31/10/2010 09:43 (GMT+7)
Số lượt xem: 13607
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 

Kính lạy Giác linh Đại lão Hòa thượng Trúc Lâm thượng Mật hạ Hiển. Được thầy Tín Nghĩa gợi ý ghi lại đôi dòng cảm niệm về Hòa thượng, đặng đưa vào Kỷ yếu ;  con là một học trò rất nhỏ của Hòa thượng ngày xưa, kính cẩn ghi lại kỷ niệm, kính xin Hòa thượng đại xá.

 

Vào những năm cuối của thập niêm 40 thế kỷ trước, ở Thừa Thiên - Huế, trong hàng ngũ sơn môn, không ai là không kính nể mỗi khi nghe đến thầy Trúc Lâm, lớp nhỏ như chúng tôi “sợ” nữa là đằng khác. Kể cả các vị, thuở ấy là bậc thầy của chúng tôi, cũng “ngán”.

 

Suốt 30 năm thị giả thầy Đốc tức Hòa thượng Trí Thủ, Giám đốc Phật học đường Bảo Quốc, về sau là Giám viện Phật học viện Trung phần, Nha Trang, bản thân tôi luôn có dịp gần gũi Hòa thượng Trúc Lâm, và rất nhiều các Ngài ở Thừa Thiên - Huế. Đó là một may mắn để tôi có đôi kỷ niệm về Hòa thượng.

 

 

*.-  Nghiêm Mà Không Khắc

 

Đó là cảm nhận rất sớm về Hòa thượng mà tôi có được từ nhỏ.

 

Buổi học chiều ở Bảo Quốc ra về, tôi được thầy Đốc sai mang phong thư cho Hòa thượng Linh Quang. Thế là chú Ngô ở Từ Đàm, chú Thí ở Trà Am cùng các chú ở Vạn Phước và tôi, nhập bọn cùng trò chuyện, ngược dốc Nam Giao.

 

Câu chuyện đang rôm rả, thì chú Ngô nói lớn :

 

-.  Thầy Trúc kìa, mấy chú.

 

Cả bọn chúng tôi im bặt, đứng nép hàng bên vệ đường, đứa nào mặt cũng đổi Sắc.

 

Thầy từ đầu dốc gần chùa Thiên Minh, đi xuống, chiếc nón to rộng vành mang sau lưng. Tất cả chúng tôi trong tư thế đợi chờ. Một chú nói khẻ :

 

-.  Thầy không ngó mình làm sao chào ?

Một chú khác nói :

 

-.  Thì cứ chào, đợi gì thấy mới chào.

 

Chú Ngô cao hơn cả đám, vái chào trước, cả bọn chấp tay vái chào. Tôi nhỏ con nhất, lấm lét đằng sau, liếc nhìn, thấy thầy gật đầu và cười. Thầy đi qua, cả bọn tiếp tục vừa đi, vừa kháo nhau, tôi cất tiếng trước :

 

-.  Bữa nay cả bọn mình hên đấy, mấy chú ơi !

 

Chú Ngô hỏi gạn :

 

-.  Cái gì mà hên ? 

 

-.  Ừ thì bọn mình chào thầy, Thầy cười và gật đầu qua đó.

 

-.  Sao ông thấy ?  Tụi tui chẳng dám nhìn.

 

Mấy chú khác đồng cất tiếng :

 

-.  Bọn tớ nghe nói thầy Trúc nghiêm lắm, xớ rớ là bị quỳ ngay giữa đường đấy, mấy thầy lớn còn bị nữa là !

 

Chú Thí xen vào :

 

-.  Mình cũng ớn lắm, nghe nói nhiều thầy, chú lớn còn bị tác tai tại chỗ kia đấy.

Tôi phân tích :

 

-.  Ừ vì có lỗi hoặc sao đó mới bị tác chứ, ai đang không mà tác bao giờ. Tớ thấy Thầy nghiêm, đúng. Nhưng Thầy có khắc đâu, thầy vẫn cười với bọn mình đó mà !

 

Cứ thế, hết chú này, đến chú khác xoay quanh cuộc gặp Thầy vừa qua, cho đến ngã ba Từ Đàm, trước khi rả đám, ai về chùa nấy, chú ở Vạn Phước vừa chia tay vừa nói :

-.  Mấy chú thế nào chứ mình nghe tiếng Thầy Trúc là “khớp”.

 

 

*.-  Hòa Thượng Cũng Vui

 

Hòa thượng rất nghiêm, thường thì Ngài rất ít nói. Một hôm Hòa thượng ghé Bảo Quốc, trời đã chiều. Thời gian ấy vào khoảng những 50 năm thế kỷ trước.

 

Từ Tam quan chùa Báo Quốc đi vào, Hòa thượng thấy điệu Kỳ đang đùa chơi với mấy chú điệu ở Bảo Quốc, sau giờ công phu chiều, Hòa thượng hỏi :

 

-.  A, ông nầy mới thấy lúc trưa ở Trúc Lâm, sao lại chạy ra đây ?

 

Kỳ hồn nhiên trả lời :

 

-.  Buồn chết, quân nó đi trọi, chả có ai chơi.

 

Số là Kỳ mới vào hành điệu, quý thầy ở Báo Quốc cho vào Trúc Lâm một thời gian. Chú là gốc Quảng Trị, giọng nói còn rặc tiếng địa phương. Mới vào hôm trước buồn quá, hôm sau xách gói ra trở lại Bảo Quốc. Nghe chú Kỳ trả lời thế, Hòa thượng đứng lại, bọn tôi lo sợ, đứng im phăng phắc.

 

Chỉ có chú Kỳ, đúng là chưa hề nghe tiếng “Thầy Trúc” nên vẫn hai tay mân mê viên bi, Hòa thượng vừa cười vừa bảo :

 

-.  Buồn lắm há !

 

-.  Buồn lắm, vắng hoe à, chú Kỳ cũng trả lời lại như thế.

 

Cả bọn tôi đứa nào cũng rợn tóc gáy khi nghe Kỳ trả lời. Nhất là Hiếu, chú vừa liếc mắt bọn tôi, vừa nói nhỏ : 

 

-.  Đúng là nghé !  Tụi mình mà nói thế là bị xách tai rồi đó !

 

Một giọng Quảng Trị cất lên, nhìn lại, tôi thấy điệu Yến. Vừa nói, chú vừa chạy trốn sau gốc nhọn lan to tướng :

 

-.  Ô, bữa ni răng mà Thầy vui rứa nỏ biết.

 

Thấy cả bọn tôi đang dỡ cuộc chơi, Hòa thượng thủng thẳng cất bước, vừa đi vừa cười, và từ từ bước lên từng cấp vào phòng thầy Thanh Trí.

 

Tất cả chúng tôi thở phào nhẹ nhỏm, cuộc chơi được tiếp tục, và có vẻ phấn khởi hơn, vì cuộc chơi đã được “chứng minh” !

 

 

*.-  Chiếc Hon-Đa Đỏ

 

Năm 1961, tôi đang theo Đại học Huế. Một hôm đang ngồi trò chuyện trò cùng mấy anh em, trong đó có Viện, Trung và cả thầy Đức Trì. Bốn năm anh em đang phiếm luận, Hòa thượng Trúc Lâm nhẹ nhàng đi vào tận nơi mà chẳng anh nào thấy động tịnh gì cả.

Hòa thượng cất tiếng :

 

-.  Chuyện trò chi mà say sưa rứa ?  À cả thầy Ba La đây nữa,

 

-.  Cả mấy anh em đứng dậy, vái chào, không dám ngồi xuống, cứ đứng khép nép, Hòa thượng bảo và cùng ngồi xuống chiếu với chúng tôi.

 

-.  Ngồi đi ! Tui đi trong chùa ra cũng ê cả hai chưng, đi cái đôi guốc thì mát chưng, nhưng mỏi chưng lắm.

 

Thấy Đức Trì thưa :

 

-.  Thầy không mang đôi dép, êm chân hơn, đi guốc mỏi chân lắm.

 

Hòa thượng bảo :

 

-.  Dép cũng có, người ta mới cho một đôi, mình đi guốc quen, mát chưng hơn, rửa chưng cũng khỏe.

 

 Hòa thượng hỏi tiếp :

 

-.  Thầy Sự Trí đi khỏi à ?

 

Trung nhanh nhẩu rời chiếu và  thưa  :

 

-.  Dạ, hình như có bên phòng, để con xuống xem.

 

Hòa thượng chuyện trò, hỏi :

 

-.  Mấy anh ni cũng ở đây cả ?  Gốc Từ Đàm cả hí ?  Hình như là lớp dự bị xuất gia, phải không ? 

 

Tôi thưa, bạch thầy :

 

-.  Dạ !  Đây là Viện, người chạy đi tìm là Trung.

 

Hòa thượng vừa cười, vừa nói :

 

-.  À, Trung, Khánh nửa nầy là mấy “ngài” chạy xe bay hết cả tóc chứ gì !  Ông nầy cỡi Goebell, giống con ngựa nhà trời, còn ông kia cỡi Vespa, tiếng tăm rồi đó. Tu hành khổ vậy đó, hễ không vừa lòng là họ đồn ầm lên.

 

Thầy Đức Trì thưa tiếp :

 

-.  Bạch thầy, tóc nửa tháng cạo một lần còn đâu mà bảo còn với sạch tóc ? Chắc họ thấy sau ngày mới cạo.

 

Hòa thượng cười :

 

-.  Có lẽ là như rứa !  Mà đi xe máy đội nón răng được - chưa tìm ra thứ gì để che cái đầu lúc đi xe, nghiệt thiệt !

 

Thấy không khí cởi mở, tôi chen vào :

 

-.  Mua xe hơi quách, bạch thầy,

 

Hòa thượng bảo :

 

-.  Nì, Khánh đổi Hon-đa mà đi, mặc áo dài mà đi thứ nớ đẹp, chứ xe đang đi (Goebell), không có chỗ thả vạc áo.

 

-.  Hon-đa tiền đâu mà mua, bạch thầy.

 

Hòa thượng bảo :

 

-.  Nói thầy ông cho. Để hôm mô đi họp Sài gòn tui nói cho. Tui nói là thầy ông cho liền. Cuối tháng ni phải đi họp rồi.

 

Quả nhiên, gần hai tháng sau, từ Sài gòn Hòa thượng Già Lam viết thư ra bảo rằng thầy đã bảo tìm mua cho một chiếc Hon-đa màu đỏ.

Cầm thư trên tay, vừa run vì sướng, vừa lo. Bụng nghĩ thầm :

 

-.  Đi xe ọp ẹp mà thiên hạ đã rủa bay cả tóc không còn một sợi, chừ lại xe đỏ nữa, e chết !

 

Thời gian sau, mỗi lần gặp Hòa thượng, Hòa thượng lại hỏi có xe chưa ?  Tôi thưa thật, thầy con đã bảo người mua cho, nhưng xe màu đỏ, nên con không lấy, sợ đi thứ màu ấy ở đây họ rủa tụi con nữa thì phiền đến quý thầy, nên xin thầy cho con đổi màu. Thầy con hứa, để cho tiền thêm mà mua ở Huế.

 

Trên đây là những kỷ niệm trong con về Thầy (Trúc Lâm). Bái vọng Giác linh Thầy. Một vị Thầy bao dung, độ lượng tiềm ẩn trong một thân tướng hết sức nghiêm nghị khả kính.

.

Kính bái,

 

Mùa Vu Lan 2551

 

 

             PHƯỚC HẢI


Âm lịch

Ảnh đẹp