Hay nói khác đi, một cảnh giới
địa ngục sau khi chết, nếu có, chẳng qua cũng chỉ là một sự kéo dài của
những gì mà hiện tại chúng ta đang cảm nhận.
Vì thế, đến đây chúng ta có thể vui mừng nhận ra một điều là: nếu như
mỗi chúng ta có thể sống như thế nào để thoát khỏi “cảnh giới địa ngục
trong hiện tại”, thì một “địa ngục sau khi chết” – nếu như có thật –
chắc chắn cũng không phải là nơi đến của chúng ta!
Có người nói rằng: “Hạnh phúc là sự tạm dừng của những khổ đau.” Phát
biểu này tuy chưa phải là hoàn toàn chính xác, nhưng cũng tạm nói lên
được thực trạng “vui ít khổ nhiều” của đời sống. Ngay cả khi chúng ta có
gặp được rất nhiều may mắn thì sự trải nghiệm khổ đau dường như vẫn là
tính chất chủ đạo của cuộc sống này.
Nhưng những nỗi khổ đến với chúng ta cũng không hề có sự đồng nhất như
nhau. Mỗi đau khổ có một nguyên nhân, và khi nguyên nhân khác nhau thì
kết quả nhận lãnh cũng sẽ khác nhau.
Vì thế, luật nhân quả xưa nay vốn thường được hiểu như là mối tương
quan giữa những hành vi thiện ác với những kết quả sẽ nhận được về sau.
Nhưng thật ra còn có mối quan hệ tức thời giữa một hành vi với tác động
của nó đối với bản thân người thực hiện mà phần lớn chúng ta ít khi quan
tâm đến, cho dù đó là điều vẫn thường xuyên xảy ra trong cuộc sống.
Chẳng hạn như khi ta giúp đỡ một người bạn bằng cách làm thay công
việc trong khi anh ta bị bệnh. Theo cách hiểu về nhân quả thì hành vi
này được xem là một điều thiện và sẽ mang lại cho ta một kết quả tốt đẹp
tương ứng trong tương lai, chẳng hạn như ta cũng sẽ được ai đó giúp đỡ
khi cần thiết, hoặc sẽ nhận được những may mắn, phúc lộc nào đó…
Điều mà ít ai quan tâm đến là tác động tức thời của hành vi tốt đẹp mà
ta vừa thực hiện. Sự thật thì việc thực hiện hành vi tốt đẹp ấy sẽ mang
lại cho ta một sự hài lòng, thỏa mãn, một niềm vui nhẹ nhàng khi có thể
làm được công việc mà ta biết là tốt đẹp. Và tác động tích cực này
không thể không được xem là một phần kết quả của hành vi đã làm, thậm
chí còn phải nói là một kết quả trực tiếp, thiết thực mà bất cứ ai cũng
có thể dễ dàng nhận thấy ngay, nhưng lại rất ít khi lưu tâm đến.
Trong kinh Pháp cú, ở kệ số 18 đức Phật dạy rằng:
Hiện tại vui nơi đây,
Đời sau vui nơi khác.
Người tu các nghiệp lành,
Nơi nơi đều vui vẻ.
(Hiện thế thử xứ hỷ,
Tử hậu tha xứ hỷ.
Tu chư phước nghiệp giả,
Lưỡng xứ câu hoan hỷ.)
Cho nên, những hành vi tốt đẹp không chỉ là tạo ra kết quả tốt đẹp
trong tương lai, mà ngay khi thực hiện những hành vi đó, chúng ta đã
nhận được những kết quả tốt đẹp tức thời về mặt tinh thần.
Nếu bạn đã từng làm một việc thiện nào đó – tôi tin là như vậy – cho
dù rất nhỏ nhoi, bạn sẽ dễ dàng tự mình nhận biết được thế nào là niềm
vui có được sau khi làm điều thiện. Và điều đó cũng có nghĩa là: có một
mối tương quan giữa mỗi hành vi của chúng ta với những cảm nhận về mặt
tinh thần của chúng ta ngay sau đó.
Và vì thế, sẽ không khó hiểu khi ngược lại cũng có những hành vi mà
sau khi thực hiện sẽ đẩy ta vào sự khổ sở, dằn vặt hay ray rứt trong tâm
hồn… Và theo như những gì mà chúng ta đã bàn đến, có thể xem những hành
vi thuộc loại này như là những chiếc chìa khóa mở cửa vào địa ngục.
Mặt khác, như chúng ta đã đề cập đến trong phần trước, chính trạng
thái tinh thần quyết định khuynh hướng việc làm của chúng ta. Do đó,
không thể phủ nhận được mối tương quan giữa những trạng thái tinh thần
khác nhau với khuynh hướng thực hiện các hành vi khác nhau, và vì thế mà
dẫn đến những kết quả khác nhau.
Như vậy, những mắt xích phức tạp mà chúng ta vừa xem xét cuối cùng rồi
cũng dừng lại ở điểm khởi đầu là một tâm hồn nhẹ nhàng thanh thản hay
nặng nề trầm uất. Ở từng mức độ khác nhau, những trạng thái tinh thần
này có thể xem là cội nguồn quan trọng quyết định những cảm nhận vui,
buồn, sướng, khổ của chúng ta trong đời sống.
Và thật may mắn là chúng ta hoàn toàn có thể chủ động đạt đến những
trạng thái tinh thần tích cực, nghĩa là đạt đến một tâm hồn nhẹ nhàng
thanh thản, bằng vào những nỗ lực đúng hướng của chính bản thân mình.
Có ba yếu tố độc hại tiềm ẩn trong tâm hồn chúng ta, có tác dụng cuốn
hút chúng ta về những khuynh hướng xấu. Ba yếu tố này là tham lam, sân
hận và si mê, thường được gọi chung là Tam độc.
Chúng ta thấy là có hai trong số ba yếu tố này đã được nhắc đến trước
đây trong các nhóm nguyên nhân làm che mờ sự sáng suốt của tâm hồn, đẩy
chúng ta vào những trạng thái nặng nề, trầm uất. Điều này càng cho thấy
rõ mối tương quan chặt chẽ giữa những tác hại của chúng. Bởi vì, như đã
nói, khi chúng gây ra trạng thái tâm hồn nặng nề, trầm uất thì cũng là
đồng thời tạo ra khuynh hướng thực hiện những hành vi xấu ác.
Hơn thế nữa, trong khi si mê là một trạng thái thiếu tri thức và trí
tuệ, thì đồng thời nó cũng là hệ quả tất yếu của hai yếu tố tham lam và
sân hận. Bởi vì, khi các tâm niệm tham lam và sân hận chế ngự hoàn toàn
tâm hồn ta, thì tất yếu ta sẽ mất đi sự sáng suốt và rơi vào si mê.
Như vậy, điểm khởi đầu của chúng ta trong việc xa rời địa ngục chính
là hạn chế và loại trừ ba yếu tố tham lam, sân hận và si mê.
Sự tham lam là một ông chủ khó tính – vì chẳng bao giờ chúng ta có thể
làm hài lòng – mà phần lớn chúng ta đều là những tên nô lệ của nó ở
từng mức độ khác nhau. Khi lòng tham nổi lên, lý trí bị che mờ và sự
thôi thúc chiếm hữu trở thành nỗi ám ảnh liên tục trong lòng ta. Tùy
theo đối tượng của lòng tham, sức cuốn hút đối với chúng ta có thể thay
đổi khác nhau, nhưng nói chung tất cả đều tạo ra một tâm trạng mong muốn
chiếm hữu đối tượng, khao khát có được đối tượng đó. Tâm trạng này
thường
phát triển dần dần theo thời gian, cho đến một lúc nào đó, nó khống
chế hoàn toàn ý chí và ta không còn chọn lựa nào khác hơn là phải thực
hiện mọi phương thức để chiếm hữu đối tượng.
Đối tượng của lòng tham là một phạm vi không dễ đo lường hay nhận thức
trọn vẹn. Không chỉ là những vật thể hữu hình như tài sản, nhà cửa, xe
cộ… vốn là những thứ có thể nhìn thấy và xác định giá trị, lòng tham còn
hướng đến cả những đối tượng vô hình như danh vọng, tiếng tăm, sự kính
trọng… là những đối tượng không thể nhìn thấy và cũng không thể xác định
giá trị cụ thể, nhưng lại có khả năng cuốn hút mạnh mẽ không kém các
đối tượng vật chất.
Hơn thế nữa, ý thức chiếm hữu do lòng tham tạo ra có khi hoàn toàn vô
lý đến mức gây nhầm lẫn, làm cho ta không nhận ra đó là lòng tham. Chẳng
hạn như trong quan hệ nam nữ hay vợ chồng, ngoài những tình cảm dành
cho nhau còn có một “ý thức sở hữu” luôn tồn tại. Ý thức sở hữu này làm
cho người vợ luôn nghĩ rằng người chồng là “của mình”, và luôn tìm mọi
cách để bảo vệ, gìn giữ cái “vật sở hữu” này. Nếu sử dụng lý trí để phân
tích, ta sẽ thấy điều này có vẻ như vô lý, bởi quan hệ gắn bó giữa
hai người chỉ có thể là do nơi những tình cảm dành cho nhau mà thôi.
Tuy vậy, trong thực tế thì ý thức “chiếm hữu” này vẫn luôn tồn tại, bởi
nó xuất phát từ lòng tham của chúng ta, chỉ muốn chiếm lấy đối tượng cho
riêng mình. Loại bỏ yếu tố lòng tham, ta sẽ không thể giải thích được
rất nhiều phản ứng quá khích trong các vụ đánh ghen chẳng hạn, khi mà
người ta hành động không một chút “lưu tình”, để rồi phải biện hộ một
cách văn vẻ là “thương nhau lắm, cắn nhau đau”.
Sự chi phối của lòng tham đối với chúng ta diễn ra một cách liên tục
và lâu dài. Một khi chúng ta vừa nảy sinh sự ưa thích, tham muốn đối
tượng, chúng ta đã lập tức trở thành nô lệ của lòng tham. Bởi vì kể từ
lúc ấy, mọi suy nghĩ, hành động của chúng ta sẽ âm thầm bị chi phối bởi
sự ham muốn, sẽ luôn hướng theo sự ham muốn, và sẽ luôn tìm mọi cách để
thỏa mãn sự ham muốn.
Sự chi phối này thậm chí kéo dài cả đến sau khi ta đã có được đối
tượng, bởi vì khi ấy sẽ bước sang giai đoạn chiếm hữu và bảo vệ. Ta sẽ
không cho phép bất cứ ai khác giành lấy đối tượng mà ta đã có, nên sẵn
sàng làm mọi việc để giữ chặt lấy nó.
Nói chung, sự chi phối của lòng tham đối với một đối tượng chỉ chấm
dứt khi ta đã thực sự nhàm chán, không còn ham thích đối tượng đó nữa.
Và nhận xét này cũng chính là nguyên tắc để đối trị lòng tham. Đối với
tiền tài, vật chất, của cải… nếu chúng ta quán xét để thấy được tính
chất tạm bợ, không thường tồn và vô nghĩa của chúng khi so sánh với
những giá trị tinh thần cao đẹp, chúng ta sẽ nảy sinh sự nhàm chán,
không còn ham thích, và do đó sẽ không bị sự chi phối của lòng tham.
Tương tự, đối với danh vọng, tiếng tăm, sự kính trọng… nếu chúng ta
cũng quán xét để thấy được chúng hoàn toàn không phải là những giá trị
chân thật có thể giúp ta tạo ra một cuộc sống hạnh phúc, an vui, mà
ngược lại còn mang đến nhiều sự phiền toái, rối rắm trong cuộc sống,
chúng ta cũng sẽ nảy sinh sự nhàm chán, không còn ham thích, và do đó sẽ
không bị sự chi phối của lòng tham.
Đối với những người xuất gia, để đối trị với tâm tham dục cuốn hút về
nữ sắc, đức Phật cũng dạy phép quán bất tịnh. Theo phép quán này, chúng
ta quán xét thân thể con người như một sự tập hợp của những yếu tố như
xương, da, thịt…, trên đó, cửu khiếu thường chảy ra toàn những chất nước
hôi hám… Tất cả những yếu tố cấu thành thân thể đều không thường tồn.
Chẳng bao lâu cái già sẽ đến, da nhăn, tóc bạc, lưng khòm… và một khi
tắt hơi nhắm mắt thì tất cả đều thối rửa không tồn tại. Khi quán xét
như vậy, chúng ta sẽ nảy sinh sự nhàm chán, không còn ham thích, và do
đó sẽ không bị sự chi phối của lòng tham dục.
Lòng tham hiện hữu trong mỗi chúng ta như một bản chất tự nhiên, và vì
thế mà ta thường mặc nhiên chấp nhận sự chi phối của nó. Thậm chí, một
số người còn xem đây là động lực cần thiết để vươn lên trong cuộc sống.
Những người này đã nhầm lẫn giữa ý chí hướng thượng với sự thôi thúc của
lòng tham. Bởi vì ý chí hướng thượng giúp ta vươn lên hoàn thiện bản
thân cũng như điều kiện môi trường chung quanh, nhưng nó không che mờ sự
sáng suốt của tâm hồn, bởi vì nó không làm nảy sinh sự khao khát
chiếm hữu. Trong khi lòng tham thì ngược lại, như đã phân tích trên,
luôn hướng đến sự chiếm hữu, và do đó mà làm che mờ đi sự sáng suốt, làm
mất đi sự nhẹ nhàng vốn có của một tâm hồn thanh thản.
Hiểu rõ được về lòng tham và những tác hại của nó, chúng ta sẽ sáng
suốt hơn trong việc nhận biết mỗi khi lòng tham sinh khởi, cũng như có
thể chống lại và thoát được ra khỏi sự chi phối của nó. Tâm hồn ta sẽ
trút bỏ đi rất nhiều gánh nặng một khi lòng tham lam bị kiềm chế và loại
bỏ.
Lòng sân hận là yếu tố độc hại thứ hai đối với tâm hồn. Nếu như không
ai trong chúng ta là không có lòng tham, thì cũng không ai trong chúng
ta không có lòng sân hận. Chúng ta thường không nhận ra lòng sân hận nếu
như không có bất cứ việc gì trái ý chúng ta. Bởi vì điều đó có nghĩa là
“bản ngã” của chúng ta đang được ve vuốt, tôn sùng, không có ai xúc
phạm đến nó.
Nhưng đây lại là điều không thể có trong cuộc sống. Ngay cả khi bạn có
được quyền lực vượt trên mọi người, bạn cũng không thể đảm bảo việc
không có ai làm trái ý mình. Mặt khác, những sự việc diễn ra quanh ta
rất nhiều khi không hoàn toàn do ta kiểm soát, và do đó mà những việc
“bất như ý” vẫn là chuyện rất thường xảy ra.
Và vì thế mà cuộc sống này vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ cho sự phát
triển của lòng sân hận. Bất cứ khi nào có ai đó làm một điều trái ý
chúng ta, hoặc một sự việc nào đó diễn ra không như ta mong muốn, ngay
khi ấy chúng ta sẽ dễ dàng nổi giận. Và tùy theo mức độ “trái ý” của sự
việc mà cơn giận của chúng ta có thể có những cường độ khác nhau.
Khi cơn giận nổi lên, tác hại đầu tiên của nó là khống chế lý trí và
tình cảm của chúng ta. Chúng ta không còn khả năng suy xét, phán đoán
một cách sáng suốt như bình thường được nữa. Mọi suy nghĩ, phán đoán của
chúng ta bị cuốn hút về phía làm thế nào để thỏa mãn cơn giận. Và mọi
tình cảm của chúng ta cũng bị đẩy sang một bên, nhường chỗ cho lửa giận
bốc lên chiếm trọn tâm hồn. Một đứa con thường ngày được nuông chiều,
thương yêu nhất vẫn có thể phải nhận một bạt tai nảy lửa nếu dại dột đến
quấy rầy người cha trong lúc ông đang phừng phừng lửa giận. Vì thế,
nếu chúng ta hiểu được điều này thì sẽ không lấy làm lạ khi thấy rằng
những vấn đề lý lẽ và tình cảm thường không mấy khi có tác động đối với
một người đang giận dữ.
Nếu lặng lẽ quan sát từ xa một người đang tức giận, chúng ta có thể dễ
dàng nhận ra những thay đổi rõ nét, từ mọi hành vi, cử chỉ, lời nói cho
đến vẻ mặt, dáng đi, tất cả đều như bị kích động bởi một sức mạnh vô
hình, và sự khoan thai, bình thản không còn hiện diện nơi người ấy trong
lúc đó.
Vì thế, chúng ta cũng có thể thấy được rằng một người đang giận dữ là
đang sống trong một cảnh giới tinh thần hoàn toàn khác biệt với những
lúc bình thường. Tâm hồn của người ấy bị nung nấu bởi một sức nóng dữ
dội do cơn giận tạo ra. Sức nóng ấy có thể bộc lộ cả ra bên ngoài với
những dấu hiệu cụ thể như thân nhiệt tăng, mồ hôi tuôn ra và vẻ mặt đỏ
bừng lên…
Và nếu như đặc điểm của lòng tham lam là sự chiếm hữu, thì điểm đặc
trưng của lòng sân hận lại là sự đập phá, hủy hoại. Khi cơn giận bừng
lên, sự đập phá trở thành một “nhu cầu”! Việc trút cơn giận vào đúng đối
tượng rất ít khi xảy ra, bởi có những sự ngăn trở nhất định không phải
bao giờ cũng có thể vượt qua. Hơn thế nữa, có những cơn giận không có
đối tượng cụ thể hoặc có quá nhiều đối tượng… Chẳng hạn như, có những
trường hợp người ta nổi giận đến mức điên cuồng và nghĩ rằng… cả thế
giới
này đang chống lại mình! Hoặc đơn giản hơn nữa là sự vắng mặt của đối
tượng trong lúc cơn giận đang “bốc lên”. Và vì thế, một người đang tức
giận có thể đập phá, hủy hoại bất cứ vật gì trong tầm tay của anh ta,
cho dù ai cũng biết đó là một hành vi hoàn toàn vô lý!
Điều đáng buồn là sự đập phá, hủy hoại không bao giờ là biện pháp
thích hợp để hóa giải cơn giận, mà chỉ càng làm cho nó bốc lên mạnh mẽ
hơn nữa. Khi dừng lại để quan sát cảnh đập phá ngổn ngang do chính mình
vừa gây ra trong cơn giận, người ta thường không thấy “hối hận” hay dịu
đi ít nhiều, mà thực tế là càng thấy… tức giận hơn, như thể sự đập phá,
đổ vỡ đó là do chính người mà mình đang tức giận gây ra.
Cũng tương tự như sự chiếm hữu không làm thỏa mãn lòng tham, sự đập
phá cũng không giúp ta chấm dứt cơn giận. Cơn giận chỉ có thể chấm dứt
khi sự kích động của nó lắng dịu đi và ta lấy lại được sự bình tĩnh.
Và nhận xét này cũng chính là nguyên tắc để đối trị lòng sân hận. Để
ngăn không cho một cơn giận bốc lên, mọi sự suy luận, phân tích của lý
trí hay tác động của tình cảm đều vô hiệu. Phương thức hiệu quả duy nhất
là sự định tĩnh. Bạn có thể đạt được sự định tĩnh bằng nhiều cách,
nhưng cách tốt nhất và dễ thực hiện nhất là cách ly mọi tác động từ bên
ngoài, ngồi một mình trong phòng riêng chẳng hạn. Ngồi yên, và chỉ cần
ngồi yên, không suy nghĩ bất cứ điều gì, nhất là những gì liên quan đến
sự
việc đang làm bạn tức giận. Chỉ cần khoảng 10 hay 15 phút ngồi yên như
vậy, bạn sẽ có thể hóa giải được vô số những tác hại mà một cơn giận có
thể gây ra. Và một khi đã có được sự bình tĩnh, đó mới là lúc bạn có
thể nhờ đến sự can thiệp của lý trí hay tình cảm.
Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ khi thấy rằng những người có thực
hành thiền định rất hiếm khi nổi giận. Bởi vì lòng sân hận giống như một
ly nước bị khuấy động lên, trong khi thiền định lại chính là phương
thức đối trị để làm cho ly nước ấy lắng yên trở lại. Nếu bạn thực hành
thiền mỗi ngày, ngay trong những tâm trạng bình thường, thì lòng sân hận
không có mấy cơ may có thể khống chế được tâm hồn bạn, ngay cả khi bạn
gặp phải những điều trái ý nhất.
Điểm tương đồng giữa lòng tham lam và lòng sân hận là cả hai đều làm
cho tâm hồn ta mất đi sự sáng suốt. Khi chúng đã khống chế được tâm hồn
ta, chúng thôi thúc ta phải có những hành vi đáp ứng với sự tham lam, sự
giận dữ, cho dù những hành vi ấy có thể là vô lý, có thể là đi ngược
lại các chuẩn mực đạo đức. Vì thế, một khi đã trừ bỏ được lòng tham lam
và sân hận, tâm hồn ta sẽ trở nên nhẹ nhàng, thanh thản hơn nhiều, vì
không phải chịu những sự trói buộc, thôi thúc của các yếu tố độc hại
này.
Tham lam và sân hận đều có thể đẩy ta vào chỗ si mê, thiếu sáng suốt.
Sự si mê này là do lý trí của ta tạm thời bị vô hiệu hóa bởi tác dụng
của lòng tham lam hay sân hận. Ngay khi ta trừ bỏ được sự tham lam hay
sân hận thì tâm trí ta sẽ lại sáng suốt như trước đó.
Nhưng si mê còn là một yếu tố độc hại vốn có trong mỗi chúng ta, cũng
tương tự như tham lam và sân hận. Bởi vì si mê vốn là một cách diễn đạt
khác của sự thiếu tri thức, thiếu hiểu biết, mà tri thức hay sự hiểu
biết lại không phải là điều tự nhiên có được, vốn phải do nơi sự học
hỏi. Nếu như chúng ta không quan tâm đến sự học hỏi những điều tốt đẹp
trong cuộc sống, thì sự si mê tự nó vốn đã hiện hữu. Và một khi sự si mê
đã hiện hữu thì chúng ta không thể có đủ những hiểu biết cần thiết để
nhận ra và đối trị với lòng tham lam hay sân hận. Do đó mà những yếu
tố độc hại này sẽ phát triển ngày càng mạnh hơn. Rồi như một hệ quả tất
yếu, càng tham lam, sân hận thì chúng ta lại càng si mê hơn nữa!
Cái vòng luẩn quẩn này sẽ chẳng bao giờ có thể bị phá vỡ, trừ khi
chúng ta có được một nỗ lực tự thân để khai mở trí tuệ, đẩy lùi sự si
mê. Sự học hỏi giúp ta làm được điều đó, bởi vì nó mang lại những hiểu
biết, tri thức cần thiết để chúng ta có thể nhận ra vấn đề và biết được
là cần phải làm những gì.
Vì thế, tuy là yếu tố độc hại được kể ra cuối cùng, nhưng si mê có thể
xem là mấu chốt quan trọng nhất trong cả ba yếu tố. Mối tương quan sinh
khởi như vừa phân tích trên cho thấy rằng, nếu không đẩy lùi được sự si
mê thì sẽ chẳng bao giờ có thể mở ra khả năng nhận biết và trừ bỏ được
các yếu tố tham lam và sân hận. Ngược lại, khi đẩy lùi được sự si mê, ta
sẽ có đủ sáng suốt để nhận ra sự tham lam và sân hận đang hiện hữu
trong lòng mình, nhận biết được tác hại của chúng cũng như phương thức
đối trị, và nhờ đó mà có thể tiếp tục tiến bước trên con đường hướng
thượng.
Ba yếu tố độc hại vừa kể trên có thể xem là sự thâu tóm một cách khái
quát nhất các nguyên nhân sinh khởi của mọi điều ác. Vì thế, trong kinh
Phật dạy rằng: “Nếu không có tham, sân, si thì gọi đó là trí huệ.”
(Nhược vô tham sân si, thị danh vi trí huệ.)
Nguyên Minh