11/09/2010 22:02 (GMT+7)
Số lượt xem: 5389
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Kính Tưởng niệm ngày Viên tịch lần thứ 58 cố đại lão Hòa Thượng Thích Khánh Thông vị Tiền bối :

 "Tận lực lo giáo dục đào tạo Tăng tài và hợp tác với đồng môn huynh đệ là Thiền sư Như Trí hiệu Khánh Hòa trong việc khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ 20. . ." Nhằm bày tỏ lòng tôn kính và tưởng nhớ bậc cao Tăng, chúng ta cùng nhau thành tâm thắp hương tưởng niệm và ôn lại hành trạng của Ngài để nêu gương sáng cho hàng hậu học :

                                       Tiểu sử Hòa thượng

                                  THÍCH KHÁNH THÔNG

                                             (1870-1953)

 Hòa thượng thuộc dòng thiền Lâm Tế chánh tông đời thứ 39, pháp húy Như Tín hiệu Khánh Thông. Tục danh Hoàng Hữu Đạo, sinh năm Canh Ngọ (1870) niên hiệu Tự Đức năm thứ 24, tại làng An Thủy, tổng Bảo Trị, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.Thân phụ là cụ ông Hoàng Hữu Nghĩa, hiền mẫu là cụ bà Đặng thị Sa. Ngài xuất thân trong một gia đình phú quý, Nho phong lễ giáo, lại kính tin Tam Bảo.

 Lúc nhỏ Ngài được theo học chữ Quốc ngữ (chữ Nôm) với cụ Đồ Chiểu tại làng An Đức (Khi cụ từ Cần Giuộc tị nạn về đây mở trường dạy học). Ngài là một trong những học trò giỏi của cụ Đồ Chiểu, lại nổi danh Dịch học, Đông Y, Phong thủy địa lý. . .

 Trước khi xuất gia, Ngài sinh hoạt theo luân lý cương thường của Khổng, Mạnh; chí hiếu với cha mẹ, kính trên nhường dưới, luôn hòa nhã với mọi người, thường gắn bó chia sẻ sự vui buồn với Hương, Thôn, Tổng, Huyện. Nên giới quan chức cùng dân chúng rất kính nể, quý trọng và xem Ngài như bậc mô phạm trí thức mẫu mực, vì thế uy tín, đạo đức của Ngài tỏa khắp vùng đất Bến Tre. Đương thời Ngài có tài văn hay chữ tốt, có năng khiếu ứng đối nhạy bén, thơ văn xuất khẩu thành chương. Hôn, Quan, Tang, Tế trong xã hội, thiên hạ đều cần đến Ngài trong việc chọn ngày lành tháng tốt, mà còn xin những câu liễn đối  các tứ lễ nêu trên, cho đến dịp Xuân về họ còn xin Ngài các câu liễn Tết và bài vị thờ cúng Tổ tiên hay những bài văn tế chúc thọ, hoặc nhờ Ngài xem địa thế phong thủy để tư vấn cho việc kiến trúc xây dựng . . . Ngài có trí nhớ tốt, thuộc rất nhiều kinh sử trong Tam giáo, Cửu lưu. Tài hùng biện của Ngài rất hấp dẫn cuốn hút người nghe trong các buổi đàm đạo giao lưu.

 Trãi bao năm; hòa mình với tục lụy trần gian, thế giới tương đối muôn ngàn sai biệt, thấm thía cảnh hồng trần trôi nổi, vô thường muôn sự rõ rồi !  Một hôm, tự thân suy gẫm về thế cuộc nhân sinh, Ngài chợt nhớ đến câu :

 

Nhơn tình tợ chỉ, trương trương bạc;

Thế sự như kỳ, cuộc cuộc tân.

 

Nghĩa là:

Tình đời bến mộng mênh mông;

Cuộc đời xoay chuyển như trong bàn cờ.

 

Năm Đinh Dậu (1897) niên hiệu Thành Thái năm thứ 9, đất Bồ đề bắt đầu bén rễ, cửa Bát nhã đón thêm một Thích tử, vừa tròn 27 tuổi xuân, Ngài ngộ lý vô thường, liễu tri trần gian ảo mộng và tìm đến Chùa Long Khánh, xã Bình Tây, nay thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, đảnh lễ Lão Hòa Thượng Chấn Bửu, cầu xin quy y thế độ, xuất gia và được Bổn sư Hòa thượng ban pháp danh Nguyên Nhơn. Sau đó đến cầu Chánh pháp nhãn tạng với Lão Thiền sư Minh Lương hiệu Chánh Tâm, Trụ trì Tổ đình Kim Cang, (nay thuộc ấp Bình Cang, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An) và được ban pháp húy Như Tín hiệu Khánh Thông, rồi trở thành cùng đồng môn huynh đệ với Thiền sư Như Trí hiệu Khánh Hòa. Từ đây; Ngài nhẹ gót thênh thang trong rừng Thiền thăm thẳm, lướt sóng tung tăng trên biển Pháp mêng mông, nghiên tầm tham cứu Tam tạng giáo điển.

 

Năm Giáp Thìn (1904) niên hiệu Thành Thái năm thứ 6, Ngài trở về quê nhà làng An Thủy, khai sơn Bửu Sơn Tự. Khi hoàn công ngôi Đại Hùng Bửu điện thì Ngài tổ chức Lễ Khánh Thành, An vị tôn tượng Phật, Bồ tát và kết hợp khai Trường Hương, Tuyển Phật trường, mở Đại giới Đàn, cung thỉnh Lão Thiền sư Minh Lương hiệu Chánh Tâm là Bổn sư của Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng truyền giới.

 

Năm Đinh Mùi (1907) niên hiệu Duy Tân năm thứ nhất, Đại giới đàn tại Bổn tự Bửu Sơn, Ngài cung thỉnh Lão Thiền sư Minh Lương hiệu Chánh Tâm là Bổn sư của Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng. Ngài được chư sơn Thiền đức cung thỉnh đương vi Yết Ma A xà lê sư. Từ đó; danh thơm của Ngài tỏa khắp các sơn môn, nức tiếng gần xa; hương giới đức của Ngài ngược gió  tung bay, thiện nam tín nữ khắp nơi quy y kính ngưỡng tôn sư, trong đó có Bà đại thí chủ Lê Thị Ngởi, (một trong những đại gia nổi tiếng bố thí, cúng dường tứ sự cho chư Tăng và cả ruộng đất cho các chùa). Bà trở thành một đệ tử đắc lực trong việc Phật sự của Ngài và nhiều đại thí chủ khác. Vì thuận duyên ngoại hộ như thế, nên rất hợp với tâm nguyện của Ngài là : “Tận lực lo giáo dục đào tạo Tăng tài và hợp tác với đồng môn huynh đệ là Thiền sư Như Trí hiệu Khánh Hòa trong việc khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào đầu thế kỷ 20”.

 

Năm Tân Dậu (1921) niên hiệu Khải Định năm thứ 6, Đại giới đàn tại Bổn tự Bửu Sơn do Ngài tổ chức và Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng.

 

Năm Quý Hợi (1923), niên hiệu Khải Định năm thứ 8, Đại giới đàn tổ chức tại chùa Thắng Quang, nay thuộc xã Giồng Tre, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn Đầu Hòa thượng truyền giới.

 

Năm Ất Sửu (1925) niên hiệu Bảo Đại năm thứ nhất, Ngài phú pháp truyền đăng, trao Chánh pháp nhãn tạng dòng thiền Lâm Tế Chánh Tông đời thứ 40 cho đệ tử Hồng Hạnh hiệu Vĩnh Đạt và ban kệ như sau :

 

Hồng huy kế chánh tông,

Hạnh hòa phước huệ thông,

Vĩnh truyền tăng tục đạo;

Đạt ngộ liễu chơn không.

 

Sau đó; Ngài bổ nhiệm đệ tử Hồng Hạnh hiệu Vĩnh Đạt về trụ trì Bửu Linh Tự, xứ Cái Mít, nay thuộc xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

 

Năm Đinh Mão (1927) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 3, Đại giới đàn tổ chức tại chùa Thắng Quang, xã Giồng Tre, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn Đầu Hòa thượng truyền giới.

 

Năm Tân Mùi (1931) niên hiệu Bảo Đại năm thứ 7, Đại giới đàn tổ chức tại Long Nhiễu Tự, nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, Ngài được cung thỉnh đương vi Tuyên Luật sư, Yết Ma A Xà Lê sư.

Đại giới đàn tại Bổn tự Bửu Sơn do Ngài tổ chức trong năm này và Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng.

 

 

Năm Đinh Sửu (1937), niên hiệu Bảo Đại năm  năm thứ 13, Đại giới đàn tổ chức tại Long Nhiễu Tự, nay thuộc xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, Ngài được cung thỉnh đương vi Đàn đầu Hòa thượng.

 

Năm Giáp Thân (1944), niên hiệu Bảo Đại năm thứ 20, Đại giới đàn tại Bổn tự Bửu Sơn do Ngài tổ chức và Ngài đương vi Đàn đầu Hòa thượng.

 

Từ lúc xuất gia cho đến suốt cuộc đời còn lại, Ngài luôn để tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo Tăng tài, liên tục khai kiến  đàn Tuyển Phật trường truyền trao giới pháp,  đáp ứng nhu cầu cấp bách trong giai đoạn chuyển mình của Phật giáo. Lớp Tăng sĩ trẻ hậu bối này đã làm hậu duệ để đãi lao cho Lão tiền bối Như Trí hiệu Khánh Hòa trong mọi công tác Phật sự.

 

Do công đức khởi xướng phong trào chấn hưng Phật giáo và giáo dục đào tạo Tăng tài mà phương danh của nhị vị lão Hòa thượng tiền bối này, mãi lưu danh vạn thế và đã phổ vào nhân gian huyền thoại ca tụng rằng :

 

Bầu trời có mấy vì sao !

Bến Tre mây nước, Cù Lao hai hòn.

Cù lao Minh, chùa Tuyên Linh;

Khánh Hòa đại lão hiển vinh Tăng tài.

Chấn hưng Phật giáo một mai;

Miền Nam nước Việt tương lai rạng ngời.

 

Cù lao Bảo, Bửu Sơn ơi !

Khánh Thông Hòa thượng một thời Cửu Long.

Miền Nam nhị vị Giáo tông;

Chấn hưng Phật giáo hanh thông lâu dài.

 

Để phân biệt đệ tử của sơn môn Tuyên Linh, Khánh Hòa lão Hòa thượng và sơn môn Bửu Sơn, Khánh Thông lão Hòa thượng thì đệ tử của sơn môn Tuyên Linh pháp hiệu chữ Thành như : Thành Đạo, Thành Lệ . . . Còn đệ tử của Sơn môn Bửu Sơn pháp hiệu chữ Vĩnh như : Vĩnh Tấn,Vĩnh Huệ, Vĩnh Thành, Vĩnh Tín, Vĩnh Đạt, Vĩnh Đạo, Vĩnh Sanh, Vĩnh Thiện, Vĩnh Chơn, Vĩnh Tồn. . .

 

Hàng Pháp điệt tiêu biểu của Ngài, thuộc môn đồ pháp quyến Tổ đình Bửu Sơn như các vị : Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cố Hòa thượng Thích Hiển Giác, nguyên Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Minh Hải. Hòa thượng Thích Hiển Tu, Thành viên Hội đồng Chứng minh Trung ương GHPGVN, Trụ trì Chùa Xá Lợi. Hòa thượng Thích Minh Hiền, Chánh đại diện Phật giáo Quận 3,  Thành phố Hồ Chí Minh. . .

 

Hóa duyên ký tất, thuận thế vô thường, thị hiện chút bệnh duyên, tự biết Ta Bà quả mãn, Ngài liền triệu tập môn đồ pháp quyến, rồi phó chúc chuyển giao Phật sự cho đệ tử Vĩnh Huệ tiếp nối sự nghiệp Trụ trì Tổ đình Bửu Sơn. Sau khi tụng xong thời kinh Kim Cang,  Ngài gọi chúng đệ tử bên cạnh rồi kể lại quảng đời tu hành, truyền đạt kinh nghiệm hành đạo của mình và để tỏ lòng tri ân với Tổ đình Long Khánh, Tổ đình Kim Cang, cùng với huynh đệ đồng môn xuất gia tu học từ thời niên thiếu.

 

Khuyến tấn môn đồ pháp quyến xong, Ngài mỉm cười, thu thần Thị tịch vào ngày mùng 03 tháng 08 năm Quý Tỵ (nhằm ngày thứ năm, 10.09.1953). Trụ thế 83 Xuân. Trụ trì  47 Đông. An cư 55 Hạ.

 

Có dịp Ngài được thỉnh chứng minh một Trường Hạ ở Kinh đô Huế, nhân việc Hoàng Thái hậu thân bất an, thì Vua Bảo Đại và Hoàng tộc mời Ngài vào cung để chăm sóc cho lịnh bà tứ đại điều hòa. Sau đó được Vua ban tặng Y Hồng thêu hình rồng vàng, mão Hiệp Chưởng, tịnh tài và một bài thơ chúc Khánh tuế :

 

Kính mừng Hòa thượng tuổi Linh, Qui,

Tiếng tốt Trung, Nam khắp lưỡng kỳ,

Minh kính gương soi lòng Trí huệ,

Bồ đề giốc dựng dạ Từ bi.

Làm con đức Phật, làm Thầy chúng,

Tỏ lối đàng Nho, tỏ Đạo y,

Non nước còn dài ơn võ lộ;

Hoa sen nức nở chốn liên trì.

 

                               Bảo Đại hoàng đế ngự bút

 

(ghi chép theo lời kể của Hòa thượng Y Chỉ sư  Thích Vĩnh Đạt, thân tộc Ngài hiện ở gần Tổ đình Bửu Sơn, và tham khảo Danh Tăng Việt Nam, Biên niên sử Giới Đàn Việt Nam do Thượng toạ Thích Đồng Bổn chủ biên)

 

Mùa Thu Canh Dần (11.09.2010)

Pháp điệt Thích Vân Phong kính biên tập

 


Âm lịch

Ảnh đẹp