Bởi, một mặt, âm nhạc trong
nghi lễ này không chỉ được nhìn nhận trong tổng thể của môi trường và
không gian diễn xướng, mà còn cần được soi xét, bóc tách từng bộ phận
trong đó để đi sâu tìm hiểu, làm rõ vị trí và chức năng của các thành
viên, trong đó có vai trò của từng nhóm nhạc cụ gắn với các thành tố cụ
thể. Nói cách khác, mỗi bước lễ, mỗi một tổ chức âm nhạc, trong đó có
những cặp nhạc cụ được sử dụng, trình tấu theo những nguyên tắc và sự
gắn kết nhất định theo từng nghi lễ. Mặt khác, việc nghiên cứu tổ chức
dàn nhạc còn làm rõ sự khác nhau trong biên chế ở mỗi ngôi chùa, mỗi đội
cúng1
và trong mỗi địa điểm và khu vực khác nhau; trong đó, bên cạnh những
nhạc cụ được biên chế cố định, bắt buộc còn có những nhạc cụ được bổ
sung theo phong cách riêng của mỗi đội cúng và địa điểm cụ thể. Quan
trọng hơn, nghiên cưu, tìm hiểu vấn đề này còn góp phần làm sáng tỏ cơ
cấu tổ chức nhạc cụ và vai trò của chúng đối với nghi lễ cũng như diện
mạo chung của âm nhạc nói chung, dàn nhạc nói riêng trong quan hệ với
toàn bộ nghi lễ.
Những
vấn đề chung nhất về quan hệ giữa âm nhạc với các bước lễ đã được chúng
tôi tổng hợp bước đầu và trình bầy một cách khái quát trong phần nghiên
cứu trước đây. Bài viết này sẽ tiếp tục tìm hiểu chi tiết các khía cạnh
khác trong nghi lễ, trong đó tập trung nghiên cứu tổ chức biên chế dàn
nhạc và quan hệ của nó với các bước lễ nói chung, từng hình thức âm nhạc
nói riêng.
1. Biên chế
Trong cuốn Lịch sử âm nhạc Việt Nam, phần bàn về âm nhạc Phật giáo,
tác giả Lê Mạnh Thát có đề cập tới một tổ chức 9 nhạc cụ, gồm Phách, Hồ
cầm, Sáo, Kìm, Hoàng Sênh, Tỳ bà, ống Tiêu, Nguyệt và trống Cơm2.
Những nhạc cụ này được biết tới qua tư liệu khảo cổ là hình ảnh trạm
khắc trên bệ đá chùa Vạn Phúc (Từ Sơn - Bắc Ninh ngày nay), được tác giả
trình bày và tổng hợp theo mô tả ghi chép trong thư tịch cổ, nhưng còn
chưa rõ được mục đích sử dụng và vai trò của nó. Theo cuốn Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam
của Giáo sư Trần Văn Khê, vấn đề nhạc khí sử dụng trong Phật giáo cũng
đã được ông giới thiệu. Trong đó, ông đã chia các nhạc cụ ra làm hai
loại: Nhạc khí tôn giáo gồm, Mõ, Tích trượng, Chuông (có bốn loại là Gia
trì, Báo chúng, Hồng chung, Bát nhã), Tang (còn gọi là Đẩu, hay Thanh
la), Trống (có hai loại trống Đạo và trống Bát nhã) và nhạc khí ngoài
tôn giáo gồm kèn Bầu, kờn nhị, Trống, Mõ, Sáo, trống Bản3.
Đây là phần giới thiệu có chú thích cơ bản về nhạc cụ trong lễ Phật
giáo ở khu vực miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên, theo chúng tôi, cũng
như các hình thức âm nhạc tín ngưỡng dân gian khác ở Việt Nam, âm nhạc
Phật giáo nói chung cũng thể hiện tính chất đặc trưng qua các vùng miền
và tông phái khác nhau. Cho tới thời điểm này, phần âm nhạc Phật giáo
nói chung, âm nhạc trong nghi lễ cầu siêu nói riêng, trong đó việc tìm
hiểu cơ cấu tổ chức và biên chế dàn nhạc trong nghi lễ này tại khu vực
đồng bằng châu thổ Sông Hồng, trong đó có khu vực Hà Nội chưa có công
trình nào đi sâu nghiên cứu. Do đó, phần nghiên cứu này, chúng tôi sẽ
dựa trên cơ sở tư liệu điền dã trực tiếp tại các chùa và các đàn cầu
siêu ở khu vực Hà Nội để tiến hành tìm hiểu nghiên cứu.
Dựa vào tiêu chí phân loại họ nhạc cụ của Giáo sư Tiến sĩ Tô Ngọc Thanh4,
ở đây, chúng ta có thể phân chia các nhạc cụ ra các họ, gồm: màng rung
có trống Cái, trống con có hai loại là trống bản và trống dẫn (có khi
thay bằng trống Mảnh, hoặc trống Cơm); họ tự thân vang có Chuông, Não
bạt, Thanh la, Mõ, Tiu - cảnh; họ dây có đàn Nhị, đàn Nguyệt; họ hơi có
kèn Sô na, còn gọi là kèn Bóp hay kèn Già nam, gồm các loại: kèn Tiểu,
kèn Trung (còn gọi là kèn Pha). Nhạc cụ trong nghi lễ gọi chung là “Pháp
bảo”, được điều khiển bởi Pháp chủ - thường là trụ trì ngồi chùa, nơi
tổ chức đàn cầu siêu, hoặc là vị sư có vị chí chính trong nghi lễ - sử
dụng với tư cách như là phương tiện kết nối giữa người hành lễ với thần
linh, đức Phật.
Để
dễ dàng tìm hiểu cơ cấu tổ chức của dàn nhạc nói chung, các nhạc cụ nói
riêng, chúng ta có thể chia âm nhạc trong lễ thành hai thành phần là
thanh nhạc và các nhịp trống. Thanh nhạc gồm các câu Tán, Tụng, Than,
Thỉnh; ngoài ra còn có các câu “đọc” như câu Kệ ( phần mở đầu trong tụng
kinh và tán mỗi loại canh; đọc theo cặp mỗi câu bảy chữ), đọc câu Thiết
dĩ (thường đọc ở phần mở đầu của một số khoa cúng), và đọc câu Phát hoả
(ba đường phát hỏa là thiên hoả, địa hoả và tam nội chân hoả - dùng khi
dâng sớ). Trống có các nhịp trống Phát lôi, trống Thượng đường, trống
Dẫn lục cúng và trống Xai (ít dùng). Trong hai thành phần chính để cấu
thành âm nhạc trong lễ, hầu hết các nhạc cụ có chức năng cụ thể, không
chỉ thực hiện việc hỗ trợ, làm tăng hiệu quả âm thanh mà còn tham gia
điều khiển các nghi thức trong quá trình lễ.
Tại
khu vực Hà Nội, các nhạc cụ được biên chế trong nghi lễ theo hai nhóm
là các nhạc cụ bắt buộc và các nhạc cụ được biên chế bổ sung, tức không
bắt buộc. Sự khác nhau này chỉ xảy ra ở các nhạc cụ bổ sung, giữa các
đội cúng, các địa điểm và vùng khác nhau, trong đó có các ngôi chùa
thường xuyên tổ chức lễ cầu siêu ở khu vực Hà Nội; còn các nhạc cụ biên
chế cố định được thống nhất trong các đội cúng. Theo đó, các nhạc cụ
được biên chế cố định gồm Chuông, Mõ, Thanh la, Não bạt, Tiu - cảnh và
hai loại trống là trống Cái và trống Bản. Các nhạc cụ này đôi khi được
biên chế theo nhóm, theo khoa cúng, nhưng phần nhiều được sử dụng như
một dàn nhạc và hoà tấu trong các không gian hành lễ. Các nhạc cụ bổ
sung chủ yếu thuộc về họ dây và hơi, gồm Kèn, Nhị và đàn Nguyệt, có đội
cúng thêm cả trống Cơm, trống Dẫn. Tại một số nơi như huyện Gia Lâm,
quận Long Biên, cụ thể là ở các chùa Đồng Lim - Gia Lâm, chùa Bồ Đề -
Long Biên, các lễ cầu siêu lớn thường có sự tham gia của Kèn, Nhị và đàn
Nguyệt. Khu vực Hà Đông thì thường ít thấy sử dụng các nhạc cụ bổ sung,
hoặc nếu có là do mời một số thầy cúng ở những khu vực khác tới. Tuy
nhiên, không phải tất cả các nghi lễ được tổ chức tại các ngôi chùa này,
những nhạc cụ biên chế bổ sung đều như vậy, mà còn tuỳ thuộc vào các
đội cúng được mời tới giúp nhà chùa hành lễ. Theo thầy cúng Bùi Văn Nam,
một đại diện ở khu vực Hà Đông, thì việc tổ chức các nhạc cụ bổ sung
trong các nghi lễ cầu siêu phụ thuộc hoàn toàn vào khả năng của đội cúng
đó, cũng như “thị hiếu” của những người đứng ra hành lễ, trong đó có
các sư tăng, thầy cúng. Song, tính ổn định tuơng đối của nó vẫn được bảo
lưu trong biên chế và sử dụng các nhạc cụ trong nghi lễ giữa các địa
điểm trên địa bàn và thường phố biến theo cách sắp xếp riêng, có thể
tổng hợp trong so sánh dưới đây.
Bảng so sánh biên chế các nhạc cụ được sử dụng phổ biến giữa ba điểm
Họ nhạc cụ | BIÊN CHẾ NHẠC CỤ GIỮA CÁC ĐIỂM | Ghi chú |
Chùa Đống Lim (Gia Lâm) | Chùa Kiến Hạ (Hà Đông) | Chùa Pháp Vân (Thanh Trì) |
Tự thân vang | - Mõ - Chuông nhỏ - Tiu - cảnh - Thanh la - Não bạt | - Mõ - Chuông nhỏ - Tiu - cảnh - Thanh la - Não bạt | - Mõ - Chuông nhỏ - Tiu - cảnh - Thanh la - Não bạt | Sử dụng thống nhất, cố định |
Màng rung | - Trống cái - Trống bản - Trống dẫn | - Trống cái - Trống bản - | - Trống cái - Trống bản - Trống cơm | Trống cơm sử dụng không thường xuyên |
Hơi | - Kèn tiểu (la) - Kèn pha (pha) | - - | - Kèn tiểu (la) - |
|
Dây | - Đàn nguyệt - | - Đàn nguyệt - | - - |
|
Hiện
nay, các đội cúng ở các địa điểm trên, các nghi lễ cầu siêu không chỉ
có những đội cũng sở tại hoạt động nghề nghiệp, mà còn xuất hiện một số
đội cúng hoặc có sự tham gia của một số thầy cúng tới từ tỉnh khác, địa
phương khác. Và ngược lại, do xu thế phát triển chung của đời sống văn
hóa tâm linh, sự phối kết hợp trong tổ chức nghi lễ ở các địa phương
khác nhau, các đội cúng của khu vực Hà Nội nói chung cũng đã tham gia lễ
cầu siêu tại nhiều tỉnh thành khác. Trường hợp này thường xảy ra trong
các đàn lễ lớn kéo dài nhiều ngày mà số lượng những người hành lễ mà các
thầy cúng không đủ, hoặc có thể do vào đúng ngày lễ một trong số thành
viên ấy có lý do đặc biệt mà không tham gia được. Trường hợp khác, do
nghi lễ được tổ chức với quy mô lớn tại một không gian rộng, nên để tạo
không khí trang nghiêm và hoành tráng hơn, những đội các chùa đứng ra tổ
chức lễ đàn cầu siêu thường mời các thầy cúng ở các địa phương và đội
cúng khác; và như vậy sẽ kéo theo sự thay đổi trong biên chế tại đội
cúng đó. Do đó, sự phân chia này chỉ có tính chất tương đối, vì trên
thực tế, có những trường hợp các thầy cúng của đội này được mời sang
cúng giúp cho đội kia, và như vậy sẽ có sự bổ sung biên chế cho các nhạc
cụ khác nhau. Hiện nay, có trường hợp một nhà chùa, hoặc một thầy cúng đứng ra nhận “đăng cai” tổ chức một nghi lễ cho gia
chủ nào đó, và họ có quyền mời đội cúng, hoặc cá nhân trong ở một địa
phương điểm khác tới tham gia. Và như vậy, ranh giới phân chia theo
phong cách đội cúng, hay vùng hoặc địa điểm bị xoá nhòa. Nói như vậy để
thấy rằng, việc tổ chức và biên chế dàn nhạc trong nghi lễ cầu siêu,
nhất là những nhạc cụ được bổ sung luôn ở trạng thái động, có thể được
bổ sung và luân phiên biên chế giữa các đội trong quá trình tổ chức một
đàn lễ cầu siêu, tại một địa điểm hay các nhóm khác nhau. Theo đó, tuỳ
thuộc vào điều kiện hay thói quen sử dụng của nhà chùa, mỗi đội lễ có
thể đưa ra quy định trong việc sử dụng các nhạc cụ trong nghi lễ này,
cũng như có thể bổ sung biên chế, hoặc giảm bớt một số nhạc cụ, thậm chí
cả bộ nhạc cụ trong tổ chức dàn nhạc cho phù hợp với điều kiện, quy mô
và không gian của đàn lễ. Qua những chuyến điền dã ở ba địa điểm chính,
tại các đàn cầu siều ở các ngôi chùa trên các quận/huyện, cho chúng tôi
bước đầu đưa ra nhận xét rằng sự biên chế và phổ biến các nhạc cụ trên
đây phụ thuộc vào hai yếu tố: Các nhạc cụ được biên chế chính, bắt buộc
và vai trò, chức năng của chúng gắn với từng bước lễ va trong toàn bộ
nghi lễ; các nhạc cụ bổ sung được sử dụng tương đối ổn định ở một số địa
phương nhưng không cố đinh, kể cả về biên chế và sử dụng các nhạc cụ đó
trong các nghi lễ cho đến việc sử dụng nó tại các địa điểm khác nhau.
Cho nên, đi sâu vào tìm hiểu vai trò của từng nhạc cụ trong nghi lễ này
để thấy rõ hơn tầm quan trọng của chúng gắn với từng bước lễ của nghi lễ
cầu siêu. Như trên đã nói, do biên chế nhạc cụ bổ sung có khác nhau
giữa các địa điểm, nên cơ cấu trong dàn nhạc lễ cũng có sự khác nhau.
2. Vai trò, chức năng
Nghiên
cứu chức năng của mỗi nhóm, cặp nhạc cụ, sử dụng trong nghi lễ Phật
giáo ở Việt Nam, trước hết chúng tôi đề cập tới hai nhạc cụ chuông và mõ.
Đây là hai nhạc cụ đặc trưng, được biên chế thành cặp ở nhiều bước lễ.
Chuông là nhạc cụ bằng kim loại đồng, thuộc chi gõ; vật kích âm là chiếc
dùi gỗ, kích thước theo từng chiếc chuông lớn nhỏ khác nhau.
Chuông có nhiều kích cỡ, theo đó, các chuông sử dụng trong các đàn cầu
siêu chủ yếu có hai loại: loại nhỏ trung bình cao từ 8 - 10cm, chiều
rộng của miệng bằng chiều cao, đáy bằng 1/4 miệng; chuông lớn có loại
cao từ 18 - 20c, tỷ lệ chiều cao và chiều rộng giữa miệng và đáy tương
tự với các loại chuông nhỏ. Âm thanh của chuông phụ thuộc vào tỷ lệ hợp
kim khi chế tác, song theo tính chất vật lý và quy luật tự nhiên, chuông
lớn cho âm thanh ngân vang và trầm, loại nhỏ cho hiệu quả âm thanh
ngược lại. Trong nghi lễ cầu siêu, tuỳ thuộc và không gian hành lễ mà
người ta sử dụng loại chuông lớn hay nhỏ. Chẳng hạn, khi thực hiện đàn
lễ ở không gian rộng, người ta sử dụng loại chuông lớn để tạo âm thanh
phù hợp và uy nghi hơn và ngược lại, ở không gian chật hẹp, người ta chỉ
cần loại chuông nhỏ.
Đi
cùng với chuông là mõ. Mõ thuộc chi gõ, kích âm bằng dùi gỗ; dùi có thể
được bọc vải ở đầu khoặc không. Khác với loại “mõ làng” - chế tác bằng
gốc tre già khô, mõ sử dụng trong nghi lễ Phật giáo được chế tác bằng
cách từ một thớ gỗ mít lớn khoét rỗng giữa rồi để một khe giữa và hai lỗ
hai bên làm điểm thoát hơi. Mõ cũng có kích thước không bằng nhau. Cũng
giống như chuông, mõ lớn cho âm thanh trầm và sâu, loại nhỏ cho ra âm
thanh ngắt gọi và thanh hơn.
Chuông
và mõ chủ yếu sử dụng trong nghi lễ tụng kinh, có quan hệ mật thiết với
nhau và phụ thuộc vào nhau. Đôi khi chuông giữ vai trò chủ đạo và ngược
lại. Mở đầu và kết thúc phần tụng kinh, bao giờ người ta cũng đánh ba
hồi chuông. Kết thức ba hồi chuông mới bắt đầu tụng kinh. Trong khi
tụng, mỗi câu kinh trùng với một tiếng mõ; và đương nhiên nhịp độ giữa
các câu kinh và tiếng mõ tỷ lệ thuận và gắn kết với nhau. Mõ và chuông
không chỉ được biên chế cố định trong tụng kinh và các lễ tụng kinh, mà
còn được sử dụng trong các nghi lễ khác, như trong các câu thỉnh phật,
đọc kệ, thiết dĩ... nhưng ở đây chủ yếu thấy vai trò của chuông. Cũng
giống như trong tụng kinh, chuông ở các hình thức này cũng chỉ điểm với
tư cách là đánh dấu câu, chỉ điểm vào những đoạn ngưng nghỉ của thầy
cúng trong quá trình đọc. Đến mỗi đoạn kến thúc, thì chuông đổ nhẹ một
dồn ngắn mà thôi. Mỗ và chuông còn được biên chế với nhiều hình thức
khác âm nhạc khác, trong đó có hình thức tán canh. Tán canh ở các khoa
cúng, mõ và chuông giữ vai trò “cầm trịch”, giữ nhịp và điều khiển nhịp
độ. Người cầm trịch gọi là pháp chủ, sẽ ngồi đầu tiên trong cơ cấu biên
chế các nhạc cụ trong tán canh.
Ngoài
mõ và chuông, các nhạc cụ đặc trưng có vai trò quan trọng còn có trống,
thanh la và não bạt. Trống ở đây là trống hai mặc da, có hai loại: một
trống cái và một trống ban. Trống cái không có quy định về kích thước rõ
ràng, nhưng thường thấy nhất là trống có chiều cao trung bình từ 80 -
90cm, đường kính khoảng 50cm. Trống ban cơ bản có kích thước khá thống
nhất, chiều cao trung bình từ 10 - 12cm, đường kính khoảng 35cm. Thanh
la và não bạt thường có kích thước về đường kính tương đương nhau, được
chế tác bằng đồng. Thanh la kích âm bằng cách sử dụng dùi gỗ gõ vào tâm
của mặt ngoài; não bạt có cấu tạo thành cặp tương xứng nhau, hai nún ở
tâm điểm nên kích âm bằng cách dùng hai tay va đập hai mặt vào nhau.
Sự
phối hợp của trống, thanh la, não bạt góp phần tạo nên nét đặc trưng
riêng cho nghi lễ cầu siêu cũng như tạo không khí trang trọng và khí thế
trong nghi lễ. Trong suốt quá trình hành lễ, ba nhạc cụ này được sử
dụng liên tục với vai trò chính là chuyển đoạn để kết thúc các phần lễ.
Theo đó, khi kết thúc mỗi khoa cúng, hoặc một phần lễ, thì các nhạc cụ
này thường sử bốn nhịp trống là Pháp lôi, Dẫn lục cúng, Hiến
thượng đường và trống Xai. Tên của nhịp gắn với trống cái nên các nhạc
cụ đi cùng chỉ có chức năng hỗ trợ, làm cho nhịp trống hấp dẫn và phong
phú hơn mà thôi. Cùng với bên cạnh tiu - cảnh, trống cái và não bạt có
vai trò chính quan trọng, tạo không khí rộn ràng đặc trưng, thể hiện sự
tôn nghiêm của toàn bộ không gian thiêng trong nghi lễ.
Sự
phối hợp đông đủ nhất giữa trống và cái, não bạt và các nhạc cụ trong
nghi lễ cầu siêu tập trung ở các phần tán canh. Đó là sự có mặt chủ chốt
của tiu - cảnh, đàn nguyệt, kèn và nhị. Về cặp nhạc cụ tiu - cảnh,
trước đây, trong phần giới thiệu về tán canh - một hình thức thanh nhạc
đặc trưng trong nghi lễ cầu siêu, chúng tôi đã đề cập tới cặp nhạc cụ
này. Đây là hai nhạc cụ gắn kết chặt chẽ với các hình thức tán canh và
có mặt ở hầu hết trong các khoa cúng, bước lễ. Tiu và cảnh là hai nhạc
cụ thuộc chi gõ, có những đặc điểm cấu tạo gần giống nhau, được chế tác
bằng kim loại đồng thau. Tiu có hình dáng gần giống với chiếc bát ăn
cơm, đường kính phổ biến khoảng 11 - 12cm (phần miệng), chiều cao khoảng
4cm. Cảnh thường có bán kính rộng hơn không đáng kể, khoảng 12 - 13cm
(phần miệng), phần đáy khoảng 10cm, chiều cao phần đáy khoảng 1,5cm. Khi
diễn tấu, hai nhạc cụ này được úp xuống, đặc cạnh nhau, tiu nằm bên tay
trái, còn cảnh nằm bên tay phải của người sử dụng. Vật kích âm là một
chiếc dùi làm bằng thanh tre mỏng, giữ lại phần mấu ở đầu. Dùi này có
chiều dài khoảng 25cm. Cũng giống như chuông và mõ trong tụng kinh,
trong khi tán canh, tiu được sử dụng điểm những âm hình tiết tấu chính,
còn cảnh thường có vai trò giữ nhịp, điểm vào các trọng âm. Trong tán
canh, vai trò của tiu - cảnh được ví như cỗ phách trong nghệ
thuật ca trù. Tiết tấu của nhạc cụ này cũng khá phức tạp. Những người
học tán canh, trước hết phải học thuộc các loại nhịp (các sư tăng và
thầy cúng gọi là dịp). Các thầy cúng cho biết, canh thống nhất sử
dụng một loại nhịp để đệm, nhưng trên cơ sở mô hình tiết tấu chủ đạo đó
mà người ta có thể biến hoá hoặc phát triển chúng tạo ra sự phong phú
và độc đáo riêng.
Những
phân tích về vai trò của từng nhạc cụ trên đây cho thấy quan hệ gắn kết
giữa âm nhạc, giữa các nhạc cụ trong nghi lễ là quan hệ hữu cơ, quy
định và tác động qua lại lẫn nhau theo những nguyên tắc nhất định. Trong
quá trình diễn xướng, mỗi nhạc cụ đều thể hiện được chức năng và vị trí
riêng trong quan hệ chung khi tác hợp với một nhạc cụ hay nhóm nhạc cụ
khác. Theo đó, có nhạc cụ khi này có vai trò hỗ trợ nhạc cụ kia, nhưng
trong trường hợp khác lại có vai trò chủ đạo. Cứ như thế, chúng gắn kết,
hỗ trợ và bổ sung cho nhau, kết hợp và gắn bó hữu cơ với nhau trong
suốt quá trình hành lễ, tạo ra một hiểu qua âm thanh với những đặc trưng
độc đáo riêng gắn với từng bước lễ cụ thể.
Về
các nhạc cụ bổ sung, việc sử dụng kèn và hai nhạc cụ dây là nhị và đàn
nguyệt là phổ biến hơn cả. Kèn thông thường người ta hay sử dụng lại kèn tiểu,
còn gọi là kèn la, vì có cấu tạo âm thanh nốt thấp nhất ở âm la thuộc
quãng tám thứ nhất. Kèn tiểu có âm thanh cao và âm sắc tươi vui hơn so
với hai loại kèn còn lại, do đó, theo các thầy cúng, loại kèn này phù
hợp với với các kho cúng Phật. Nhưng ngoài kèn tiểu, trong đàn này, có
đội cúng còn sử dụng cả kèn trung, còn gọi là kèn pha. Kèn này
cho ra âm thanh trầm hơn, mang màu sắc buồn hơn vì thế thường được sử
dụng trong trong các khoa cúng độ âm, tiếp linh và triệu linh. Các đội
cúng và đàn lễ sử dụng hai nhạc cụ này, khi sử dụng trong đàn lễ, có
nhiều đoạn người ta biên chế kèn đi với trống, phối hợp với nhau trong
những đoạn nối giữa các tiểu khoa cúng trong một khoa cúng cũng như một
phần lễ. Chẳng hạn, sau khi thỉnh Phật, người ta sử dụng nhịp trống Hiến
thượng đường kết hợp với diễn tấu kèn để nối sang một phần cúng khác.
Hay khi bắt đầu vào phần cúng chạy đàn - phá ngục, thông thường người ta
sử dụng nhịp trống Phát lôi hoặc trống xai phối hợp với kèn để mở đầu
cho khoa cúng, tạo không khí rộn ràng và khí thế. Mặc dù chỉ là những
nhạc cụ được bổ sung, nhưng kèn cùng với trống cái đã làm cho không gian
của nghi lễ cầu siêu trang trọng, uy nghi hơn trong các khoa cúng Phật.
Riêng về hai nhạc cụ Nhị và đàn Nguyệt, cũng giống như kèn, hai nhạc cụ
này được biên chế bổ sung vào dàn nhạc với chức năng hoà tấu và đệm cho
giai điệu một số hình thức thanh nhạc, như tán canh, hay trong các câu
than cô hồn; riêng nhị đôi khi được đưa vào đệm cho giai điệu khi đọc
câu thiết dĩ.
Các
nhạc cụ trên đây hầu như có mặt trong tán canh - một hình thức thanh
nhạc đặc trưng trong nghi lễ cầu siêu. Tuỳ từng nên tán canh có mặt
trong hầu hết các bước lễ và khoa cúng (canh ai dùng trong cúng độ âm ở đàn lễ tiếp linh và triệu linh; các loại canh: giả tổ (lô hương, xạ nhiệt), chí tâm, phú, hoàng kim, thổng, hãm, giới đinh, dương chi, tả thủ, hồng tự (cửu hồng), đông ba và bảo đỉnh (đàn thượng)
dùng trong cúng phật). Cũng trong quá trình tán canh, gần như các nhạc
cụ sử dụng trong nghi lễ cầu siêu đều có mặt. Chúng được sắp xếp theo
một tổ chức chung, nhất định, theo nguyên tắc bên tả và bên hữu.
Sơ đồ tổ chức vị trí của các nhạc cụ trong nghi lễ cầu siêu được sắp xếp phổ biến
Trống lớn Thanh la | Não bạt |
Đây
là cách sắp xếp phổ biến trong nghi lễ cầu siêu, cơ bản cố định trong
các khoa cúng, bước lễ trong suốt quá trình hành lễ. Theo sự sắp xếp
này, có thể thấy rằng việc tổ chức này không căn cứ vào vị trí của âm
thanh, mà phụ thuộc vào chức năng và vai trò của các nhạc cụ. Ở đây, Mõ
và Chuông là hai nhạc cụ đứng vai trò điều khiển, “cầm trịch” trong hầu
hết các khoa cúng, nên cơ bản được đặt ngay ở vị trí đầu, trước các nhạc
cụ còn lại. Thông thường, biên chế và sử dụng nhạc cụ trong đàn lễ, thì
mỗi người sẽ đảm nhiệm một nhạc cụ. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp
thiếu người, hay do nhiều nguyên nhân khác nhau, thì nhiều trường hợp
một người có thể sử dụng hai nhạc cụ. Chẳng hạn như người sử dụng Kèn có
thể sử dụng Nhị trong những phần tán canh, hoặc sử dụng đàn Nguyệt
trong phần than cô hồ. Người sử dụng trống lớn có thể đồng thời sử dụng
Thanh la, vì trong quá trình tán canh, trống cái thường chỉ có chức năng
giữ nhịp, và đi theo nhịp một với số lượng tiết tấu ít mà không sử dụng
kỹ thuật diễn tấu phức tạp nên có thể đặt thanh la ngay bên cạnh và sử
dụng song song với trống cái, v.v...
* * *
Âm
nhạc trong nghi lễ cầu siêu đã thể hiện được tính đặc trưng của riêng
mình so với nhiều hình thức âm nhạc tín ngưỡng khác, như âm nhạc trong
tế lễ - rước thành hoàng làng, hay các hình thức âm nhạc tang lễ ngoài
dân gian..., thậm chí thể hiện được đời sống độc lập tương đối của mình
trong tổng thể của nghi lễ Phật giáo Đây là kết quả của quá tình tích
hợp và giao thoa giữa tín ngưỡng bản địa trên cơ sở chính là âm nhạc và
tín ngưỡng Phật giáo - đã giúp cho lễ cầu siêu trở thành một hiện tượng
văn hóa thu hút được sự quan tâm của giới nghiên cứu nhiều lĩnh vực khác
nhau. Nghiên cứu âm nhạc trong nghi lễ cầu siêu, trong đó việc nghiên
cứu tổ chức các nhạc cụ trong suốt quá trình hành lễ góp phần từng bước
làm sáng tỏ vấn đề về nguyên tắc sử dụng của từng nhạc cụ, từng nhóm
nhạc cụ gắn liền với các bước lễ. Có thể nói, qua tám bước lễ ( gồm Tiếp linh, Pháp tấu, Cúng Phật, Triệu linh, Tụng kinh, Khai phương - phá ngục, Giải oan - cắt kết, Cúng cháo - cúng dàng)
và các hình thức âm nhạc trong toàn bộ nghi lễ gồm tụng, tán, thỉnh,
than - với một nghiên cứu bước đầu về tổ chức dàn nhạc và chức năng của
chúng có cái nhìn tổng quan về việc sử dụng dàn nhạc trong lễ. Với một
tổ chức, biên chế các nhạc cụ trong nghi lễ cầu siêu tuy không nhiều,
cũng không phong phú, nhưng khi gắn với đặc điểm các bước lễ, không gian
và gắn với các hình thức âm nhạc đặc trưng trong đó, các nhạc cụ trong
nghi lễ cầu siêu đã làm nổi bật chức năng và vai trò của nó trong đàn lễ
đặc biệt này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đỗ Xuân Tùng, Một số suy nghĩ về phân loại nhạc cụ, Tạp chí Âm nhạc, số 2, Hà Nội - 1983
2. Lê Mạnh Thát, Lịch sử Âm nhạc Việt Nam, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh - 2001
3. Trần Văn Khê, Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nxb. Trẻ,
Tp. Hồ Chí Minh – 2004
4. Tư liệu điền dã
Nguyễn Đình Lâm: Viện Âm nhạc - Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam;
CC2 Đường Mễ Trì - Mỹ Đình - Từ Liêm - Hà Nội.
1
Chúng tôi dùng khái niệm “Đội cúng” để chỉ những nhóm chuyên thực hiện
các nghi lễ cầu siêu, trong đó bao gồm các sư - tăng và thầy cúng
2 Lê Mạnh Thát, Lịch sử âm nhạc Việt Nam, phần Đạo Cao và nền âm nhạc Tiên Sơn, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh - 2001, Tr. 292
3 Trần Văn Khê, Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, Nxb. Trẻ - 2004, Tr.409
4 Theo Đỗ Xuân Tùng, Một số suy nghĩ về phân loại nhạc cụ, Tạp chí Âm nhạc số 2, Hà Nội - 1983
*Bài
viết do tác giả Nguyễn Đình Lâm (Viện Âm nhạc), NCS Viện Nghiên cứu Tôn
giáo gửi riêng cho Nguyễn Xuân Diện Blog, và công bố lần đầu tại đây.
Xin chân thành cảm ơn tác giả Nguyễn Đình Lâm.