Nhưng
trước giờ, chưa ai tìm thấy được pháp nào tự sinh tự diệt ở thế giới
này. Một thế giới mà ở đó không gian và thời gian tồn tại.
Tháp trà-tỳ Ramabhar, Ấn Độ
Nhân duyên sinh, tức không thể tự nhiên mà sinh. Con gà phải có nhân
duyên quá khứ và nhân duyên hiện tại mới xuất hiện được, không có việc
con gà tự nhiên xuất hiện. Nhân duyên sinh là vậy. Không phải tự nhiên
sinh là vậy.
Vậy mà trong kinh Lăng nghiêm, Như Lai nói: “Chẳng phải tính nhân duyên,
chẳng phải tính tự nhiên”. Tức không phải chỉ phủ định tự nhiên mà phủ
định luôn cả nhân duyên.
Vì sao? Vì muốn chỉ ra chỗ chân thật. Tuy nói “chỗ” mà thật là không có
chỗ nơi. Kinh Niết-bàn gọi đó là Phật tánh, luận Đại thừa khởi tín nói
đến không và bất không của chân như. Tâm kinh Bát-nhã nói “Tướng không
của các pháp không sinh không diệt…” v.v...
Nghi cái chân thật đồng với tự nhiên của ngoại đạo
Nghi đó, là ngài A Nan nghi.
Khi nghe Phật nói về tánh Phật mà ai cũng có, ngài A Nan đã khởi mối
nghi. Nghi cái tánh “chẳng sinh chẳng diệt, xa lìa tất cả hư vọng, điên
đảo” mà Phật đã nói chẳng phải là pháp nhân duyên, như Phật từng nói ở
núi Lăng-già.
“Ở núi Lăng-già, Thế Tôn đã vì ngài Đại Huệ v.v… giảng
rộng nghĩa này: Bọn ngoại đạo kia thường nói tự nhiên, còn ta nói nhân
duyên, chẳng phải cảnh giới của ngoại đạo kia”. Đương nhiên, cái nhân
duyên Phật nói ấy không phải chỉ cho tánh Phật. Nhưng vì ngài A Nan hiểu
chưa tới, chứng chưa qua, nên cứ lẫn từ chỗ này sang chỗ khác. Dù lẫn
lời Phật như thế, A Nan vẫn có cái thấy của riêng mình:
“Cái tánh chẳng
sinh chẳng diệt, xa lìa tất cả hư vọng, điên đảo đó in tuồng chẳng phải
nhân duyên mà cùng với thuyết tự nhiên của ngoại đạo”. Ngài nghĩ tánh
Phật kia đồng với thần ngã tự nhiên của ngoại đạo.
Tánh Phật ấy
chẳng phải tự nhiên
Đầu tiên, cần phải hiểu khái niệm “tự nhiên”.
Tự nhiên, là pháp vốn tự như vậy. Nếu nó tự như vậy thì không có gì làm
nó mất đi hay hòa hợp. Xem ra việc ngài A Nan cho tánh Phật ấy là tự
nhiên, không phải không có nguyên do. Vì tánh Phật cũng là thứ vốn có,
không do nhân duyên sinh, nên Ngài A Nan quy nó về tự nhiên. Thực ra
không thể quy. Vì sao?
Tự nhiên mà ngoại đạo nói, chỉ cho thể trạng có. Một khi đã cho nó “vốn
có” thì cũng đồng nghĩa cho rằng “trước sao sau vậy”, không thể biến
khác.
Chỗ chân thật Phật nói, không phải không nhưng không phải có, nên tuy
“trước sao sau vậy” mà cái “trước sao sau vậy” ấy lại không, có thể huân
tập chủng tử mà tùy duyên hiện tướng.
Khác nhau một chút đó mà thành không như nhau.
Tánh Phật không phải tự nhiên (Phật dẫn tánh Phật ấy qua cái thấy để
ngài A Nan dễ nhận) vì nếu tánh của cái thấy là tự nhiên, thì trước sao
sau vậy, không thể tùy duyên mà thấy sáng thấy tối, thấy không, thấy bít
v.v… Kinh nói:
“A Nan, ông hãy xét xem! Tánh thấy sáng suốt nhiệm mầu
này lấy cái gì làm tự thể? Lấy sáng làm tự thể hay lấy tối làm tự thể?
Lấy hư không làm tự thể hay lấy ngăn bít làm tự thể? Nếu lấy sáng làm tự
thể thì khi tối đến không thể thấy tối. Nếu lấy hư không làm tự thể thì
đáng lẽ không thấy ngăn bít…”1. Luận như thế thì biết cái thấy không có
tự thể. Nếu có tự thể thì không nhập vào cái khác được. Nếu không nhập
vào cái khác được thì không thể biến khắp. Nếu biến khắp (tùy duyên)
được thì không có tự thể.
Đứng ở mặt Duy thức mà nói, chỗ ngoại đạo cho là tự nhiên, thực ra chỉ
mới thuộc phần vị của thức thứ 8. Còn tánh chân thật mà Phật nói là cội
nguồn từ đó có thức thứ 8. Nói theo luận Đại thừa khởi tín là, chân thể
thanh tịnh do không tự tánh, bất giác mà sinh Tam tế Lục thô. Thức thứ 8
thuộc Tam tế, còn chỗ chân thật Phật nói là chân thể thanh tịnh. Đại sư
Hàm Thị bàn rằng:
“Họ lấy bất giác làm Minh đế. Lấy Nghiệp tướng vọng
động làm thần ngã. Mê lầm lý vô tánh...”2. Thế nên biết, Phật tánh tuy
“vốn có” mà không đồng với thần ngã tự nhiên của ngoại đạo.
Hết tự nhiên
liền qua nhân duyên
A Nan lại thưa:
“Tánh thấy nhiệm màu này nếu chẳng phải là tự nhiên thì
nó là do nhân duyên sinh”. Đó là tư tưởng thường tình của người đời.
Nghe không mập thì liền nghĩ đến ốm, nghe không no thì liền tưởng đến
đói. Không biết rằng, không mập nhưng cũng không ốm, không no mà cũng
không đói, cũng không phải là thứ lưng chừng giữa mập và ốm, no và đói.
Không phải những tướng đó nhưng không lìa những tướng đó… Không hình
dung được cái khoảng kỳ quái này nên A Nan lại thưa:
“Tâm con vẫn còn
chưa rõ. Xin hỏi Như Lai, nghĩa ấy thế nào cho hợp với tính nhân
duyên?”.
Phật trả lời:
“Nếu nói nhân duyên thì cái thấy ấy nhân nơi sáng mà có
thấy hay nhân nơi tối mà có thấy…? Nếu nhân nơi sáng mà có thì đáng nhẽ
chẳng thấy được tối. Nếu nhân nơi tối mà thấy thì đáng nhẽ chẳng thấy
được sáng”. Thực tế thì có khi ta thấy sáng, có khi ta thấy tối… thì
biết cái thấy ấy chẳng nhân nơi sáng mà có, cũng chẳng nhân nơi tối mà
có. Ấy là phá nhân sáng, nhân tối v.v… Kế là phá đến duyên.
“Cái thấy
này là duyên nơi sáng mà thấy hay duyên nơi tối mà thấy? … Này A Nan,
nếu duyên nơi sáng mà có thấy thì đáng nhẽ chẳng thể thấy tối, duyên nơi
tối mà thấy thì đáng nhẽ chẳng thể thấy sáng…”3. Thực tế thì có khi ta
thấy sáng, có khi ta thấy tối, nên biết cái thấy này chẳng do duyên với
sáng mà thấy, cũng chẳng do duyên với tối mà thấy. Chẳng do nhân chẳng
do duyên mà có thấy, nên biết cái thấy ấy chẳng do nhân duyên mà hình
thành. Phật kết luận:
“Phải biết tánh nhiệm mầu sáng suốt của cái thấy
chẳng phải nhân, chẳng phải duyên, chẳng phải tự nhiên, chẳng phải…, lìa
tất cả tướng, tức tất cả pháp”.
Ngài A Nan lại nghi tiếp: “
Đã chẳng phải nhân, chẳng phải duyên, cớ gì
Thế Tôn thường chỉ dạy các Tỳ-kheo là tánh thấy có đủ bốn nhân duyên:
Nhân hư không, nhân ánh sáng, nhân tâm và nhân mắt?”.
Nhân hư không, là từ vật tới mắt phải có khoảng cách vừa đủ mới thấy. Xa
quá hay cận quá v.v… đều không thể thấy.
Nhân ánh sáng, là phải có duyên ánh sáng thì mới thấy được vật, tối quá
thì không thể thấy.
Nhân tâm, là muốn nói đến 4 thức: Nhãn thức, thức thứ sáu, thức thứ bảy
và thức thứ tám. Khi mắt thấy được trần cảnh thì lúc ấy có đầy đủ 4 thức
đó hoạt động.
Nhân mắt, như mắt phải sáng mới có thể thấy, mù thì không thể thấy.
Hỏi như vậy vì ngài A Nan vẫn chưa phân định được cái thấy và tánh của
cái thấy. Tánh cái thấy thì không (không tướng), không phải tự nhiên
cũng không do nhân duyên mà thành. Còn cái thấy là do ba thứ
căn-trần-thức duyên hợp mà thành. Tánh, không phải là tướng mà tánh thì
không lìa tướng. Như Phật đã nói: “Lìa tất cả tướng mà tức tất cả pháp”.
Cho nên, Phật trả lời:
“Này A Nan! Đó là ta nói các tướng nhân duyên
trong thế gian, không phải nói đến Đệ nhất nghĩa đế”. Đệ nhất nghĩa đế,
chỉ cho tánh của cái thấy, chính là Phật tánh.
Cũng nói:
“Này A Nan! Nay ông phải biết, khi thấy sáng thì cái thấy
không phải là sáng, khi thấy tối thì cái thấy không phải là tối… Bốn
nghĩa thành tựu, ông nên biết, khi thấy thấy, thấy chẳng phải thấy ấy,
thấy còn lìa thấy, thấy chẳng thể bì kịp”4.
Trong câu “Khi thấy thấy”, các nhà Sớ giải, người thì cho thấy trước là
thể, thấy sau là dụng. Người thì cho thấy trước là dụng, thấy sau là
thể. Nhưng nói “thể” mà khi căn đang còn trong mê thì thể vẫn đó mà đồng
như không. Thể chưa hiện thì dụng cũng chẳng thanh tịnh. Vì thế, Đại sư
Hàm Thị bàn rằng:
“Chữ thấy đầu là giác ngộ, đó là thủy giác. Chữ thấy
sau là chỉ cho cái thấy sáng, thấy tối v.v…”. Nghĩa là, thấy được cái
thấy hiện nay, tức thấy được bản chất cái thấy ta đang dùng để thấy sáng
thấy tối thì cũng đồng nghĩa với việc nhận ra thực tánh của cái thấy
đó, nên nói “giác ngộ”. Thấy được thì
“không mắt, tai, mũi, lưỡi, thân,
ý. Không sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp v.v…” vậy có cái gì để gọi là
thấy? Nên nói
“Thấy chẳng phải thấy ấy. Thấy còn lìa thấy”. Thấy như vậy
thì cái thấy sáng thấy tối hiện nay của mình không thể thấy tới được,
nên nói:
“Thấy chẳng thể bì kịp”.
Lời dạy quá rõ ràng!
Cho nên, mọi cái thấy khi đang còn căn cảnh đây, chưa có cái thấy nào
gọi là thấy được tánh của vạn pháp. So với cái thấy phân biệt của phàm
phu thì cái thấy không phân biệt (hiện lượng) khi đang còn căn cảnh có
thể chân hơn, nhưng chưa thể kết luận đó là cái thấy chân thật (kiến
tánh). Bởi mọi thứ vẫn còn là kết quả của Vô minh nghiệp tướng.
Ngay với cái thấy không còn căn cảnh, là tướng
Năng kiến nói trong luận
Đại thừa khởi tín (đồng với tướng
Sở minh nói trong kinh
Lăng nghiêm),
thì cái thấy ấy vẫn còn là sản phẩm của Vô minh nghiệp tướng. Nên Đại sư
Hàm Thị bàn rằng:
“Năm thứ hiện lượng không hạn cuộc nơi căn mà cũng
không phải là cảnh thì tánh Như Lai tàng đâu không thường hiển lộ. Nhưng
khi chưa trải qua giác ngộ, tuy là gá căn lìa trần mà chỉ đồng với lưu
bố tưởng. Đâu thể lấy chỗ “gá căn lìa trần của giác ngộ” mà cho là “gá
căn lìa trần của chỗ chưa giác ngộ”. Cái “gá căn lìa trần đã giác ngộ”
này còn lìa “cái gá căn lìa trần chưa giác ngộ” thì “cái gá căn lìa trần
chưa giác ngộ” trọn không thể bì kịp. Cho nên, trọn ngày thường ở trong
giải thoát mà bị hạn cuộc nơi căn, vin nơi cảnh. Vậy nên biết, tánh Như
Lai tạng luôn luôn hiện tiền. Chớp mắt lầm qua liền rơi vào phân biệt.
Bỗng gặp liễu duyên liền đồng với tánh giác”5.
Vì sao tánh thấy
chẳng phải là cái thấy?
Được Phật dạy cho biết “Tánh cái thấy không phải chính cái thấy” xong,
ngài A Nan càng thêm mê muội, buồn khóc xin Phật:
“Cúi mong Thế Tôn mở
rộng lòng từ, bố thí con mắt đại trí tuệ, khai thị cho chúng con Giác
tâm minh tịnh”.
Phật thương xót A Nan và đại chúng, nên chỉ ra hai thứ vọng thấy để giải
nghi.
“Này A Nan! Tất cả chúng sinh luân hồi trong thế gian do hai thứ vọng
thấy điên đảo phân biệt. Chính ngay đó mà phát sinh, ngay nơi nghiệp mà
lưu chuyển. Thế nào là hai thứ vọng thấy? Một là vọng thấy do biệt
nghiệp của chúng sinh. Hai là vọng thấy do đồng phần của chúng sinh”6.
Vọng thấy do biệt nghiệp và đồng phần
Vọng thấy do biệt nghiệp, được Phật ví dụ như người bị nhặm mắt mà thấy
có vòng tròn bao phủ quanh bóng đèn, hoặc khi ấn vào mắt thì thấy mặt
trăng thứ hai. Chỉ người đau mắt hoặc nhấn vào mắt mới thấy bóng tròn và
mặt trăng thứ hai. Người không đau mắt hay không nhấn vào mắt thì không
thấy các thứ đó. Vòng tròn và mặt trăng chỉ cho phần biệt nghiệp mà mỗi
chúng sinh phải thọ nhận. Đó là những gì mà mỗi chúng sinh thấy và gặp
trong thế giới của mình, thuộc về căn thân và hoàn cảnh của riêng mình.
Sở thấy không lìa năng thấy mà có.
Vọng thấy do đồng phần (nghiệp chung), là chỉ cho những người cùng đau
mắt và cùng nhấn vào mắt. Những người này sẽ đồng thấy bóng tròn và mặt
trăng thứ hai. Nhưng tùy mức độ đau mắt hay nhấn vào mắt (nghiệp riêng)
mà có cái thấy sai khác về thế giới và thân căn của mình. Phật nói: “
Nếu
một chậu nhỏ chỉ có hai nước, mà riêng người trong một nước đồng chiêu
cảm ác duyên thì chúng sinh trong nước đó xem thấy tất cả cảnh giới
không lành. Hoặc thấy hai mặt trời, hoặc thấy hai mặt trăng v.v… Chỉ
nước đó thấy, còn chúng sinh nước bên kia vốn không thấy cũng không
nghe”7.
Nói chung, đồng phần thì gặp phải cảnh giới như nhau, không đồng phần
thì chính là nghiệp riêng. Như đồng phần là nghiệp người thì sẽ có cái
thấy, thân, căn và cảnh giới của loài người. Chỗ nào có nước sẽ thấy là
nước. Không như nghiệp ngạ quỷ, chỗ nào có nước sẽ thấy là lửa hay máu.
Trong cái chung ấy lại có cái riêng, như người ở Nam Định thì sinh hoạt,
giọng nói và thấy cảnh giới khác người ở TP. HCM v.v…
Chung và riêng cứ xuất hiện theo cách như vậy.
Cái thấy do đồng phần hay biệt nghiệp thì đều vì mắt bệnh
Sau khi đưa ra các ví dụ để đại chúng hiểu về cái thấy đang thấy thân
căn và thế giới quanh mình chỉ do mắt bệnh mà thấy. Phật kết luận:
“So
với ông hôm nay dùng mắt xem núi sông cõi nước và các chúng sinh đều do
cái thấy bệnh từ vô thủy tạo thành. Cái thấy và cảnh vật được thấy in
tuồng như có trước mắt, vốn là lỗi giác minh của ta đã phân năng sở8.
Vọng thấy thì bệnh. Bản giác minh tâm biết được duyên thì không bệnh”.
Cái thấy và cảnh giới hiện nay ta đang có đều là hệ quả của cái gọi là
đồng nghiệp hay biệt nghiệp. Không bị phần nghiệp này chi phối thì cái
thấy không lỗi. Tuy lỗi, nhưng không lìa tánh thấy mầu nhiệm.
Nói theo luận
Đại thừa khởi tín thì chân thể thanh tịnh do không có tự
tánh, bất giác mà sinh cái thấy hư vọng cùng cảnh giới hư vọng. Cái thấy
hư vọng, chỉ cho tướng năng kiến. Cảnh giới hư vọng chỉ cho thân, căn
và thế giới của chúng hữu tình, mà phần tế là hư không và tứ đại. Như
vậy
“Năm ấm, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, nhân duyên hòa hợp hư
vọng có sinh, nhân duyên biệt ly hư vọng gọi là diệt. Mà không thể biết
sinh, diệt, đi, lại… vốn là tánh chân như viên diệu không lay động Như
Lai tạng thường trụ diệu minh”. Cũng nói:
“Tướng thì huyễn vọng mà tánh
chân là cái thể giác ngộ sáng suốt nhiệm mầu” 9.
Thu bốn khoa và bảy đại
Bốn khoa là ấm, nhập, xứ, giới.
Bảy đại là không, kiến, thức, địa, thủy, hỏa và phong đại.
Có phần thu này, vì tướng thì huyễn vọng mà tánh chân là thể giác ngộ
sáng suốt nhiệm màu. Tuy huyễn vọng, nhưng do chấp mà tánh thể chẳng
hiện, dụng thành ô nhiễm. Khổ từ đó phát sinh. Thu, để hiển bày tánh thể
thanh tịnh. Thu được, cũng cho thấy các pháp đó không thật.
Theo Thập nhị duyên sinh, bắt đầu là vô minh, do vô minh mà có hành.
Hành là duyên khiến thức hiện hành, từ đó có danh sắc, lục nhập v.v...
Danh sắc tức là ngũ ấm. Gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Năm thứ này che
đậy chân tánh nên nói là ngũ ấm.
Có sắc thân thì có sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Đó là sáu cửa
nhận tiếp trần cảnh đưa vào thức thứ 8, nên gọi là lục nhập. Có lục nhập
thì có sáu trần, gọi là thập nhị xứ. Có sáu căn sáu trần thì có sáu
thức, gọi là thập bát giới. Tất cả đều từ vô minh mà có. Vô minh là
duyên khiến chân thể thanh tịnh hiện khởi các thứ.
Trong kinh
Lăng nghiêm, ngài Phú Lâu Na hỏi Phật rằng:
“Nếu tất cả các
thứ căn, trần, ấm, xứ, giới… trong thế gian đều là bản nhiên thanh tịnh
Như Lai tạng, cớ sao bỗng sinh ra núi, sông, đất liền và các tướng hữu
vi thứ lớp dời đổi?”10. Phật đã thứ lớp trả lời. Từ việc hỏi ngài Phú
Lâu Na về tánh bản nhiên thanh tịnh vốn là minh hay vô minh, cho đến
việc xuất hiện thế giới. Ngài Phú Lâu Na trả lời tánh bản nhiên thanh
tịnh vốn là minh. Vì nếu không phải minh thì trong quá trình hoàn diệt,
ngài không thể chứng nghiệm được cái minh ấy. Do minh đã thành đối tượng
được chứng biết, nên kinh gọi là sở minh. Phật nói:
“Giác không phải là
sở minh, nhân minh mà lập sở. Sở đã vọng lập liền sanh cái vọng năng
nơi ông”. Tánh bản nhiên thường trụ do vô minh bất giác phân thành năng
sở. Luận thì thấy có trước sau mà thực là năng sở đồng hiện. Năng sở đã
lập thì cảnh giới vọng hiện, tánh giác liền ẩn.
Tánh giác thì không đồng khác, nhưng một khi đã phân năng sở thì đồng
khác thành rõ ràng. Đồng là hư không, khác là thế giới …
Cái giác thì sáng suốt, hư không thì mờ tối, đối đãi thành ra dao động
nên có phong luân nắm giữ thế giới. Nhân hư không mà sinh ra dao động
kiên cố cái sáng mà thành có ngăn ngại. Các loại kim bảo kia đều do minh
giác lập ra tánh cứng chắc, nên có kim luân giữ gìn cõi nước. Phong đại
và kim bảo cọ xát mà có lửa sáng làm thành tính biến hóa v.v… Nơi Sở
minh, tự yêu thích cái sáng suốt của tánh minh, dòng yêu thích làm thành
chủng tử, ấy là nguyên nhân có thủy đại …11. Đó là cách hình thành các
đại, gọi chung là khí thế gian. Phần hình thành tướng thế gian thấy có
sai khác là tùy vào tâm của chúng sinh. Đai sư Hàm Thị nói: “
Bốn đại chỉ
là tâm. Tùy thế lực của tâm mà có nặng nhẹ. Sân hận nhiều, yêu thích ít
nên ứng hiện ra ngoài có núi cao. Đập đá thì tóe lửa, nấu thì chảy ra
nước. Yêu thích nặng, cố chấp nhẹ nên ngoài ứng hiện ra cỏ cây…”12. Quá
trình này được ví dụ mắt nhặm mà thấy hoa đốm hiện ra trong hư không,
hoặc như ngủ rồi mộng mà thấy mọi thứ, không thứ nào có chất thật như
hiện nay đa số vẫn lầm. Mọi thứ đều là biến hiện của thức.
Ngoài tứ đại còn có không đại, kiến đại và thức đại. Vì không đại là
phản ánh của chơn không. Kiến đại là chỗ lưu lộ của chân như, thuộc năm
hiện lượng. Nó chính là phần Năng kiến nói trong luận Khởi tín, là phần
Kiến tinh nói trong kinh Lăng nghiêm. Thức đại là để biết do đâu có sự
phân biệt cảnh. Gồm thu, vì tất cả đều không có thật thể. Nếu có thật
thể thì không thể thu về. Như pháp thân thường trụ trùm khắp, chẳng thể
nói thu. Thứ có thể thu về là hóa thân, do ứng duyên hiện tướng độ sinh
(kinh
Địa Tạng). Thất đại cũng như vậy, thảy đều không có thật thể.
Thành dù là phản ánh của chân không hay là chỗ lưu lộ của chân như thì
cũng chỉ là biến hiện của tự tâm. Nếu y tướng đó mà cho là chân thì lầm
chẳng phải nhỏ. Tướng ấy không có thật thể. Chính nhờ cái không thật thể
ấy mà các đại trùm khắp dung chứa lẫn nhau, không có chướng ngại. Thấy
ngăn ngại như hiện nay là do phân biệt mà thành. Cho nên, trong kinh,
sau mỗi phần luận để thu về, Phật đều kết luận:
“Thế gian không biết,
lầm cho là nhân duyên và tánh tự nhiên. Thật ra đều do ý thức phân biệt
so đo, chỉ có lời nói suông, hoàn toàn không có nghĩa chân thật”.
Chân Hiền Tâm
_______________
(1) Thủ Lăng nghiêm trực chỉ - Đại sư Hàm Thị - TT.Thích Phước Hảo dịch.
(2) Thủ Lăng nghiêm trực chỉ - Đại sư Hàm Thị - TT.Thích Phước Hảo dịch.
(3) Kinh thì nói đến hư không và bít lấp, rồi nói sáng và tối cũng như
vậy. Đây nói thẳng sáng tối để tiện theo dõi.
(4) 四義成就汝復應知。見見之時見非是見。見猶離見見不能及 . Đại Phật đảnh Như Lai mật nhân tu chứng
liễu nghĩa chư Bồ-tát vạn hạnh Thủ Lăng nghiêm kinh quyển 2. Đại tạng
kinh 19 số 945.
(5) Dịch từ bản Hán cuốn Thủ Lăng nghiêm trực chỉ quyển 2 - Hàm Thị sớ.
(6) Thủ Lăng nghiêm trực chỉ quyển 2 - Đại sư Hàm Thị sớ (bản Hán văn).
(7) Thủ Lăng nghiêm trực chỉ quyển 2 - Đại sư Hàm Thị sớ - TT. Thích
Phước Hảo dịch.
(8) Dịch từ câu “見與見緣似現前境, 元我覺明見所緣眚 ” trong cuốn Đại Phật đảnh Như Lai
mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư Bồ-tát vạn hạnh Thủ Lăng nghiêm kinh
quyển 2. Đại tạng kinh 19 số 945.
(9) Thủ Lăng nghiêm trực chỉ quyển 2 - Đại sư Hàm Thị sớ (bản Hán văn).
(10) Thủ Lăng nghiêm trực chỉ quyển 2 - Đại sư Hàm Thị sớ - TT.Thích
Phước Hảo dịch.
(11) Thủ Lăng nghiêm trực chỉ quyển 2 - Đại sư Hàm Thị sớ - TT.Thích
Phước Hảo dịch.
(12) Thủ Lăng nghiêm trực chỉ quyển 2 - Đại sư Hàm Thị sớ - TT.Thích
Phước Hảo dịch.