Tôi học từ cuộc đời Phỏng vấn TS. Nguyễn Quang A


Thành Trung Doanh nhân Sài gòn cuối tuần
18/11/2010 12:05 (GMT+7)
Số lượt xem: 3737
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Không khó để nhận ra Tiến sĩ Nguyễn Quang A trên báo chí bởi ông góp mặt đều đặn mỗi tuần trong chuyên mục “Thời luận” của báo Lao động Cuối tuần và viết trên một vài tờ báo khác.


Những đề tài thời sự nóng hổi, từ chuyện thuế thu nhập cá nhân đến Đề án 112 hay chất lượng giáo dục, đều được đề cập dưới ngòi bút sắc sảo gai góc của ông, thể hiện tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của một trí thức. Quyết liệt và rạch ròi khúc chiết trong từng câu chữ, ông soi rọi các vấn đề xã hội bằng tư duy phản biện của một nhà khoa học và vốn kiến thức của một nhà kinh doanh.

Sinh năm 1946, tiến sĩ vô tuyến điện ở Hungary, từng mở công ty tin học 3C nổi tiếng hồi đầu thập niên 1990 rồi tham gia sáng lập VP Bank, ngoài đời nhìn doanh nhân Nguyễn Quang A trẻ hơn khá nhiều so với tuổi, mặc dù cuộc đời ông đầy những biến động và cả khúc ngoặt do số phận “bẻ lái”. Song chính những trở ngại ấy đã góp phần tạo nên một tiến sĩ khoa học - doanh nhân thành đạt.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A còn là một dịch giả uyên thâm với nhiều tác phẩm kinh tế - chính trị kinh điển, như “Hệ thống Xã hội chủ nghĩa” và “Con đường dẫn tới nền kinh tế thị trường”.

- Hình như, ông không bao giờ chịu ngồi không và ở ông không có khái niệm nghỉ ngơi. Bằng chứng là bận rộn với việc quản trị ngân hàng như thế mà ông vẫn tham gia viết báo và dịch sách. Ông không sợ bị nói là ôm đồm sao?

Tôi không nghĩ là mình ôm đồm. Làm việc là cách tốt nhất để giữ cho trí não không bị lão hóa và đầu óc tỉnh táo. Hơn nữa, công việc thường ngày của tôi, dù là ở ngân hàng hay ngồi viết báo dịch sách, cũng là phương thức để theo kịp những đổi thay chóng mặt của thời đại toàn cầu hóa ngày nay. Không làm việc cũng đồng nghĩa với sự tụt hậu và tự loại bỏ mình ra khỏi dòng chảy cuộc sống.

- Ông đi du học ở Hungary từ khi còn rất trẻ và có học vị tiến sĩ chuyên ngành vô tuyến điện, từng công tác tại Viện Kỹ thuật Quân sự, Bộ Quốc phòng và sau này lại trở thành một doanh nhân. Theo ông, làm khoa học hay làm kinh doanh khó hơn? Hai công việc này có hỗ trợ cho nhau không?

Cả hai công việc đều khó (cười). Bởi vì mỗi công việc đòi hỏi một kỹ năng khác nhau nhưng vẫn hỗ trợ cho nhau. Nếu làm một nhà kinh doanh hiểu biết về khoa học thì điều này sẽ giúp cho mình về mặt tư duy và tính toán. Những người làm khoa học tự nhiên có một phẩm chất là luôn luôn nghi ngờ bởi vì không có lý thuyết nào được coi là vĩnh viễn hay tuyệt đối đúng cả. Người ta tìm mọi cách để nghi ngờ lý thuyết ấy và tìm cách lật đổ nó. Như vậy, tính nghi ngờ vốn có của một nhà khoa học là rất bổ ích trong công việc kinh doanh, vì trong kinh doanh ẩn chứa vô vàn rủi ro. Đứng trước mỗi quyết định, đặc biệt có liên quan đến chuyện tiền tệ, thì càng phải biết nghi ngờ.

Vì vậy, việc lựa chọn, lật đi lật lại vấn đề, xem phương án này, nghiên cứu phương án kia… tất cả những yếu tố này sẽ giúp ích rất nhiều cho việc ra quyết định. Và nghi ngờ là một đức tính cần thiết và có ích cho công việc kinh doanh trên thương trường.

- Tại sao ông quyết định rẽ sang lĩnh vực ngân hàng khi đã lăn lộn trong ngành công nghệ thông tin và ít nhiều thành công?

Có lẽ phải quay lại thời điểm cách đây khoảng 14, 15 năm, khi VP Bank ra đời vào năm 1993. Tôi cho rằng, lúc đó ở nước ta, tuy có các tổ chức được gọi là ngân hàng thương mại nhưng thực sự chưa phải là ngân hàng. Từ năm 1975 đến khoảng những năm 1991-1992 không có hoạt động ngân hàng thực sự cho nên kể cả những người làm việc trong lĩnh vực ngân hàng thì đại bộ phận cũng không biết gì về ngân hàng và kinh doanh ngân hàng.

Chúng tôi cũng không biết gì về ngân hàng ở thời điểm đó nhưng vẫn nghĩ làm ngân hàng là hay, có nhiều triển vọng và tôi cùng với một số anh em doanh nghiệp mới thành đạt có chút ít vốn liếng bắt tay thành lập ngân hàng vì nghĩ rằng mình có khả năng. Chỉ có thế thôi chứ không có lý do gì đặc biệt cả.

Tôi là một người làm khoa học kỹ thuật, nghiên cứu lĩnh vực xử lý thông tin và tôi rút ra một điều rằng toàn bộ hoạt động của ngân hàng cũng chỉ xoay quanh việc xử lý thông tin, làm việc với thông tin mà thôi. Bản thân đồng tiền cũng chỉ là một dạng thông tin đặc biệt. Tưởng rằng khoa học kỹ thuật và tiền tệ khác xa nhau một trời một vực nhưng thực chất, chúng lại có cái gốc rất giống nhau.

- Nghe thì đơn giản nhưng không phải ai làm khoa học cũng có thể trở thành một chuyên gia ngân hàng được, nhất là nghề này ngày càng đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao. Ông có nghĩ rằng mình là người đặc biệt với những phẩm chất đặc biệt?

Tôi chỉ là người bình thường. Không có gì đặc biệt hay phẩm chất vượt trội nào cả. Chỉ có điều, tôi tự học và đọc rất nhiều. Thực sự là rất nhiều. Có lẽ đó là cái mà chúng ta hay gọi là bí quyết chăng?

- Chưa kể ông còn là dịch giả và nhà báo.

Tôi quan niệm thế này. Trong một thế giới biến đổi không ngừng một cách siêu tốc như trong “thế giới phẳng” mà chúng ta đang sống, phải tự trang bị và chuẩn bị cho mình đầy đủ để có thể thích nghi với nhiều mặt của cuộc sống. Phải tự thay đổi mình, một cách nhanh nhất có thể, trong các lĩnh vực và bắt buộc bản thân tự học hỏi, tự trau dồi để thành công trong những lĩnh vực đó. Khi bạn tự ép mình làm một công việc trên cơ sở sự đam mê và lòng kiên nhẫn thì khả năng thành công sẽ cao.

- Vậy thời gian một ngày ông phân chia ra sao để giải quyết bao nhiêu công việc?

Tôi dậy từ sớm, xem tin thế giới trên CNN và BBC, rồi đến cơ quan làm việc. Tôi vẫn làm việc từ 8 giờ sáng đến 7-8 giờ tối hàng ngày. Ngoài công việc ở ngân hàng, tôi dành thời gian để đọc sách báo, tán gẫu với bạn bè, đi nhậu.

- Đi nhậu?

Đúng. Tôi có khả năng chơi với nhiều loại người. Có thể nhậu vỉa hè với những người bình dân hoặc vào những chỗ rất sang trọng với giới doanh nhân hay với báo chí, văn nghệ sĩ. Tôi tự nhận mình là người khá dễ tính.

- Và ông học được gì từ nhiều bạn bè như vậy?

Một người dù giỏi đến bao nhiêu vẫn có thể học rất nhiều từ người khác, thậm chí cả những người không có điều kiện học hành nhiều. Học từ sách vở cũng quan trọng nhưng học từ trường đời có khi còn quan trọng hơn. Tôi cũng học nhiều từ cuộc đời.

- Ông tham gia dịch những cuốn sách được viết bằng tiếng Anh thuộc dạng khó như Thế giới phẳng của Thomas Friedman, Giả kim thuật tài chính và Xã hội mở của George Soros… nghe nói đó là do nỗ lực tự học. Điều này có đúng không?

Đúng là tôi tự học tiếng Anh. Nhưng để dịch được một cuốn sách tiếng Anh, nhất là loại sách mà tôi chọn thì khả năng tiếng Anh không thôi chưa đủ. Nó đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhưng tựu trung lại vẫn là lòng say mê, tinh thần kỷ luật và ý chí. Còn kiến thức thì tự trang bị cho mình theo kiểu “năng nhặt chặt bị”. Tôi cho rằng, các bạn trẻ ngày nay đang đứng trước cơ hội rất lớn để học hỏi từ Internet, kho kiến thức khổng lồ của nhân loại. Tất nhiên là phải biết sàng lọc thông tin và tiếp cận một cách khoa học.

- Thế giới phẳng là cuốn sách thứ 13 mà ông đã dịch trong tủ sách SOS2 của ông. Nên hiểu về tên gọi của tủ sách này như thế nào, thưa ông?

Nhiều người cũng hỏi tôi về tên gọi SOS2 này. Đây không phải là “cấp cứu” như nghĩa tiếng Anh của từ viết tắt “SOS” mà chúng ta đã biết. Đơn giản, đây là chữ viết tắt của từ tiếng Anh “Social Operating System”, nghĩa là “Phần mềm hệ điều hành xã hội”.

Xã hội mà chúng ta đang sống, về cơ bản, cũng giống như một hệ thống máy tính, phức tạp và nhiều tầng nấc. Bộ phận quan trọng nhất là phần mềm (software), là nội dung và hệ điều hành của máy tính chứ không phải là phần cứng.

Tương tự, trong xã hội, phần mềm chính là hệ thống luật pháp, chính sách, cơ chế, các nguyên tắc và quy định cũng như các phong tục tập quán, nền văn hóa. Những phần mềm của xã hội, tuy không hữu hình, không chạm tay vào được, nhưng thực chất lại điều khiển và ràng buộc ứng xử của con người trong xã hội.

Tủ sách của tôi, SOS2, bao gồm những cuốn sách viết về “phần mềm” trong xã hội, với nhiều nội dung về kinh tế, chính trị, xã hội… Đơn giản, tôi chỉ là người góp sức để các tác giả nổi tiếng thế giới đến với độc giả Việt Nam.

- Khi “chạm” vào kho tàng tri thức mênh mông của nhân loại ấy, ông tìm thấy gì qua những trang viết mà những bộ óc lớn như George Soros gửi gắm? Phải chăng là sự thôi thúc phải học nhiều hơn nữa?

Đúng vậy. Làm bất cứ việc gì tôi cũng muốn làm một cách cẩn thận. Làm đến nơi đến chốn. Nghĩa là phải học. Tôi không hiểu biết gì về ngân hàng khi tham gia thành lập VP Bank ư? Vậy thì tôi phải đọc không biết bao nhiêu sách và tài liệu về ngân hàng. Ngoài lĩnh vực này, còn rất nhiều vấn đề liên quan đến kinh tế, chính sách của nhà nước, thuế, lạm phát… Tôi cũng phải học tất tật những vấn đề đó. Cách học tốt nhất là đọc sách. Đọc càng nhiều càng tốt.

Tôi đọc nhiều lắm nhưng trong số những tác phẩm đó, tôi lựa chọn ra những cuốn nào tâm đắc nhất thì tôi đào sâu hơn nữa bằng cách dịch ra tiếng Việt, trước hết cho bản thân tôi là chính, để phục vụ việc học. Sau đó, tôi thấy những cuốn sách đó có thể có ích cho người khác thì tôi tìm cách xuất bản để giới thiệu rộng rãi cho bạn đọc. Tôi muốn chia sẻ với bạn đọc.

- Có ý kiến cho rằng, sự phát triển kinh tế ở nước ta trong những năm gần đây tiến lên rất nhanh nhưng ngược lại, văn hóa và đời sống tinh thần của một bộ phận dân cư, nhất là trong giới trẻ, lại bị tụt hậu khá xa. Ông nghĩ gì về nhận định trên?

Tôi không nghĩ thế. Theo tôi, lớp trẻ bây giờ rất thông minh và hiểu biết rất rộng. Chúng ta hãy lạc quan về thế hệ này, mặc dù, thang giá trị của các bạn trẻ bây giờ có thể khác ngày xưa. Chỉ có điều, xã hội phải định hướng tốt cho thế hệ trẻ, hướng các em đến những việc làm có ích và khuyến khích các em học hành tốt.

- Vậy ông có đồng ý rằng các tổ chức đoàn thể, hội thanh niên chưa làm tròn nhiệm vụ của mình trong việc tạo ra những không gian vui chơi lành mạnh và bổ ích cho học sinh, sinh viên?

Tôi cho rằng, chừng nào các tổ chức đoàn thể vẫn chưa được trao nhiều quyền trong hoạt động, chưa được tự chủ hành động theo đúng chức năng và vai trò của mình trong khuôn khổ quy định của pháp luật thì chừng ấy không thể giúp ích gì nhiều cho giới trẻ. Suy rộng ra, các tổ chức này phải có tiếng nói lớn hơn trong xã hội, không chỉ trong việc giáo dục thanh niên, mà còn trong nhiều nhiệm vụ khác.

Yếu tố căn bản hình thành nên xã hội dân sự chính là sự tự nguyện. Vì vậy, một vấn đề đặt ra là chúng ta phải nhanh chóng đề ra cơ chế chính sách hợp lý nhằm khuyến khích các tổ chức thực hiện tốt hơn và nhiều hơn vai trò, vị trí của họ.

- Theo ông, vai trò của xã hội dân sự ở nước ta hiện nay như thế nào?

Các tổ chức của xã hội dân sự ngày càng có vai trò mạnh hơn trong đời sống, đặc biệt là với sự bùng nổ của Internet, chúng sẽ khác xa mấy năm trước đây. Điều quan trọng mang tính cấp bách là Nhà nước phải xây dựng luật về hội để quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và vai trò của các hội, hiệp hội. Làm được điều này, các hội và hiệp hội chắc chắn sẽ phát huy sức mạnh và gánh vác nhiều việc thuộc về xã hội dân sự mà hiện nay nhà nước đang phải làm.

- Giờ chúng ta hãy nói một chút về Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhưng dưới góc độ một nhà báo. Những trang viết dám nói thẳng, nói thật, đôi khi đụng chạm đến nhiều chủ đề khá gai góc có phải là tiếng nói gan ruột của một kẻ sĩ Bắc Hà?

Tôi không dám nhận mình là một kẻ sĩ. Tôi chỉ nhìn những vấn đề bức xúc trong cuộc sống và tìm cách gợi mở qua những bài báo và thử đưa ra cách giải quyết. Ý kiến mà tôi đưa ra chưa chắc đã đúng nhưng ít nhất để khơi gợi trong người đọc một cách suy nghĩ khác. Mục đích của tôi chỉ đơn giản là chia sẻ suy nghĩ, khuyến khích sự trao đổi, tranh luận để ngõ hầu góp được điều gì đó cho đất nước. Tôi không có mục tiêu cao siêu gì qua những bài viết đó.

- Ông có thường xuyên nhận được phản hồi và những lời khen chê từ bạn đọc về các bài viết của mình không?

Tôi nhận được khá nhiều ý kiến từ bạn đọc, cả những người không quen biết. Cũng có những ý kiến tán thành và phản đối. Tôi cũng email trao đổi với họ.

- Tham gia viết bài với tư cách là một chuyên gia, chắc hẳn ông có nhiều cơ hội tiếp xúc với nhà báo. Ông nghĩ gì về vai trò của nhà báo trong xã hội Việt Nam ngày nay?

Nhà báo có vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển của một đất nước. Báo chí Việt Nam ngày càng chuyên nghiệp hơn. Các nhà báo, nhất là nhà báo trẻ, cũng rất sắc sảo và năng động.

- Lời khuyên của ông cho các nhà báo trẻ là gì?

Một số nhà báo trẻ, tiếc thay, vẫn bộc lộ lỗ hổng về kiến thức. Điều này rõ ràng hạn chế rất nhiều công việc làm báo của họ. Tuy nhiên, nếu họ chịu khó học hỏi từ đồng nghiệp, những người đi trước và đọc nhiều hơn nữa thì lỗ hổng này sẽ được lấp đầy. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, với Internet, nhà báo đã được trang bị một công cụ tìm kiếm thông tin vô cùng hữu hiệu. Nếu biết cách khai thác, nhà báo có thể tìm được rất nhiều thông tin hữu ích.

Không ít người cho rằng Internet, bên cạnh tác dụng tích cực của nó, cũng góp phần làm cho văn hóa đọc không được chú ý như trước đây nữa. Nhưng thật ra văn hóa đọc không thể chết đi, bằng chứng là rất nhiều sách, trong đó có sách dịch của ông, vẫn được tái bản đều đặn và được đón nhận nhiệt tình tại các hiệu sách.

Anh nói đúng. Dù sao, Internet cũng chỉ là một phương tiện, còn văn hóa đọc vẫn có vai trò rất quan trọng với con người. Nó không thể mất đi được.

- Như vậy, muốn văn hóa đọc, kể cả báo và sách có chỗ đứng vững chắc trong lòng bạn đọc, bản thân người viết cũng phải lao động nhiều hơn và lao động một cách nghiêm túc để tạo ra những tác phẩm thực sự hấp dẫn?

Đúng vậy. Bạn đọc sẽ không quay lưng lại với báo chí và sách nếu người viết tạo ra những món ăn tinh thần thực sự có chất lượng.

- Vậy ông đọc như thế nào?

Có đến 80% thời gian trong ngày tôi dành để đọc. Đọc quan trọng lắm, vì khi đọc ta phải lắng lại để nghiền ngẫm, suy nghĩ.

- Theo ông, mỗi người nên nhìn nhận sự thất bại như thế nào?

Phải coi đó là chuyện bình thường và nhanh chóng quên đi.

- Xin cảm ơn ông!


Âm lịch

Ảnh đẹp