25/09/2010 23:54 (GMT+7)
Số lượt xem: 5659
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tiểu sử

Đại Lão Hòa Thượng THÍCH ĐỖNG QUÁN

Trưởng ban điều hành lâm thời Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh Trú trì Sắc tứ Tổ Đình Thiên Hòa


I. THÂN THẾ

Hòa Thượng Thích Đỗng Quán thế danh Đỗ Châu Đức sinh năm Bính Dần (1926) tại thôn Quan Quang, xã Nhơn Khánh, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Hoà thượng sinh trưởng trong gia đình có truyền thồng nhiều đời thâm tín Tam Bảo. Thân phụ là cụ ông Đỗ Hoạch, thân mẫu là cụ bà Trần thị Tú. Thân sinh Hoà thượng có 5 người con, hai trai ba gái, hai người con trai xuất gia và trở thành một trong những danh tăng có nhiều đóng góp cho Phật giáo Miền trung và cả nước đó là Hoà thượng Thích Đỗng Quán và Hoà thượng Thích Đỗng Minh.

Tuy gia đình Hoà thượng sống ở nông thôn, nhưng song thân của Ngài rất chú trọng đến giáo dục và học hành của con cái, nên từ thuở thiếu thời Hoà thượng đã được song thân cho theo học chữ Hán với các nhà nho tại địa phương đồng thời theo học Tiểu học. Hoà thượng đã đậu Tiểu học năm 1940.

II. XUẤT GIA HỌC ĐẠO.

Tuy tuổi nhỏ nhưng nhờ túc duyên từ trước do vậy Hoà thượng sớm nhận thức cuộc đời là vô thường, thế gian tạm bợ cho nên tâm nguyện xuất gia lúc nào cũng hun đúc trong lòng. Ngày rằm tháng 8 năm 1941, Ngài đến chùa Khánh Vân, thôn Văn Quang, xã Phước Quang xin tập sự sống đời sống xuất gia với cố Hoà thượng Chơn Quang (là chú ruột).

- Năm 1942 cố Đại lão Hoà thượng Thích Trí Thắng đưa Ngài vào chùa Thiền Lâm, Phan Rang. Nơi đây Ngài lạy Đại lão Hoà thượng Thích Huyền Tân làm Bổn sư và được cho pháp danh : Thị Quảng, tự Hạnh Nhơn, hiệu Đỗng Quán, Hoà thượng là vị đệ tử xuất gia đầu tiên của Ngài Huyền Tân.

- Năm 1943, sau khi xuất gia một năm, vì sự nghiệp hoằng dương phật pháp, đào tạo tăng tài nên Hoà thượng Bổn sư gửi ngài về Bình Định theo học lớp phật pháp tại Tổ đình Long Khánh, Quy Nhơn.

- Từ năm 1946 đến năm 1953, Hoà thượng tu học tại chùa Hưng Long theo học chương trình Trung học tại trường Thị Nại ở Biểu Chánh, cũng trong thời gian này Hoà thượng cùng một số huynh đệ trong tỉnh Bình Định tiến hành một số công việc phật sự.

- Năm 1950 vâng lời Đại lão Hoà thượng Thích Giác Tánh, Hoà thượng cùng một số chư tăng trẻ Bình Định thành lập chúng Lục Hòa tại chùa Tịnh Liên, do Hoà thượng Giác Tánh lãnh đạo.

Sau ngày phân chia đất nước 1954. Từ năm Giáp ngọ 1954 đến năm Mậu tuất 1957, Hoà thượng cùng một số pháp hữu như: Hoà thượng Thích Đồng Thiện, Hoà thượng Thích Tâm Hiện, Hoà thượng Thích Liễu Không, Hoà thượng Thích Từ Hạnh, Hoà thượng Thiện Nhơn, Hoà thượng Thích Tâm Lâm …. theo học lớp Trung đẳng phật học tại Tăng học đường Trung Việt do Tổng Hội Phật giáo Trung phần tổ chức tại chùa Long Sơn, Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, do Hoà thượng Thích Huyền Quang làm Giám đốc.

- Năm 1957 Hoà thượng  thọ Tỉ kheo tại Đại giới đàn chùa Long Sơn Nha Trang do Đại lão Hoà thượng Thích Giác Nhiên làm đường đầu. Cũng trong thời gian này Hoà thượng được Hội phật giáo Trung phần đề cử đi thuyết giảng phật pháp tại các tỉnh: Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngãi Hoà thượng là một trong số các vị giảng sư xuất sắc đương thời.

Do nhu cầu phát triển chung của giáo dục Phật giáo, từ năm 1957 Phật học đường Long Sơn Nha Trang và Phật học đường Báo Quốc Huế hợp nhất thành Phật Hộc Viện Trung Phần, đặt tại chùa Hải Đức, Nha Trang, nơi đào tạo tăng tài cho cả nước.

III. THỜI KỲ HÀNH ĐẠO

1. Công tác hoằng dương chánh pháp.

Năm 1958 sau khi học xong khóa học tại Tăng học đương Long Sơn Nha Trang, Hoà thượng cùng các pháp hữu trở về Bình Định cùng khởi xướng chương trình giáo dục và đào tạo tăng tài trong tỉnh.

- Vì sự nghiệp hoằng dương phật pháp, báo phật ân đức Hoà thượng cùng một số Chư Tôn đức tỉnh Bình Định khởi xướng thành lập Tu viên Nguyên Thiều và được sự hưởng ứng tham gia của hầu hết Chư Tôn thiền  đức trong tỉnh. Ngày 15 tháng 8 năm Mậu tuất (27-9-1958) Tu Viện Nguyên Thiều được thành lập, Hoà thượng là một trong 12 thành viên sáng lập gồm quý Hoà thượng : Hoà thượng Thích Giác Tánh, Hoà thượng Thích Tâm Hoàn, Hoà thượng Thích Huyền Quang, Hoà thượng Thích Bảo An, Hoà thượng Thích Quang Ngọc, Hoà thượng Thích Minh Quang, Hoà thượng Thích Bửu Quang, Hoà thượng Thích Đồng Thiện, Hoà thượng Thích Đỗng Quán, Hoà thượng Thích Liễu Không, Hoà thượng Thích Thiện Nhơn, Hoà thượng Thích Như Bửu, đồng thời Hoà thượng cũng là thành viên Ban quản trị Tu viện trong những ngày đầu thành lập.

- Cuối năm 1963, Hội đồng quản trị Tu viện Nguyên Thiều quyết định thành lập trường Bồ đề Nghĩa Thục xây dựng tại đồi Tháp Bạc (trước Tu viện Nguyên Thiều). Sau vì chiến tranh trường Bồ đề Nghĩa Thục được dời về Thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, lấy tên là Trường Trung học tư thục Bồ đề Nguyên Thiều Diêu Trì, Ban quản trị nhất trí đề cử Hoà thượng làm Giám đốc.

2. Dịch thuật và biên soạn.

Mặc dù đang bận nhiều công tác phật sự Hoà thượng vẫn dành thời gian tham cứu phật pháp, đặc biệt Hoà thượng rất đắc ý với môn Duy thức học, Hoà thượng đã trước tác quyển: Khái quát về nhân minh nhập chánh lý luận, ngoài ra Hoà thượng còn bỏ nhiều công sức sưu tầm, nghiên cứu lịch sử Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh.

Hoà thượng đã biên soạn và dịch một số tác phẩm như sau :

- Những tự viện khai sáng, tái thiết, hoằng dương theo

hệ phái Lâm Tế Chúc đã được truy tầm.

- Nhân minh luận giáo khoa.

- Kinh Kim Cang giáo khoa.

- Lược sử các Tổ đình.

- Tiểu sử Danh tăng.

Đồng thời Hoà thượng còn cộng tác với Ban biên tập Tiểu sử Danh tăng Việt nam thế kỷ 20.

3. Xiển dương Môn phái.

Thuở sinh thời, Hoà thượng thường rất ưu tư về Tông môn Hệ phái nhất là Thiền phái Chúc Thánh do Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo khai sáng tại Việt nam và truyền thừa khắp Miền nam. Thời gian trước năm 1975 dù có rất nhiều công việc phật sự cần phải làm, Hoà thượng đã thu thập tài liệu về Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh …

Từ năm 2000 Hoà thượng dành nhiều thời gian đi thăm viếng khắp các tỉnh miền trung và miền nam, vận động Chư tôn đức trong môn phái Lâm Tế Chúc Thánh  thành lập Ban điều hành của Môn phái. Sau nhiều năm kiên trì vận động, đến năm Ban điều hành lâm thời được hình thành và Hoà thượng được mời làm Trưởng ban điều hành lâm thời cho đến ngày viên tịch.

Ngày 17-12-2004 (1.11.Giáp Thân) ngày kỷ niệm Tổ khai sơn viên tịch, Hoà thượng được Môn phái Chúc Thánh suy cử làm Trưởng ban trùng tu Tổ đình Chúc Thánh tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.

4. Xây dựng và trùng tu.

-  Năm 1958 Tu Viện Nguyên Thiều được thành lập, Hoà thượng là người có nhiều đóng góp to lớn cho công tác xây dựng Tu viện.

- Cuối năm 1963 xây dựng trường Trung học tư thục Bồ Đề Nguyên Thiều, tại thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước.

- Năm 1971, Hoà thượng khởi công tái thiết chùa Sắc tứ Tịnh Liên do Đại lão Hoà thượng Cao Minh khai sơn. Tại thôn Liêm Trực, Thị trấn Bình Định, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định.

- Năm 1972 Môn phái đề cử Hoà thượng đảm nhận chức vụ Trú trì chùa Sắc tứ Thiên Hòa, thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Sau khi nhận trú trì Hoà thượng dự kiến và chuẩn bị đại trùng tu chùa, trong khi chuẩn bị các mặt cho việc trùng tu thì gặp phải giai đoạn xã hội thời cuộc thay đổi, kinh kế ngày một khó khăn, do vậy ý định trùng tu phải tạm thời dừng lại… Mãi đến năm 2000 khi đất nước bước vào giai đoạn đổi mới, kinh kế dần dần ổn định công việc trùng tu mới bắt đầu tiến hành, tuy nhiên chùa thuộc vùng nông thôn, đồng bào phật tử tại địa phương ít và kinh tế hạn cuộc nên việc trùng tu phải kéo dài nhiều năm chùa Thiên Hòa mới được khang trang như ngày hôm nay.

Suốt thời gian tu học, hành đạo, Hoà thượng đã ở nhiều nơi nhưng có lẽ chùa Thiên Hòa là nơi Hoà thượng dừng chân lâu nhất, đồng thời chùa Thiên Hòa được như ngày hôm nay có sự đóng góp lớn lao của Hoà thượng .

- Để ghi nhận và tán dương những đóng góp của ngài với Đạo pháp và Giáo hội. Tại Đại hội Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ V, 2002–2007 ngài đã được Đại hội Tấn phong lên hàng giáo phẩm Hoà thượng.

5. Nhiếp hóa đồ chúng.

Trong công cuộc truyền đăng tục diệm Hoà thượng đã hóa độ chúng đệ tử xuất gia và tại gia khá nhiều, đồng thời Hoà thượng làm chỗ nương tựa tinh thần cho hàng phật tử xa gần nhất là nhân dân ở thôn Tri Thiện.

Hoà thượng có một đặc tính là hay chu du thăm viếng nhiều nơi, từ miền Nam miền Trung cho đến miền Bắc, từ thành thị cho đến nông thôn, từ miền trung du cho đến miền núi, Hoà thượng thăm viếng bất kể nơi đâu từ ngôi Tổ đình to lớn cho đến ngôi chùa nhỏ bé ở tận xa xôi, không phân biệt Sơn môn, hệ phái, không so sánh vị đó là Hoà thượng, Thượng tọa hay người thủ tự hương khói cho chùa, dù tăng, ny hay cư sĩ phật tử, dù người đó là một vị cao tăng hay vì thiếu duyên đã hoàn tục. Hoà thượng thường tâm sự với các huynh đệ : Nếu đầy đủ nhân duyên tôi muốn được đi nhiều nước để tìm hiểu thêm về các nước khác.

IV. THỜI GIAN VIÊN TỊCH.

1. Định luật vô thường

Hơn tám mươi năm hoằng pháp lợi sinh, tựa như một cỗ xe đến thời kỳ hư hoại, và cũng là quy luật tất yếu của kiếp người, sanh lão bệnh tử, Hòa thượng đã lâm bệnh, mặc dù được Môn phái, cũng như môn đồ pháp quyến và các y, bác sỹ bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định tận tình chăm sóc chữa trị, nhưng tuổi cao sức yếu Hòa thượng đã thuận thế vô thường, thâu thần viên tịch vào lúc 14h 30 ngày 26 tháng Giêng năm Kỷ sửu (nhằm ngày 20 tháng 02 năm  2009) tại  Sắc tứ Tổ đình Thiên Hòa, thôn Tri Thiện, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, Trụ thế 84 năm, 53 hạ lạp.

Cuộc đời và sự nghiệp của Hoà thượng  có nhiều đóng góp thiết thực cho Phật giáo Việt nam và Phật giáo Bình Định nói riêng trong nhiều lĩnh vực, nhất là phương diện kiến tạo cơ sở giáo dục cũng như kiến thiết, trùng tu nhiều ngôi chùa làm nơi sinh hoạt, tu học cho nhiều thế hệ tăng ny, phật tử. Đặc biệt Hoà thượng rất linh hoạt trong ứng đối và xây dựng, nhất là xây dựng chùa chiền và các công trình cổ kính. Sinh tiền Hòa thượng tính tình thẳn thắn, ít khi chịu quy lụy bất cứ ai. Cuộc đời của Hoà thượng là tấm gương sáng là bài học lớn cho hậu thế.

Suốt cuộc đời của Hòa thượng từ lúc xuất gia tu học đến lúc viên tịch,  lúc nào cũng nghĩ đến Đạo pháp và Dân tộc, nhất là luôn nghĩ đến việc đào tạo tăng tài, Hòa thượng đã cưu mang, giúp đỡ tạo mọi thuận duyên cho nhiều tăng ny trên đường tu học, hành đạo, bằng khả năng của mình Hoà thượng đã có những đóng góp thiết thực cho đạo pháp, luôn mong muốn đạo pháp cửu trụ ở cõi ta bà.

Theo định luật vô thường Hòa thượng đã xã bỏ báo thân nơi cõi Ta bà, nhưng pháp thân của Hòa thượng mãi còn ở thế gian này, trong đệ tử xuất gia và tại gia của Hoà thượng và luôn tiếp nối hạnh nguyện lợi tha, hoằng dương đạo pháp lợi lạc chúng sanh.

Nam Mô Lâm Tế Chánh Tông, Tứ Thập Nhị Thế, Thành Viên Sáng Lập Tu Viện Nguyên Thiều, Trùng Tu Tịnh Liên, Thiên Hòa Tự, húy Thượng Thị hạ Quảng, tự Hạnh Nhơn, hiệu Đỗng Quán Hoà thượng Tôn Sư chứng giám.

MÔN ĐỒ PHÁP QUYẾN

Soạn theo ghi chép của Sư Ông

Cùng tham khảo các tư liệu khác


Âm lịch

Ảnh đẹp