Có người hứa sẽ thương yêu, lo lắng cho người
kia suốt đời, vì tin lời hứa ấy nên đã trao cả đời con gái, để rồi người hứa
sau khi đạt được mục đích liền “cao chạy xa bay” khiến người phụ nữ ôm nỗi buồn
đau tự tử chết. Rồi, có người cũng hứa yêu thương nhưng sau đó phụ rẫy khiến
người tổn thương và không kiềm chế được hành vi đã ra tay sát hại người hứa
lèo, không chung thủy… Vô số những câu chuyện thất hứa dẫn tới những sự phương
hại về mạng người cũng như bất an trong xã hội vẫn thường được nhắc đến trong
nhiều bản tin. Đó như một tiếng chuông nhắc nhở về việc gìn giữ lời hứa. Song,
không phải ai cũng nghe được cảnh báo đó và đôi khi nghe rồi, không phải ai cũng
vững chãi để giữ gìn cho mình và cho người. Nhất là khi lòng tham của con người
có tính chất leo thang trong những biểu hiện về hành vi chiếm đoạt, sở hữu từ
tình tới tiền, danh vọng, địa vị… nên người ta sẵn sàng hứa đại, hứa tới tấp,
ngay cả những điều mà họ biết chắc là sẽ không thể làm được hoặc không làm,
miễn sao lấy lòng và được việc, có lợi trước mắt.
Hứa mà biết
chắc không thể làm hoặc không làm là một lời hứa lừa đảo, nó có trong sự toan
tính của con người trước cái lợi về tình, tiền… mà họ không thể cưỡng nổi. Đó
là lời hứa có ý đồ, nặng nề hơn trong vấn đề nhân-quả so với lời hứa mà ta
thiếu tập trung dẫn tới quên làm hay nghĩ là làm được nhưng thực tế lại ngoài
khả năng. Do vậy để không thất hứa thì ngoài cái tâm trong sáng thì cần cái tầm
đủ cao rộng (tức là có trí tuệ) để mỗi khi phát ra một lời hứa ta đều có trách
nhiệm với chính mình, với người đã hứa và hoàn thành được trách nhiệm trong nội
dung đã hứa hẹn.
Dân gian có
câu “Một lần mất tin, vạn lần mất tín” để nhắc mỗi người về uy tín cần và phải
luôn luôn dựng xây từ những điều mình nói. Chính vì thế, bất kỳ ai cũng cần
“nói và làm” đi đôi, riêng người con Phật thì phải làm nhiều hơn nói, trong
việc tu sửa bản thân cũng như phụng sự xã hội, cứu độ chúng sinh.
Trong năm
giới của người Phật tử có giới thứ tư - Phật chế “hàng rào bảo hộ” liên quan
tới việc nói năng, cụ thể là không nói dối. Nói sai sự thật, trong đó có hứa mà
biết chắc là lừa dối, không làm, cũng thuộc nói dối thì sẽ đánh mất niềm tin
trong mọi người. Tùy theo lời hứa ấy với ai, số lượng người là bao nhiêu mà
người ấy sẽ gây tổn hại lòng tin nhiều hay ít. Trong đó, nếu mình là đại biểu
của dân, đại diện cho nhân dân, hứa trước nhân dân những điều quan trọng, sẽ
làm mà lại không làm thì sẽ gây mất niềm tin rất lớn, phương hại không chỉ uy
tín của mình mà còn của tập thể, của quốc gia.
Hứa và làm
như đã hứa còn là thể hiện của một sự mạnh mẽ. Chất “dũng” trong con người ấy
(ngoài bi trí - được hiểu là tình thương và sự hiểu biết) chứng minh rằng người
ấy là một người có đầy đủ phẩm chất để làm người đại diện và chắc chắn sẽ làm
được những việc lớn. Đắn đo trong thực hiện những lời hứa, nhất là hứa cho,
tặng do khi hứa là lúc vui miệng hoặc vì sự khen ngợi, hám danh tức thời như
trường hợp nhiều doanh nghiệp hứa ủng hộ từ thiện sau đó trốn chạy, “xù” lời
hứa sẽ gây tạo nghiệp xấu. Một khi mình làm mất uy tín từ công việc thiện
nguyện, tạo ra nỗi thất vọng cho người nghèo khiến họ đã khổ còn thêm đau thì
chắc chắn sẽ tổn hại phước đức. Uy tín là quan trọng nhất trong thương trường mà
lại không giữ thì không thể thành công.
Có câu hát
rằng: “Người gian dối sẽ gặp người gian dối” như một vế đối của quy luật nhân
quả tức thì mà ai dối gian dưới hình thức nào đó phải chịu. Lừa tình người này
thì sẽ có lúc người khác phụ rẫy mình bằng cách tương tự hoặc cao tay hơn.
Chẳng phải ông bà mình từng rút ra: “Cao nhân tắc hữu cao nhân trị” là gì?
Thiết nghĩ,
ai trong chúng ta cũng muốn được người khác tôn trọng, chữ muốn ấy không thể
được nếu thiếu cái gốc của một cái tâm đáng kính - chế tác từ ý-ngữ-thân với
những hạnh lành, tốt một cách thường xuyên. Nhiều bạn trẻ trên mạng đã truyền
đi phương châm rằng “Thà không hứa mà làm chứ đừng hứa nhiều mà chẳng làm chi”
để nhắc mình và gửi gắm cho người khác về “hạnh hứa” vốn rất quan trọng. Không
ai bắt ta phải hứa một điều gì nếu đó không phải là điều cần phải làm trong ý
nghĩa sinh tồn bắt buộc, nhưng một khi ta phát ra một lời hứa nào đó thì đừng
để nó trở thành “lời nói gió bay”. Hứa thật nhiều và thất hứa cũng thật nhiều
là biểu hiện của một người không nghiêm túc, khó thuyết phục được người khác.
Do vậy, giữ gìn lời đã hứa có nghĩa là bắt đầu bằng việc suy nghĩ chín
chắn trước khi hứa, biết việc trong khả năng thì mới hứa và hứa thì cố gắng
làm, càng sớm càng tốt. Trong cuộc sống, giá trị không phải ở chỗ mình đẹp hay
giàu mà là ở chỗ tấm lòng mình có thanh cao, đức độ mình có đủ đầy. Giữ gìn lời
đã hứa cũng là một thước đo, một tiêu chí của việc kiến tạo giá trị của mình từ
nếp sống thường ngày trong tinh thần học và hành theo lời Phật dạy!