31/10/2010 09:43 (GMT+7)
Số lượt xem: 13610
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Cựu Học Tăng   NGUYÊN TỊNH

 

 

Với Ôn, với Trúc Lâm, tôi quả thực là người vô duyên. Khoảng năm 1952, từ Bảo Quốc, tôi theo Ôn về chùa. Thời gian tôi hành điệu để vá ở với Ôn thực ngắn ngủi :  Ước chừng chỉ kéo dài hơn năm trời. Cùng trang lứa, cùng cảnh ngộ với tôi là điệu Nhơn Đó là khoảng thời gian chập chững thăm dò, tập làm quen với không khí cửa thiền. Thời gian làm bạn tương chao, tập tễnh với hai thời công phu sáng chiều.

 

Dạo ấy, chùa có phong cách tiêu sơ. Đến với chùa, khách còn phải vượt rừng băng suối. Cho hay, ngày xưa chọn những nơi núi rừng vắng vẻ cô liêu, cách xa chốn phồn hoa đô hội dựng thảo am để tĩnh tu. Ở chùa, tôi và Nhơn vẫn hồn nhiên, vui đùa, vẫn sống như cỏ cây, vẫn chấp lao phục dịch, vận thủy ban sài. Trên Ôn, dưới các chú sai bảo đâu chúng tôi theo đó. Vốn đang ở độ tuổi hoang nghịch, lêu lỗng, thiền môn quy củ chưa tường, cả hai chúng tôi đều hồn nhiên vui giỡn trong phạm vi chùa, lan tỏa ra cả khuôn viên rộng rãi có nhiều cây cối mà về sau tôi nghe thiên hạ bảo rằng đó là vườn cũ của ông Đốc Xướng. Nhà của Nhơn ở gần chùa. Có những đêm vắng vẻ dưới ánh trăng sao vằng vặc hay trong tăm tối mịt mù, hai đứa đã xăm xăm băng lối vườn chùa ra nhà Nhơn để chơi đùa, bồi dưỡng.

 Thuở ấy, Ôn giữ chức Trị sự Trưởng Giáo hội Tăng già Thừa Thiên. Cho nên, Ôn thường ra chùa Linh Quang, trụ sở của Giáo hội Tăng già. Từ Linh Quang đến Trúc Lâm và ngược trở lại, khoảng cách ước chừng 6-7 cây số. Ôn chỉ đi bộ (Mãi đến sau này mới có xe đạp, rồi Mobilette, rồi từ thời cận đại mới có xe hơi cũ kỷ hiệu Citroen đen sì). Ôn rời chùa từ sáng sớm và trở lại chùa khi trời đã chạng vạng. Với đôi guốc mộc, với chiếc nón rộng vành, lúc nắng thì đội lên đầu, lúc trời im mát thì vắt lỏng sau vai, cô thân chích ảnh trên đường đi làm chuyện của Phật. Mình mảnh thân gầy, ung dung tự tại, những bước chân Ôn khoan thai như không có việc gì gấp gáp thúc bách. Thênh thang một lối đi - về có định lực, định hướng. Một lối hành thiền tự nhiên như nhiên. Thể trạng và cuộc sống của Ôn đạm bạc, khắc khổ như núi rừng Trúc Lâm, tâm hồn Ôn như phù vân giữa bầu trời bao la. Dáng Ôn mảnh khảnh, mỏng và chắc như thể cây tùng, cây bách trước sân chùa. Có kinh qua mưa gió, bão bùng, tuyết sương lạnh lẽo giá căm mới hay sức bền bỉ của :

 Bốn mùa ví phỏng là xuân cả,

Góc núi ai hay sức lão tùng !

 Bởi một hội ý tiêu tao, hình ảnh Ôn nhắc nhở trong tôi lời mà Quốc sư Trúc Lâm nói với Trần Thái Tông :

 .   . . . “Lão Tăng ở chốn núi rừng, xương cứng mặt gầy, ăn rau răm, nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh rừng, lòng nhẹ như mây nổi, cho nên mới theo gió đến đây . . .”.

 Ôn sẵn mối từ tâm nhưng nghiêm khắc chuẩn mực với đồ chúng. Ngày ấy các điệu, các chú ra đường với hình dung chải chuốt, mặc áo nhật bình vải ngoại ủi thẳng nếp láng mép, mang sandale hào nhoáng hay mang kính mát thì phải liệu hồn khi gặp Ôn giữa đường. Lắm khi Ôn quở, Ôn la bằng lời, lắm khi bổng hát (gậy và quát) - là những phương thức tiếp dẫn, giáo hóa đồ chúng của các Thiền sư tiền bối - thì nguy. Bởi lẽ tự trong thâm tâm, Ôn nghĩ rằng cứ cái đà ấy, chúng sẽ không có dịp bình tâm để “thổn kỷ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng . . .”. Bởi lẽ “tam thường bất túc” mà cái mặt là cái trưng ra giữa thanh thiên bạch nhật để cho thiên hạ thập mục sở thị. Theo Ôn, nâu sồng hoại sắc, thô y ma bố, các điệu, các chú cứ ăn mặc thế cho tốt đạo đẹp đời, cho khỏi xốn xang con mắt trần gian.

 Giờ đây, tôi ước ao có được bức ảnh của Ôn với chiếc nón bỏ lửng sau vai, cô thân chích ảnh trên dặm đường dài hoặc ở lưng chừng thoai thoải đồi núi khi nắng mai vừa lên hay khi nắng chiều vừa xuống. Đó là một tác phẩm đẹp để đời. Nhưng ước mơ chỉ là mơ ước, không thực vì lẽ tôi đâu có phép lạ nhiệm mầu !

 Tiếng nói của Ôn là tiếng nói của sư tử giữa rừng thiền. Bước chân của Ôn là bước chân tượng vương nơi cửa Pháp. Trong nước, Bình-Định-Sa Đéc-Nha Trang-Sài Gòn-Hà Nội . . ., ngoài nước thì :  Lào, Thái, Miến Điện, Đông Hồi, Nhật Bản . . ., sải dài là những bước chân hoằng hóa lợi sanh, hành cước vân du của Ôn còn vang vọng những kỷ niệm, những vang bóng cao tăng một thời oanh liệt đã qua.

 Giờ đây, Ôn đã cao đăng bảo sở. Những giòng chữ vụng này là để cung vọng về Ôn. Ngưỡng mong Ôn thùy từ chứng giám !

 Vu Lan, Đinh hợi – 2007

NGUYÊN TỊNH

 Đây là ngôi chùa cũ của Tổ Đình Trúc Lâm Đại Thánh, một đời Ôn MẬT HIỂN gầy dựng, trọn tám mươi năm đi về đầm ấm, nay thì không còn nữa ;  chỉ còn chăng là còn một Kỷ niệm qua tấm ảnh này thôi. (Ảnh chụp năm 1992, sau khi Ôn viên tịch).


Âm lịch

Ảnh đẹp