Một thời đức Thế tôn ở tại Tăng già
lam Ni câu luật na [1],
(phía nam) thành Ca tỳ la vệ, cùng với chư vị tỳ kheo, chư vị bồ tát và vô số
đại chúng hội họp, bao quanh trước sau đức Thế tôn để được Ngài thuyết pháp
cho.
Bấy
giờ, tôn giả A Nan đang độc cư nơi thanh vắng, nghĩ nhớ đến giáo pháp đã tiếp
nhận. Ngay sau canh ba đêm ấy, tôn giả
thấy một ngạ quỷ tên là Diệm Khẩu, hình thù gớm ghiếc, thân thể khô gầy, trong
miệng lửa cháy, cổ họng như kim, đầu tóc rối bù, móng dài nanh nhọn, rất đáng
kinh sợ. Đứng trước mặt tôn giả A Nan,
ngạ quỷ nói với tôn giả rằng: Sau ba ngày nữa, mạng sống của thầy sẽ hết, liền
thác sanh vào loài ngạ quỷ. Lúc đó, tôn
giả A Nan nghe lời đó rồi, tâm sanh hoảng sợ, hỏi lại ngạ quỷ: Này đại sĩ, sau
khi tôi chết sẽ sanh làm ngạ quỷ, vậy thì tôi phải làm phương cách nào để thoát
khỏi cái khổ ấy?
Khi
ấy, ngạ quỷ bảo với tôn giả rằng: Sáng sớm ngày mai, nếu thầy có thể bố thí ẩm
thực cho trăm ngàn na do tha hằng hà sa số ngạ qủy, ngoài ra bố thí cho vô lượng chư vị bà la môn
tiên [2], các
vị minh quan nghiệp đạo thuộc ty phủ Diêm la, các vị quỷ thần, những người đã
chết lâu xa các loại ẩm thực thích ứng, mỗi vị sẽ nhận được 49 đấu ẩm thực được
tính theo cái lượng đấu của nước Ma già đà [3], lại còn
vì ngạ quỷ chúng tôi mà cúng dường Tam bảo, thì thầy được tăng thêm tuổi thọ,
và bọn chúng tôi nhờ đó cũng được lìa cái khổ làm thân ngạ qủy, sanh về cõi
trời.
Tôn
giả A Nan nhìn thấy ngạ quỷ Diệm Khẩu đây, thân hình gầy gò, khô khốc gớm
ghiếc, trong miệng lửa cháy, cổ họng như kim, đầu tóc rối bù, lông dài móng
nhọn, lại nghe lời kể khổ lòng rất hoảng loạn, lông thân dựng đứng. Ngay khi mặt trời mới mọc, tôn giả từ chỗ
ngồi đứng dậy, đi mau về chỗ Phật ở, đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh bên phải
Ngài ba vòng, thân thể run rẩy mà bạch với đức Phật rằng: Bạch đức đại bi Thế tôn, cúi xin cứu khổ cho
con! Sở dĩ con cầu cứu là vì canh ba đêm
qua, lúc con đang kinh hành nơi thanh vắng để suy nghiệm những pháp đã lãnh thọ
thì gặp ngạ quỷ Diệm Khẩu, nói với con rằng, qua ba ngày nữa con chắc phải mạng
chung, sanh làm ngạ quỷ. Con có hỏi ngạ
quỷ, làm cách nào để thoát cái khổ ấy, ngạ quỷ đáp rằng, nếu có thể bình đẳng
bố thí ẩm thực cho trăm ngàn vạn ức na do tha hằng hà sa số khắp cả chư ngạ
quỷ, vô lượng chư vị bà la môn tiên, các vị minh quan nghiệp đạo thuộc ty phủ
Diêm la, các vị quỷ thần cùng các quyến thuộc, những người đã chết lâu xa, thì
con mới được tăng thêm tuổi thọ. Bạch
đức Thế tôn, con làm sao lo liệu đầy đủ vô lượng các loại ẩm thực như vậy?
Đức
Phật dạy tôn giả A Nan rằng: Ông nay chớ sợ, ta nhớ đời quá khứ, trong vô lượng
kiếp, có lúc ta làm thân bà la môn, thân cận vị đại bồ tát Quán Thế Âm, lãnh
thọ được pháp đà la ni tên là Vô Lượng Uy Đức Tự Tại Quang Minh Như lai đà la
ni.
Đức
Phật bảo tôn giả A Nan: Nếu ông có thể
khéo thọ trì đà la ni này, gia trì 7 biến, có năng lực biến một món ăn thành
nhiều món ẩm thực cam lộ, toàn là những món ngon thượng diệu, cung cấp no đủ
cho trăm ngàn câu chi na do tha hằng hà sa số tất cả ngạ qủy, các vị bà la môn
tiên, các loại quỷ thần khác. Các chúng
như vậy, mỗi vị nhận được 49 đấu ẩm thực được tính theo cái lượng đấu của nước
Ma già đà. Món ăn thức uống này, số
lượng đồng pháp giới, ăn hoài không hết, ai ăn cũng được quả thánh, giải thoát
cái thân khổ sở.
Đức
Phật dạy tôn giả A Nan: Nay ông thọ trì pháp đà la ni này thì phước đức và thọ
mạng của ông tăng trưởng. Loài ngạ quỷ
được sanh thiên hay tịnh độ, làm thân người trời. Vị thí chủ chuyển hoá chướng
duyên, tiêu trừ tai nạn, thêm tuổi sống lâu, hiện tại chiêu phước thù thắng,
tương lai chứng quả bồ đề. Hãy phát tâm
rộng lớn vì cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp đến nay, khắp vì muôn loại chúng sanh ở
tinh tú thiên tào, âm ty địa phủ, Diêm ma quỷ giới, côn trùng nhỏ nhít máy
động, tất cả hàm linh mà bày ra sự cúng dường vô giá quảng đại, mời đến phó
hội, để nương oai quang của Phật, gột rửa ruộng thân, được lợi thù thắng, hưởng
vui nhân thiên. (Phát nguyện như sau:)
Nguyện xin chư Phật, bồ tát bát nhã, kim
cang, chư thiên, các quan nghiệp đạo [4], vô lượng thánh hiền, đem vô duyên từ mà
chứng biết cho việc làm của con. Đó là
chúng con vì muốn cho thệ nguyện càng thêm rộng lớn và đầy đủ, vì muốn giúp đỡ
lớn lao những hữu tình không cho thối thất, vì phá tan các nghiệp chướng để
được thanh tịnh, vì muốn tinh tấn mà cầu đạo vô thượng mau chóng thành tựu, vì
muốn cứu tế chúng sanh trong các ác đạo vượt thoát biển khổ lên bờ bến kia. Như trong kinh có nói: Trong bốn loài [5], sáu nẻo, vô biên thế giới, đều có những
bậc chủ tể thống lãnh làm thượng thủ. Họ
đều là các bậc bồ tát an trụ trong bất khả tư nghì giải thoát, bằng từ bi và
thệ nguyện mà phân hình bố ảnh, thị hiện hoá thân ở trong sáu đường cùng chịu
khổ với chúng sanh, thiết lập những phương tiện (cứu độ) nhưng không bị phiền
não và tuỳ phiền não [6] xâm hại.
Họ biết rõ các nghiệp (nhân quả) nên có thể hướng dẫn chúng sanh phát
khởi đạo ý [7], thường tự nhắc nhở trách hối nghiệp thân
tạo tác, điều phục giáo hoá tất cả chúng sanh.
Họ là đại đạo sư phá diệt ba đường, làm sạch con đường nghiệp quả [8], đoạn dứt dòng sông khát ái, chẳng xả hạnh
nguyện mà làm thiện tri thức sống trong biển khổ, thành tựu lợi lạc cho các hữu
tình chứng đại niết bàn [9].
Nếu
có vị thí chủ tin sâu đại thừa, khát ngưỡng Du già giáo, ưa vui thấy nghe pháp
môn cam lộ [10]
thuộc đà la ni tạng [11] thì
phải vì chư hữu tình mà hưng khởi lòng cứu giúp, ân cần ca ngợi (pháp môn cam
lộ), xả bỏ tài bảo lớn, thỉnh thầy 3
lần, xin được hứa khả mà lập đàn pháp,
sanh tâm bình đẳng nhất như, lìa tưởng oán ghét, thực thi bố thí không có hối
hận, thân cận thiện hữu, dũng mãnh tinh tấn, tâm không khiếp sợ cầu được đại
đạo, xưng tán Tam bảo, bảo vệ mạng sống, dùng mọi phương tiện cứu giúp cho
chúng sanh giải thoát, chẳng ôm lòng ác vì nuôi thân mạng, thường hành lợi mình
lợi người.
Thiện nam tử kia đích thật là bạn lành,
hành bồ tát hạnh, khắp vì chúng sanh trong ba đường ác thú, tất cả ngạ quỷ,
chúng Diêm ma vương, bà la môn tiên, chư thiên hư không [12], phạm vương, đế thích, tứ thiên vương,
thiên tào tinh tú, tám bộ long thần [13], nhật nguyệt Tu di, a tu la, ngoại đạo,
chúng ma ở các tầng trời Dục giới [14]; các chúng sanh sống trong nước, lửa, gió,
hư không, núi rừng, hang động, nhà cửa, cung điện, già lam, đất bằng, sông
ngòi, khe suối, ao hồ; thần chúng du hành ban phát cát hung ở nơi miếu vũ, ghi
chép thiện ác, thần thông vô ngại; những loài chim có cánh bay lượn, những loài
thuỷ tộc có vảy bơi lội, những loài thú mang lông đội sừng, những sanh linh mấp
máy di động, những cô hồn phiêu lãng đồng hoang, những oan hồn khổ đau vì thây
chết còn bị đánh [15] nên nhiều đời oán hận trói buộc nhau chưa
dứt, những oán hồn nhiều kiếp còn cậy vào tài bảo coi như mạng sống, các bậc
tăng ni vong quá mà vẫn chưa chứng quả, cha mẹ nhiều đời, bà con thân thích,
(tất cả) nương lời dạy của đức Như lai mà được thoát ba đường, vô lượng chúng
sanh trong địa ngục phát tâm bồ đề, những mong được phóng xá giải thoát những
oán kết, lần lượt cảm niệm nhau như tưởng nhớ cha mẹ, đều đến đạo tràng đây để
được chứng tri, hộ niệm, ôm lòng tha thiết.
Giống như hoa Ưu đàm rất khó có thể trồng được, những chúng sanh đây khó
mà thu hoạch được quả thánh, bởi vì những nghiệp nhân tạo tác trong nhân gian,
cùng với thức tình khó an định, nên phần nhiều chạy theo vọng khởi, rồi chứa
nhóm (chủng tử) làm nguồn gốc của mọi khổ đau, trở lại sanh các lầm lỗi, hoạn
nạn.
Lại nữa, sinh sống nhờ ân trạch của quân
vương đất nước, an trụ trong đức từ quang của Phật đà, thường xét duyên xưa
cũng như nghĩ nhớ quả nay, ngày đêm nhắc trách làm sao báo đáp ân đức kia. Nay có cơ hội làm bà con thân thích, cha mẹ,
sao còn tráo trở, điên đảo theo duyên, dù cải hình đổi mặt cũng không vượt khỏi
tâm thức. Do vậy, xin nguyện ngày nay
nương nhờ sức Phật, từ hư không xa bay đến đạo tràng này, rủ ánh từ quang xuống
thân thể tuỳ hình, tuỳ loại của mỗi chúng sanh, nguyện sám tẩy trần cấu, phát
tâm bồ đề, xin chư Phật thọ cúng dường này.
Đức
Phật dạy tôn giả A Nan rằng: Nếu muốn thọ trì pháp thí thực thì phải y theo
pháp Du già [16] tam
muội sâu kín của vị thầy A xà lê [17].
Nếu
là hành giả muốn tu thì phải theo vị thầy Du già A xà lê mà học cách phát tâm
vô thượng đại bồ đề, thọ tam muội giới, nhập đại mạn nã la[18], được
pháp quán đảnh, vậy sau mới được chấp nhận thọ pháp ngũ trí quán đảnh của đức
Đại Tỳ Lô Giá Na Như lai, tiếp nối ngôi vị của bậc A xà lê thì mới được truyền
dạy. Không như vậy mà làm thì không được
hứa nhận. Giả sử theo ý mà làm thì tự
chuốc tai họa, thành ra lỗi ăn trộm giáo pháp, trọn không công hiệu. Nếu người đã thọ pháp quán đảnh, y theo thầy
dạy, tu tập Du già, (đầy đủ) oai nghi pháp thức, có khả năng khéo phân biệt rõ
ràng pháp tướng [19],
thì gọi là Tam tạng A xà lê, là người được phép truyền trao giáo nghĩa Du
già.
Nếu
muốn tác pháp, thầy A xà lê trước phải tự hộ trì (thân tâm), các đệ tử cũng làm
theo thầy như vậy. Định biết ngày rồi,
kế chọn lựa tịnh địa như tinh hoa đại xá, rừng vườn nhàn tịnh, chỗ quỷ thần ưa
thích, nơi suối chảy ao tắm, chỗ phước đức [20], sông
ngòi núi hồ, hoặc nhà ở cũng được. Hãy
như pháp mà tô xoa bằng bùn với nước thơm, tuỳ khả năng của thí chủ mà làm (đồ
biểu mạn đà la) hình vuông hình tròn [21] lớn nhỏ,
ở bốn góc dựng phướng như pháp để trang nghiêm.
Dùng tơ ngũ sắc đặt lên trên trái châu hoả diệm, lại ở trong trái châu
an trí Phật đảnh đại bi tuỳ cầu tôn
thắng: đông bắc là Phật đảnh, đông nam là đại bi, tây nam là tuỳ cầu, tây bắc là tôn
thắng. Lại ở nơi bốn cột trụ như
pháp trang nghiêm một cách đặc thù đẹp đẽ những lá phan gọi là cát tường phan,
khiến cho trong khoảng một trăm do tuần không có các việc suy tàn, tai nạn, tức
là thành việc kết giới vậy. Gió thổi
thân phan phất phới, đất rưới nước ướt thấm nhuần, tội chướng tiêu vong được
đại phước lợi, mắt thấy tai nghe thảy đều lợi giúp.
Lại
nữa, chu vi (của đàn tràng) treo những dãi lụa, phan phướng, quạt báu rủ phất
để trân trọng bố cáo chư liệt vị. Lại
nơi đàn tràng [22] sắm
sửa nước thơm A già đà [23],
hoa mầu, đèn nến, hương xoa, ẩm thực, thuốc thang, các loại trái cây, cùng các
món vật khác, đúng pháp làm sạch, chớ cho tiếp xúc với vật dơ bẩn. Trang nghiêm xong rồi, tay cầm lư hương, đi
quanh chiều phải để xem xét khắp cả đạo tràng, thấy chỗ nào chưa chu đáo đầy đủ
thì phải an bài thêm nữa. Việc trang
nghiêm xong, thầy và các đệ tử dùng nước thơm tắm gội, mặc y sạch mới. Từ trong ra ngoài đình chùa, quét dọn như
pháp, đường đất rải hương nê, trang nghiêm như pháp. Đây gọi là tam muội da đàn [24].
Nơi
đạo tràng, ngoài thì phô bày sự dâng cúng thanh tịnh, bản thân thì nghiêm chỉnh
oai nghi mà làm lễ ba lạy, mặt day về hướng đông, quỳ xuống, tay cầm lư hương,
làm pháp khải thỉnh:
Khải cáo mười phương
Hết
thảy chư Phật
Bồ
tát bát nhã
Kim
cang, chư thiên
Và
các nghiệp đạo
Vô lượng Thánh hiền
Con
nay xin đem
Tâm
từ bi lớn
Nương
thần lực Phật.
Triệu
thỉnh mười phương
Tận
hư không giới
Ba
đường, địa ngục
Và các cõi dữ,
Tất cả ngạ
qủi
Nhiều
kiếp đói khát,
Diêm
la chư ty
Thiên
tào, địa phủ
Minh
quan nghiệp đạo
Bà
la môn tiên,
Người
chết lâu xa
Linh hồn đồng nội
Chư
thiên hư không
Cùng
các quyến thuộc
Khác
loại quỷ thần.
Cúi
xin chư Phật
Bồ
tát bát nhã
Kim
cang, chư thiên
Vô
lượng Thánh hiền
Và
các nghiệp đạo
Nguyện
phóng oai quang
Thương hộ niệm thêm.
Khắp
nguyện mười phương
Tận
hư không giới
Thiên
tào, địa phủ
Minh
quan nghiệp đạo
Vô
lượng ngạ quỷ
Cha mẹ nhiều đời
Người chết lâu xa
Bà la môn tiên,
Tất cả oán kết
Cậy nhờ tài mạng,
Các thứ tộc loại
Khác loại quỷ thần
Cùng các quyến thuộc,
Nhờ sức Như lai
Vào lúc sáng sớm [25]
Quyết định giáng lâm
Được thọ pháp vị
Như lai thượng diệu
Thanh tịnh cam lồ
Uống ăn đầy đủ
Thấm nhuần ruộng thân
Phước đức, trí tuệ
Phát tâm bồ đề
Xa lìa tà hạnh
Quy y Tam bảo
Hành đại từ tâm
Lợi ích hữu tình
Cầu đạo vô thượng
Chẳng thọ luân hồi
Các quả ác khổ
Thường sanh nhà lành
Lìa các sợ hãi
Thân thường thanh tịnh
Chứng đạo vô thượng.
Ba lần bạch, khải cáo như vậy xong
rồi, liền vận tâm cúng dường hương, hoa, đăng, đồ lên chư Phật, bồ tát bát nhã,
kim cang, chư thiên, vô lượng thánh hiền, các nghiệp đạo quan, cúi xin chư vị
từ bi giáng lâm nhiếp thọ sự cúng dường nhỏ mọn. Lễ tam bái xong, nghinh thỉnh chư thánh chúng
vào trong đàn tràng, rồi đi quanh chiều phải ba vòng, về lại chỗ cũ, mặt hướng
về phía đông mà làm lễ thánh chúng. Đem
hương, hoa, đăng, đồ, các món pháp sự mà
cúng dường (lên thánh chúng). Kế đến là
phát lộ những lỗi lầm đã tạo của thân tâm, sám hối xong, lại làm lễ thánh
chúng. Lấy ngón tay áp út (ngón giới độ)
của bàn tay phải nhúng vào hương xoa mà xoa vào lòng bàn tay trái (cùng vận tâm
nhập quán) rồi mới có thể tác pháp.
Kế
đến, kết ấn Phá địa ngục: Hai
tay kết ấn kim cang quyền, hai ngón út (ngón đàn, tuệ) móc với nhau, hai ngón
trỏ (ngón tấn, lực) tựa vào nhau [26],
niệm tưởng đang mở cửa địa ngục. Ba lần
tụng, ba lần kéo mở.
Chân ngôn (Phá địa
ngục):
Nẵng
mồ a sắt tra, thí đế nam, tam nhị da, tam một đà câu chi nam, án, nhạ ninh
nẵng, phược bà tế, địa rị địa rị, hồng.
Do
uy lực của ấn chú này mà bao nhiêu cửa ngõ địa ngục trong các cõi chúng sanh
đến ở, theo ấn chú này mà đột nhiên tự mở.
Kế
đến kết ấn Triệu thỉnh ngạ quỷ: Bàn tay trái làm dáng vô uý,
bàn tay phải thẳng hướng về trước, bốn ngón hơi co, ngón trỏ thiệt cong.
Chân ngôn Triệu
thỉnh:
Án,
di nẵng di ca, ế sái duệ sái, bà phạ hạ.
Triệu thỉnh xong, ngạ quỷ khắp đều
vân tập. Do lòng thương nhớ, ngợi khen, an
ủi, khiến cho chư ngạ quỷ sanh lòng hoan hỷ mà khát ngưỡng với giáo pháp.
Kế đến kết ấn Triệu tội: Hai tay kết ấn kim cang rồi đan kết lại với
nhau, (bằng cách hai ngón út và hai ngón áp út giao nhau), hai ngón giữa thẳng
đứng như kim, hai ngón trỏ cong như móc câu.
Chân ngôn Triệu tội:
Án, tát phạ bá bả yết rị sái noa, vĩ thú đà
nẵng, phạ nhật ra đát pha, tam ma da, hồng, nhược.
Kế đến kết ấn Diệt tội (Tồi tội): Tám ngón tréo nhau vào trong, hai ngón giữa
như vách đứng.
Chân ngôn Diệt tội:
Án, phạ nhật ra bá ni, vĩ sa phổ tra da,
tát phạ bá da, mãn đà nẵng ninh, bát ra mô khất xoa da, tát phạ bá da nga để tỳ
dược, tát phạ tát đát phạ, tát phạ đát tha nga đa, phạ nhật ra, tam ma da,
hồng, đát ra tra.
Kế đến kết ấn (Phá) Định nghiệp: Hai
tay kết ấn kim cang chưởng, hai ngón trỏ cong hai lóng, hai ngón cái chạm vào
đầu hai ngón trỏ.
Chân ngôn Định nghiệp:
Án, phạ nhật ra yết ma, vĩ thú đà dã, tát
phạ phạ ra xoa nhĩ, mẫu đà tát để duệ nẵng, tam ma da hồng.
Kế đến kết ấn Sám hối diệt tội: Hai tay kết ấn kim cang, các ngón tiếp giáp
bên ngoài, hai ngón trỏ cong hai lóng, hai ngón cái chạm vào đầu hai ngón trỏ.
Chân ngôn Sám hối:
Án, tát phạ bá bả, vĩ sa phổ tra, da hạ
nẵng, phạ nhật ra da, sa phạ hạ.
Chư Phật tử đã sám hối rồi, tội chứa nhóm
trăm kiếp, một niệm quét sạch mau, như lửa đốt cỏ khô, cháy hết không còn dư.
Kế đến kết ấn Thí cam lộ của Diệu Sắc Thân
Như lai: Sử dụng cánh tay trái chuyển cổ tay hướng ra trước, tay phải ngón
trỏ búng ngón cái ra tiếng.
Chân ngôn Thí cam lộ:
Nẵng mồ tố lỗ bá da, đát tha nga đa da, đát
nhĩ da tha: án, tố lỗ tố lỗ, bát ra tố
lỗ, bát ra tố lỗ, sa phạ hạ.
Khi
tụng chân ngôn, quán tưởng phía trên hai ngón giữa có một chữ noan, lưu xuất nước pháp cam lộ bát
nhã, vung vẩy vào không trung, thì tất cả ngạ quỷ, dị loại quỷ thần khắp được
mát mẻ, lửa dữ dứt mất, ruộng thân thấm nhuần, lìa tưởng đói khát.
Kế đến kết ấn Khai yết hầu: Tay trái
tưởng đang cầm hoa sen, tay phải ngón giữa búng ngón cái ra tiếng, theo lời
tụng mà khảy móng tay.
Chân ngôn Khai yết hầu:
Nẵng mồ bà nga phạ đế, vĩ bổ la, nga đát ra
dã, đát tha nga đa dã.
Các người con Phật,
tôi nay vì quí vị làm ấn chú xong rồi thì cổ họng tự mở, thông suốt không ngại,
lìa các chướng nạn.
Các người con Phật,
tôi nay vì quí vị xưng tán danh hiệu cát tường của đức Như lai, có năng lực
khiến cho quí vị thoát hẳn cái khổ ba đường tám nạn, thường làm đệ tử chân thật
và thanh tịnh của Như lai.
Nam mô Bảo Thắng
Như Lai.
Các người con Phật,
nếu nghe được danh hiệu Bảo Thắng Như Lai, có năng lực khiến cho những trần lao
nghiệp hoả của quí vị thảy đều tiêu diệt.
Nam mô Ly Bố Uý Như
Lai.
Các người con Phật,
nếu nghe được danh hiệu Ly Bố Úy Như Lai, có năng lực khiến cho quí vị thường
được an lạc, thoát hẳn sợ hãi, thanh tịnh khoái lạc.
Nam mô Quảng Bác
Thân Như Lai.
Các người con Phật,
nếu nghe được danh hiệu Quảng Bác Thân Như Lai, có năng lực khiến cho quí vị
không bị cái khổ cổ họng nhỏ như kim châm của loài ngạ quỷ, nghiệp báo lửa dữ
không còn thiêu đốt, mát mẻ thông suốt, uống ăn món gì cũng như là vị cam lồ.
Nam mô Diệu Sắc
Thân Như Lai.
Các người con Phật,
nếu nghe được danh hiệu Diệu Sắc Thân Như Lai, có năng lực khiến cho quí vị
chẳng chịu xấu xí, các căn đầy đủ, tướng tốt tròn đầy, thù thắng đoan nghiêm,
trong cõi trời nhân gian là bậc nhất hơn hết.
Nam mô Đa Bảo Như
Lai.
Các người con Phật,
nếu nghe được danh hiệu Đa Bảo Như Lai, có năng lực khiến cho quí vị đầy đủ tài
bảo, nhu cầu vừa ý, thọ dụng không hết.
Nam mô A Di Đà Như
Lai.
Các người con Phật,
nếu nghe được danh hiệu A Di Đà Như Lai, có năng lực khiến cho quí vị vãng sanh
thế giới cực lạc ở phương Tây, hoa sen hoá sanh, vào bất thối địa.
Nam mô Thế Gian
Quảng Đại Uy Đức Tự Tại Quang Minh Như lai.
Các người con Phật,
nếu nghe được danh hiệu Thế Gian Quảng Đại Uy Đức Tự Tại Quang Minh Như lai, có
năng lực khiến cho quí vị thu hoạch được năm thứ công đức: một là trong thế
gian là bậc đệ nhất so với hết thảy; hai là có được con mắt bồ tát, thân đoan
nghiêm thù thắng; ba là uy đức quảng đại vượt qua tất cả thiên ma ngoại đạo, như
mặt trời chiếu thế gian, lộ bày trên biển lớn, công đức thật cao dày; bốn là
được tự tại lớn, hướng tới như ý, như chim bay trong không trung không có trở
ngại; năm là được kiên cố lớn, ánh sáng trí tuệ, thân tâm sáng suốt như ngọc
lưu ly.
Các người con Phật,
bảy đức Như Lai đây dùng năng lực của thệ nguyện mà cứu giúp chúng sanh lìa xa
phiền não, thoát khổ ba đường, an ổn thường lạc. Một phen xưng danh hiệu của các đức Như Lai
đây thì ngàn đời lìa khổ, chứng đạo vô thượng.
Kế đến cùng các vị
quy y Tam bảo:
Quy y Phật, đấng
phước tuệ vẹn toàn.
Quy y pháp, đạo
thoát ly tham dục.
Quy y tăng, chúng
đáng được tôn kính.
Các người con Phật,
quy y Phật rồi, quy y pháp rồi, quy y tăng rồi.
Các vị đã nương tựa
Tam bảo rồi, hãy như pháp kiên định hộ trì.
Kế đây vì
các vị phát tâm bồ đề, các vị hãy lắng nghe.
Kết
ấn kim cang chưởng, hai ngón giữa như cánh sen, đưa ấn ngang trên tim, chân
ngôn rằng:
Án, mặc địa tức đa, mẫu đát bả na, dã nhị.
Nay vì các vị phát tâm bồ đề rồi, các người
con Phật nên biết, tâm bồ đề đó từ tâm đại bi phát khởi, là chánh nhân thành
Phật, là căn bản của trí tuệ, có năng lực phá trừ vô minh phiền não, ác nghiệp,
chẳng bị nhiễm cảnh (lôi kéo) phá hoại.
Kế đến vì các vị kết ấn Truyền thọ tam muội da giới: Hai tay kết ấn kim cang đan kết lại với nhau
(bằng cách hai ngón út, hai ngón áp út và hai ngón trỏ úp lên nhau), hai ngón
giữa thẳng đứng như kim.
Chân ngôn (Tam muội da giới):
Án, tam muội da, tát đát noan.
Nay tôi truyền thọ tam muội da giới cho các
vị rồi, từ nay trở đi, các vị vào địa vị của Như lai, thật là đệ tử của Phật,
từ pháp hoá sanh, được pháp phần của Phật.
Kế đến kết ấn Vô Lượng Uy Đức Tự Tại Quang Minh Như lai: Tay trái
tưởng đang cầm pháp khí, tay phải ngón giữa và ngón cái búng khảy với nhau,
tưởng trong lòng bàn tay trái có một chữ noan,
tuôn ra vô số các loại pháp thực cam lộ.
Chân ngôn Thí thực:
Án,
tát phạ đát tha nga đa, phạ lộ chỉ đế, noan, bà ra bà ra, tam bà ra, tam bà ra,
hồng.
Này
các người con Phật, nay cùng các vị kết ấn chú rồi, biến thức ăn này thành vô
lượng thực, lớn như núi Tu di, lượng đồng với pháp giới, trọn chẳng thể hết.
Lại dùng thủ ấn trước mà tụng chân
ngôn (Nhũ hải) rằng:
Nẵng
mồ tam mãn đa một đà nẫm, noan. [27]
Này các người con
Phật, nay cùng các vị kết ấn chú rồi, do oai lực gia trì của ấn chú đây, cùng
tưởng nơi thủ ấn tuôn ra vị cam lộ làm thành biển sữa, chảy rưới pháp giới,
khắp giúp các vị và hữu tình sung túc no đủ.
Bấy giờ, hành giả liền dùng tay phải
cầm đồ đựng cam lộ, mặt hướng về phương đông, đứng viết (chữ noan) ở trước đàn tràng (hoặc viết trên
đất sạch, trên tảng đá lớn, trên bồn gốm đựng nước sạch được gọi là Vu lan bồn,
hoặc viết lên sanh đài cũng được, hoặc
viết lên suối, ao, sông, biển. Chẳng
được viết vào gốc cây của những cây như
lựu, đào, liễu, vì quỷ thần hoảng sợ, chẳng ăn được vậy).
Trong đàn tràng có thánh chúng, nếu
minh vương muốn bố thí ẩm thực (cho ngạ qủy)
[28]
thì thời gian bố thí là trước canh năm, còn chư thiên muốn cúng dường chư Phật,
thánh chúng thì thời gian cúng dường là sáng sớm lúc mặt trời mọc.
Nếu làm pháp sự cho quỷ thần thì
thời gian do con người định chọn [29],
giờ Tý [30]
cũng được, hay theo phép tắc căn bản của vị A xà lê.
Từ lúc ngọ trai đến hết một ngày,
nếu chỉ gia trì pháp thuỷ lên các món ẩm thực, để bố thí cho các loài thuỷ tộc,
thú chạy, chim bay, thì chẳng cần chọn thời tiết, cứ việc bố thí lúc nào tiện
lợi.
Nếu lập đàn pháp thí thực cho ngạ
quỷ nên chọn giờ Hợi là lúc thí thực.
Nếu lấy thời ngọ trai mà thí thực cho ngạ quỷ thì (việc thí thực ấy) chỉ
là luống uổng công lao, cũng không kết quả, bởi lẽ thời tiết không đúng, vọng
sanh hư dối, quỷ thần chẳng ăn được vậy.
Hành giả nếu chẳng từ thầy trao truyền
(mà làm) thì tự rước tai họa, thành tội trộm pháp.
Các
người con Phật, mặc dù theo nhóm loại mà phân chia, các vị chớ sanh tâm sân hận
(mà phân bì , được vậy thì) việc bố thí không có chướng ngại, bởi vì tôi không
có tâm cao thấp, bình đẳng chia khắp, chẳng lựa oán thân. Hôm nay, các vị chớ nên lấy giàu khinh nghèo,
ỷ mạnh hiếp yếu, ngăn trở kẻ cô, người trẻ, khiến không được ăn, hoặc chia
không đồng đều. Nương theo lòng từ tế
của Phật, các vị phải thương tưởng giúp đỡ nhau, cũng như cha mẹ thương nhớ đứa
con vậy.
Này
các người con Phật, các vị ai cũng có cha mẹ, anh em, chị em, vợ con, quyến
thuộc, bạn bè thân quen. Người có sự
duyên đến không được, thì các vị, những người con Phật, hãy mở lòng từ bi
thương nhớ. Mỗi người đều được trao tặng
đồ ăn thức uống, tiền tài, vật phẩm, lần lượt được bố thí sung túc no đủ, không
có thiếu ít, khiến phát đạo tâm, xa hẳn
ba đường, vượt qua bốn dòng [31], nên xả thân này, mau lên đạo quả.
Lại
vì các vị đem tịnh thực này phân làm ba phần:
một là bố thí cho giống ở dưới nước khiến được nhân không [32]; hai là bố thí cho loài có lông cánh khiến
được pháp tịch [33]; ba là bố thí cho những chúng sanh ở tha
phương mà tình thức còn bẩm thụ, hình hài chưa hình thành [34], đều khiến sung túc, được vô sanh nhẫn [35].
Kế
đến kết ấn Phổ Cúng dường: chấp tay
kim cang, (hai ngón giữa cong hai lóng),
đặt ấn ngang tim.
Chân ngôn (Phổ cúng
dường):
Án,
nga nga nẵng, tam bà phạ, phạ nhật ra hộc.
Các
người con Phật, trước đây đã thọ hưởng những ẩm thực nhân gian mà toàn là những
thứ có ra từ sự đổi chác sinh mạng, tiền mua khô rượu, máu thịt tanh tưởi, đồ
cay hôi nồng. Những món ăn thức uống lâu
nay tiếp nhận đó, giống như thuốc độc, tổn hại nơi thân, chỉ thêm gốc khổ, làm
cho trầm luân biển khổ không biết lúc nào giải thoát. Tôi nương vào giáo pháp Như lai mà chí thành
buông xả tất cả, thiết lập pháp hội vô giá [36] rộng lớn này. Các vị ngày hôm nay gặp được thắng thiện giới
phẩm [37] này để thấm nhuần nơi thân, đó là do đời
quá khứ các vị đã phụng sự chư Phật một cách rộng lớn, thân cận bạn lành, cúng
dường Tam bảo. Do nhân duyên này mà gặp
được thiện tri thức, phát tâm bồ đề, thệ nguyện thành Phật, không cầu quả vị
khác. Người đắc đạo trước lần lượt độ
thoát (người sau). Lại nguyện các vị
ngày đêm thường hằng ủng hộ cho tôi mãn thành sở nguyện. Việc thí thực này có được bao nhiêu công đức
đều đem hồi thí khắp cả pháp giới hữu tình, nguyện cùng chư hữu tình cùng đem
tất cả phước báu này hồi thí đạo quả vô thượng bồ đề, nhất thiết chủng trí, chớ
mong quả vị khác, nguyện mau thành Phật.
Kế
đến kết ấn Phụng tống: Hai nắm tay kim cang, hai ngón trỏ móc với
nhau, tuỳ tụng mà chế khai. [38]
Chân ngôn Kim
cang giải thoát:
Án,
phạ nhật phạ, mục khất xoa mục.
Đức Phật bảo tôn giả A Nan: Ở đời đương lai, có vị tỳ kheo, tỳ kheo ni,
ưu bà tắc, ưu bà di nào vào mỗi sáng sớm, giờ ngọ trai, hay trong tất cả thời,
thường dùng pháp (thí thực) này cùng với các chân ngôn và danh hiệu của 7 vị Như
lai mà gia trì vào trong đồ ăn thức uống thí cho các ngạ quỷ (có phương tiện)
tu hành. Hành giả nên vào thời ngọ trai
hay trong tất cả thời [39],
vì các ngạ qủy và quỷ thần khác múc cho đầy các món ẩm thực vào trong đồ đựng
sạch sẽ. Thời gian là do con người định
chọn lúc nào thì gia trì pháp thực để bố thí cho vô lượng ngạ quỷ và các chúng
quỷ thần khác. Hành trì như vậy là có
được đầy đủ vô lượng phước đức, như công đức cúng dường trăm ngàn câu chi đức
Như lai không có sai khác, thọ mạng dài lâu, tăng ích sắc lực, thiện căn đầy
đủ, tất cả phi nhân, dạ xoa, la sát, chư ác quỷ thần chẳng dám xâm hại, lại còn
có thể thành tựu vô lượng uy đức.
Nếu muốn bố thí cho các ngạ quỷ, các
bà la môn tiên, các nghiệp đạo minh quan trong các sở ty Diêm la, các quỷ thần
và người chết lâu xa, thì bằng cách đem những món ăn thức uống tinh sạch đựng
đầy trong cái bát, làm những ấn chú ở trên, rồi đổ vào trong dòng nước
sạch. Làm như vậy rồi, tức là đã đem các
món ẩm thực mỹ diệu của chư thiên tiên mà cúng dường cho câu chi hằng hà sa số
các bà la môn tiên, các nghiệp đạo minh quan trong các ty sở Diêm la, các quỷ
thần và người chết lâu xa. Nhờ uy lực
của ấn chú gia trì vào thức ăn mà mỗi vị (thọ nhận thức ăn) thành tựu sở nguyện
căn bản, các công đức lành. Các vị ấy
đồng thời phát thệ nguyện rằng: Nguyện
cho người hiến cúng được thọ mạng dài lâu, phước đức an lạc. Lại mong cho người
ấy thấy nghe tin hiểu chánh pháp một cách thanh tịnh, đầy đủ thiện căn, mau
chứng vô thượng chánh đẳng bồ đề. Người
ấy được công đức đồng đẳng không khác công đức cúng dường trăm ngàn hằng hà sa
chư vị Như lai, tất cả oán thù chẳng thể xâm hại.
Chư vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà
tắc, ưu bà di, nếu ai muốn cúng dường Tam bảo, Phật pháp tăng, nên đem hương,
hoa, đăng, đồ, ẩm thực thượng diệu, dùng ấn chú ở trên gia trì mà hiến cúng,
thì chư Phật, bồ tát, tất cả hiền thánh hoan hỷ tán thán các thứ công đức; hằng
được chư Phật nhớ nghĩ, ca ngợi; chư thiên, thiện thần thường đến ủng hộ, rằng
người này đang thực hành trọn vẹn bố thí ba la mật.
Đức Phật bảo tôn giả A Nan
rằng: Ông hãy theo lời Như lai mà tu
hành đúng như pháp cùng rộng nói lưu bố, khiến cho các chúng sanh đoản mạng,
bạc phước khắp được thấy nghe, thường tu pháp này để được thọ mạng dài lâu, phước
đức thêm lớn. Đây là kinh Đức Phật vì
tôn giả A Nan mà nói đà la ni cứu bạt ngạ qủy Diệm Khẩu cùng tất cả chúng sanh [40]. Hãy dùng tên kinh này, ông nên phụng
trì. Tất cả đại chúng và tôn giả A Nan
v.v… nghe đức Phật nói kinh này xong, một lòng tin nhận, hoan hỷ phụng hành.
Phật đản 2553
09.05. 2009
[1] Ni
câu luật na (Nigrodha) vốn là một vườn cây ở phía nam thành Ca tỳ la vệ, là nơi
đức Phật trở về thuyết pháp cho vua cha là Tịnh Phạn vương, sau khi Ngài thành
đạo. Đại Đường Tây Vức Ký, quyển 6, ghi
rằng vua A Dục tặng toàn bộ khu đất này để xây tháp và già lam. Trong khu vườn này có một ngôi tháp đánh dấu
nơi đức Phật ngày xưa ngồi dưới cội đại thụ mà tiếp nhận sự cúng dường ca sa
kim uất của bà di mẫu Kiều Đàm Di.
[2] Bà
la môn tiên = Bán Thiên bà la môn: Một
trong những loài qủy, là đối tượng thí thực trong hội thí ngạ quỷ.
[3] Ma
già đà (Magadha) tân dịch là Ma Kiệt Đà, cựu dịch là Ma Già Đà, là tên một nước
ở miền trung Ấn Độ.
[4]
Chư nghiệp đạo = nghiệp đạo minh kỳ: Các
qủy thần ở cõi U minh được sanh ra từ nghiệp nhân mà họ đã tạo.
[5]
Tứ sanh là 4 loài chúng sanh phân loại theo 4 cách sanh: noãn, thai, thấp, hóa.
[6]
Phiền não có 10: Tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến
thủ, giới cấm thủ. Tuỳ phiền não có
20: Phẫn, hận, phú, não, tật, xan,
cuống, siểm, hại, kiêu, vô tàm, vô qúi, trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi,
phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri.
[7]
Đạo ý = đạo tâm, vô thượng đạo tâm, vô thượng đạo ý, bồ đề tâm: tâm cầu dạo vô
thượng bồ đề.
[8]
Chánh văn là nghiệp đạo, hiểu đơn giản là quả báo dị thục thuộc đường lành,
đường dữ.
[9]
Đại niết bàn = thành Phật
[10]
Cam lộ pháp môn: Tức chỉ giáo pháp của
Như Lai. Cam lộ là thí dụ cho niết
bàn. Cửa ngõ đưa đến niết bàn còn gọi là
cam lộ môn. Kinh Pháp Hoa, phẩm Hoá
Thành Dụ nói: “Phổ trí thiên nhân tôn,
thương xót loài quần manh, hay khai cam lộ môn, rộng độ cho tất cả”.
[11]
Một trong 5 tạng mà kinh Lục ba la mật trình bày (kinh, luật, luận, bát nhã ba
la mật và đà la ni môn), là pháp tạng của chân ngôn đà la ni, là giáo pháp đề
hồ tối thượng trong 5 tạng, theo đó mà lập ra tông chân ngôn.
[12]
Hư không chư thiên: Chư thiên ở cõi hư
không, tức chỉ chư thiên từ cõi trời Đâu Suất trở lên. Vì trụ tại không trung nên còn gọi là không
cư thiên.
[13]
Long thần bát bộ: Trong tám bộ chúng, đứng đầu là Trời và Rồng,
nên gọi là thiên long bát bộ hay còn gọi là long thần bát bộ. Tám bộ chúng gồm có: 1. Thiên chúng, 2. Long
chúng, 3. Dạ Xoa, 4. Càn Thát bà, 5. A tu la, 6. Ca lầu la, 7. Khẩn na la, 8.
Ma hầu la già.
[14]
Lục dục thiên: 1. Tứ thiên vương thiên, 2. Tam thập tam thiên, 3. Diêm ma
thiên, 4. Đâu suất thiên, 5.Hóa tự tại thiên, 6. Tha hóa tự tại thiên.
[15]
Sách Sử Ký: Quân Ngô vào kinh đô của
nước Sở, Ngũ Tử Tư tìm Sở Chiêu Vương để trả mối thù giết cha và anh trước đây
nhưng không thấy, Tử Tư bèn quật mồ Sở Bình Vương đánh thi thể đến 300 roi mới thôi,
nên gọi là tiên thi (đánh xác chết).
Lịch sử nước ta cũng không ngoại lệ:
Khi Nguyễn Ánh đánh thắng nhà Tây Sơn năm 1802, lên làm vua lấy hiệu là
Gia Long, thì trả thù nhà Tây Sơn rất dã man: mồ mã bị khai quật, hài cốt bị
giã nát vất đi, đầu lâu của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Quang Toản và mộc chủ của
vợ chồng Nguyễn Huệ đều bị giam ở nhà Đồ Ngoại, sau lại đưa vào cấm cố vĩnh
viễn trong ngục thất.
[16]
Du già (yoga): nghĩa là tương ưng (thích ứng với nhau), mà chính yếu là tương
ưng với chỉ và quán, danh từ khác của thiền định, tam muội. Tuy nhiên, Du già giáo theo Mật tông thì Phật
và chúng sanh dung thông lẫn nhau, nhập vào cảnh giới Du già: thân kết ấn (thân mật), miệng tụng chân ngôn
(khẩu mật), ý quán tưởng đức bổn tôn Tỳ Lô Giá Na (ý mật), 3 nghiệp như vậy
tương ưng với tam mật của Phật. Dưới sự
gia trì tam mật mà chúng sanh đều được đầy đủ trí tuệ đức tướng của Phật, thành
tựu diệu hạnh tức thân thành Phật, hiển bày quả đức bản giác của chúng sanh.
[17] A
xà lê: Trong mật giáo, vị thông hiểu mạn đà la và tất cả các tôn vị (Phật, bồ
tát, minh vương …), chân ngôn, thủ ấn, quán hạnh tất địa, truyền pháp quán
đảnh, được gọi là a xà lê. Kinh Đại
Nhật, phẩm Cụ Duyên ghi: A xà lê phải có
đủ 13 đức như sau: 1. Phát tâm bồ
đề, 2. Diệu huệ từ bi, 3. Nhiếp thọ chúng sanh, 4. Khéo tu hành bát nhã ba la mật, 5. Thông hiểu ba thừa, 6. Hiểu biết rành rõ thật nghĩa của chân
ngôn, 7. Hiểu rõ tâm chúng sanh, 8, Kính tin chư Phật, bồ tát, 9. Được truyền thọ quán đảnh “Đẳng diệu giải
main đà la họa”, 10. Tâm tánh mềm mỏng,
xa lìa ngã chấp, 11. Khéo được sự vững
chắc đối với việc thực hành chân ngôn,
12. Tu tập du già được rốt ráo,
13. An trú mạnh mẽ tâm bồ đề.
[18]
Mạn nã la = mạn đà la
[19]
Thấy rõ cái lý “vạn pháp duy thức” qua sự tu tập chỉ quán mà lấy ấn tượng của
tâm làm đối tượng.
[20]
Chỗ phước đức là nơi thờ phụng Tam bảo, nơi hành thiện pháp, nơi có người tu
tập ngũ độ.
[21]
Đồ biểu mạn đà la này không có vẽ hình tượng cụ thể mà chỉ liệt kê danh hiệu
của các tôn vị. Thân sắc của các tôn vị
ấy được biểu thị bằng hình vuông, hình tròn, tam giác v.v… Hình vuông đại biểu
cho màu vàng, hình tròn là màu trắng, tam giác là màu đỏ.
[22]
Chỉ cho đàn pháp (nội đàn) mà chư Thánh chúng sẽ an vị theo thứ tự riêng
biệt. Điều này có ghi trong giáo văn hay
từ thầy mà bẩm thụ.
[23] A
già đà (agada) là tên một thứ thuốc phòng ngừa và trị mọi thứ bịnh, mọi thứ
độc, dịch là phổ khứ, vô giá, vô bịnh, bất tử dược. Kinh Niết Bàn có nói: “Bồ tát nguyện cho chúng sinh được món thuốc
A già đà, nhờ sức thuốc ấy họ trừ được tất cả vô số thứ độc hại”.
[24]
Là đàn tràng mà các quỷ thần, cô hồn thọ tam muội da giới (tâm giới).
[25]
Vào giờ Hợi (9-11 giờ tối) khi mặt trời đã lặn, chư thiên chúng hoan hỷ giáng
lâm, tác pháp linh nghiệm vậy.
[26] Bàn tay phải là Kim cang giới, tính
từ ngón út cho tới ngón cái, các ba-la-mật theo thứ tự là: bố thí (đàn), trì giới
(giới), nhẫn nhục (nhẫn), tinh tấn (tấn), thiền định (thiền) ba-la-mật. Bàn tay
trái là Thai tạng giới, cũng tính từ ngón út cho đđến ngón cái, các ba-la-mật
theo thứ tự là: tuệ, phương tiện, nguyện, lực và trí ba la mật.
[27]
Đây là chân ngôn Nhũ hải (Biến hóa biển sữa), là khiến biển sữa kia rộng lớn,
hòa suốt.
[28]
Thức ăn bố thí cho ngạ qủy nên đặt trên sinh
đài, đây là pháp thức căn bản.
[29]
Con người định
đoạt thời gian lúc nào bố thí là quan trọng hơn hết. Lưu ý, bố thí cho qủy thần thì có thể trong tất
cả thời, còn riêng thí thực cho ngạ qủy thì tốt nhất là khi màn đêm buông xuống,
“chính là lúc con người
yên nghỉ, ma quỷ hiện hình, cũng là khi siêu độ cô hồn, thoát cõi U minh”. Qủy thần chia làm hai hạng: có uy phước và
không uy phước. Loại qủy thần có uy phước
thì có cung điện, thân tướng trang nghiêm, nhiều kẻ tùy thuộc, hoặc thọ dụng những
trân vị cam lộ, hoặc được người thờ cúng.
Loại này còn chia ra làm chánh thần và tà thần. Loại qủy thần không có uy phước thì vất vả, ở
chỗ âm u, thường đói khát, hoặc ăn những đồ bất tịnh.
[30]
Giờ Tý: 11-12 giờ đêm.
[31]
Tứ lưu: Gồm có: 1. Kiến lưu: chỉ Kiến hoặc của tam giới. 2. Dục lưu: chỉ tất cả hoặc của Dục giới, trừ
Kiến và Vô minh. 3. Hữu lưu: chỉ tất cả
các hoặc của hai giới trên, trừ Kiến và Vô minh. 4. Vô minh lưu: chỉ Vô minh của tam
giới. Hữu tình vì bốn pháp này mà trôi
nổi chẳng dứt, nên gọi là lưu.
[32]
Nhân không = ngã không: Hàng phàm phu vọng chấp năm uẩn là thật ngã nên có ra
phiền não chướng làm cho bị luân hồi. Vượt qua chướng ngại sự dụng ấy gọi là
thể nhập ngã không.
[33]
Pháp tịch = pháp không: Biết rõ năm uẩn là không thật nhưng vẫn còn năng sở về
các pháp sở tri (= sở tri chướng) làm cho không chứng ngộ. Vượt qua chướng ngại chân lý ấy gọi là thể
nhập pháp không. Phàm phu là người chưa
hủy diệt được hai chướng ngại. Hàng
thanh văn duyên giác là bậc vĩnh viễn loại bỏ ái dục, hủy diệt chướng ngại sự
dụng nhưng chưa hủy diệt chướng ngại chân lý.
Bồ tát là bậc nỗ lực hủy diệt hai chướng ngại, hàng phục hai chướng ngại
và hủy diệt hoàn toàn hai chướng ngại.
[34]
Chánh văn là tha phương bẩm thức đào hình, chỉ cho chúng sanh ở trong giai đoạn
chuyển tiếp sau khi chết và trước khi tái sanh, gọi là thân trung ấm.
[35]
Vô sanh nhẫn = vô sanh pháp nhẫn: Là tuệ giác thể nhận thật tướng không sanh
diệt của các pháp. Thật tướng ấy vốn không
phiền não, không sanh phiền não. Được
tuệ giác này là được đến vị trí Không thối chuyển (Bất thối: A bệ bạt trí).
[36]
Vô giá hội: Phạn âm là Panca-varsika maha, Hán âm là Ban giá vu sắt hội, là
pháp hội thực hành tài thí và pháp thí một cách bình đẳng, không phân biệt hiền
thánh, tăng tục, sang hèn, trên dưới. Vô
giá nghĩa là khoan dung mà không hạn chế.
Vào thời vua A Dục ở Ấn Độ đã có sự thực hành pháp hội này, cứ 5 năm một
lần, gọi là Ngũ niên đại hội. Tây Vực Ký
quyển 5 ghi rằng: “Năm năm thiết lập vô giá đại pháp hội một lần, dốc hết của
kho, huệ thí cho chúng sanh, chỉ giữ lại binh khí không bố thí, cho nên biết
lập hội này hao tốn của cải rất lớn”.
Ngài Pháp Hiển thuật lại hội vô giá trong cuốn Phật quốc ký như sau: “
Ban giá việt, tiếng Trung hoa là Đại hội 5 năm 1 lần. Khi đại hội thì mời chư tăng mọi nơi cùng đến
vân tập. Vân tập rồi chỗ ngồi chư tăng
được trần thiết, treo lụa, treo cờ và cắm lọng.
Lại làm hoa sen bằng vàng, bằng bạc đặt sau chỗ ngồi chư tăng, trải lên
trên chỗ ngồi ấy những tấm tọa cụ sạch sẽ.
Quốc vương cúng dường đúng phép trong 1 tháng, 2 tháng hay 3 tháng, và
phần nhiều cử hành vào mùa xuân”. Ở đây,
Cam lộ vô giá hội là đại hội bình đẳng bố thí thức ăn cho ngạ qủy, cô hồn và
chúng sanh trong sáu đường, đồng thời bố thí pháp vị cam lộ của Phật để chúng
sanh nương đó, tùy theo căn cơ, mà được thiện lợi, được siêu thoát và an lạc.
[37]
Thắng thiện giới phẩm = tam muội da giới: Lấy bồ đề tâm làm giới pháp, cũng có
nghĩa là lấy trí giác của Phật, tức giác tánh của mình, mà làm giới phẩm. Có được giới phẩm ấy thì luôn thức tỉnh rằng
mình có giác tánh ấy, và cần sống theo giác tánh ấy không cho trái vượt.
[38]
Tùy tụng mà chế khai, nghĩa là 3 lần tụng “Án,
phạ nhật phạ, mục khất xoa mục”, thì 3 lần nâng thủ ấn gần đỉnh đầu rồi
vung các ngón tay hướng ra ngoài, như là đem hương hoa thượng diệu tung rải lên
hư không, hoa ấy xoay chiều trái để giải giới, cũng hàm ý tiễn đưa chư Phật bồ
tát và chúng sanh sáu đường.
[39]
Thức ăn bố thí cho qủy thần trong tất cả thời phải là thức ăn chưa từng thọ
dụng, đồ để dành, đồ xuất sanh hay lưu phạn.
Sách Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu ghi, khi thị giả đưa đồ ăn cho qủy thần
thì đọc bài kệ sau: Nhữ đẳng qủy thần
chúng, ngã kim thí nhữ cúng, thử thực biến thập phương, nhất thiết qủy thần
cộng. Án mục lực lăng sa ha. (Chúng các người, nay tôi cho đồ cúng, đồ này khắp
tất cả, qủy thần cùng hưởng chung. Án
mục lực lăng sa ha.)
[40]
Phật thuyết vị A Nan cập cứu bạt Diệm Khẩu ngạ qủy nhất thiết chúng sanh đà la
ni kinh.