19/11/2010 20:52 (GMT+7)
Số lượt xem: 12239
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chân dung Hòa Thượng Thích Giác Ngộ
I.Thân Thế Hòa Thượng thượng Giác hạ Ngộ thế danh là Nguyễn Hộ, sinh ngày 08-04-1924 (năm Ất Sửu), tại thôn Thiết Đính, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ngài là con trai thứ ba trong gia đình có bốn người con (hai chị và một em trai). Thân phụ của ngài là cụ Nguyễn Bình (tự Hồng) sinh năm 1882, và bà Lê Thị Kế sinh năm 1886. (Song thân và chị em ngài đều đã qua đời).

HT Giac Ngo 3.jpg

Thân phụ và thân mẫu ngài đều là Phật tử thuần thành, lại là gia đình Nho giáo thuần lương, nên ngài được giáo dục trên tinh thần giáo lý Phật Đà, sớm hình thành nơi ngài những đức tính bi dũng Xuất trần thượng sĩ. Nhà ngài ở gần chùa Phước Sơn, nên thuở ấu thời ngài thường được song thân đưa đến chùa viếng thăm, tụng kinh, lễ Phật tại ngôi chùa này. Với tư chất thông minh sẵn có, ngay từ nhỏ ngài đã thuộc các kinh Nhật tụng và những nghi thức thiền môn. Thời gian này ngài cũng theo học các lớp phổ thông.

II. Thời kỳ xuất gia tu học:

 +  Vốn có túc duyên từ nhiều đời, lại được giáo dục trong môi trường tốt, chí xuất trần đã sẵn, năm lên 14 tuổi ngài phát tâm Bồ đề, lập chí nguyện xuất gia. Ngài xin song thân xuất gia tu học tại chùa Phước Sơn huyện Hoài Nhơn tỉnh Bình Định. Bổn sư  đầu tiên độ ngài lúc ấy là Hoà Thượng Như Phước, tự Giải Mộng, hiệu Tường Quang trụ trì chùa Phước Sơn, ngài qui y với pháp danh là Thị Hớn.

+  Năm 1943, lúc ngài 19 tuổi, sau năm năm tu học, ngài được Hoà Thượng Tường Quang cho thọ giới Sa Di tại giới đàn Tổ đình Thiên Đức, Tuy Phước, Bình Định do Hoà Thượng Thích Huệ Chiếu làm Đường Đầu.

+  Vốn bẩm tính thông minh, lại có một đạo phong uy nghiêm ngay từ khi còn nhỏ tuổi, nên ngài được hoà thượng Tường Quang rất thương mến. Nhận thấy khả năng thông tuệ của ngài sẽ tiến xa hơn, cao hơn trên đường tu học, nên Hoà Thượng khuyên ngài vào Tuy Phước Bình Định, nơi có nhiều bậc Long Tượng trong tòng lâm Phật pháp để cầu sự thọ giáo, tu học.

+ Ba năm sau, năm ngài 21 tuổi, vâng theo lời chỉ dạy của HT. Tường Quang, ngài đảnh lễ vị Hoà thượng ân sư khả kính, từ giả chùa Phước Sơn thân thương, và khăn gói lên đường vào miền đất Tổ Tuy Phước, Bình Định để tầm sư học đạo.

 +   Năm 1946, với túc duyên sư đồ từ trước, ngài đã đến tổ đình Thiên Đức, xã Phước Hưng, Tuy Phước, Bình Định, cầu HT. thượng Huệ, hạ Chiếu làm Bổn sư. HT. Huệ Chiếu hoan hỷ nhận ngài làm đệ tử, và ban  cho pháp danh là Nguyên Uyên tự Chí Đạt, hiệu Giác Ngộ. (HT. Giác Tánh lúc bấy giờ là sư huynh, HT. Thiện Nhơn, Thiện Duyên, Quảng Xả, v.v… là đệ tử của HT. Giác Tánh).

+  Năm 1952, ngài thọ giới Tỳ Kheo và Bồ Tát tại Đại giới đàn tổ đình Thiên Bình, Xã Nhơn Phong, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Đại Giới Đàn này, HT. Huệ Chiếu làm Đường Đầu, HT Tâm Đạt, viện chủ tổ đình Thiên Bình làm Hoá chủ và Giáo thọ, HT. Phúc Hộ làm Yết Ma A Xà Lê… Tại Đại giới đàn này, ngài được chọn làm Thủ Sa Di đứng đầu trong số các giới tử, lúc bấy giờ ngài vừa tròn 28 tuổi.

III. Thời Kỳ Hành Đạo

+  Năm 1953, ngài được Giáo hội phật giáo tỉnh Bình Định bầu làm Chánh thư kí Phật giáo trong mặt trận Liên Việt, và làm Uỷ viên Mặt trận Liên việt, kiêm nhiệm chức vụ Hội Đồng Nhân Dân xã Phước Hưng, lo các mặt hoạt động đạo đức trong sinh hoạt của cộng đồng Phật tử và nhân dân. Nhưng trọng tâm của ngài là hướng dẫn tín đồ tu học  theo chánh pháp.

+  Năm 1954, với nhu cầu Phật sự, cộng đồng Phật tử chùa Thiên Trúc cung thỉnh ngài trụ trì chùa Thiên Trúc, thôn Bình Lâm, xã Phước Hoà, Tuy Phước, Bình Định. Trong thời gian này, ngài hướng dẫn Phật tử tu học, đồng thời đào tạo Tăng chúng xuất gia, chúng đệ tử được ngài thế độ tại chùa này như: TT. Thích Quảng Cố, TT. Thích Quảng Bửu, TT. Thích Quảng Hoa (TT. Tâm Tường), TT. Thích Quảng Hiện (đã viên tịch), v.v…

+  Trụ trì chùa Thiên Trúc được hai năm, năm 1957, ngài giao chùa cho đệ tử là TT. Thích Quảng Cố trông nôm để lên đường ra Huế tham gia các lớp nghiên cứu Phật học tại Học viện Báo Quốc. Viện trưởng học viện Báo Quốc lúc bấy giờ là HT. Thích Trí Thủ.

+ Sau bốn năm nghiên cứu, tu học tại Học viện Báo Quốc, năm 1961, ngài trở về chùa Thiên Trúc tiếp tục sứ mệnh tiếp Tăng độ chúng, hướng dẫn mọi người tu học. Đến năm 1963, ban Tăng sự tỉnh hội Phật giáo Bình Định (tổ đình Long Khánh, thành phố Qui Nhơn) mời ngài về tham gia công tác Phật sự cho tỉnh giáo hội Phật giáo Bình Định.

+  Qua thời gian công tác Phật sự một năm tại Tỉnh giáo hội TP. Qui Nhơn, năm 1964 Trung ương Giáo hội Phật giáo quyết định bổ nhiệm ngài trụ trì chùa Pháp Lâm Đà Nẵng, hướng dẫn đồng bào Phật tử tại đây tu học.

+ Mãn nhiệm kì 2 năm Phật sự tại TP. Đà Nẵng, năm 1966, Ban trị sự Phật giáo tỉnh Bình Định mời ngài về Tổ Đình Long Khánh để tham gia công tác giáo dục, đào tạo tăng tài, kiêm chức vụ Đặc uỷ Văn hoá Phật giáo Bình Định.

+ Năm 1966-1970, ngài làm giáo thọ tại các trường Bồ Đề chùa Long Khánh, trường Bồ Đề Nguyên Thiều, trường Phật học Nguyên Thiều. (Ngài cùng quí HT. Thích Huyền Quang, HT. Thích Giác Tánh, HT. Thích Tâm Hoàn, HT. Thích Đồng Thiện, HT. Thích Bảo An, HT. Thích Thiện Nhơn, HT. Thích Ngọc Lộ, HT. Thích Đổng Quán đồng sáng lập Tu Viện Nguyên Thiều và trường Trung cấp Phật học Nguyên Thiều.)

+  Năm 1970, ngài được chư Tăng Tổ đình Thập Tháp mời tham gia công tác giáo dục về chuyên khoa Phật học và làm Giám học của Phật học viện Phước Huệ trong hai năm.

+ Năm 1972, Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo quyết định cử ngài nhận lãnh trách nhiệm hoằng pháp Cao nguyên, bổ nhiệm ngài về trụ trì chùa Tỉnh Hội (chùa Bửu Thắng), Pleiku, tỉnh Gia Lai.

+ Ngày 08 tháng 03  năm 1972, ngài chính thức nhận nhiệm vụ trụ trì chùa Bửu Thắng (chùa Tỉnh Hội). Ngài bắt tay vào việc đầu tiên là chỉnh đốn thiền môn, trang nghiêm tổ đình, hướng dẫn đạo tràng tu học.

IV. Nhiếp Hoá Đồ Chúng - Tổ Ấn Trùng Quang

Chùa Bửu Thắng là trung tâm hành đạo của Tỉnh hội Phật giáo Gia Lai, có Văn phòng Hành chính Ban đại diện Phật giáo Tỉnh hội - Văn phòng Ban hướng dẫn Gia đình Phật tử tỉnh Gia Lai. Lúc này, ngài đảm nhận trách nhiệm trú trì, đồng thời, tham gia mọi công tác Phật sự của tỉnh nhà.

Sau tháng 4/1975 đất nước giải phóng, địa bàn hành chánh tỉnh Gia Lai sáng lập thêm tỉnh Kon Tum và tỉnh Phú Bổn, do vậy mọi hoạt động của Giáo hội nói chung, cũng như của ngài nói riêng ngày càng nhiều, đòi hỏi thật nhiều hy sinh và dấn thân phụng sự.

Chùa Tỉnh Hội vừa là trung tâm sinh hoạt Phật giáo của tỉnh Gia Lai, đồng thời là trung tâm của hai tỉnh: Kon Tum và Phú Bổn. Ngài là bậc Cao tăng trụ trì chùa Tỉnh Hội, nên trách nhiệm Phật sự của ngài đối với Giáo hội và quần chúng ngày càng lớn lao hơn.

Suốt những thập niên 80 của thế kỉ 20, tình hình kinh tế khó khăn chung, ngài cũng theo di huấn Tổ Lâm Tế “nhứt nhật bất tác, nhứt nhật bất thực: Sáng bổ củi, làm vườn, chiều tối kệ kinh, dạy bảo đồ chúng… Chùa Bửu Thắng là trung tâm An cư Kiết hạ của chư Tăng toàn tỉnh. Nên hằng năm ngài ra sức chăm lo nơi ăn, chỗ nghỉ… cho chư Tăng trong 3 tháng An cư Kiết hạ, công việc đơn giản nhưng không kém phần gian nan.

Đối với Gia đình phật tử, ngài nhắc nhở các anh chị trưởng phải biết hi sinh thời gian công việc, lo dạy dỗ các em tu học không để đánh mất nền văn hoá cao đẹp, cố gắng giữ gìn nền đạo đức của tổ tiên. Ngài cũng nhắc nhở các vị trụ trì, các ban Hộ tự, Bổn tự quan tâm giúp đỡ Gia đình Phật tử để tiếp nối hậu lai, báo Phật ân đức.

Để ghi nhận và tán dương những đóng góp của ngài với Đạo pháp và Giáo hội, tại Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ V, 2002–2007 ngài được Đại hội Tấn phong lên hàng Giáo phẩm Hoà Thượng. Cũng tại Đại hội này, ngài được suy tôn vào Hội Đồng Chứng Minh TW Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam.

Đối với Phật giáo tỉnh Gia Lai, ngài đã có những đóng góp tích cực cho Phật giáo tỉnh nhà, nhất là giai đoạn sau ngày thống nhất đất nước. Tại Đại hội Phật giảo tỉnh Gia Lai nhiệm kỳ II (2002–2007) và nhiệm kỳ III (2007-2012), ngài được cung thỉnh Cố vấn, chứng minh Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh.

Gần 40 năm đảm nhiệm chức vụ Trú trì tổ đình Bửu Thắng, vì tuổi cao, sức yếu ngài đã đề cử Thượng toạ Thích Tâm Tường thay thế ngài  làm trú trì chùa Bửu Thắng. Tại cuộc họp mở rộng ngày 23-9-2006 giữa Ban Trị Sự tỉnh Gia Lai cùng Ban hộ tự và toàn thể phật tử chùa Bửu Thắng, toàn thể Tăng Ni, Phật tử đã nhất tâm cung thỉnh ngài giữ chức Viện chủ chùa Bửu Thắng và ngài đã hoan hỷ nhận lời. Suốt cuộc đời tu học, hành đạo của ngài ở nhiều nơi, nhưng có lẽ chùa Bửu Thắng và đất Gia Lai là nơi ngài dừng chân lâu nhất.

Điểm nổi bật của ngài là suốt cuộc đời tu tập và hoằng dương Chánh pháp là ngài luôn đề cao và nghiêm trì giới luật, là tấm gương sáng ngời trong việc hành trì Phật pháp. Ngài cũng khuyến khích, sách tấn tăng ni, nhất là thế hệ tăng ni trẻ thực hành Phật pháp, gìn giữ mạng mạch của Phật giáo, đồng thời khuyên chư Tăng nên tập trung về một nơi để An cư Kiết hạ hằng năm để thúc liễm thân tâm, trau giồi giới định tuệ. Quả thật, ngài là cây đại thọ cho ngôi nhà Phật pháp, là bóng đại bồ đề che mát cho hậu lai.

Trên bước đường thừa hành Phật sự từ Bình Định, đến Đà Nẵng, rồi Gia Lai, ngài luôn lấy tâm nguyện: “tùy duyên phổ hóa”. Ngài đã đóng góp nhiều cho công việc trùng tu các chùa: Thiên Trúc (Bình Định), Pháp Lâm (Đà Nẵng), Bửu Thắng (Gia Lai), v.v… những nơi đi qua, ngài đều để lại những dấu ấn khá sâu lắng.

Trong cuộc đời hoằng pháp độ sanh, Hoà thượng  đã truyền trao đuốc tuệ cho nhiều đệ tử xuất gia và tại gia. Những đệ tử xuất gia của ngài như: TT. Thích Quảng Cố, TT. Thích Quảng Bửu, TT. Thích Quảng Hoa (Thích Tâm Tường), TT. Thích Quảng Hiện, Đại đức Thích Quảng Phát, Nhuận Nhàn, Quảng Phước, Quảng Trang, Đức Thi, Quảng Từ v.v… Ngài cũng quy y và trao truyền năm giới cho hàng ngàn đệ tử tại gia ở Bình Định, Đà Nẳng và Gia Lai nhất là ở thành phố Pleiku.

V. Viên Tịch

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô.” Vạn pháp đều vô thường, đúng theo chân lý Phật dạy, với 86 năm hiện hữu trên cuộc đời, thân xác hữu hình như ngôi nhà trải qua thời gian dài sử dụng đến thời kỳ hư hoại. Như Bồ tát Duy Ma thị hiện tật bệnh để hoá độ chúng sanh, những năm cuối cuộc đời, thân xác ngài mang nhiều trọng bệnh. Dù các hiếu tử của ngài đã nhiệt tâm chữa trị, nhưng thuận thế vô thường, ngài đã thâu thần thị tịch trong không khí thiêng liêng, với âm vang của lời kinh kệ, cùng tiếng niệm Phật siêu thoát của hàng đệ tử xuất gia và tại gia. Ngài viên tịch vào lúc 10 giờ kém 10 ngày 19 tháng 11 năm 2010 (giờ tỵ, ngày 14, tháng 10, năm Canh Dần) tại tổ đình Bửu Thắng, số 4A, đường Sư Vạn Hạnh, phường Hội Thương, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai, thế thọ 86 tuổi, hạ lạp 59 năm.

Gần 60 năm tận tụy hết lòng phục vụ Đạo pháp, Giáo hội, nghiêm trì giới luật, khơi thông mạng mạch, thắp sáng nguồn thiền, những đóng góp của ngài cho đạo pháp và quê hương thật đáng cao quí, không sao kể hết, làm rạng danh cho ngôi nhà Phật giáo, xứng danh: “Tòng lâm thạch trụ” của rừng thiền. 

Hôm nay, mặc Hoà Thượng đã đi vào cõi Niết-bàn bất sinh, bất diệt, nhưng gương sáng ngời trí tuệ, giới hạnh và tinh thần phục vụ Đạo pháp, Dân tộc suốt cuộc đời của ngài vẫn còn mãi với GHPGVN, với Phật tử Phố núi , với tổ đình Bửu Thắng thân thương. Quả thật: “Hoa Đàm tuy rụng vẫn còn vương hương.”

Nam Mô Từ Lâm Tế Chánh Tông tứ Thập Tứ Thế, húy thượng Nguyên hạ Uyên, tự Chí Đạt, hiệu Giác Ngộ Bổn Sư Hoà thượng Giác Linh thuỳ từ chứng giám.

                                                         

                                                                Môn đồ pháp quyến kính bái


Âm lịch

Ảnh đẹp