04/01/2014 10:45 (GMT+7)
Số lượt xem: 1203
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khi loài người đã biết hợp quần, sản xuất, sống thành xã hội và mọi người lao động để tạo thu nhập thì các hình thức lao động và sản phẩm lao động, nói chung là lực lượng sản xuất và phương thức sản xuất,

I. Khái quát

Phat-giao-dao-duc

 được hình thành theo từng nhóm, dù người lao động có thể không ý thức đến những người khác có liên hệ đến mình (và ngược lại) hay không. Sự sản xuất của một số người lao động dần dần được người khác biết đến; và khi xã hội đã quen thuộc với thể cách lao động, sản phẩm lao động, thì thể cách lao động được công nhận như một nghề. Nghề nghiệp là từ dùng để gọi chung các hoạt động có thể tạo ra thu nhập trong xã hội.

Khi nói đến nghề nghiệp, người ta nghĩ ngay đến việc đáp ứng nhu cầu của xã hội hay một số đông người trong xã hội, tức là tính phục vụ của từng nghề. Điều quan trọng nữa là thu nhập của người hành nghề, có đủ hay không đủ để nuôi sống bản thân và gia đình, để có phần để dành phòng những chi tiêu bất ngờ như ốm đau, tai nạn, thiên tai… Phẩm chất của người hành nghề được đề cập tới. Anh ta có chân thật, tích cực, khéo léo, thành thạo công việc, không gian dối, không tham lam, sản phẩm của anh ta có lợi cho xã hội hay không? Từ đó phát sinh vấn đề đạo đức nghề nghiệp.

Nghề nghiệp đã hình thành cả chục ngàn năm nhưng Đạo đức Nghề nghiệp mới chỉ được đề cập chính thức cách đây chưa tới ba ngàn năm qua bản Lời thề Hippocrates (Hippocratic Oath) mà người hành nghề Y phải tuân giữ; dù trước đó chừng 100 năm, Đức Phật đã nêu vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong khi giảng về chi phần thứ năm của Bát Chánh đạo là Chánh mạng; mặt khác những nguyên tắc đạo đức của Ngài trong suốt thời gian Ngài hoằng hóa có thể làm tiêu chuẩn áp dụng cho Đạo đức Nghề nghiệp qua mọi ngành nghề.

II. Đạo đức Nghề nghiệp

Đạo đức Nghề nghiệp có căn bản là đạo đức nói chung. Đạo đức học là khoa học nhằm phân tích ý  nghĩa của thiện ác, đúng sai, các giá trị; nói chung là để hành động cho đúng. Quan điểm và tiêu chuẩn đạo đức có thể khác nhau theo từng vùng miền, quốc gia, truyền thống văn hóa, tôn giáo, luật pháp, thời đại… Những quan điểm chung về đạo đức vẫn có khi được đa số người trên thế giới chấp nhận: vì hạnh phúc của số đông, không vì lợi ích riêng tư mà gây phương hại cho người khác…

Đạo đức Nghề nghiệp cũng dựa trên đạo đức nói chung nhưng tùy theo từng nghề, theo luật pháp của từng quốc gia, theo hoàn cảnh sinh hoạt mà có những điều khoản khác nhau. Ruth Chadwick (trong sách Professional Ethics Đạo đức nghề nghiệp, Routledge Encyclopedia of Philosophy – London) đưa ra một định nghĩa về Đạo đức Nghề nghiệp: “Những người chuyên nghiệp và những người làm việc trong các nghề được công nhận, thực hiện kiến thức chuyên môn và kỹ năng. Việc sử dụng kiến thức này phải được điều động thế nào khi tạo một sự phục vụ cho công chúng để có thể được xem là một vấn đề đạo đức và được gọi là đạo đức nghề nghiệp”.

Một định nghĩa khác là “Những người hành nghề có thể phán đoán, áp dụng các kỹ năng của họ và có được những quyết định mang tính hiểu biết trong khi công chúng  thì  không  được  như  vậy  vì  họ  đã  không  được huấn luyện thích đáng” (Caroline Whitbeck, “Ethics in Engineering Practice and Research” Đạo đức học trong vận hành việc thực hiện và nghiên cứu, Cambridge University Press, 1990, p.40 –).

Một số tổ chức nghề nghiệp định nghĩa cách tiếp cận đạo đức của họ bằng một số thành phần như: sự chân thật, ngay thẳng, minh bạch, trách nhiệm, khách quan, tôn trọng, hợp pháp. Phần lớn các nghề đều có những quy tắc, quy định mà người hành nghề phải tuân theo. Trước hết, những quy định này dựa vào các nguyên tắc đạo đức, áp dụng vào từng ngành nghề, mục đích là để tránh sự bóc lột khách hàng, giữ gìn sự trung thực của nghề. Đây không chỉ vì lợi lạc cho khách hàng mà còn vì lợi lạc cho những người hành nghề. Những quy định này cũng duy trì sự tin cậy của công chúng đối với nghề, tức là công chúng sẽ tiếp tục tìm đến sự phục vụ của những người hành nghề.

Trong các lời thề của Hippocrates đặt ra cho các môn đệ, ta thấy có những điểm nổi bật sau: coi thầy như cha mẹ; tôn trọng phục vụ thầy; yêu thương giúp đỡ các con của thầy; dùng hết khả năng và sự phán đoán để chữa bệnh; không trao thuốc độc cho ai; không trao thuốc có thể gây sẩy thai cho phụ nữ; giữ gìn sự trong sạch của đời mình và của nghề; chỉ vì lợi ích của người bệnh; không có hành vi xấu xa, đồi bại; tin tưởng rằng nếu giữ trọn lời thề thì sẽ được sống sung sướng, được quý trọng; nếu vi phạm lời thề thì sẽ bị khổ sở. Lời thề này được xem là được tuyên đọc trước các vị thần về Y học (như Apollon, Aesculapius, Hygieia, Panacea) và các thiên thần khác.

Hãy xem qua những quy định đạo đức cho người làm báo. Những quy định này được hình thành tại nhiều quốc gia như Anh, Úc, Hy Lạp, Hoa Kỳ…

Ví dụ, quy định đạo đức cho những người làm báo tại Úc do Hội đồng Báo chí Úc lập có những điểm đáng chú ý sau: Người làm báo phải báo cáo, diễn dịch tất cả các sự kiện căn bản một cách trung thực, ngay thẳng, và công khai; không đi sâu vào các tính cách cá nhân như chủng tộc, dân tộc, quốc tịch, giới tính, tôn giáo, liên hệ gia đình hay sự yếu kém thể chất, trí tuệ nếu như không cần thiết; không nhận bất cứ quà tặng, lợi nhuận nào; không cho phép những toan tính thuộc quảng cáo hay thương mại nào khiến cho tính trung thực, ngay thẳng, và độc lập bị suy mòn; không đạo văn, lấy tin của đồng nghiệp; cố gắng tối đa để sửa chữa những sai lầm của mình…

Quy định đạo đức cho người làm báo của Hiệp hội Các nhà báo Moldova (một nước cộng hòa ở Đông Âu) năm 1999 còn có thêm các khoản như: Nhà báo phải tôn trọng pháp luật; phải bảo vệ các giá trị dân chủ bằng các phương tiện hòa bình và trong tinh thần bao dung; chống lại bạo lực; tránh ngôn ngữ và sự đối mặt hung hăng; chống phân biệt về văn hóa, giới tính, hay tín ngưỡng; sẽ bị đình chỉ hoạt động báo chí ngay khi người làm báo sử dụng vũ khí…

Đạo đức nghề nghiệp được nêu ra vì lợi ích của cá nhân, của xã hội. Hầu như trong bất cứ nghề nào, người hành nghề cũng cần giữ đạo đức cho chính mình và uy tín cho nghề của mình. Rất nhiều nghề không có những quy định đạo đức, nhưng người hành nghề cần giữ gìn phẩm chất của chính mình theo tiêu chuẩn đạo đức của xã hội thì cũng được tôn trọng, được xem là có đạo đức nghề nghiệp hay còn gọi là có lương tâm nghề nghiệp. Những cá nhân, tập đoàn vi phạm đạo đức nghề nghiệp thì có thể bị xử lý do các hiệp hội, các tổ chức, các đoàn thể liên hệ hay do pháp luật. Việc xử lý có thể là bị phạt, bị cô lập trong hoạt động, bị cấm hành nghề, hay bị tù tội… Vấn đề là làm sao để người hành nghề không tìm cách che giấu những vi phạm đạo đức nghề nghiệp của mình, không gian dối, không che mắt, không luồn lách pháp luật. Đấy là ý thức đạo đức do lương tâm, do trí tuệ nhận biết lý nhân quả, trách nhiệm đời này, đời sau do ta tạo lấy. Ta sẽ trở lại vấn đề này khi bàn về Phật giáo và đạo đức nghề nghiệp.

Nghề nghiệp tạo ra lợi nhuận và từ đó là yếu tố xây dựng kinh tế cho đất nước. Hiển nhiên là nghề nghiệp rất quan trọng, nhất là các nghề thuộc kinh doanh, sản xuất và các công ty dịch vụ lớn. Vấn đề đạo đức hay đạo đức nghề nghiệp được đặt ra cho những người hành nghề; thậm chí người hành nghề bị xử lý, bị phạt tù khi vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Thế nhưng những vi phạm đạo đức nghề nghiệp vẫn gia tăng không ngừng. Người ta tận dụng tài nguyên thiên nhiên làm kiệt quệ môi trường. Mặc dù có những điều luật ngăn cấm để bảo vệ môi trường sinh thái, nhưng nhiều loại động vật bị tuyệt chủng hoặc sắp bị tuyệt chủng, cây rừng bị đốn quá mức… vẫn xảy ra. Ngành sản xuất chế biến gây hại cho sinh thái, gây hiện tượng trái đất nóng dần lên, gây bão tố, lụt lội, sóng thần…

Một thống kê mới đây cho thấy rằng với thể cách sinh sống như hiện nay của con người, khả năng đáp ứng của môi trường bị vượt quá rất xa, tỷ lệ ấy là 200% – 250%, tức là Trái đất phải lớn gấp 2 đến 2,5 lần so với hiện nay! Đó là chưa kể một số nước như Mỹ, Đan Mạch, Na Uy, Anh, Pháp, Ý, Đức, Hà Lan… sự khai thác tài nguyên thiên nhiên đã vượt qua tỷ số trên từ 600% ở Mỹ đến 250% ở Hà Lan.

Khoa học kỹ thuật càng cao, kinh tế càng phát triển, tức là các ngành nghề mang lại lợi nhuận càng lớn, từ đó, sản xuất và tiêu dùng luôn song đôi, lớn lên mãi ở các nước có công nghệ cao. Như vậy có nghĩa là những người càng giàu thì tiêu xài càng sang, biểu hiện sự ham muốn, tham lam không bao giờ dứt. Tham là động lực khiến các nhà kinh doanh bị suy thoái đạo đức nghề nghiệp.

Hạnh phúc không phải là tiền bạc, của cải hay sự thỏa mãn vật chất, Vì dục lạc không bao giờ chấm dứt. Hạnh phúc ngày nay không hơn gì, đúng hơn là không bằng, ngày xưa. Chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, bất công, bạo lực, thiên tai, suy thoái đạo đức… không có dấu hiệu giảm mà còn gia tăng. Càng ngày các nước giàu thì càng giàu, các nước nghèo thì càng nghèo. Người dân các nước giàu cũng không có được hạnh phúc tương đối: kinh tế bất ổn định, khủng hoảng chờ đợi, xã hội bất an vì suy thoái đạo đức, vì bạo lực, khủng bố.

Từ nhiều năm qua, các nước dựa vào các nhà doanh nghiệp, đánh giá sự phát triển của đất nước bằng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP: Gross Domestic Product). Trong thực tế, GDP dù có tăng cao mà đất nước vẫn không được ổn định, an bình, thì người dân vẫn không có được hạnh phúc. Vấn đề phát triển, do đó, người ta thấy cần phải phát triển hạnh phúc: Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH: Gross National Happiness). Giờ đây, ngoài sự phát triển sản phẩm, phải tính đến phát triển hạnh phúc, và phát triển hạnh phúc là chủ yếu, vì phát triển kinh tế (bao gồm  phát triển sản phẩm) cũng thuộc về sự phát triển hạnh phúc: 1/ Phát triển kinh tế, xã hội công bằng; 2/ Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; 3/ Bảo tồn môi trường thiên nhiên; 4/ Thực hiện việc quản trị tốt.

Trong chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc, Giáo sư Katherine Riley làm việc tại Bhutan, một quốc gia Phật giáo thuộc vùng Hy-mã-lạp sơn. Bà đã viết một báo cáo về phát triển hạnh phúc tại quốc gia này. Bài báo cáo được trình bày tại Hội nghị về Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) tổ chức tại Burlington Vermont ngày 1-3-2010. Ngày 13-7-2011, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ra nghị quyết về việc tích cực tiến hành chương trình Tổng hạnh phúc quốc gia GNH với sự hỗ trợ của 68 quốc gia.

Thực ra trước đây rất nhiều nhà kinh tế học khi nghiên cứu Phật học đã nêu ra quan niệm xây dựng một nền kinh tế dựa vào đạo đức học Phật giáo như E.F. Schumaker, Laslo Zsolni, Colin Ash, Joel C. Magnuson.., Ví dụ, giáo sư Laslo Zsolni đưa ra một so sánh giữa kinh tế phương Tây và kinh tế Phật giáo và bảo rằng kinh tế Phật giáo là ưu việt, là mang lại hạnh phúc (Buddhist Economics for Business – Kinh tế học Phật giáo cho Doanh nghiệp, năm 2009). Điều chú ý là ông nhấn mạnh vào doanh nghiệp, tức nghề sản xuất, buôn bán, chế biến, nghề mang lại lợi nhuận cao nhất và cũng rất dễ vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Bảng so sánh đó như sau:

Kinh tế Phương Tây

Tối đa lợi nhuận

Tối đa ham muốn

Tối đa phát triển thị trường

Tối đa sử dụng công cụ Lớn hơn thì tốt hơn Nhiều hơn là nhiều hơn

Kinh tế Phật giáo

Tối thiểu khổ đau

Tối thiểu ham muốn

Tối thiểu bạo lực

Tối thiểu sử dụng công cụ

Nhỏ thì đẹp

Ít hơn là nhiều hơn

Hạnh phúc nhân loại sẽ được tăng lên, khổ đau sẽ được giảm đi nếu thế giới áp dụng đạo đức Phật giáo vào các hoạt động của các ngành nghề hay nói chung, vào doanh nghiệp, kinh tế.

III. Phật giáo hay Đạo đức học Phật giáo áp dụng vào đạo đức nghề nghiệp

1. Đạo đức học Phật giáo

Nếu hiểu đạo đức học là môn học đánh giá hành động, nhận biết sự đúng sai, nên làm và không nên làm để tránh trở ngại, khổ đau và phải làm thế nào để đưa đến sự giảm thiểu, chấm dứt khổ đau, có được hạnh phúc, thì toàn bộ Phật pháp chính là đạo đức học.

Trước hết, đạo đức Phật giáo có mục tiêu là nhằm đến sự giải thoát. Đức Phật dạy “Như nước biển chỉ có một vị là mặn, này Paharada, pháp và luật của ta chỉ có một vị là vị giải thoát” (Tăng Chi Bộ, chương Tám pháp, phẩm Lớn).

Giải thoát chính là rũ bỏ tham, sân, si, tiến hành thực hiện vô ngã bằng con đường bốn tâm vô lượng Từ, Bi, Hỷ, Xả. Trong kinh Chánh niệm của Trung bộ kinh, Đức Phật khuyên tín giả La Hầu La hãy tu tập Từ, Bi, Hỷ, Xả để tiêu trừ các tâm bất thiện như si tâm, hại tâm, bất lạc tâm và hận tâm. Căn cứ quan trọng cho đạo đức học Phật giáo là thuyết nhân quả nghiệp báo, tái sinh luân hồi; nghiệp do mình tạo tác, quả do mình tự tạo, con người trách nhiệm về hành động của mình, cuộc đời vui khổ là do mình tạo nghiệp; nghiệp là nghiệp của thân, khẩu, và ý. Để tránh ác nghiệp, tức tránh quả khổ đau thì phải thực hành thiện nghiệp. Kinh Thập thiện nêu 10 thiện nghiệp mà Đức Phật dạy: 1. Từ bỏ sát sinh, 2. Không trộm cắp, 3. Không tà hạnh (đây là ba thiện nghiệp về thân); 4. Không nói dối, 5. Không nói lời ly gián, 6. Không nói lời thô ác, 7. Không nói lời thêu dệt (đây là bốn thiện nghiệp về khẩu), 8. Không nghĩ đến tham dục, 9. Không nghĩ đến giận dữ, 10. Không nghĩ đến tà hạnh (đây là ba thiện nghiệp về ý). Ngược lại với 10 thiện nghiệp này là 10 ác nghiệp vậy. Mười thiện hạnh kia cũng bao gồm ý nghĩa của 5 giới mà người Phật tử khi quy y Tam-bảo phải tuân thủ: 1. Không sát sanh, 2. Không trộm cắp, 3. Không tà dâm, 4. Không nói dối, 5. Không dùng chất gây say, gây nghiện.

Giữ 5 giới, thực hiện 10 thiện hạnh là có thể được xem là một con người đạo đức. Phẩm chất đạo đức càng được tăng thêm nếu ta cố gắng thực hành theo 10 Ba- la-mật của Nam tông: Bố thí, trì giới, xuất gia, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nhục, quyết định, từ, xả, (xem kinh Jataka, Bổn sanh, các truyện Mahajanaka, Temiya, Suvannasama, Mahosatha, Bhuridata, Nemiraja, Candakurama, Narada, Vessantara, Vidhura) và 6 Ba-la-mật của Bắc tông (xem các kinh Đại phẩm Bát Nhã, Bồ-tát địa trì, Lục độ tập, các luận Đại trí độ, Đại thừa trang nghiêm kinh).

2. Áp dụng đạo đức Phật giáo vào đạo đức nghề nghiệp

Vào thời Đức Phật, các ngành nghề còn đơn giản, không phức tạp về nhân sự, tổ chức, liên lạc, không có hoạt động quy mô, rộng lớn như ngày nay. Kinh Bồ-tát địa trì, kinh Bồ-tát thiện giới, luận Du-già sư địa có nhắc đến sự thông tuệ về năm môn học tức là ngũ minh hay ngũ xảo minh và có thể được xem là năm loại nghề nghiệp: Thanh minh (về ngôn ngữ, văn chương), Công xảo minh (kỷ thuật, công nghệ), Y phương minh (về ngành y), Nhân minh (luận lý) và Nội minh (Phật học, tông phái tu tập). Đức Phật cũng từng dạy về việc tích lũy tài sản, chi tiêu, về các nghề có thể tạo nghiệp xấu…

Trong kinh Tăng Chi Bộ II, Đức Phật dạy cho trưởng giả Cấp Cô Độc về hạnh phúc gồm bốn loại: về sở hữu tiền của, về thọ dụng tài sản, về sự việc không mắc nợ nần, và về sự tịnh lạc tinh thần. Trong đó, ba loại hạnh phúc đầu mỗi loại không bằng 1/16 của hạnh phúc của sự thanh tịnh tinh thần. Trong kinh Trường Bộ II, và III, Ngài lại dạy về việc sử dụng lợi nhuận kiếm được: 1/4 dùng để chi tiêu hàng ngày, 1/2  để khuếch trương việc kinh doanh và 1/4 để dành phòng khi có cấp sự. Trong kinh Tăng Chi Bộ III, Ngài dạy: “Người Phật tử tại gia phải sống bằng nghề nghiệp chân chính, xa lánh năm nghề nuôi mạng sống có thể tạo nghiệp xấu như: buôn bán vũ khí, buôn bán nô lệ, nuôi thú vật để cho giết hoặc làm nghề đồ tể, buôn bán các chất gây say, và buôn bán các độc được”.

Một giáo lý quan trọng về đạo đức nghề nghiệp rất quan trọng được ghi ở trong kinh Chuyển Pháp Luân của Tương Ưng Bộ. Đó là Bát chánh đạo, con đường chân chánh để đi đến giải thoát khỏi khổ đau, tức Đạo đế của Tứ đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo). Chi phần thứ tư là chánh nghiệp nghĩa là tạo nghiệp lành về thân, khẩu, ý. Có thể áp dụng khi hành nghề, nghề để nuôi sống mình, gia đình mình và giúp ích cho xã hội. Tức là làm thế nào để tạo lợi lạc cho mình, cho những người khác, cho cả mình và những người khác (xem Kinh Catukkanipata, Tăng chi bộ). Những người khác có ý nghĩa là đa số.

Cụ thể hơn nữa về đạo đức nghề nghiệp là chi phần thứ năm, tiếp theo Chánh nghiệp, đó là Chánh mạng, nghĩa là làm các nghề chân chính. Nghề chân chính nghĩa là người hành nghề mang lại lợi ích cho mình và cho đa số người trong xã hội. Chánh mạng rõ ràng đã chứng tỏ mối lưu tâm của Đức Phật vào nghề nghiệp và đạo đức nghề nghiệp. Và ngay trong các chi phần còn lại của Bát chánh đạo cũng là những phẩm chất mà người hành nghề cần phải có để thể hiện đạo đức nghề nghiệp của mình: Chánh kiến (thấy đúng, hiểu lý sự việc…), Chánh tư duy (suy nghĩ đúng), Chánh ngữ (lời nói nhu hòa, chân thật, không dối trá), Chánh tinh tấn (siêng năng, nỗ lực tiến bộ), Chánh niệm (luôn tỉnh giác), Chánh định (ổn định tâm thức).

IV. Kết luận

Giáo lý Phật giáo hay đạo đức Phật giáo có thể được áp dụng vào mọi lĩnh vực hoạt động của con người. Vì là một đạo đức học của giải thoát, Phật giáo có thể đem lại hạnh phúc cho con người, giảm thiểu khổ đau trong đời. Đại sư P.A. Payutto của Thái Lan đã phát biểu trong Hội nghị về kinh tế ngày 18 và 19/6/2011, do Uỷ ban Phật giáo và Xã hội thuộc Hội Liên hiệp Phật giáo châu Âu bảo trợ: “Những nguyên tắc đạo đức Phật giáo và việc áp dụng những nguyên tắc ấy vào đời sống kinh tế sẽ tạo một cách sống và hành động có thể giúp mọi người có một cuộc sống gần gũi môi sinh hơn, hạnh phúc hơn, đóng góp vào sự giảm thiểu khổ đau của con người và của các chúng sinh khác trên thế giới”. Nhà sư Henepola Gunaratana người Tích Lan nêu rõ: “Nghề nghiệp ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm thức” (Eight mindful steps to Happiness, Tám bước Chánh niệm đưa đến Hạnh phúc – Wisdom Publications, 2011). Nghề hiền thì giúp tâm hiền, nghề ác thì khiến tâm hư hại. Đây cũng là ý nghĩa của Chánh mạng mà Đức Phật đã dạy.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 140 | THÍCH GIÁC TOÀN

Âm lịch

Ảnh đẹp