Lao Động trao đổi với nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền (ảnh, giữa) về giá trị của một bộ phận di sản âm nhạc dân tộc - âm nhạc Phật giáo.
Ông vẫn thường xuyên ca ngợi thành tựu của âm nhạc Phật giáo VN,
trong đó có sự độc đáo của hai diễn xướng dân gian "Đại đàn phá ngục" và
đại lễ "Mông Sơn thí thực". Cụ thể, sự độc đáo đó như thế nào, thưa
ông?
- Âm nhạc trong "Đại đàn phá ngục" mang
rất nhiều tiết tấu của tuồng, chèo. Màn diễn xướng kể một tích cổ về
việc đệ tử của Phật Thích ca là Mục Kiền Liên báo hiếu mẹ. Mẹ ông bị
giam trong bể máu (huyết hồ) dưới ngục Atỳ do phạm nhiều tội ác. Theo
các nhà nghiên cứu, "Huyết hồ" được xem như vở chèo có tính diễn xướng
dân gian đầu tiên.
Mông Sơn là khoa cúng bao chứa mọi làn
điệu của âm nhạc Phật giáo. Và cũng có những làn điệu mà chỉ tại khoa
cúng này người ta mới hát như canh, kệ, thán. Còn những tụng niệm xướng
lễ thì trong Phật giáo ngày nào cũng có. Đặc biệt, canh là làn điệu
đỉnh cao của nghệ thuật âm nhạc Phật giáo thì chỉ những khoa cúng lớn
mới có.
Đây chính là hai canh hội tụ một dàn
nhạc lớn nhất, đội ngũ hát lớn nhất với sự phân cấp. Người pháp chủ ngồi
ở giữa, hai bên là tả hữu già, mỗi bên ít nhất là 2 người, nhiều có
thể lên đến 4 và 6. Hai bên hát đối đáp tung hứng hết sức quy củ. Người
pháp chủ như một nhạc trưởng. Họ cầm chuông và mõ để ghìm dàn nhạc.
Mỗi bài canh cũng thể hiện sự biến hóa
giai điệu, phát triển giai điệu của một chủ đề ở một đẳng cấp rất cao.
Lấy ví dụ có bài canh chỉ có một câu thôi là Úm ba la ma ca sa hạ. Chỉ
có thế thôi mà người ta hát hết 10 phút, đủ hiểu tiềm năng nghệ thuật âm
nhạc phát triển và kéo dãn để khoe giai điệu, khoe tiết tấu đòi hỏi
tài năng ra sao. Như thế để thấy điều này không dễ gì học được, làm
được!
Nhìn từ hệ kỹ thuật âm nhạc, ông đánh giá ra sao về âm nhạc Phật giáo trong hệ thống âm nhạc cổ truyền VN?
- Nếu nhìn âm nhạc Phật giáo như một giá
trị âm nhạc cổ truyền VN tôi có thể khẳng định rằng hệ kỹ thuật âm
nhạc có đẳng cấp ngang ngửa như tất cả các thể loại âm nhạc cổ truyền
chuyên nghiệp khác như chèo, tuồng, chầu văn...
Ở đây, các nghệ nhân cũng như các nhà
sư, các thầy cúng ngoài dân gian đều được rèn luyện theo một phương pháp
thanh nhạc riêng. Đặc biệt, ngón đàn, ngón trống, ngón phách của các
nhà sư, thầy cúng đều đạt tới một đẳng cấp nghệ thuật rất cao. Nhiều
nghệ nhân chèo tuồng nói với tôi khi nghe họ đánh trống phách trong các
đàn lễ đều giật mình nể phục.
Bản sắc riêng của âm nhạc Phật giáo VN là gì, thưa ông?
- Âm nhạc Phật giáo chính là một trong
những nét để khẳng định bản sắc dân tộc VN trong đạo Phật. Đạo Phật khi
được truyền bá ở các nơi khác nhau, các nhà sư luôn biết tận dụng những
dân ca dân nhạc ở đó để làm những làn điệu riêng của tín ngưỡng.
Vì thế, ta sẽ thấy âm nhạc Phật giáo
miền Trung giống với ca Huế, âm nhạc Phật giáo miền Nam giống cải lương
và âm nhạc Phật giáo ở miền Bắc sẽ tận dụng giá trị của chèo và tuồng.
Tận dụng những giá trị đẹp của dân ca để
làm âm nhạc của nó hấp dẫn hơn, vì thế sẽ giúp thu hút phật tử. Đây là
thể loại âm nhạc có hệ thống lời ca đồ sộ bậc nhất, vì Phật giáo có hệ
thống kinh kệ rất đồ sộ. Trong kho tàng đó còn có những tàng kinh chữ
Phạn. Các nhà sư gọi đó là “bí mật bất phiên”, có nghĩa là không bao
giờ dịch ra và không bao giờ ai hiểu. Không ai hiểu nghĩa nhưng họ vẫn
diễn xướng nó với một niềm đam mê cao cả. Đó là một điểm rất thú vị.
Nếu chúng ta nhìn nhà sư và thầy cúng
như những nghệ nhân thực hành âm nhạc dân tộc, có lẽ âm nhạc Phật giáo
là thứ âm nhạc truyền thống duy nhất diễn ra hằng ngày, vì ngày nào các
nhà sư cũng tụng niệm xướng lễ. Tính biểu tượng của âm nhạc Phật giáo
cũng rất cao.
Ví dụ, ba tiếng đầu tiên của một bài
trống hay bài chuông gọi là tiên khởi tam, tức là loại trừ ba độc tham
sân si. Bảy tiếng tiếp theo là thứ nguyên thất. Nó bao gồm triết lý về
vũ trụ của đạo Phật. Bốn tiếng kết bài là hậu diệt tư, tức là loại trừ
sinh lão bệnh tử. Chính vì thế, càng nghiên cứu tôi càng cảm thấy
choáng ngợp trước giá trị của âm nhạc Phật giáo và cảm phục những người
giữ di sản văn hóa này.
- Xin cảm ơn ông!
Theo: Lao động