, ham tích cóp hơn là từ bỏ, buông xả, bố thí !

Phật nói rõ hơn: vô sở trụ nghĩa là…  đừng có trụ vào sắc bố thí, đừng có trụ  vào thanh, hương, vị, xúc, pháp… Tóm lại đừng có trụ vào tướng! Bất trụ tướng bố thí. Trụ là dựa, là dính, là mắc. Bố thí mà dính mà mắc, mà dựa vào “tướng”, vào hình thức thì chưa phải là bố thí đúng nghĩa! Bố thí mà còn thấy có kẻ cho người nhận, có quay TV để lăng xê tên tuổi, để hù thiên hạ, để “đầu tư” kiếm danh, kiếm lợi, kiếm phước thì chưa phải bố thí đúng nghĩa. Đúng nghĩa là bố thí…bất vụ lợi, bố thì không thấy có ta có người có vật bố thì, bố thí đựơc như vậy mới… thực là hạnh phúc. Đó là cách bố thí vô ngã, bố thí không dính mắc, không toan tính. Một đời lận đận đo rồi đếm/ Mỏi gối người đi đứng lại ngồi! (Bùi Giáng). Cáí bố thí mà Phật dạy để có Tuệ chính là cái bố thí vượt qua, vượt ra, vượt lên, bố thí ở bờ bên kia, bờ của tuệ giác, bố thí balamật đó vậy.

Tiếng Hán khá thú vị. Ghép chữ mộc là cây (trần) với mục là mắt (căn) thành “tướng”.  Lục trần khi tiếp xúc với lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý),nhất là khi có tâm dính vào thì thành “tưởng”, tạo ra đủ thứ chuyện! Như các chàng Đào cốc lục tiên trong tiểu thuyết  Kim Dung, ngớ ngớ ngẩn ngẩn, chịu sự sai khiến của người khác, lúc vầy lúc khác, lúc thông thái lúc điên rồ, tranh cãi nhau chí chóe lọan xạ suốt ngày. Người mới  tu thuờng tìm đến núi cao rừng rậm cho khuất mắt, khỏi bận lòng. Họ lánh trần, ly trần (chớ không phải lìa trần) là để không sanh sự nữa. Người đắc đạo rồi thì thỏng tay vào chợ! Khi Lệnh hồ huynh đệ học được Dịch cân kinh chính truyền rồi thì không còn sợ Đào cốc lục tiên nữa, họ trở thành bạn chí cốt của nhau!

Dò sông dó biển dễ dò. Đừng coi mặt mà bắt hình dong!Thấy vậy mà không phải vậy! Dựa vào “tướng” thì dễ vỡ mộng! Lầm chết! Phật cho một thí dụ cụ thể: Thiên hạ nói Phật có 32 tướng tốt, vậy ai có đủ 32 tướng tốt đều có thể coi là Phật chăng? Biết bao lần Đường Tăng lầm chết người như thế! Cả Trư Bát Giới, Sa Tăng cũng hì hục lạy yêu quái. Trừ lão Tôn, nhờ con mắt thứ ba, lão Tôn trợn lên một cái thì… vượt qua tướng, thấy cái thực chất, cái tánh bên trong! Hình thức không gạt đựơc lão Tôn! Phật dặn đi dặn lại: Đừng có lấy hình sắc mà tưởng Ta, đừng có lấy âm thanh mà cầu Ta… ! Thời buổi bây giờ người ta… gạt nhau hơi nhiều! Người khôn ăn bòn kẻ dại. Quảng cáo nghe bùi tai, tiếp thị thấy sướng mắt… Thỉnh thoảng cũng nên trợn con mắt thứ ba lên một cái!

Điều cần nhớ là Phật dạy “bất trụ tướng bố thí”, “vô sở trụ hành ư bố thí”  chớ không phải không bố thí. Vẫn có bố thí, vẫn còn bố thí, vẫn cần bố thí. Miếng khi đói bằng gói khi no. “Bố thí” cách thế sống hạnh phúc, không lo âu, sợ hãi, là cái mà Phật gởi gấm, tin tưởng vào các vị Bồ tát sẽ “ vị tha nhơn thuyết”, dù một chữ một câu, dù tứ cú kệ đẳng…

Bố thí đã vậy thì các “độ” khác cũng phải vậy! “Ưng vô sở trụ hành ư bố thí” thì cũng phải ưng vô sở trụ hành ư trì giới, ưng vô sở trụ hành ư nhẫn nhục v.v… Không chỉ Bố thí đừng trụ, đừng dính mắc mà trì giới cũng đừng trụ,  đừng dính mắc! Quả là không dễ! Không dễ nên mới phải tu, phải rèn, phải luyện dài lâu!

Âm lịch

Ảnh đẹp