13/11/2017 15:30 (GMT+7)
Số lượt xem: 4755
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Rất nhiều người học Phật tò mò hỏi về núi Tu Di, rằng thật sự có ngọn núi này không và có thì nó nằm ở đâu trên thế giới này? Có nhiều lời giải thích rằng, núi Tu di chỉ là một biểu tượng, tượng trưng cho sự to lớn, vĩ đại.




Bhutanese_thanka_of_Mt._Meru_and_the_Buddhist_Universe
Núi Tu-di trong thangka của người Bhutan, thế kỷ 19,
Trongsa, Bhutan (Ảnh: Wikipedia)

 Cũng như trong kinh Phật hay dùng thuật ngữ cát sông Hằng (hằng hà sa số) để chỉ về số nhiều, không tính đếm hết, thì Núi tu di là biểu tượng chỉ về số lớn, cao to vĩ đại. Số cát sông Hằng tượng trưng cho trần lao phiền não hằng hà sa số thì núi Tu di được ví như lòng ngã mạn, tự cao tự đại của con người.

Theo vũ trụ quan Phật giáo, vũ trụ không chỉ có một thế giới này mà còn có hằng hà sa số thế giới khác cùng tồn tại. Núi tu di và tứ châu thiên hạ được mô tả rõ trong các bản kinh như: Kinh thế ký, thuộc Trường a hàm; và Kinh tứ châu, của Trung a hàm, và cũng thấy mô tả trong các tạng luật và luận, trong đó A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận của ngài Thế Thân cũng có nói về ngọn núi vĩ đại này.

1. Núi tu di (Sineru)

Theo Bách khoa toàn thư mở tiếng Việt (Wikipedia), Núi Tu-di, tiếng Phạn là Sumeru, Pāli là Sineru. Đây là một ngọn núi thiêng với năm đỉnh, được đề cập trong vũ trụ học của Ấn Độ giáo, Kỳ-na giáo và Phật giáo,[1] và được xem như là trung tâm của tất cả các vũ trụ thuộc vật lý, siêu hình và tinh thần.

Núi Tu-di là một phần của Đại dương Vũ trụ, với nhiều tài liệu nói rằng, ‘Mặt trời cùng với các hành tinh bay vòng quanh ngọn núi,’ làm cho việc xác định vị trí của nó, theo phần lớn các học giả, là cực kỳ khó khăn.[2] Một vài nhà nghiên cứu xác định núi Tu-di chính là dãy núi Pamir, ở tây bắc Kashmir.[3]

Sách Suryasiddhanta chép rằng núi Tu-di nằm ở ‘trung tâm trái đất’ (‘bhurva-madhya’) trong vùng đất Jambunad (Jambudvip). Narpatijayacharyā, một cuốn kinh ở thế kỷ thứ 9, phần lớn dựa trên những văn thư không công bố của Yāmal Tantr, chép rằng ‘Sumeruḥ Prithvī-madhye shrūyate drishyate na tu’ ('Núi Tu-di được nghe nói là ở trung tâm trái đất, nhưng không thấy ở đó').[4] Vārāhamihira, trong sách Pancha-siddhāntikā, nói rằng núi Tu-di nằm ở Bắc Cực (mặc dù chẳng có ngọn núi nào ở đó cả). Tuy nhiên, Suryasiddhānta cho rằng núi Tu-di nằm ở trung tâm trái đất, ở 2 cực là Sumeru và Kumeru.[5]

Có nhiều phiên bản về vũ trụ học tồn tại trong kinh điển của đạo Hindu. Một trong số chúng miêu tả núi Tu-di được bao quanh bởi núi Mandrachala ở phía đông, núi Supasarva ở phía tây, núi Kumuda ở phía bắc và núi Kailasha ở phía nam.[6] Một tài liệu khác nói rằng núi Tu di được bao quanh bởi bảy dãy núi -Yugandhara, Isadhara, Karavīka, Sudassana, Nemindhara, Vinataka và Assakanna.[7]

Theo Kinh Thế Ký, thuộc Trường A Hàm, mô tả về núi Tu di: “Như trong chỗ mà một mặt trời, mặt trăng vận hành khắp bốn thiên hạ, tỏa ánh sáng chiếu; có một ngàn thế giới như vậy. Trong ngàn thế giới có một ngàn mặt trời, mặt trăng; có một ngàn núi chúa Tu-di; có bốn ngàn thiên hạ, bốn ngàn đại thiên hạ, bốn ngàn biển, bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn rồng, bốn ngàn rồng lớn, bốn ngàn chim cánh vàng, bốn ngàn chim cánh vàng lớn, bốn ngàn đường ác, bốn ngàn đường ác lớn, bốn ngàn vị vua, bốn ngàn vị vua lớn, bảy ngàn cây lớn, tám ngàn địa ngục lớn, mười ngàn núi lớn, ngàn Diêm-la vương, ngàn Tứ thiên vương, ngàn trời Đao-lợi, ngàn trời Diệm Diệm-ma, ngàn trời Đâu-suất, ngàn trời Hóa tự tại, ngàn trời Tha hóa tự tại, ngàn trời Phạm ; đó là tiểu thiên thế giới. Như một tiểu thiên thế giới, ngàn tiểu thiên thế giới như thế là một trung thiên thế giới. Như một trung thiên thế giới, một ngàn trung thiên thế giới như vậy là một tam thiên đại thiên thế giới. Phạm vi thế giới thành hoại như thế là nơi chúng sanh cư trú, gọi là một cõi Phật.”[8]

Tiếp tục Đức Phật giải thích: “Cõi đất này dày mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, biên giới vô hạn. Đất nương trên nước. Nước sâu ba ngàn ba mươi do-tuần, biên giới vô hạn. Nước ở trên gió; gió dày sáu ngàn bốn mươi do-tuần, biên giới vô hạn. Nước của biển lớn ấy sâu tám vạn bốn ngàn do-tuần, biên giới vô hạn. Núi chúa Tu-di, phần chìm xuống biển là tám vạn bốn ngàn do-tuần; phần trên mặt nước cao tám vạn bốn ngàn do-tuần; chân núi sát đất, phần lớn là phần đất cứng chắc. Núi ấy thẳng đứng, không có lồi lõm, sanh các loại cây; cây tỏa ra các mùi hương, thơm khắp núi rừng, là nơi mà phần nhiều các Hiền thánh, các trời đại thần diệu. Móng chân núi toàn là cát vàng ròng. Bốn phía núi có bốn mô đất rắn doi ra, cao bảy trăm do-tuần, nhiều màu đan xen, được tạo thành bởi bảy báu. Bốn mô đất thoai thoải, uốn cong sát mặt biển.”[9]

Đức Phật giải thích thêm về cấu trúc, y báo chánh báo của núi chúa Tu di. “Núi chúa Tu-di có đường cấp bằng bảy báu; đường cấp ở dưới núi rộng sáu mươi do-tuần; sát hai bên đường có bảy lớp tường báu, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây; tường vàng thì cửa bạc, tường bạc thì cửa vàng; tường thủy tinh thì cửa lưu ly, tường lưu ly thì cửa thủy tinh; tường xích châu thì cửa mã não; tường mã não thì cửa xích châu; tường xa cừ thì cửa các báu. Còn lan can thì cây ngang vàng thì cây dọc bạc, cây ngang bạc thì cây dọc vàng; cây ngang thủy tinh thì cây dọc lưu ly, cây ngang lưu ly thì cây dọc thủy tinh; cây ngang xích châu thì cây dọc mã não, cây ngang mã não thì cây dọc xích châu; cây ngang xa cừ thì cây dọc các báu. Trên lan can ấy, có lưới báu. Ở dưới lưới vàng ấy có treo linh bạc. Dưới lưới bạc, treo linh vàng. Dưới lưới lưu ly treo linh thủy tinh. Dưới lưới thủy tinh treo linh lưu ly. Dưới lưới xích châu treo linh mã não. Dưới lưới mã não treo linh xích châu. Dưới lưới xa cừ treo linh các báu. Còn cây vàng thì rễ vàng, nhánh vàng, lá, hoa, quả bạc. Còn cây bạc thì rễ bạc, cành bạc, lá hoa quả vàng. Còn cây thủy tinh thì rễ, nhánh thủy tinh; hoa, lá, lưu ly. Còn cây lưu ly thì rễ, nhánh lưu ly; hoa, lá thủy tinh. Còn cây xích châu thì rễ, nhánh xích châu; hoa, lá mã não. Còn cây mã não thì rễ nhánh mã não; hoa, lá xích châu. Còn cây xa cừ thì rễ, nhánh xa cừ; hoa lá các báu.” “Trên đảnh núi Tu-di có cung trời Tam thập tam, có bảy vòng thành, bảy lớp lan can, bảy lớp lưới, bảy lớp hàng cây báu... cho đến vô số các loài chim cùng nhau ca hót, cũng lại như thế.”[10]

Thuật ngữ thường sử dụng cho chuỗi các hành tinh gọi là hệ ngân hà, dãi ngân hà, trên thực tế đó chỉ là một đơn vị thế giới mà trong Phật pháp thường gọi. Kinh Phật nói đơn vị thế giới lấy núi Tu Di làm trung tâm, thái dương xoay vòng theo núi Tu Di. Có người nói: “Núi Tu Di có thể là lỗ đen mà thiên văn đã phát hiện”. Lỗ đen đó ngày nay chúng ta gọi là trung tâm của vũ trụ, trung tâm của hệ ngân hà. Thái dương đích thực đang xoay quanh điểm này.  Mặt trời, mặt trăng, các sao nhiễu quanh lưng chừng núi Tu-di, chiếu sáng Tứ thiên hạ. Bốn đại châu, mỗi châu đều có hai trung châu và năm trăm tiểu châu, bốn đại châu và tám trung châu đều có người ở, còn hai ngàn tiểu châu thì hoặc có người ở hoặc không có người ở.

Theo A-tỳ-đạt-ma-câu-xá luận (Abhidharmakośabhāṣyam) của ngài Thế Thân (Vasubandhu), núi Tu-di cao 80.000 do tuần. Kích thước chính xác của một do tuần là không xác định, nhưng một vài tính toán cho rằng nó khoảng 24.000 foot (7.300 m), hoặc khoảng 4,5 dặm (7,2 km), nhưng những tính toán khác lại cho rằng nó nằm giữa 7–9 dặm (11–14 km). Nó còn phần chìm dưới sâu 80.000 do tuần so với bề mặt mặt nước bao quanh. Núi Tu-di thường được sử dụng như là một hình tượng ẩn dụ của kích thước và tính kiên cố trong kinh điển Phật giáo. Núi Tu-di được nói rằng có hình dạng giống như một cái đồng hồ cát, với đỉnh và đáy có diện tích rộng 80.000 do tuần, nhưng hẹp ở phần giữa (ở độ cao 40.000 do tuần) chỉ rộng 20.000 do tuần.[11] Trong quyển sách “Le Bouddhisme au Cambodge” Adhémar Leclere nói rằng, núi Tu di cao đến 84.000 do tuần, bề sâu dưới nước cũng 84.000 do tuần. Và bề ngang trên mặt nước cũng 84.000 do tuần. Trên đỉnh núi Tu di là cảnh giới của Đức Đế Thích.[12]

Sự hình thành của núi Tu di theo Kinh Thế Ký, Phẩm Tam Tai của Trường A Hàm nói: “Vì nhân duyên gì mà có núi Tu-di? Vì có cuồng phong nổi dậy, nên thổi bọt nước này tạo thành núi Tu-di, cao sáu mươi vạn tám ngàn do-tuần, dọc ngang tám vạn bốn ngàn do-tuần và do bốn báu tạo thành: vàng, bạc, thủy tinh, lưu ly.”[13]

            II. Tứ châu thiên hạ (Catur-dvipa)

Theo khoa cổ vũ trụ học Phật Giáo, và theo vũ trụ quan Ân Độ xưa có bốn châu trong thế giới Ta Bà, tứ hướng xung quanh núi Tu Di,  trong vũ trụ (trái đất của chúng ta) có 4 châu:Bắc Cu-Lư Châu (Uttara-kuru), Tây Ngưu-Hóa Châu (Godana) và Đông Thắng-Thần Châu (Purva-Videha) và Nam Thiệm-Bộ Châu (Jambudvipa). Bốn châu đó nằm chung quanh một hòn núi vĩ đại là Tu- Di Sơn (Menu, Sumeru), có y báo và chánh báo riêng biệt.

1. Bắc Câu-lô châu (Uttara-kura), cũng phiên âm là Uất-đơn-viết. Vì châu này nằm ở phía bắc núi Tu di nên gọi là Bắc câu lô châu. Kinh mô tả: “Phía Bắc núi Tu-di có một thiên hạ tên là Uất-đan-viết. Lãnh thổ vuông vức, ngang rộng một vạn do-tuần; mặt người cũng vuông, giống như hình đất.”[14]

Bắc Câu-lô châu (Uttara kuru, xưa gọi là Bắc Uất-đơn-việt): Câu-lô nghĩa là thắng xứ, vì đất đai cõi này thù thắng hơn ba châu nói trên nên được gọi là Bắc Câu-lô châu. Địa hình châu này có hình vuông, giống như cái ao vuông, khuôn mặt người cũng thế.

Trong tứ châu thì Bắc câu lô châu là châu giàu có và sung sướng nhất. “Ở đây giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc, họ tuy không có ngã tưởng, không có thọ dụng riêng.” Xứ Uất-đơn-viết, lúa mọc tự nhiên, người dân thường ăn loại thức ăn đó. Ngoài lúa thì còn có biết bao nhiêu loại cây quí báu, khoe đủ màu sắc ở trong lan can. Họ dùng thứ cây áo mà mặc. Nói chung cõi này sung sướng, toàn hưởng thọ dục lạc, nên rất khó tu. Bắc châu: không bị lệ thuộc, không có ngã sở, sống lâu ngàn năm. Quả báo ở Bắc Câu-lô châu rất thù thắng, vui nhiều khổ ít, nhưng không có Phật xuất thế, nên là một trong tám nạn. Trong câu lễ Phật hằng ngày chúng ta thường nghe: ‘Tam châu cảm ứng’, có nghĩa là trong bốn châu thì có ba châu có thể tu hành được, còn Bắc câu lô châu do sung sướng nên chúng sanh ở đây ham hưởng thụ không chịu tu hành, nên không cảm ứng đạo giao. Đức Phật kết luận sanh về Bắc câu lô châu là một cái nạn, vì ở đấy người chỉ biết đắm say theo vật dụng không phát đạo tâm và thường phải sa đọa.[15]

2. Đông Thắng Thân châu (Purva-Videha), cũng được dịch là Phất-bà-bệ-đà-đề, Pāli: pubbavideha, châu Thắng thân ở phương Đông. Kinh Thế Ký dạy:  “Phía Đông núi Tu-di có một thiên hạ tên là Phất-vu-đãi; lãnh thổ tròn trịa, ngang rộng chín ngàn do-tuần. Mặt người cũng tròn, giống như hình đất.”[16]

Đông Thắng Thần Châu còn gọi là Bổ La Phược Vĩ Nễ Hạ, Phất Bà Đề, hay Phất Vu Đại, một trong bốn đại châu, châu nầy ở trong biển Hàm Hải, về phía đông núi Tu Di, hình bán nguyệt. Đông châu: châu này rất rộng, rất lớn, rất vi diệu. Châu này gọi là lục địa chế ngự ma quỷ, có hình bán nguyệt, dân trên đó cũng có khuôn mặt hình bán nguyệt. Châu này có chu vi là 21.000 do tuần, dân trong cõi nầy có thân hình tốt đẹp hơn hết, và sống thọ đến 600 tuổi.[17]

Người dân ở châu này có thân hình thù thắng nên gọi là Thắng Thân. Người ở cõi này thích đấu tranh, tranh giành của cải, cạnh tranh buôn bán. Cõi Phất-vu-đãi có một đại thọ, tên là Gia-lam-phù, vòng thân bảy do-tuần, cao một trăm do-tuần, cành lá tỏa ra bốn phía năm mươi do-tuần.

3. Tây Ngưu-Hóa Châu (Godana), cũng được gọi là Cù-đà-ni, châu này nằm ở phía tây núi Tu di. “Phía Tây núi Tu-di có thiên hạ tên là Câu-da-ni, địa hình như nửa mặt trăng, ngang rộng tám ngàn do-tuần; mặt người cũng vậy, giống như hình đất.” Chúng sanh ở đây thích thương trường, buôn bán, nơi đây lấy bò trâu làm vật ngang giá để trao đổi hàng hóa. Ở Cù-đà-ni, giàu có, hoan lạc cùng cực, nhân dân đông đúc.

Tây Ngưu Hóa Châu hay Tây Lục Địa, nơi mà trâu bò sinh sản rất đông và được dùng như tiền tệ để trao đổi mua bán nên có tên là như vậy. Lục địa có hình tròn và dân trên đó cũng có gương mặt hình tròn. Châu nầy có chu vi 27.000 do tuần, dân sống thọ đến 500 tuổi.

4. Nam Thiện Bội châu hay Nam Diêm Phù đề (Jambudvipa): Nam Thiệm-bộ châu (Jambu dvipa, xưa gọi là nam Diêm-phù-đề): Thiệm-bộ (Jambu) vốn là dịch âm của cây bồ-đào. Châu này lấy tên cây này làm tên châu. Đây cũng là tên một châu trong biển nước mặn phía Nam núi Tu di, cho nên kêu là Nam. Nguyên tên cũ là Nam Diêm Phù Đề, tên mới đổi là Nam Thiệm bộ châu. Diêm phù tức là Thiệm bộ, đó là tên một giống cây. Đề là nghĩa châu. Trong đất châu ấy, nơi trung tâm, có giống cây Thiệm bộ.

Sở dĩ có tên Diêm phù đề bởi vì, Diêm Phù (Jambud) Cây dâm bụt, một loại cây mọc rất nhiều ở cõi Thiên Trúc (Ân Độ xưa). Dưới tàng cây diêm phù, Thái tử Sĩ Đạt Ta ngồi tham thiền lần đầu sau khi rời khỏi hoàng thành đi dạo. Cõi Diêm Phù Đề tức Nam Thiệm Bộ Châu, cõi chúng ta đang ở, là cõi kém sút hơn ba cõi kia, dân chúng phải làm lụng rất cực khổ mới có ăn nên giáo lý nhà Phật khuyên cần phải ráng tu hành để sớm thoát cõi nầy. Người dân Nam diêm phù có tính kham nhẫn, chịu đựng. Đức Phật Thích Ca cũng thường gọi Kham nhẫn Thế Tôn, chư Phật mười phương thế giới ca tụng công đức của Phật Thích Ca bất khả tư nghì: ‘Đức Phật Thích Ca đã làm được việc khó khăn hiếm có, ấy là có thể ở cõi Ta Bà vào thời xấu ác, với năm vẩn đục: thời đại vẩn đục, quan niệm vẩn đục, phiền não vẩn đục, chúng sinh vẩn đục, sinh vạng vẩn đục, mà thành tựu được Vô thượng Bồ đề, lại vì chúng sinh nói ra cái pháp hết thảy thế gian rất khó tin này’.”

Nam-thiện-bộ châu có chiều dài, chiều rộng là 10.000 do tuần, cõi Asura, cõi Tam-thập-tam Thiên và cõi Avīci cùng với Đa-khổ địa ngục. Cả ba cõi này có cùng kích thước với Nam-thiện-bộ châu, nghĩa là dài, và rộng là 10.000 do tuần.[18]

Địa hình châu này như cái thùng xe, khuôn mặt người cũng thế. Kinh Thế Ký ghi: “Phía Nam núi Tu-di có thiên hạ tên là Diêm-phù-đề, đất đai phía Nam hẹp, phía Bắc rộng, ngang rộng bảy ngàn do-tuần, mặt người cũng vậy, giống như hình đất. Người dân châu này dũng mãnh nhớ dai, tạo tác các hạnh nghiệp, tu phạm hạnh, có Phật xuất thế, ba việc này thù thắng hơn ba việc kia và chư thiên.

Theo Eitel trong Trung Anh Phật Hoc Từ Điển, Nam Thiệm Bộ Châu bao gồm những vùng quanh hồ Anavatapta và núi Tuyết (tức là cõi chúng ta đang ở, trung tâm châu nầy có cây diêm phù. Chính ở cõi nầy, Đức Phật đã thị hiện, và ở cõi nầy có nhiều nhà tu hành.

Sự đặc biệt của Nam-thiện-bộ châu là: Ban đầu cõi Nam-thiện-bộ châu có chiều dài và rộng 10.000 do tuần, chúng sanh hữu phước và duyên lành đã hết, phước duyên đã cạn, bấy giờ nước ngập lên 4000 do tuần, phần đất mà nhân loại nương sống chỉ còn 3000 do tuần kia là núi, cao lớn nhất là núi Hy Mã, có chiều cao là 500 do tuần, dài 3000 do tuần, kết hợp với 4000 đỉnh núi, như đỉnh Sudassana, ... có 5 con sông lớn là sông Acitavatī, sông Mahimahā, sông Sarabhū, sông Gaṅgā, sông Yamunā, có 7 hồ lớn là: Anotattā, hồ Kaṇṇamuṇḍa, hồ Rathakāra, hồ Kuṇāla, hồ Maṇḍākinī, hồ SīhapPāta, hồ Chaddanta. Mỗi hồ đều có chiều dài, rộng và sâu là 50 do tuần. Nếu tính chu vi thì mỗi hồ được 150 do tuần. Trong 7 hồ này, hồ Anotatta nằm giữa 5 ngọn núi là Sudassanakūtīa, núi Cittakūtīa, núi Kāḷakūtīa, núi Gandhamādanakūtīa, núi Kelāsakūtīa. Cả năm ngọn núi này vây quanh hồ Anotatta.[19]

 III. Việc di chuyển của mặt trời và mặt trăng quanh núi Tu di

Theo chú giải về Người và Cõi của Phật giáo Nguyên Thủy (Paramatthajotika mahā abhidhammamattha sangahatīkā), sự vận hành giữa mặt trời và mặt trăng quanh núi Tu di và tứ châu thiên hạ như sau:

Mặt Bắc núi Tu-di có ánh sáng được tạo thành do bởi vàng chiếu sáng phương Bắc. Mặt Đông núi Tu-di có ánh sáng tạo thành bởi bạc chiếu sáng phương Đông. Mặt Tây núi Tu-di có ánh sáng tạo thành bởi thủy tinh chiếu sáng phương Tây. Mặt Nam núi Tu-di có ánh sáng tạo thành bởi lưu ly chiếu sáng phương Nam.

Mặt trời đi ra là bắt đầu tách rời núi Tu Di, hướng đến núi Cakkavāḷa. Đi vào nghĩa là sau khi di chuyển sang qua núi Cakkavāḷa rồi, mặt trời từ từ di chuyển trờ về phía núi Sineru.

Việc ra đi của mặt trời, mặt trăng được khởi hành từ nội lộ, tức là lộ tiếp cận với núi Sineru, hướng đến trung lộ nối cùng ngoại lộ tức là lộ tiếp cận với núi Cakkavāḷa và trong mỗi lộ thời gian mất đi hai tháng. Như vậy, ba lộ mất đi sáu tháng.

Việc di chuyển của mặt trời, mặt trăng được xác định như sau:

Theo nội lộ là tháng 7, tháng 8. Theo trung lộ là tháng 9 và tháng 10. Theo ngoại lộ là tháng 11 và tháng 12. Việc ra đi của mặt trời và mặt trăng là như thế.

Còn việc đi vào, bắt đầu khởi hành từ ngoại lộ, từ tháng 1, tháng 2. Đến trung lộ là tháng 3, tháng 4. Đến nội lộ là tháng 5, tháng 6. Nếu gom lại cả đi ra và đi vào thì tròn đủ 1 năm.

Khi mặt trời, mặt trăng di chuyển sang hướng Nam núi Tu Di, xua bóng tối nơi đó, chiếu sáng khắp hướng, xa đến 9 vạn do tuần cho mỗi hướng, và chiếu khắp cả ba châu.

Khi mặt trời mọc ở Đông-thắng-thần châu, thì ở Bắc-câu-lưu châu là buổi trưa, Tây-ngưu-hóa châu là buổi chiều. Nam-thiện-bộ châu là buổi tối.

Khi mặt trời mọc ở Nam-thiện-bộ châu, thì Đông-thắng-thần châu là buổi trưa, ở Bắc-câu-lưu châu là buổi chiều, Tây-ngưu-hóa châu là vào ban đêm.

Khi mặt trời mọc ở Bắc-câu-lưu châu, ở Tây-ngưu-hóa châu là trưa, ở Nam-thiện-bộ châu là buổi chiều, Đông-thắng-thần châu là buổi tối.

Khi mặt trời mọc ở Tây-ngưu-hóa châu, thì Nam-thiện-bộ châu là buổi trưa, Đông-thắng-thần châu là buổi chiều, Bắc-câu-lưu châu là buổi tối.

Khi Nam-thiện-bộ châu vào giữa trưa, thì Đông-thắng-thần châu sẽ nhìn thấy mặt trời sắp lặn, chỉ còn lại nữa vòng, và bên Tây-ngưu-hóa châu sẽ nhìn thấy mặt trời mọc đã được nữa vòng. Các châu còn lại cũng diễn tiến tương tự như thế, tức là khi một châu nào đó mặt trời đứng bóng, thì có một châu sắp tối và một châu sắp sáng.[20]

Sự Sáng Và Tối Bốn Châu Trong 1 Năm

Sự chuyển quay của mặt trời, mặt trăng theo nội lộ, trung lộ và ngoại lộ chung quanh núi Tu Di để chiếu sáng bốn châu. Ánh sáng mặt trời không thể cùng một lúc chiếu sáng cả 4 châu, các châu sẽ luân phiên nhận ánh sáng theo lộ trình xoay quanh núi Tu Di của mặt trời. Vì rằng: Núi Tu Di nằm giữa các châu và đã che ánh sáng của mặt trời khi mặt trời đi qua sau lưng núi. Do nhân ấy nên làm cho bốn châu không cùng nhận ánh sáng. Tùy theo sự di chuyển của mặt trời, trực diện với châu nào, thì châu ấy được nhận ánh sáng, châu bị núi Tu Di án thì sẽ tối, châu nào nằm trong lộ mà mặt trời hướng đến cũng nhận được ánh sáng. Cả bốn châu luân phiên nhận ánh sáng và chịu tối tùy theo thời. Sự sáng và tối của mỗi châu được hiện bày mỗi ngày như:

Trong vòng 1 năm, nếu có 3 châu cùng nhận ánh sáng, thì có một châu sẽ tối, châu rơi vào bóng tối này có thời gian là năm tháng, tức từ tháng 5 đến tháng 9. Trong khoảng thời gian 5 tháng này, bất luận một châu nào, khi mặt trời sắp đứng bóng, tức là 11 giờ thì châu nằm đối nghịch sẽ chịu tối, châu nằm phía trước là bình minh, châu nằm phía sau là hoàng hôn.

Nếu có hai châu cùng nhận ánh sáng, hai châu kia sẽ tối. Hai châu bị tối này có thời gian là 2 tháng, là tháng 4 và tháng 10. Trong khoảng giữa hai tháng này, nếu châu nào có mặt trời đứng bóng thì châu hướng đối nghịch là ban đêm, châu hướng trước là bình minh, châu ở phía sau là hoàng hôn.

Nếu có một châu nhận ánh sáng thì ba châu kia sẽ tối, nếu tính lượng thời gian thì khoảng 5 tháng, kể từ tháng 11 đến tháng 3. Trong khoảng 5 tháng này, nếu có châu nào mà mặt trời trụ vào lúc 1 giờ, hay 3 giờ trưa châu hướng đối ngịch sẽ là 1 hoặc 2 giờ khuya, châu ở hướng trước là 4 hoặc 5 giờ, châu ở hướng sau là 6 hoặc 7 giờ tối.[21]

IV. Ảnh dụ về núi Tu di trong kinh điển

Ngoài những bài kinh như nêu ở trên mô tả về núi Tu di và tứ châu thì còn có một số nơi đức Phật cũng sử dụng hình ảnh núi Tu di để minh họa. Câu chuyện kể rằng, thời Phật tại thế, trong hàng đệ tử có nhóm Lục quần Tỷ kheo thường hay khen chê thức ăn do tín thí cúng dàng. Một hôm, vì muốn cảnh tỉnh sáu vị Tỷ kheo ấy, nhân lúc họ đang đứng trên bờ sông, Phật dạy Tôn giả A Nan đem y cà sa của Ngài ra giặt.

Tôn giả A Nan vâng lời mang cà sa xuống sông. Nhưng kỳ lạ thay, khi bỏ chiếc y xuống nước thì nó không chìm, cứ nổi lên. A Nan tìm đủ mọi cách, thậm chí lấy đá tảng đè lên nhưng cà sa vẫn không chịu chìm. Thấy lạ, Tôn giả A Nan liền hỏi Phật nguyên do. Phật dạy: “Hãy đi lấy hạt cơm còn dính trong bình bát bỏ lên xem sao”.  A Nan liền đi lấy một hạt cơm còn sót lại trong bình bát bỏ lên chiếc y, quả nhiên cà sa từ từ chìm xuống nước.

Nhóm Lục quần Tỷ kheo vô cùng ngạc nhiên trước hiện tượng lạ lùng này, liền hỏi Phật nguyên nhân. Phật đáp: “Mỗi hạt cơm của tín thí cúng dàng nặng như núi Tu Di. Do đó, nếu thọ nhận của cúng dàng mà không tu hành đắc đạo thì sẽ mang nợ…”. Từ đó về sau, sáu vị Tỷ kheo này không còn khen che ngon dở. (Nguyên văn chữ hán đoạn thi kệ này là: Phật quán nhất lạp mễ/Nhược trọng tu di sơn/Thực dĩ bất tu đạo/Bì mao đải giác hoàn.)[22]

Kinh Thế Ký, phẩm Tam tai, mô tả về ba kiếp nạn, tam tai lửa, nước và gió thì núi Tu di cao lớn tưởng chừng bất hoại này cũng bị sụp đổ, hủy hoại, và tan biến do đó đức Phật khẳng định: “Tất cả hành là vô thường, biến dịch, mục nát hư hoại, không thể tin cậy nương nhờ. Phàm các pháp hữu vi rất đáng nhàm tởm. Hãy nên tìm con đường giải thoát vượt qua thế gian.” Tất cả cái gì có hình tướng thì điều hư vọng giả danh, các pháp hữu vi là vô thường, biến dịch, không có gì cố định trường tồn bất biến.

Ngoài ra, pháp Thập thiện, tứ Thiền, bát Định vận chuyển chúng sanh ra khỏi bốn châu trong Nhơn đạo (Nam thiệm bộ châu, Bắc câu lô châu, Đông thắng thần châu, Tây ngưu hoá châu) mà đến các cõi trời gọi là Thiên thừa (deva-yāna).

Như vậy, kinh điển đề cập khá rõ về Núi tu di và Tứ châu thiên hạ. Điều này cho thấy vũ trụ quan Phật giáo rộng lớn vô biên. Theo quan niệm của Phật giáo Đại thừa, ngoài đức Phật Thích Ca Mâu Ni ở cõi Ta bà thì có hằng hà sa số chư Phật ở các cõi khác, có y báo và chánh báo khác nhau. Kinh tạng Pāli mặc dù chỉ tôn thờ một vị Phật Thích Ca Mâu Ni, nhưng cũng đề cập đến chư Phật ba đời, quá khứ hiện tại và vị lai. Do đó, vũ trụ quan Phật giáo dù Nam tạng, hay Bắc tạng đều có đề cập đến các cõi khác nhau. Ngày nay với các ngành khoa học vũ trụ phát triển, con người cũng đã tìm ra nhiều hành tinh khác bên ngoài trái đất. Các nhà phi hành gia cũng đã đặt chân lên đó để thám hiểm, nghiên cứu và họ đã phát hiện có nhiều hành tinh có sự sống. Thành ra, không phải cái gì chúng ta không thấy, không biết thì không phải là không có. Với con mắt nhục nhãn của chúng ta thì chỉ thấy ở một mức độ bình thường, một khoảng cách vừa phải mới có thể nhận thấy, nhưng với Thiên nhãn và Phật nhãn thì có thể nhìn xa, trông rộng, thấy khắp cõi tam thiên đai thiên thế giới này như trong lòng bàn tay là điều tất yếu.

Ghi Chú:

[1] Gopal, Madan (1990). K.S. Gautam, biên tập. India through the ages. Publication Division, Ministry of Information and Broadcasting, Government of India. tr. 78.

[2] Sachau, Edward C. (2001). Alberuni's India. Psychology Press. tr. 271. ISBN 978-0-415-24497-8.

[3] The Geopolitics of South Asia: From Early Empires to the Nuclear Age, 2003, p 16

[4] cf. second verse of Koorma-chakra in the book Narpatijayacharyā

[5] Núi Tu Di, https://vi.wikipedia.org/wiki/N%C3%BAi_Tu-di

[6] J.P. Mittal, History of Ancient India: From 7300 BC to 4250 BC, page 3

[7] http://www.palikanon.com/english/pali_names/s/sineru.htm

[8] Kinh Thế Ký, Trường A Hàm, http://www.budsas.org/uni/u-kinh-ahamtruong/truongaham30-01.htm.

[9] Ibid,

[10] Ibid,

[11] Núi Tu Di, https://vi.wikipedia.org/wiki/N%C3%BAi_Tu-di

[12] Đoàn Trung Còn, Giáo Pháp Nhà Phật, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, tr. 32.

[13] Ibid, http://www.budsas.org/uni/u-kinh-ahamtruong/truongaham30-09.htm

[14] Kinh Thế Ký, Trường A Hàm, http://www.budsas.org/uni/u-kinh-ahamtruong/truongaham30-01.htm.

[15] HT. Thích Thiện Siêu, Giải thoát trong Phật giáo, Tttps://thuvienhoasen.org/a20891/giai-thoat-trong-phat-giao.

[16] Kinh Thế Ký, Trường A Hàm, http://www.budsas.org/uni/u-kinh-ahamtruong/truongaham30-01.htm.

[17] Đoàn Trung Còn, Giáo Pháp Nhà Phật, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, tr. 32.

[18] Chú giải người và cõi, paramatthajotika, mahā abhidhammamattha sangahaṬīkā, Chương IV & V, Dịch giả: BHIKKHU KUSALAPUÑÑO, Tỳ khưu Thiện Phúc, http://www.budsas.org/uni/u-nguoicoi/nc04.htm

[19] Ibid,

[20] Ibid,

[21] http://www.budsas.org/uni/u-nguoicoi/nc04.htm

[22] Xem Truyện cỗ Phật giáo.

https://thuvienhoasen.org/a28887/nui-tu-di-va-tu-chau-thien-ha


Âm lịch

Ảnh đẹp