22/11/2017 11:43 (GMT+7)
Số lượt xem: 1817
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong Bát chánh đạo, chánh tinh tấn là một chi phần quan trọng. Áo nghĩa thư cũng có một câu nói rất nổi tiếng là: ‘Hãy đứng lên và đừng bao giờ dừng lại cho đến khi đạt được mục đích’.

Thật vậy, cuộc đời dạy chúng ta nhiều điều, nhưng điều quan trọng nhất là đừng bao giờ ngừng làm việc, ngừng cố gắng. Làm việc với nỗ lực và mục tiêu chân chính bạn sẽ đạt được điều mình mong muốn một cách hân hoan. Colin Power nói rất hay rằng: ‘Một giấc mơ không thể trở thành hiện thực bằng phép màu. Nó phải đổ mồ hôi với sự kiên trì và nỗ lực’.

buddha-1996167_960_720.jpg
Đức Phật 

Rất có thể sự nỗ lực của chúng ta đôi khi không đem lại kết quả như mong muốn nhưng nó sẽ không bao giờ là vô ích. Chỉ cần nó được làm với tất cả tấm lòng thì dù cho có thất bại tạm thời đi nữa nhưng bạn cũng sẽ tìm thấy trong đó một cái gì tương tự như sự hài lòng, thỏa mãn. Thật không phải dễ dàng gì để bắt đầu lại sau sự thất bại, nhưng nếu không làm gì hết thì bạn sẽ không đạt được gì cả. Hãy lập những kế hoạch cụ thể cho mình và thực hiện chúng. Hãy làm việc không ngừng với mục tiêu đã vạch ra, nhưng hãy ghi nhớ một điều là… dù cho có thất bại đi nữa thì cuộc đời vẫn chưa phải là hết. Có nhiều con đường dẫn đến đích. Điều quan trọng là đừng bao giờ tuyệt vọng khi gặp phải thất bại. Hãy hít thở thật sâu, và thừa nhận rằng có cái gì đó đã sai với con đường vừa đi qua và hãy bắt đầu lại cuộc hành trình đó bằng một con đường khác. Nếu chúng ta đã cố gắng mà vẫn thất bại thì có lẽ còn bài học nào đó nữa mà ta cần học thêm. Hãy cố gắng một cách tích cực. Bên cạnh đó cũng đừng quên giúp đỡ người khác khi họ cần đến bạn. Đây là cách tốt nhất để bạn tìm thấy sự thanh thản tâm hồn và nhận ra giấc mơ của mình.

Cuộc sống tu hành cũng thế. Nhiều người phàn nàn rằng, thời Đức Phật sao thấy người tu chứng quả nhiều quá. Còn bây giờ sao không nghe nói ai chứng quả gì cả. Chúng ta chỉ biết phàn nàn rồi than vãn mà không nhìn lại cách hành trì của mình. Cao Phong Diệu thiền sư lập nguyện ba năm không nằm, Hiếp Tôn Giả một đời lưng không dính chiếu, Milarepa ngồi thiền đến chai cả mông v.v… Còn mình đã dành bao nhiêu thời gian trong ngày cho việc tu tập? Chúng ta phải thừa nhận rằng mình đã dành gần hết thời gian cho các hoạt động hướng ngoại nhưng rất ít thời gian cho tu tập bên trong. Lời nói của Đức Phật không hề hư dối, có tu và tu đúng phương pháp là có chứng. Vấn đề là chúng ta có thực tập hay chỉ nói suông. Có kiên trì hay thấy khó liền bỏ cuộc.

Các vị Thánh tăng ngày xưa tu theo giáo pháp Phật dạy mà chứng quả thì ngày nay chúng ta cũng có thể chứng quả nếu ta cũng tu “gắt củ kiệu” như họ. Có thực tập thì chắc chắn có kết quả. Không có gì có thể đạt được nếu thiếu sự tinh tấn và kiên trì. Lời cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập Niết-bàn là: “Này các đệ tử, cuộc đời rất ngắn ngủi, hãy nỗ lực không ngừng”.

Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để đạt những mục tiêu tâm linh. Rồi ta sẽ thấy rằng những cố gắng của ta sẽ có kết quả. Và chuyện chứng đắc không phải chỉ là chuyện cổ tích. Còn như ta chưa thể giác ngộ ngay trong hiện đời thì công phu của ta cũng không hề lãng phí, ít nhất ta cũng có được những kinh nghiệm về tâm linh, chứ không phải chỉ là việc nhai “xác mía” của những con chữ.

Tôi nghe nói rằng có một thiền tăng Nhật Bản đi đến các danh tăng đương thời để tham vấn đạo giác ngộ, nhưng không có ai giải đáp được những vấn đề ngài thắc mắc. Và ngài đã nói thẳng với họ rằng “Những giải đáp của quý vị cũng như người bị ngứa ở chân mà chỉ được gãi bên ngoài chiếc giầy mà thôi”. Đó chính là chỗ bất cập của “học nhiều mà hành ít” vậy.

Thích Trung Hữu

http://vedepphatphap.vn/mot-giac-mo-hien-thuc-bang-phep-mau.html


Âm lịch

Ảnh đẹp