22/09/2010 14:33 (GMT+7)
Số lượt xem: 4498
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Nếu tính đời người là một trăm năm thì một ngàn năm chỉ bằng mười đời người hoặc mười người cộng lại; vả lại, không gian vô tận, thời gian vô cùng thì một ngàn năm là giấc chiêm bao còn lưu trên hoang tích của vôi vữa, đá gạch nằm trong lòng đất!

LTS: Trong không khí Đại Lễ Nghìn năm Thăng Long diễn ra ồn ã và náo nức, Tuần Việt Nam xin giới thiệu những bài viết lắng đọng hoài niệm lại nét văn hóa lịch sử, lối sống thanh lịch của người Tràng An xưa. Những người đang sống ở Hà Nội hôm nay và mai sau gìn giữ và phát huy thế nào để luôn mang trong mình những giá trị đó? Mời các bạn cùng thảo luận TẠI ĐÂY hoặc qua địa chỉ tuanvietnam@vietnamnet.vn

Thế nhưng, một ngàn năm đó chỉ như mơ hồ trên sách vở, hoặc ảo ảnh giữa hư vô kể từ Minh Vương Lý Thái Tổ di đô  từ Hoa Lư về thành Đại La năm 1010 (Thuận Thiên thứ 1, vào tháng 7), mà di tích được khám phá trên một vùng rộng lớn tại thủ đô Hà nội vẫn còn là minh chứng thật cho một huyền sử xa vời!

Có ý kiến cho rằng, nên dựng tượng đài Thiền Sư Vạn Hạnh trên đất Hà Thành, và có những con đường mang tên vị Quốc sư lỗi lạc ấy, để nhắc nhở mọi người luôn ghi nhớ đến công đức của tiền nhân. Thiết nghĩ, ý tưởng đẹp này sẽ được thực hiện trong nay mai khi mà mọi người đã ý thức thấy được những việc cần làm, nên làm.

Muốn thực hiện ý tưởng hay đẹp đó, chúng ta nên từng bước chuẩn bị, nghiên cứu, giáo dục tác động sao cho mọi người hiểu rõ lịch sử dân tộc Việt Nam từ những ngày đầu dựng nước và giữ nước. Tìm hiểu Thiền Sư Vạn Hạnh? Lý Công Uẩn là ai? Nhân tố nào đã nuôi dưỡng, hun đúc nên vị vua anh minh này, người đã lập ra một Lý Triều nức tiếng nhân từ trong lịch sử dân tộc.

Chúng ta tổ chức Đại lễ không phải chỉ để hoài niệm một lịch sử hào hùng đã qua, mà còn khôi phục được giá trị hiện sinh của Lý Triều nhân từ, đã và đang nuôi dưỡng dân tộc Việt Nam trong từng phút từng giây hiện tại.

Trên thế giới cũng như tại Việt Nam suốt chiều dài mấy ngàn năm danh sử, những vị vua từng có công dựng xây và chấn hưng đất nước là chuyện bình thường, cũng như có những đời vua làm băng hoại tổ quốc và trụy lạc cá nhân cũng không thiếu, thế nhưng,  Lý Công Uẩn, mở đầu cho những triều đại kế tục, suốt hơn bốn thế kỷ đem lại thái bình cho nhân dân và thống nhất giang san một mối, tạo sự kiêng nể cho ngoại xâm, dẹp tan ý đồ bá quyền của nước lớn và bình định lân bang bằng ngoại giao, bằng uy tín, bằng chiến lược và kể cả sức mạnh quân sự.

Như lịch sử đã ghi nhận, Lý Công Uẩn vốn xuất thân từ nhà chùa, con nuôi của Lý Khánh Vân và là đệ tử truyền thừa của Thiền sư Vạn Hạnh. Từ bé đã không cha, mang một  lý lịch huyền thoại, nhưng cốt cách sinh hoạt thường nhật của một chú bé ở chùa chứng tỏ một con người không mang tính huyền thoại để bước vào đời nhận lãnh trách nhiệm gánh vác giang san trên đôi vai một Phật tử. Triều đại Lê Long Đỉnh, Lý Công Uẩn làm Điện Tiền Chỉ Huy Sứ.

Trong hàng quan tướng tứ trụ vương triều thì Lý Công Uẩn tỏ ra nhân hậu, nhiệt tình, trung thành, được lòng quan triều và  tín nhiệm của Lê ngọa Triều. Tuy Lê Long Đỉnh tỏ ra hư hỏng, tha hóa và độc ác đối với lê dân cũng như thô bạo đối với sư sãi, giải khuây bằng sự chết chóc của tội nhân, tham dâm vô độ, giết anh cướp ngôi (1)...đã làm mất lòng dân cực độ, thế mà Lý Công Uẩn vẫn tròn đạo nghĩa vua tôi, chính vì thế mà Lý Công Uẩn được Lê Long Đỉnh rất tin tưởng.

Lê Long Đỉnh băng hà lúc 24 tuổi, con còn quá nhỏ. Đào Cam Mộc và  quần thần tôn Lý Công Uẩn lên ngôi vua, ứng với điềm lành báo trước cây gạo ở chùa làng Diên Uẩn, (Cổ Pháp) bị sét đánh mà Vạn Hạnh tiên đoán nhà Lê suy Lý Thịnh;

Cho dù Lý Công Uẩn được Đào Cam Mộc và Vạn Hạnh thiền sư hậu thuẫn, nhưng không có thần khí nhân từ, chơn mạng đế vương được lòng thiên hạ thì cũng khó mà cửu trụ.

Lý Công Uẩn lên ngôi chưa tới 40 tuổi, thế mà có tầm nhìn của một lãnh tụ thiên tài;  Hoa Lư là mãnh đất từng chống  ngoại xâm cũng như dẹp loạn sứ quân của nhị vị Tiên đế Đinh- Lê, có nghĩa  Hoa Lư chỉ là vùng tử thủ, chứ không thể là địa công; vùng chiến lược quân sự mà không là chiến lược kinh tế và phát triển cơ đồ. Từ xưa, các triều đại từng có việc dời đô, nhưng việc di đô lại thể hiện tính dân chủ trong thời phong kiến như Lý Thái Tổ:

"Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô[7], nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô[8], há phải các vua thời Tam Đại[9]; ấy theo ý riêng tự tiện dời đô. Làm như thế cốt để mưu nghiệp lớn, chọn ở chỗ giữa, làm kế cho con cháu muôn vạn đời, trên kính mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu có chỗ tiện thì dời đổi, cho nên vận nước lâu dài, phong tục giàu thịnh. Thế mà hai nhà Đinh, Lê lại theo ý riêng, coi thường mệnh trời, không noi theo việc cũ Thương Chu, cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp. Trẫm rất đau đớn, không thể không dời.

Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương[10], ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?" (Bản dịch của Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, in trong Đại Việt sử ký toàn thư).

Chính vì thế mà quan dân đều đồng thuận. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi nhận:[6] Bề tôi đều nói: "Bệ hạ vì thiên hạ lập kế dài lâu, trên cho nghiệp đế được thịnh vượng lớn lao, dưới cho dân chúng được đông đúc giàu có, điều lợi như thế, ai dám không theo". Vua cả mừng.

Được thế, thì dù tượng đài của Thiền Sư Vạn Hạnh tuy chưa được thực hiện, nhưng hình ảnh Ngài, tâm hồn Ngài đang có mặt trong trái tim, trong khối óc của mỗi chúng ta, và chính chất liệu đó đã tác thành, cống hiến cho dân tộc Việt Nam một Thánh quân Lý Công Uẩn.

Vậy thì, lễ mừng Hà Nội ngàn năm Thăng Long quả là một sự kiện lịch sử hy hữu trên thế giới, vì chúng ta tổ chức lễ hội này không phải chỉ để hoài niệm một lịch sử hào hùng đã qua, mà còn khôi phục được giá trị hiện sinh của Lý Triều nhân từ, đã và đang nuôi dưỡng dân tộc Việt Nam trong từng phút từng giây hiện tại.

Vận nước như dây quấn

Trời Nam ôm thái bình

Đạo đức ngự cung điện

Muôn xứ hết đao binh.

Nguon: http://tuanvietnam.net/2010-09-21-ly-thai-to-va-chien-luoc-xay-dung-dat-nuoc


Âm lịch

Ảnh đẹp