Bút ký: TÂM KINH VÀ TÔI


Nguyễn Xuân Chiến
10/12/2017 20:13 (GMT+7)
Số lượt xem: 1312
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bút ký:

TÂM KINH VÀ TÔI
Nguyễn Xuân Chiến

(Nhân đọc bài “Sửa kinh không bằng hiểu kinh và tu theo kinh
của bác Đào Văn Bình trên THƯ VIỆN HOA SEN)

* * *

bat nha tam kinh 2

BƯỚC ĐẦU LÀM QUEN VỚI TÂM KINH

Tôi sinh ra ở nhà quê, lớn lên ở nhà quê và suốt đời chỉ là một người luôn gần gũi với luỹ tre, hàng chè tàu, bụi chuối, khóm bông cẩn. Bữa trưa thì mâm cơm gạo lứt hoặc gạo đỏ muối mè rau luộc, ruốc kho - thỉnh thoảng có vài con cá sông cá ruộng tình cờ đi lạc vào mâm cơm khiến bữa ăn trở nên ồn náo vui vẻ hơn ngày thường. Buổi sáng ngủ dậy nằm nán trên giường nghe chim hót líu lo trên đầu hồi và cả bầy chim quây quần sau vườn nhà toàn cây ăn trái sum suê. Ngoài đường xóm bầy trâu ra đồng kêu nghé ơ nghé ọ. Những đêm mưa nằm nghe tiếng ệnh oạng kêu vang thôn làng như bản hoà tấu bất tuyệt của không gian xanh trong buổi thanh bình.

Vào những năm chiến tranh ác liệt nhất khi giặc Pháp trở lại Việt Nam, gia đình phải vô thành nội Huế để tránh súng đạn và trốn lánh những người cầm súng để dọa bắn mình vì thân phụ tôi làm việc cho phe quốc gia mà bên tê là dân Việt Minh. Thời thanh niên vì nhiều lý do phải lưu lạc Saigon và các thành phố khác để trốn lính một thời gian ngắn. Tuổi trung niên lại trở về nhà quê sinh sống – cho nên tôi tự gọi mình là dân nhà quê rặt.

Năm 1952 tôi vừa 5 tuổi, lúc gia đình đang trú tại phường Trung Hậu, đường Mã Khái, bây giờ là đường Thạch Hãn phường Thuận Thành. Mạ tôi sanh mấy đứa con trong buổi loạn ly, cận kề cái chết, cho nên anh em tôi có lẽ thiếu ăn, kém chăm sóc, hoàn cảnh sống rất bấp bênh – rốt cuộc, đưa đến bệnh tật triền miên. Giải pháp của một các bậc cha mẹ gốc nhà quê mà lại không biết đạo Phật, là: Cúng bái, cầu khẩn, hoặc đi xem thầy bói!

Cũng may, cha mạ tôi gặp một ông thầy bói hành nghề kiếm tiền, dĩ nhiên, nhưng ông ta là một người có đạo tâm và có lẽ là một người Phật tử chân chính. Ông ta dạy rằng: Mấy đứa con của ông bà sở dĩ đau ốm, bệnh tật  luôn vì là “con khó nuôi”! Như rứa, chỉ có cách giải trừ duy nhất là: Thứ nhất, nên “bán cho Ông Phật” là bảo đảm lâu dài, con cái sẽ ăn chơi, mạnh chụi ụi như trâu cho mà coi. Mà bán ở mô? Tức là phải lên chùa xin làm lễ bán con. Chùa mô ư? Chùa Vạn Phước ở đồi Nam Giao, gần chùa Từ Đàm đó mà. Thứ hai, phải tụng kinh, ăn chay ba tháng mười ngày. Thứ ba, kể từ sau đó trở đi toàn thể gia đình phải thờ Phật, ăn chay mỗi tháng hai ngày thôi, và ông bà phải tụng kinh trong hai ngày chay ấy. Chỉ chừng đó, rứa thôi!

Cha mạ tôi mới đi hỏi thăm chùa Vạn Phước ở mô? Xin thỉnh kinh ở mô? Ăn chay ra răng? Mần răng mà tụng kinh cho đúng phép? Những việc tế toái ấy kể ra chẳng khó khăn chi, nhưng cha mạ tôi là dân nhà quê mới lên thành phố mới mấy năm nên cũng vô cùng bỡ ngỡ.

Vào một ngày Rằm nào đó, cha mạ dẫn đàn con bốn đứa còn nhỏ dại và mạ bồng trên tay một đứa mới sinh, tất cả ngồi xe xích lô lên chùa Vạn Phước. Sau này tôi đã tập tễnh làm quen với đạo Phật thì mới hay rằng, Lễ Bán Con cho Ông Phật thật ra là Lễ Quy Y Tam Bảo! Cả nhà đều phải quỳ trước điện Phật và Thầy Trụ Trì xướng lên điều gì thì cả nhà phải lập lại ba lần như vậy. Xong lễ quy y, cha tôi được thầy trao cho tờ giấy Phái Quy Y, nhưng mạ tôi thì đinh ninh rằng Thầy trụ trì đã cấp phép chứng nhận đã bán con cho nhà chùa! Với đức tin thiển cận và hẹp hòi ấy cũng đủ khiến cho bầy con của mạ trở nên mạnh khoẻ, ăn chơi, không còn bệnh tật lai rai nữa!

Tiếp theo, đến giờ ăn trưa, nhà chùa mời tất cả thành viên trong gia đình tham dự một bữa cơm chay. Mọi người đều lấy đủ món ăn rồi bỏ vào một tô cơm lớn, trộn chung lại với nhau thành một món hổ lốn. Gọi là “ăn cụ lợt”, nghĩa là “ăn cỗ chay”. Lần đầu tiên trong đời, tôi được ăn chay theo kiểu người Huế xưa, vì người Huế bây giờ thường tân thời và hiện đại hơn, họ ăn từng món riêng lẻ, ít ai còn ăn theo kiểu xưa nữa! Món chay “Ăn cụ lợt” sẽ được bảo tồn như là di sản ẩm thực cúa xứ Huế!

Một thời gian ngắn sau, cha tôi sắm chuông mõ và thuê họa sĩ vẽ ảnh đức Phật Thích Ca theo mô thức tượng đồng đang thờ ở chùa Từ Đàm do Cư Sĩ Nguyễn Khoa Luận thiết kế và cúng dường. Tối hôm ấy, vào khoảng 9 giờ, cha tôi bắt đầu mặc áo tràng, dâng hương và tụng kinh. Dù còn bé tí nhưng tôi cũng cảm nhận thái độ thành kính và trang nghiêm khi thấy người cha của mình dâng lên tất cả nỗi niềm lên đức Thế Tôn như thế nào! Tôi và người chị cùng ngồi trên giường lắng nghe kinh nhưng chỉ nghe một đoạn ngắn liền ngủ gật, riêng chị Hai thì bền lòng hơn nên theo dõi cho đến cuối cùng. Sau này lớn hơn chút nữa, thì tôi có thể ngồi lắng nghe trọn thời kinh không sót chữ nào.

Những khi cha đi làm tùy phái ở Tam Tòa thì chị Hai và tôi lén lấy cuốn kinh nhật tụng xuống để xem và ê a bắt chước đọc từng chứ, và cứ thế, hai chị em đều thuộc làu bài kinh hồi nào chẳng hay, dù không hiểu chi! Ấn tượng lớn lao nhất là bài Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật-đa tâm kinh. Năm lên mười tuổi, tôi rinh về bộ truyện Tây Du Diễn Nghĩa và nghiền ngẫm đến nỗi thuộc lòng vì gia đình đâu có nhiều sách, chỉ mượn được bộ truyện ấy thôi. Tôi còn nhớ mỗi lần bế tắc trên đường Tây du hoặc bị yêu quái bắt bớ giam cầm, thì ngài Đường Tăng bèn chí tâm tụng niệm Tâm Kinh liên tục, cho đến khi thoát hiểm. Tôi bắt đầu có niềm tin ban đầu rằng,  tâm kinh giúp mình vượt qua mọi tai ách, nạn khổ và cứu vớt mọi người ra khỏi nguy hiểm.

VƯỢT QUA MỌI TAI ÁCH, NẠN KHỔ…

Đó là những biến chuyển của thời thơ ấu, đương nhiên khi lớn lên, vì việc học hành hoặc vì đam mê nhất thời mà mình trở nên gắn bó với văn chương, toán học tào lao các thứ và quên bẵng Tâm kinh và cho tất cả đi vào quá khứ. Cho đến khi đi vào cuộc đời với những bước chân trầy trụa khổ lụy buồn vui, có những đêm dài bất an, sợ hãi không ngủ được vì trốn lính có thể bị bắt không biết lúc nào, thì tôi chợt nhớ tới uy lực vô biên của Tâm kinh rồi theo trí nhớ mà thành kính tụng niệm liên miên cho đến ngủ say hồi nào chẳng hay!

Nhân duyên đưa đẩy, tại Đà Lạt tôi may mắn gặp các bạn, các vị thiện hữu dẫn dắt vào đạo Phật. Sách kinh lần lượt đến tay, và với một người ham đọc ham học hỏi, thì tôi không thể bỏ qua việc tìm hiểu ý nghĩa của Tâm kinh. Tôi mới ngã ngửa ra rằng, té ra Tâm kinh được ưa chuộng rộng rãi và… có quá nhiều bản dịch, có quá nhiều người chú giải, giảng luận. Có bản Tâm kinh mà người ta gọi là KINH RUỘT hình như do Phật học viện Hải Đức, Nha Trang xuất bản. Xá-lợi-tử được dịch theo phong cách tân thời là: Đứa con trai của bà Sa-ri, chắc chắn rằng, chúng ta đọc bản dịch mới có lẽ sẽ mau chứng ngộ hơn bản cũ, dịch là “Xá-lợi-tử”! 

Dù sao, tôi đọc rất kỹ và rất nhiều lần tất cả các bản dịch trong tay và quan trọng hơn cả là đọc các phần chú giải.

Tôi thấy không có bản dịch nào gọi là “chuẩn mực” cả, ngay những bản dịch của những người tu hành lâu năm mà chúng ta tôn xưng là pháp sư này, giảng sư nọ. Thật ra, họ chỉ giảng giải trong phạm trù ngôn ngữ thế gian, “đúng sai” theo chủ kiến của riêng tư của mình! Nghĩa là “diễn tả Chân lý bằng cái chấp, cái sở học thế gian của mình” mà thôi! Có vị nào dám nói rằng, đây là bản dịch và chú giải hoàn toàn gần với Chân lý của đạo Phật?

Nhưng, nói vậy thì rơi vào trường hợp võ đoán, thiên chấp cực đoan. Những bản dịch dù là từ chữ Phạn (Sanscrit) và chú giải của Ngài này Ngài kia cũng vẫn có lợi lạc cho những người tìm hiểu, nhà nghiên cứu, cho kẻ sơ cơ, kẻ ham học hỏi mặc dù sự nghiên cứu, học hỏi ấy chưa chắc đã “dẫn tới giác ngộ”, hoặc  chưa chắc đã bằng khi chưa nghiên cứu, học hỏi - những người như vậy còn “mệt hơn” là kẻ chưa biết gì!

Chẳng thà làm người ngu dốt, kém học để khiêm tốn tự nhận rằng mình đang cầu được tu hành, cầu được chuyển hóa bởi Tâm kinh, cầu được cứu độ - hơn là làm một kẻ lam nham, quờ quạng, vẫn còn bơi lội lóp ngóp trong đáy giếng mà ngỡ rằng mình đang ở trên tầng trời cao!

 Nhiều người tự hào rằng, ta đã hiểu Tâm kinh, đã thấu suốt những bí mật súc tích của kinh, những huyền nghĩa của Tâm kinh vân vân. Vâng. Họ có quyền nói chi thì nói, nhưng tôi biết chắc một điều rằng, họ chỉ hiểu trên mặt văn tự và thiên chấp mà thôi, dù họ đã là tiến sĩ Phật học từ Ấn Độ về. Còn ý nghĩa thật sự của Tâm kinh thì… còn khuya. Hiểu Tâm kinh như rứa, người ta có thể bốc phét hoặc lên lớp với kẻ chưa học, kẻ sơ cơ đang mày mò trên đường đạo mà thôi. Rất ít ai đọc tụng Tâm kinh mà dám tự nhận mình đối với Tâm kinh vẫn còn lúng túng, non yếu!

CHO TÔI TRỞ LẠI NGÀY XƯA ẤY?

Có nhiều lúc tôi dại dột nghĩ rằng, nếu thời gian như bánh xe quay lại từ buổi sơ khai “cho tôi trở lại ngày xưa ấy” và tâm hồn mình sẽ trở thành như đứa trẻ thời xa xưa, nghĩa là ngây thơ, thuần phác, trong trắng. Mình sẽ tìm hiểu Tâm kinh dễ dàng hơn vì lòng trong veo chưa vấy bẩn chút gì!. Không, không bao giờ - người thế gian có thể nghĩ như vậy chỉ vì họ không có ánh sáng Phật pháp - nhưng những người học đòi theo đức Phật như chúng ta thì không được nói vậy. Tại sao? Một đứa trẻ dù mới sanh ra, mà người xưa gọi là “xích tử anh nhi” vẫn có một quá khứ tựa như thùng rác, có đủ thứ hằm-ba-lằng trong a-lại-da thức, bên ngoài ra vẻ ngây ngô con nít, nhưng bên trong là cả một thùng rác vĩ đại chất chứa đủ thứ tội lỗi, ngu dốt của hàng trăm triệu kiếp. Phẩm kinh Phổ Hiền nói: Nếu tội lỗi mà có hình tướng thì cả hư không này cũng không thể chứa đựng hết được!

Rồi đứa trẻ ấy lớn lên theo dòng thời gian, chồng chất lắm thứ rác rến của hàng vạn tác nhân tha hồ đổ vào và khiến cho thùng rác sẵn chứa nhiều thứ nay lại càng đầy rẫy hơn gấp bội! Cho nên chúng ta không thể nói rằng, mình sẽ trở lại ngày xưa là trở lại ngây thơ, thuần phác như tờ giấy trắng tinh được.

Mang cái thùng rác ấy (tâm thức hoen ố tùm lum tà la) mà đòi hiểu Tâm kinh bằng cách nhồi nhét một cái gọi là kiến thức tâm kinh, hay gọi là tri thức Bát-nhã thì… chuyện đội đá vá trời! Như vậy, tôi đã ôm hơn chục bản dịch và chú giải để sống và đi khắp nơi để tìm cầu thiện hữu tri thức, hầu mong gặp những người có hành trì và tu chứng để họ đập vỡ hoặc bứng trốc gốc mọi cái ngu si của mình, nhưng té ra, ngoài việc khoe văn nhá chữ, những vị ấy cũng hiểu lờ mờ và cạn cợt như bản thân mình. Rứa thôi! Nghĩa là họ chỉ hiểu trên mặt văn tự, ngữ ngôn, và chỉ ba hoa chích chòe - chứ không phải hiểu thấu đáo từ sâu thẳm bên trong.

NHÂN DUYÊN HỘI NGỘ BẬC THẦY

Năm 1972, tôi gặp anh Nguyễn Văn Thuận, một người đệ tử thân tín của Hương Nghiêm tịnh viện. Bà Cô của anh Thuận tức là Cô Ba Chỉ là đệ nhất tín thí của chùa, nên anh được phước duyên gần gũi các bậc cao tăng ở vùng Phú An và anh lui tới vô cùng thân mật. Anh đã tạo mọi điều kiện để đưa tôi yết kiến ngài Thiền Tâm và kiếm một chỗ ở thích hợp để tạm trú và lại sẵn đủ cơm ngày ba bữa để tới chùa Hương Nghiêm học kinh dưới sự chỉ dạy của hòa thượng, suốt mấy năm!.

Sau khi bái kiến ngài Thiền Tâm tại Hương Nghiêm tịnh viện, mãi cho đến khi đã thân tình, tôi mới mạn phép tham vấn ngài về ý nghĩa của Tâm kinh. Tôi thú thật:

- Thưa Thầy! Con đã đọc và nghiên cứu Tâm kinh mà sao vẫn chưa hiểu chi hết trơn!

Ngài cười hiền:

- Đối với ngài Huyền Trang mà mọi người gọi là Đường Tăng, thì bản Tâm kinh đúng ra là bài Thần Chú và không còn là bản kinh bình thường như các bộ kinh khác nữa. Ngài đã tụng hàng triệu triệu lần mà không bao giờ tìm hiểu ý nghĩa mà chi! Theo sách kinh còn lưu lại, thì Đường Tăng có thể đọc xuôi và đọc ngược lại, đến nỗi nói tới Tâm kinh thì người ta bắt buộc nhớ ngài, trọn cuộc đời gắn liền với Tâm kinh không qua nghiên cứu rầy rà!

Tôi kinh ngạc:

- Vậy con có thể trì tụng mà chẳng cần nghiên cứu, tra vấn, lục lọi, tìm tòi mần chi cho nhọc! Phải không, thưa Thầy?

- Vâng. Vì là Thần Chú, tức là Mật ngôn của Chư Phật, Chư Đại Bồ-tát, nên làm sao những chúng sanh tầm thường như chúng ta có thể hiểu thấu được? Mà cậu ơi, hiểu để làm gì? Phân tích, chia chẻ, lý luận để mà chi? Nắm rõ bài Tâm kinh ấy để làm gì? Mục đích tối thượng của người Phật tử là tu tập để vượt qua bờ bên kia – mà Tâm kinh thực chất là Bài Thần Chú có khả năng đưa  chúng ta qua thấu Bờ Bên Kia, nó là chiếc thuyền gọi là Thuyền Bát Nhã. Tựa như câu OM MA NI PADME HUM hoặc là câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT vậy.

Cậu nếu tin lời Phật, lời Bồ-tát thì hãy nhắm mắt nhắm mũi mà tụng niệm đêm ngày. Không cần thắc mắc, suy nghĩ, tìm hiểu, nghiên cứu mà nên giữ thài độ vô tâm để sống chết với Tâm kinh – rồi một ngày kia cậu sẽ thấy mầu nhiệm. Tôi không thể nói cho hết được!

Vấn đề là TIN và nắm giữ bài kinh mà tụng niệm liên tục. Chấm Hết!

VẤN ĐỀ LÀ TIN VÀ NẮM GIỮ BÀI KINH

Người ta cứ đau đáu cái việc tìm hiểu, cứ quan tâm đến việc nghiên cứu. Và nhân nào quả nấy, người ta sẽ trở thành kẻ đi tìm, kẻ lý luận, học giả hoặc nhà nghiên cứu hoặc may mắn trở thành nhà bác học hoặc chuyên gia nghiên cứu kinh điển mà thôi. Chứ họ không thể nào trở thành người tu chứng, kẻ sống chân thật cho Tâm kinh, hoặc chánh pháp. Trong khi đạo Phật cần những người sống chết cho Chân lý Như thực.

Nhưng, con người là những chúng sanh bản chất rất tò mò, ưa thắc mắc, thích kinh ngạc tìm hiểu, ưa vạch lá tìm sâu… vậy thì chúng ta cũng tìm tòi sơ lược cho biết qua Tâm kinh như thế nào, để tạm hiểu cho vui. Không lẽ mang tiếng trì tụng Tâm kinh mà không rõ Tâm kinh là cái chi, “Sắc tức thị không” là ra làm sao? thì nghĩ cũng kỳ kỳ. Thôi, chúng ta nếu gặp vài cuốn sách giảng giải về Tâm kinh, thì nên đọc qua để biết đỡ thóc mách, tọc mạch về một cái gọi là Ma-ha Bát-nhã Ba-la-mật-đa… cho rộn ràng  rứa thôi!

Rồi mình nếu tin lời Phật dạy, tin vào Đấng Chánh Biến Tri thì, nói như lời dạy của Ngài Thiền Tâm: Nhắm mắt nhắm mũi mà tha thiết, chân thành, nhất tâm trì tụng Tâm kinh hàng triệu triệu lần không có mệt mỏi, chán nản. Được như vậy thì quỷ thần tán thán, chư Thiên hoan hỷ và không bao lâu, một hôm nào đó sẽ được Đức Thế Tôn lấy tay xoa đầu hoặc lấy y báu trùm cho.

Rứa thì chúng ta còn mong gì nữa?

        * * *

Về phần chúng tôi, vốn là những kẻ sơ học đang theo pháp môn Tịnh Độ, đương nhiên ngoài việc lạm dụng của xã hội ngày ba bữa cơm đơn giản, chúng tôi chỉ niệm Phật chuyên ròng và kèm thêm tụng niệm Tâm kinh như là phần phụ trợ cho sự nghiệp vãng sanh. Viết bài này như để sách tấn chính bản thân mình với cái nhìn riêng tư và rất xưa cũ về Tâm kinh, chứ chẳng mong góp ý hoặc tranh luận dông dài. Mong quý vị niệm tình hoan hỷ và bao dung!

Xin cảm ơn tất cả!

Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật
Nam mô A di đà Phật

Nguyễn Xuân Chiến
(Thư Viện Hoa Sen)

Bài đọc thêm:
Tâm Kinh Tuệ Giác Qua Bờ (Thích Nhất Hạnh)
Tâm kinh Tuệ Giác Qua Bờ (Bản gốc Làng Mai)
Có Nên Dịch Lại Tâm Kinh Hay Không (Nguyễn Minh Tiến)
Bát-nhã-ba-la-mật-đa tâm kinh (Quảng Minh dịch) 
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh (nhiều dịch giả)
Dẫn Vào Tâm Kinh Bát-nhã (Thích Tuệ Sỹ)
Bản Lai Vô Nhất Vật…(Nguyên Giác)
Suy Nghĩ Từ Bát Nhã Tâm Kinh (Nguyên Giác)
Jayarava phê bình Thích Nhất Hạnh đã biến đổi Tâm Kinh

Vài suy nghĩ khi đọc bài “Jayarava phê bình Thích Nhất Hạnh đã biến đổi Tâm Kinh” (Nguyễn Minh Tiến)
Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh Lược Giải (Thích Duy Lực)
Vài nhận xét về vấn đề dịch lại Tâm Kinh của thầy Nhất Hạnh (Lê Tự Hỷ)
Sửa kinh không bằng hiểu kinh và tu theo kinh (Đào Văn Bình)

https://thuvienhoasen.org/a29013/tam-kinh-va-toi


Âm lịch

Ảnh đẹp